(Nguyễn Mạnh Hùng) Cảm nghĩ về “Thầy tôi, chùa tôi”

Sau khi đọc bài này, lẽ thường chúng tôi có thể gặp anh Võ Ý để trao đổi nếu vấn đề anh nêu ra trong nội bộ anh em. Vì anh công khai trên mạng nên cũng xin góp ý với anh trên mạng. Và cũng xin được phép thưa rằng chúng tôi góp ý nhau trên tình đạo hữu và khách quan. Những gì mang tính chủ quan, cá nhân sẽ không được đề cập ở đây. Tuy nhiên “Đặng ý quên lời” nên trong lời lẻ có sơ xuất cũng xin lượng thứ nhứt là anh Võ Ý bỏ qua cho.
1) Quan niệm “Thầy tôi, chùa tôi” của anh Võ Ý
Đây là quan niệm mang tính chấp NGÃ, biên kiến từ đó sẽ có cái nhìn chủ quan, giới hạn. Bởi vì nếu ai cũng có suy nghĩ này (mà thực tế rất đông người) thì mỗi vị xuất gia sẽ có riêng một số đệ tử thân tín ít hay nhiều tuỳ theo khả năng thu hút của vị đó. Vị thầy được đánh giá qua chiếc áo, lời giảng, dáng điệu bên ngoài, còn cái Tâm bên trong mấy ai hiểu được. Từ đó chỉ biết “thầy tôi” mà quên rằng “thầy tôi” cũng là một con người đang tu (sửa) và hành đạo Phật (là đạo chân thật, không Tham, Sân, Mạn, Nghi).
Còn quan niệm “chùa tôi” thì phải to và đẹp nên ra công ra sức, đóng góp tiền của để tôn tạo. Đến chừng vỡ lẽ ra thì “chùa tôi” biến thành “chùa thầy”.
Chúng tôi đã được “sáng mắt” qua hình ảnh vị HT kính mến, Chủ tịch GHPGVNTN tại Âu châu với ngôi chùa Khánh Anh Evry (cũng là Trụ sở GHPGVNTN tại Âu châu) to lớn trị giá hơn 30 triệu euros, đã trở thành lãnh tụ “Về Nguồn” và là chủ ngôi Đại tự này. Rồi với HT Viện chủ chùa Điều Ngự (là trụ sở Văn phòng II VHĐ) rất đạo mạo, hiền từ, học vị cao, bỗng chốc trở thành thủ lãnh “Tăng Đoàn”. Quả là mấy ai lấy thước mà đo lòng người.
Chúng tôi góp sức cùng nhau tìm kiếm, tạo mãi ngôi chùa Phật Quang ngay từ những ngày đầu để thực sự không còn là “chùa tôi” biến thành “chùa thầy” mà là chùa chung của Tứ chúng, của Giáo Hội.
Còn “thầy tôi” không còn là một cá nhân vị xuất gia nào mà chính là Đức Phật Thích Ca Như Lai. Lẽ nào chúng mình quên câu niệm “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” rồi sao?Có ai niệm Nam mô Bổn sư Thích Viên Lý, hay Bổn sư Thích Minh Tâm bao giờ đâu? Vậy mà người phật tử đến chùa chỉ biết “thầy tôi” bằng xương bằng thịt vẫn còn Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi mà quên ÔNG PHẬT, mới chính thực là Bổn sư của mình. (Ngoại trừ những vị chân tu như Đạt lai Lạt ma, Thầy Thiện Hoa, Thầy Huyền Quang, Thầy Quảng Độ, Thầy Thanh Từ…cả đời không có cái gì riêng cho mình.)
Khi đã nhận Thích Ca là Bổn sư thì sẽ không quá sùng bái, thần tượng mà quán xét khách quan những vị xuất gia trong việc hành trì chánh pháp. Vì có sự “chiếu tướng” của phật tử sẽ giúp các vị xuất gia nghiêm túc tu hành, không dám “lạng quạng” phạm giới.
Việc làm của sư Giác Đẳng bị biên kiến “thầy tôi” nên anh Võ Ý không thấy những sự việc đã qua. Tất cả phật tử chùa Phật Quang rất ít khi được trò chuyện cùng sư. Sư cũng không lưu trú tại chùa thường xuyên. Sư đến khi có lễ trong vài ngày rồi sư đi. Văn phòng II VHĐ đặt tại chùa Phật Quang mà có bao giờ thấy Chủ tịch hay Tổng Thư ký làm việc đâu? Phật tử không ai biết sư đi đâu, làm gì. Hỏi Tổng Thư Ký, cũng trớt quớt. Suốt cả năm trong lòng phật tử bâng khuâng không biết chùa Giáo Hội còn nợ bao nhiêu? Không ai hỏi. Mà muốn hỏi thì không có dịp hỏi sư. Sư đến rồi đi. Tổng Thư Ký mà chuyện nợ nần chùa cũng không biết vì sư không cho biết (?).
Anh Võ Ý biết sư và nhận sư làm “thầy tôi” qua 10 phút trò chuyện, qua “10 lá thư hàng tuần” mang “Phật tính và phép lạ”. Đó là khám phá riêng của anh Võ Ý chúng tôi tôn trọng. Nhưng có điều chúng tôi chỉ được biết “chúng sinh đều có phật tính” chớ chưa bao giờ nghe nói lá thư mang “tính phật” bao giờ và trong đạo phật “phép lạ” cũng là từ “lạ”. Có dịp mong anh Võ Ý giải thích cho.
2) “quý” thầy và “mến” chùa:
Qua lời tâm tình, anh Võ Ý, ngoài 10 phút trao đổi và 10 lá thư hàng tuần, anh “quý” thầy và “mến chùa” bằng cách tham dự hầu hết các lễ lạc quan trọng rồi qua đó anh cảm nhận được tài năng và đức độ của thầy. Anh Võ Ý rất rất ít khi đến chùa mỗi chủ nhựt để tụng kinh, sinh hoạt thường nhựt cùng các phật tử thì làm sao thấy được những tâm tư của những anh em khác. Là người chỉ có mặt trong vài ba buổi lễ để thấy “thầy tôi” đức độ, tài năng. Tôn vinh cố Viện trưởng Thích Như Đạt qua lời diễn thuyết ứng khẩu mà “thầy tôi” không hề gọi điện thoại một lần nào hỏi han sức khỏe trong suốt bốn tháng Thầy cố Viện Trưởng lâm trọng bịnh. Và còn hứa gởi tiền hỗ trợ xây bảo tháp rồi “quên ” vì phật sự (?).
Anh Võ Ý không phải là một trong những phật tử đầu tiên bôn ba tìm kiếm, vận động tài chánh tạo mãi chùa Phật Quang và cũng vì biên kiến “thầy tôi” đạo đức nên không có những “bức xúc” rằng “ngôi chùa còn nợ bao nhiêu sao không thấy “thầy tôi” cho biết” của những phật tử kỳ cựu.
Cũng vì “thầy tôi” tài năng nên anh Võ Ý không thấy cách hành xử của người chủ nhiệm trước thông tin sai sự thực (chỉ cần đính chánh là xong) và Từ nhiệm khi được yêu cầu Công khai Tài chánh.
Cũng vì “thầy tôi” đạo đức nên đã từng nói với phật tử là Giáo Hội đang rất thiếu nhân sự rồi vì tự ái lại rũ áo ra đi bỏ mặc Giáo Hội. Vậy “thầy tôi” coi cá nhân trọng hay Giáo Hội trọng đây? (SÂN).
Cũng vì “thầy tôi” mà những đệ tử của thầy trong “tiếng nói lương tri” chỉ biết đăng những bài binh “thầy tôi” còn những bài không có lợi cho “thầy tôi” thì vô sọt rác. Vậy là “tiếng nói lương tri” sao?
Không biết anh Võ Ý có đọc qua những bài viết như: Lương Tri Lên Tiếng, Những Nguyên Nhân Đưa đến Sự Đổ Vỡ…,Nhận Định Về Bản Tuyên Bố Chung, Bản Tuyên Bố Chung Đã Vi Phạm Hiến Chương. Nếu có thì xin anh chỉ cho chúng tôi có điểm nào sai trong các bài trên. Anh đã có nhận, có thể có đọc nhưng vì biên kiến “thầy tôi” nên không nhận rõ “thầy tôi” sao?
“Thầy tôi” tự nộp đơn từ nhiệm trong khi trong nước chưa có quyết định. Và “thầy tôi” đã toại nguyện không giữ một chức nào nữa. Vậy mà “thầy tôi” vẫn có tài, có đức nên triệu tập cuộc họp của VP II VHĐ và Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ 13 người qua điện thoại, trong đó 5 người (có anh Võ Ý) không phải là thành viên để ra một “Tuyên Bố chung”: tuyên bố “Độc Lập Nhân Sự”
.
Anh Võ Ý ủng hộ “Độc Lập Nhân sự” vậy anh có còn khách quan khi viết về “thầy tôi” nữa không?
Chúng tôi, dĩ nhiên luôn cùng thuyền với Giáo Hội với vị thuyền trưởng Đạo Đức và Tài Năng thực sự. Vị này không đáng để anh Võ Ý nhận làm “thầy tôi” vì vị Thuyền Trưởng này già rồi, lú lẫn? (phạm thượng). Thế còn Thầy Thanh Quang, Thầy Nguyên Lý, vài Thầy nữa trong Lưỡng Viện và Đạo hữu Lê Công Cầu cùng ông Võ Văn Ái nữa không cố vấn cho Thầy Tăng Thống?
Ở đây chúng tôi không đứng về cá nhân nào. Chúng tôi là phật tử của Giáo Hội, theo Phật, theo Chánh pháp. Xin đừng “chụp mũ” thân bênh Võ Văn Ái. Ông Ái làm được việc cho Giáo Hội hay không thì do Giáo Hội đánh giá. Thầy Tăng Thống được cả thế giới biết đến, được giải Rafto tại Na Uy, được đề cử cả chục năm ở giải Nobel, được nhiều viên chức chánh phủ, nghị sỹ các nước đến thăm và cụ thể gần đây là Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ đến thăm. Chánh quyền Cộng sản việt nam biết rõ do ai tạo ra những sự kiện này nên tìm bằng mọi cách triệt hạ một nhân vật vừa tranh đấu cho Giáo Hội, vừa tranh đấu trực diện với các phái đoàn cộng sản tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Là người Tỵ nạn cộng sản chúng ta phải có thái độ như thế nào cho đúng Chánh kiến? Thưa anh Võ Ý?
Thông Bạch Về Hiện Tình Văn Phòng II Viện Hóa Đạo đã được phổ biến. Những thông tin trong đó có đúng hay không, đúng tới chừng mực nào tuỳ theo cái nhìn của mọi người. Tuy nhiên với uy tín của Giáo Hội, những điều minh thị trong Thông Bạch không thể là bịa đặt, không chứng cứ. Mong anh Võ Ý đọc kỹ vì đây là việc quan trọng.
Việc sư Giác Đẳng dự định giải bày trước công luận là điều sư muốn làm. Nhưng chúng tôi nghĩ điều cần thiết phải làm là giải trình với Thầy Tăng Thống, với VHĐ trong nước trước khi từ nhiệm. Nhưng giờ có lẽ đã trể.
3) Tạm Kết:
Đạo Phật là đạo của lòng Từ Bi và Trí Tuệ. Nếu sư Giác Đẳng quả thực tình vì Giáo Hội, là vị chân tu đạo hạnh, hiểu thấu lý Vô Ngã thì dù oan ức cũng xin Sám Hối với Thầy Tăng Thống, với Hội Đồng Lưỡng Viện, nguyện làm thành viên của Giáo Hội để tiếp tục công việc Phật sự tại hải ngoại, như lời Phật dạy trong Luận Bảo Vương Tam Muội:
Điều 10: Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân quả chưa xa, vì làm như vậy là hèn nhát, mà oán thù lại càng thêm tăng.
Bởi vậy, Đức Phật dạy: Lấy oan ức làm cửa ngỏ đạo hạnh.
Và Sự Thật cần Thời Gian.
Một lần nữa chúng tôi mong quý đạo hữu, và anh Võ Ý lượng thứ nếu có những lời lẽ không vừa lòng.
Hùng Nguyễn
One thought on “(Nguyễn Mạnh Hùng) Cảm nghĩ về “Thầy tôi, chùa tôi””
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freed-of-religion-unifi-buddhist-08232015053404.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freed-of-religion-unifi-buddhist-08232015053404.html/08232015-freed-of-religion-unifi-buddhist.mp3
Tự do tôn giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freed-of-religion-unifi-buddhist-08232015053404.html/08232015-freed-of-religion-unifi-buddhist.mp3
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/freed-of-religion-unifi-buddhist-08232015053404.html
Tự do tôn giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-08-23
08232015-freed-of-religion-unifi-buddhist.mp3Phần âm thanh Tải xuống âm thanhHòa thượng Thích Quảng Ba, phó Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, đồng thời là phó chủ tịch Tổng liên hội Phật giáo Thế giới
Hòa thượng Thích Quảng Ba, phó Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, đồng thời là phó chủ tịch Tổng liên hội Phật giáo Thế giới
Tự do tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt đối với những giáo hội không được nhà cầm quyền Hà Nội công nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, là vấn đề được nhiều quốc gia tự do cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế quan tâm và gây áp lực.
Hòa thượng Thích Quảng Ba, phó Hội chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, đồng thời là phó chủ tịch Tổng liên hội Phật giáo Thế giới dành cho biên tập viên Gia Minh cuộc nói chuyện về vấn đề đó.
Trước hết ông nhận định:
Hòa thượng Thích Quảng Ba: Đứng về mặt thực hiện tín ngưỡng thì không ai phủ nhận là có nhiều chùa, nhiều nhà thờ và tín hữu đi sinh hoạt, đi xin lễ, đi tu niệm tương đối khá tự do. Vấn đề không phải tín đồ có được thờ Phật ở nhà hay bị lật đổ bàn thờ như thời 46-54 ở liên khu 2, liên khu 3, liên khu 4, liên khu 5 tới Khánh Hòa là hết, vào phía trong do Pháp cai trị rồi. Vấn đề cũng không phải giới hạn số lượng linh mục được đào tạo hay không mặc dù Vatican đang thương lượng rất nhiệt tình để làm sao cho vui lòng Hà Nội cho họ gia tăng thêm số lượng linh mục được đào tạo mỗi khóa của mỗi giáo phận. Ai cũng biết họ cấm lúc đầu và họ mở từng bước, từng bước và mỗi người, mỗi tôn giáo, mỗi chức sắc tôn giáo được nhận thêm chút xíu quyền lợi như vậy thì cảm thấy thoải mái và cảm thấy hài lòng, dĩ nhiên không hài lòng trọn vẹn.
Thế giới có thể hỏi và người chức sắc tôn giáo có thể trả lời thành thật là có, chúng tôi có được một số tự do vì trước kia ví dụ 5 năm mới đào tạo được 20 linh mục, bây giờ 5 năm đào tạo được 100 linh mục.
Nhưng tất cả những điều đó hoàn toàn không có giá trị trước tiêu chuẩn quốc tế. Theo tiêu chuẩn quốc tế thì không có chính phủ nào khống chế con số linh mục được đào tạo mà lại gọi là có tự do tôn giáo!?
Tôi đưa ra một ví dụ như thế thôi; cho nên tất cả những văn bản qui định về tôn giáo từ thời ông Hồ 1946 cho đến mãi sau này ông Phạm Văn Đồng… và cái cuối cùng sau này mà tôi muốn nhấn mạnh; mặc dù sau đó còn mấy cái nữa đó là Pháp Lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo do Quốc hội ra năm 2004.
Văn bản đó họ ra để ‘chạy thuốc’ thôi vì lúc đó Quốc hội Mỹ đang áp lực rất nặng trên chính quyền Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo để có thể trao đổi một số quyền lợi về vấn đề kinh tế và những vấn đề khác. Họ ra văn bản đó để làm vui lòng Mỹ đồng thời cũng ‘nghiêm khắc hóa’ tất cả những hoạt động tôn giáo. Khi tôi dùng chữ nghiêm khắc hóa nhằm muốn nói họ đã nghiêm khắc rồi và bây giờ còn nghiêm khắc hơn nữa. Vì trước đó có những điều chưa qui định, mặc tình cho các cấp chính quyền theo ý riêng của họ, khi có văn bản qui định thì làm cho những người muốn thực hiện tôn giáo bị nhiều cơ cấu quyền lực áp đặt lên hơn nữa.
Ai cũng biết họ cấm lúc đầu và họ mở từng bước, từng bước và mỗi người, mỗi tôn giáo, mỗi chức sắc tôn giáo được nhận thêm chút xíu quyền lợi như vậy thì cảm thấy thoải mái và cảm thấy hài lòng, dĩ nhiên không hài lòng trọn vẹn
Hòa thượng Thích Quảng Ba
Gia Minh: Chính quyền thì như thế, còn các giáo hội như giáo hội của hòa thượng đã làm gì để có thể hành đạo, giữ niềm tin trong mức độ cần thiết; có thể nói mạnh hơn là việc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo ra sao và đạt được đến đâu?
Hòa thượng Thích Quảng Ba: Xin cho tôi được xác nhận khi nói về giáo hội của tôi thì đây là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được chính thức thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1964 sau hội nghị 5 ngày tại Chùa Xá Lợi. Giai đoạn trước đó chỉ là các hội lẻ tẻ ở các vùng thôi. Cái căn bản của đạo Phật là sinh hoạt từng chùa chứ chúng tôi không dựa theo giáo hội nhiều. Giáo hội chỉ là cơ quan hành chánh, lâu lâu tổ chức việc này, việc khác thôi chứ giáo hội không nhằm đặt ra để mà kiểm soát tất cả các chùa và không có huy động trực tiếp, chỉ huy các thầy làm gì. Các thầy chủ động đặt ra chương trình để làm thôi.
Nhưng từ khi có giáo hội chúng tôi gặp nhiều điêu linh, thống khổ từ bàn tay của nhiều phía xem vào để phá.
Như câu hỏi của anh ‘chúng tôi đã làm gì’ thì chúng tôi cũng tu hành bình thường thôi nhưng cơ quan hành chánh của chúng tôi không được tôn trọng. Họ chưa có văn bản nào phủ nhận; nhưng đồng thời họ cũng chưa bao giờ công nhận có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở tại Việt Nam.
Gia Minh: Gần đây có những chùa theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trước đây công khai ra lại và bị sách nhiễu; nhưng sau này có sự giao lưu giữa bên trong và bên ngoài thì hòa thượng ở bên ngoài hỗ trợ, giúp đỡ cho những chùa ở trong Việt Nam nói riêng, và người Phật tử nói chung để họ nhận biết sự việc ra sao; điều đó có khả quan hay không?
Hòa thượng Thích Quảng Ba: Riêng cá nhân tôi từ khi đặt chân đến Úc vào ngày 2 tháng 11 năm 1983 đến nay, gần 32 năm rồi, những điều chúng tôi làm cho quê hương, đất nước nói chung cũng hơi nhiều và nói riêng cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng khá nhiều.
Bây giờ điểm chính mà mình muốn tranh đấu hay đòi hỏi là phục hồi tư cách pháp nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngoài chính quyền cộng sản. Chúng tôi chưa bao giờ chấp nhận mình đứng bên trong hay đứng bên dưới cái cơ chế chính trị của chính quyền cộng sản
Hòa thượng Thích Quảng Ba
Bây giờ điểm chính mà mình muốn tranh đấu hay đòi hỏi là phục hồi tư cách pháp nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngoài chính quyền cộng sản. Chúng tôi chưa bao giờ chấp nhận mình đứng bên trong hay đứng bên dưới cái cơ chế chính trị của chính quyền cộng sản. Chúng tôi chấp nhận mình là công dân của đất nước Việt Nam, và nước Việt Nam hiện nay chế độ cộng sản cai trị, điều đó không ai phủ nhận được. Người Phật tử nào cũng phải đi bầu, dù rằng đó là ‘đảng cử, dân bầu’; nhưng đó là chuyện khác.
Sau khi tôi ra tù, đi vượt biên ra nước ngoài rồi tôi làm mọi cách để giữ sống các bạn đạo của tôi đang ở tù. Tôi giúp cho các thầy mà chùa của họ quá đói khổ, điêu linh, thiếu cơm gạo thì tôi trợ giúp một phần kinh tế.
Gần đây có một số trường Phật học mặc dù do Nhà nước Việt Nam lập ra; giáo hội ( Phật giáo Việt Nam) đó điều hành nhưng họ cũng dạy Phật Pháp, cũng dạy kinh điển cho các tăng ni. Có mấy chục trường như vậy trên toàn quốc. Thực ra từ sau 1990 họ mới cho lập trường ( Phật học), chứ trước đó không có. Tất cả những trường mà giáo hội chúng tôi lập ra trước năm 1975 đều bị đóng cửa, giải thể hết.
Thế thì những trường đó, nhất là những trường nơi quê hương Bình Định của tôi, tôi ủng hộ. Hòa thượng Huyền Quang có dạy tôi cố gắng giúp đỡ cho quí chư tôn đức ở quê nhà, mở trường để dạy cho con em những lớp đi sau mình. Bây giờ lớp đàn em là lớp cháu của tôi họ được đi tu, được học đạo thì chúng tôi giúp đỡ cho họ có cơm nước, rau đậu, muối, điện nước… cho họ học. Sau khi họ học 4-5 năm lên đến cao cấp đủ khả năng làm việc đạo thì cũng giúp cho đồng bào Phật tử trong nước thôi, mặc dù dưới cái dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Nhà nước nhưng họ cũng là tu sĩ. Dĩ nhiên có một số rất ít 1,2 phần ngàn nào đó có vẻ tích cực làm theo lệnh của Nhà nước, hại đồng đạo của mình và một cách ‘hùng hổ’ muốn ‘mua danh, bán chức’, cậy thời, xu thế vươn lên để chèn ép đồng đạo thì chúng ta có thể điểm mặt ra để chỉ trích họ; nhưng đại đa số chư tăng ni là những người bình thường như trước đến nay. Ở trong nước Việt Nam thì họ phải dinh chế độ đó chứ ai mà khỏi được. Ví dụ chúng ta không thể nói 95 triệu dân Việt Nam là cộng sản hết đâu.
Cho nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có một tiêu chí rõ rệt là phục vụ cho dân tộc và đạo pháp; chứ không xã hội chủ nghĩa.
Gia Minh: Chân thành cám ơn Hòa thượng.