(Huệ Lộc) – Ôn cố tri tân.
1. Trong Kinh Tạp Thí Dụ có nói một câu chuyện như sau: Tự Khen Đức Hạnh của Cha Mình
Một ngày nọ, có một người ở giữa đám đông, khen ngợi đức hạnh của cha mình và nói: “Cha tôi rất nhân từ, không bao giờ giết hại, không trộm cướp, không vọng ngữ, và thường bố thí giúp đỡ mọi người.”
Bấy giờ có một anh ngu nghe thế cũng nói:”Đức hạnh của cha anh chỉ có vậy thôi mà khoe cái nước gì, đức hạnh của cha tôi còn hơn thế xa.”
Đám đông nhao nhao lên hỏi: ” Thật ư? Anh nói cho chúng tôi nghe xem!”
Anh ngu kia nói: “Cha tôi từ bé đã đoạn tuyệt dâm dục, chưa bao giờ có sự ô nhiễm về vấn đề nam nữ”.
Bây giờ có người hỏi: “Nếu vậy, thì anh từ đâu ra? Anh không phải là con của cha anh hay sao?
Chàng kia đuối lý nên không dám cãi thêm một lời nào.
2. Chử Tín – Cái Đỉnh
Trong Cổ Học Tinh Hoa có một câu chuyện về cái đỉnh. Nước Lỗ có một cái đỉnh rất quí. Nước Tề bắt phải đem dâng. Vua Lỗ tiếc lắm, cho làm một cái đỉnh giả đưa sang.
Vua Tề bảo: “Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang nói, thì ta mới tin”
Vua Lỗ cho gọi Nhạc Chính Tử đến, bảo đi.
Nhạc Chính Tử hỏi:” Sao không đưa cái đỉnh thật?”
Vua Lỗ nói : “Ta quí cái đỉnh ấy lắm.”
Nhạc Chính Tử thưa: ” Nhà vua quí mến cái đỉnh ấy thế nào, thì tôi quí cái đức “Tín” của tôi như thế.”
Sau vua Lỗ phải đưa đỉnh thật. Nhạc Chính Tử mới chịu đi.
Hôm nay Nhạc Chính Tử đã chết lâu rồi, tất cả nước non, châu báu, đỉnh quí …. cũng không còn nữa, nhưng tên tuổi của Nhạc Chính Tử còn mãi muôn đời. Ôi! xưa nay chữ Tín có giá trị biết ngần nào. Trong gia đình, lời nói không trung tín thì vợ chồng bội phản. Trong anh em lời nói không trung tín thì anh em lừa đảo thù oán với nhau. Ra ngoài xã hội lời nói không trung tín thì bị người khinh khi, không trọng dụng, kết quả nghèo hèn bị người xa lánh. Cho nên cổ nhân mới nói: “Nhân vô tín bất lập” nghĩa là người không giữ lời hứa, nói những lời giả dối thì không lập được danh phận gì ở đời. Do đó mà người xưa còn nói: “Tín vị quốc chi bảo” là chỉ cho Đức Tín là cái báu cả nước. Người thế gian là vậy, còn người tu hành theo cửa Phật thì sao? Theo Luật Phật, người tu hành xuất gia, chữ Tín còn có hai ý nghĩa là “tánh không trộm cắp” và “tánh không nói láo” đó là hai bổn tánh vô cùng quí báu của các bậc chân tu. Người tu hành phạm vào hai điều nầy tức là phạm vào trọng tội. Nhẹ thì bị phạt cho sống riêng mình không được sinh hoạt với tăng đoàn hay giáo hội, còn nặng thì bắt phải xả giới, bỏ áo cà sa làm lại thường nhân sau khi chịu án của luật pháp thế gian. Nếu ai có đọc bài Thông Bạch thì thấy có nhiều người vướng vào lỗi này lắm mà không biết họ có tự thấy không? Đặc biệt là trong đoạn II phần 2. C. VHĐ đã chính thức lên tiếng tuyên bố không chịu trách nhiệm về hành vi cũng như sinh hoạt của nhóm người “ly khai” nầy. Nếu đã thật sự ly khai thì cũng không nên dùng danh xưng của Giáo Hội trong những văn kiện tôn giáo như thư mời Phật sự… Theo Hiến Chương, cơ sở động sản và bất động sản bao gồm danh xưng và tài sản của Giáo Hội. Theo Luật Phật, một người thọ giới Tỳ Kheo nếu lấy bất cứ món gì dù là vật chất (tiền bạc, tài sản) hay tinh thần (pháp) mà chưa được cho phép lấy là phạm trọng tội thứ hai trong luật Tứ Phần, hay Luật Ma Ha Tăng Kỳ, hay Luật Cổ Thanh Quy; còn đối với Đại Thừa thì lại phạm vào Trọng Tội thứ hai trong Bồ Tát Giới, đó là nói về Kinh Phạm Võng hay Tâm Địa Giới. Tuy nhiên, đây chỉ nói sơ lược qua trong vấn đề nhân quả áp dụng cho những tu sĩ lấy “danh xưng” của kẽ khác mà không xin phép thì đều phạm trọng luật Phật. Hơn nữa, đã vi phạm trọng luật Phật mà có người can gián vẫn không chừa lỗi, thì sau quá ba lần của 15 ngày, sẽ thành ra tội Ba la Di. Theo nhà Phật, người đã phạm giới mà không sám hối thì luật thể bị phá huỷ, có nghĩa là huệ mạng đã mất. Người đã mất huệ mạng thì con đường tam đồ rất gần gủi, khuyên chớ khá khinh thường. Tăng, Ni phạm trọng giới mà không sám hối đúng pháp thì đời nầy không chứng đắc được một đạo quả nào cả, cả đời tu đạo chỉ uổng công, cuối cùng lại rơi vào ác đạo chịu nhiều khổ đau nạn hoạ. Vì thế mà trong quy luật tu thiền của Ngài Trí Giả Đại Sư thế kỷ thứ III, trước khi nhận một thiền sinh, Ngài luôn dạy các đệ tử hỏi:
1. Ngươi giữ giới thanh tịnh chăng?
2. Có phạm tội tà ác chăng?
Nếu đáp :” năm giới thanh tịnh, không phạm tội trọng hay tà ác” thì thứ mới dạy cho tu thiền
Nếu đáp: “Phạm giới”
thì Ngài dạy hỏi thêm:”Ngươi phạm giới nào?”
Nếu đáp:”Trọng giới” thì bảo họ:
– Như người bị cắt tai, xẻo mũi không thể soi gương. Ngươi nên trở về chuyên cần tụng kinh, khuyến hoá làm phước để gieo giống nhơn duyên đạo pháp đời sau, vì đời nầy coi như đã bỏ. Ví như cây đã khô, dù gắng tưới nước cũng không sanh hoa, lá, và trái được. (Toạ Thiền Tam Muội- Thích Thanh Từ)
Là một đệ tử Phật, vì lòng từ mà nhắc nhở khuyên răn những tu sĩ đang vô tình hay cố ý vi phạm lỗi lầm trên đường sanh tử. Một hột cơm của tín chủ không phải dễ tiêu, một giọt nước của đàn na cũng không dễ nuốt. Gương trước mặt, quả báo nhản tiền của nhiều kẽ tu hành phạm giới trọng này đâu có ít!
Trong Qui Sơn Cảnh Sách có nói: “Vô thường quỉ dữ không lựa kẽ sang người hèn (số mạng con người) mỏng manh không bền, không thể nương cậy được nó. Cớ sao điềm nhiên hy vọng, sống lâu trăm tuổi , rong ruổi bốn phương tìm cầu, chất chứa tom góp. Tom góp chưa đủ , thoạt vậy chết đi, bao nhiêu của cải để lại người xài, đi một mình trên con đường thăm thẳm, biết lấy ai mà hỏi việc phải quấy?”
Cho nên nói “Mạng bất khả diên, nghiệp báo nan đào” là ý nghĩa khi cái nghiệp đã đến thì mạng kia cũng phải dứt theo. Vật chất tiền bạc chùa chiền tuy cần thiết nhưng chỉ là chuyện nhỏ vì khi “nghiệp quả nan đào” nghĩa là lúc nghiệp lực đã đến thì mọi món này đâu có che tội được mà đành phải:
Mờ mờ khói toả miên man,
Hồn đi không biết con đàng về đâu?
Ngẩn ngơ nhìn lại bên cầu,
Vợ con, tâm sự, một bầu riêng mang
Bạc tiền bỏ lại muôn ngàn
Cho người khác hưởng, lòng tràn tội riêng
Ích gì danh lợi oan khiên
Mà tâm trường khổ tận miền âm u! (HL)
Cho nên Tổ Qui Sơn nói: “Lưới phủng chim bay thần thức theo nghiệp, như người mắc nợ, ai mạnh lôi trước, tâm tạo nhiều mối nặng, đâu sa về đó.” Nên mới có câu “Nghiệp báo nan đào, mạng bất khả diên” vậy.
Vì đó mà Tổ Khuê Phong căn dặn: “Làm việc có nghĩa là tâm tỉnh ngộ. Làm việc vô nghĩa là tâm tán loạn . Tán loạn theo tình lôi cuốn, giờ phút lâm chung bị nghiệp kéo lôi. Người tỉnh ngộ không bị tình lôi cuốn, nên giờ phút lâm chung có thể chuyển nghiệp lại được. Muốn nghiệm biết khi lâm chung đi đầu thai thảnh thơi hay không thảnh thơi, cứ nghiệm ngay nơi trong tâm chổ thực hành của ta trong lúc bình thường đối với cảnh trần dính mắc, trong hai mươi bốn giờ luôn luôn nghiệm tâm hạnh của mình thì đủ biết.” (Qui Sơn Cảnh Sách- Quyển Thượng -Đoạn 8 – Nghiệp Quả Thời Đến).
Có nhiều vị tu hành gây tạo nhiều phước đức trước giờ, có lẽ hưởng được âm đức về sau, nhưng hành động vô tình hay cố ý chống lại hiến chương làm Ngài Quảng Độ rất đau lòng như có một Phật tử Trí Giác đã kêu gào ít nhất ba lần qua emails trong tuyệt vọng; còn ông Thục Vũ… thì lòng quặng đau thương… Như thế mà biết hành động đó động khắp mười phương thế giới ba cõi bốn loài, trên tới thấu suốt cung trời Sắc giới Hữu Đảnh, còn dưới động tới mười tám tầng âm chủ. Sách sử tôn giáo sẽ ghi mãi việc này. Vì sao? Trong Kinh Phật nói:” Thiên đàng địa ngục do tâm tạo” Lời ít ý nhiều mong có sự hồi đầu thị ngạn. Người tu hành có sự nghiệp, sự nghiệp đó là trí tuệ không phải danh lợi tầm thường. Chỉ có trí tuệ sáng suốt mới đưa quí vị thoát khỏi nhân quả nghiệp lực.
Tôi cảm kích xin tặng Ngài Quảng Độ hai bài thơ:
Chịu Khổ
. Vì người chịu khổ riêng mang,
Đành ôm bất hạnh thở than ích gì.
Dù cho gánh hết ưu bi,
Người dân Nước Việt an thì cũng cam.
Từ lâu diệt tận tham san,
Còn lưu lại tấm thân tàn độ sanh.
Khi nào đất nước bình thanh,
Nguyện kia đã tận, vô sanh trở về.
Lạc Bang Cửu Phẩm Liên Huê
Hoa khai huệ mở trở về Tánh Không. (HL)
Xả Thân
Ai đã đốt mình ngọn đuốc thiêng?
Ai đã xả thân chốn xích xiềng?
Thắp sáng nhân quyền trong đêm tối,
Triệu người chung hưởng chẳng tư riêng.
Chánh pháp lưu truyền không để dứt,
Tâm đăng nối tiếp cháy triền miên
Chí nguyện viên thành rời thế tục,
Hạnh đức Thánh Tăng vạn thế truyền (HL)
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
8/26/2015
One thought on “(Huệ Lộc) – Ôn cố tri tân.”
Vấn đề là những người khoác áo cà sa ấy có thật sự là tu hành hay là thành phần đặc công tôn giaó do csvn cài vàothi hành nghị quyết 36 quyết đánh phá tôn giáo?
Dù không phải tu hành thì cũng không tránh khỏi Nghiệp.Khẳng định như thế.
Ngay như không phải là đặc công tôn giáo thì đến giai đoạn này cũng hết thuốc chữa rồi.
Nghiệp
Suốt đời mòn mõi đi tìm
Minh quân không thấy,sư gian cả bầy
Cũng vì tham bạc tham tiền
Lừa Thầy phản bạn dối gian đủ điều
Cũng vì mê gái tham quyền
LƯƠNG TRI đi vắng ĐỒNG HÀNH với ma
Xưa nay Trời bất dung gian
Tu mà không tỉnh có đâu Nghiệp lành?
NPL