(Huệ Lộc) Tiểu thừa và Đại thừa
Có thể nói một cách tổng quát sự nghiệp của đức Phật để lại cho chúng sanh rất nhiều trong đó Tiểu Thừa, Đại Thừa, và Ba Lần Chuyển Pháp Luân là những giáo pháp nổi bật nhất và thường được chọn làm đề tài cho những luận sớ danh tiếng. Giáo pháp Tiểu Thừa là một loại ngôn ngữ cực kỳ siêu việt có khả năng giải thoát chúng sanh khỏi thế lực vô minh và đưa chúng sanh ra khỏi sự trói cột sanh tử từ vô lượng kiếp. Trước khi Đức Phật ra đời, tâm thức chúng sanh bị giam hãm trong thế giới sanh tử, và tri kiến lại bị giới hạn trong tư tưởng thần linh hay Duy vật. Trải qua sáu năm khổ hạnh, và sau 49 ngày nhập định dưới cội cây Bồ Đề, Đức Phật giác ngộ chân lý vĩnh viễn giải thoát sanh tử, và Ngài đã chứng quả Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng Bồ Đề. Trong 49 năm hoằng hoá độ sanh, để thích ứng với căn cơ trình độ chúng sanh, Ngài đã thuyết ra ba hệ thống giáo lý Phật Giáo trong ba cấp bực cao thấp sâu cạn khác nhau, gọi là ba lần Chuyển Pháp Luân. Ý nghĩa của ba lần Chuyển Pháp Luân là mở ra Tiểu Thừa diệt khổ và quy hướng chúng sanh về Niết Bàn Thật Tánh. Cả hai Tiểu Thừa và Đại Thừa được Phật gọi là Nhất Thừa hay Phật Thừa. Vậy trên phương diện Đệ Nhất Nghĩa thì không có sự phân biệt giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa, nhưng về mặt hành tu Nhị Đế thì hai Thừa có sự phân biệt theo tiêu chuẩn của Giáo, Lý, Hành, Quả. Vì lẽ đó ý nghĩa Tiểu, Đại Thừa và sự phân biệt giữa đôi bên đã thường gây nhiều thắc mắc cho người sơ cơ học Phật. Để làm sáng tỏ một phần nào về tiêu chuẩn phân biệt Tiểu Thừa và Đại Thừa, có thể phân biện ra hai lãnh vực: 1. Lịch sử và 2. Bốn tiêu chuẩn : Giáo, Lý, Hành , Quả.
A. Phương diện lịch sử:
1. Do hoàn cảnh và thời đại: Đại Thừa Phật Giáo hưng khởi, một phần do ảnh hưởng của hoàn cảnh bên ngoài. Xét theo lịch sử, từ thời A Dục Vương về sau, quần chúng miền Bắc Ấn thường hay giao thiệp với hai dân tộc xứ Hy Lạp và Ba Tư. Những nhà Phật học ở Bắc Ấn càng ngày càng đông và chịu ảnh hưởng nhiều về tôn giáo của hai xứ Hy Lạp và Ba Tư nầy. Ngoại giáo ở hai xứ nầy thường lấy sự cầu nguyện làm phương tiện chánh cho sự truyền đạo. Do vì nhân duyên nầy, nơi Bắc Ấn thuyết Tha Lực Vãng Sanh vốn đã sẵn có trong kinh điển Phật Giáo được đề khởi lên mạnh mẽ. Thời bấy giờ có nhiều đạo tràng cầu vãng sanh về cõi Đâu Suất của Phật Di Lặc, cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, cõi Lưu Ly của Phật Dược Sư, cõi Diệu Hỷ của Phật A Súc ….rất thịnh hành. Trong đây chỉ có thuyết vãng sanh về thế giới Cực Lạc được lưu thông hơn cả.
Sau khi Phật diệt độ 500 năm, các phái ngoại đạo dần dần phục hưng, lý thuyết của họ càng ngày càng được cải cách thêm để được tối tân hơn, lại có tính cách tấn công chỉ trích các tông phái Phật Giáo. Do nhân duyên nầy, các luận sư Phật Giáo gia công khai thác kho tàng kinh điển Phật giáo một cách triệt để thì mới có thể đối phó với ngoại đạo và giải quyết đầy đủ các mối nghi ngờ của học giả. Vì thế mà Đại Thừa Phật Giáo được xiển dương để thích ứng với thời đại.
2. Do trào lưu tư tưởng:
Khởi nguyên tư tưởng Đại Thừa Phật Giáo đã có từ khi Đức Phật còn tại thế. Ngài đã giảng về Đại Thừa Pháp Tướng còn gọi là Đại Thừa Duy Thức, Đại Thừa Phá Tướng, còn gọi là thời Bát Nhã Ba La Mật Đa, và Nhất Thừa Hiển Tánh Giáo là thời Kinh Pháp Hoa và Đại Niết Bàn, cũng đây là thời Giáo Pháp Hoàn Bị như trong Kinh Giải Thâm Mật đề cập. Sau khi Đức Phật diệt độ khoảng 100 năm, giáo đoàn đạo Phật chia làm hai nhánh Thượng Toạ Bộ và Đại Chúng Bộ, rồi mỗi Bộ lại phân ra chi nhánh tổng cộng có đến 20 Bộ. Giáo nghĩa của các Bộ phần nhiều bao hàm đạo lý Đại Thừa nhất là tư tưởng Bát Nhã Ba La Mật Đa.
3. Do các học giả phát khởi:
Giáo lý Phật dạy là một loại biện chứng cực kỳ thâm diệu mà các lý luận ngoại đạo không sao phá được qua những lần vấn nạn. Sau khi Phật diệt độ, lý luận ngoại đạo được dần dần cải tiến, họ biết rút tỉa cái hay của các phái khác trong đó có Phật giáo để bổ khuyết cho học thuyết của mình. Vì thế lập luận của ngoại đạo càng ngày ngày thêm vững vàng, trong đó các ngoại phái như Thắng Luận, Số Luận, Phệ Đàn Đà luôn luôn tìm cách tấn công và bài xích Phật giáo. Trong lúc đó chư Tăng phần đông nghiêng về giải thoát yếm thế nên thanh thế Phật Giáo dần dần thua sút kém thế trước ảnh hưởng ngoại đạo. Vào khoảng 700 năm sau khi Phật nhập diệt, để cứu vãn tình thế, hai Ngài Mã Minh và Long Thọ nối nhau xuất hiện, trứ tác các bộ luận nổi tiếng như Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Trang Nghiêm Luận Kinh, Đại Trí Độ Luận, Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, Trung Quán Luận để phát huy tinh thần Đại Thừa siêu việt. Kế tiếp sau hai Ngài Mã Minh và Long Thọ thì lại có các Ngài Đề Bà, La Hầu La, Vô Trước, Thế Thân tiếp tục quảng bá và đề xướng giáo pháp Đại Thừa nặng nghiêng về Duy Thức. Tại sao lý thuyết các vị nầy lại nghiêng về Duy Thức? Vì trong Duy Thức có Thuyết Ba Vô tánh đó là một loại trí tuệ siêu việt của siêu việt nghĩa lý hoàn hảo bổ xung cho tất cả kinh điển Phật dạy. Vì lẽ đó mà trong Mật Tông, đức Đại Nhật Như Lai và các Tổ Mật đều lấy Duy Thức sở biến làm cơ sở lý luận trong mọi pháp Tổng Trì. Ý nghĩa chính xác của Ba Lần Chuyển Pháp Luân được nghi nhận trong phẩm Vô Tánh, Kinh Giải Thâm Mật như sau:
” Bấy giờ đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh thưa với Phật: Bạch đức Thế Tôn, xưa kia trong thời kỳ đầu tiên, khi ở trong rừng Nai (Lộc Uyển), đức Thế Tôn vì những vị có xu hướng Thanh Văn Thừa, căn cứ đạo lý Tứ Đế mà chuyển pháp luân, tuy rất lạ, rất hiếm, bao nhiêu người, trời trong thế gian không ai chuyển (thuyết giảng) đúng cách, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ nầy vẫn có cái trên nó nữa, vẫn bị sự đả phá, là nghĩa lý chưa hoàn hảo, còn là nơi đặt chân của sự tranh luận. Kế đó, trong thời kỳ thứ hai, đức Thế Tôn vì những vị xu hướng Đại Thừa, căn cứ đạo lý : “Các pháp toàn Không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết Bàn (Bát Nhã)”, dùng sự ẩn mật mà chuyển pháp luân, tuy càng rất lạ, càng rất hiếm, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ nầy vẫn còn có cái trên nữa, vẫn còn cái chịu đựng đả phá, vẫn là nghĩa lý cũng chưa hoàn hảo, vẫn là nơi đặt chân của sự tranh luận. Còn nay, trong thời thứ ba, đức Thế Tôn khắp vì các vị xu hướng Nhất Thừa (cổ xe Nhất Thừa gồm hết Tam Thừa), căn cứ đạo lý: “Do Ba Vô Tánh nên các pháp toàn Không, Không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết Bàn.” Dùng sự minh bạch mà chuyển pháp luân, càng rất lạ nhất, càng rất hiếm nhất, và pháp luân được chuyển hiện nay không còn có cái gì trên nữa, không còn chịu đựng sự đả phá nào nữa, nghĩa lý đích thực hoàn hảo, không còn là nơi đặt chân của sự tranh luận. ”
Trong đoạn kinh văn trên có những điều đáng lưu ý:
1. Bát Nhã Ba La Mật Đa là giáo pháp tối cao giải thoát không gì sánh bằng (thị vô thượng, thị vô đẳng đẳng) được thuyết giảng trong kỳ chuyển pháp luân lần thứ hai vẫn còn có chổ chưa hoàn hảo đối với kỳ chuyển pháp luân lần thứ ba. Vậy chổ chưa hoàn hảo của Bát Nhã là chổ nào?
2. Và cái gì là Ba Vô Tánh?
3. Tại sao Ba Vô Tánh làm hoàn hảo cho tất cả kinh điển Liễu Nghĩa? Quí vị muốn biết và cần tìm hiểu thì tìm đọc Nhiếp Luận và Kinh Giải Thâm Mật nhưng cần phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.
Đứng về mặt tổng quát thì Đại Thừa bao hàm Tiểu Thừa vì cùng một hướng đi là giải thoát như hương vị các giòng sông khi đổ về biển cả. Nhưng Đại Thừa giáo sở dĩ biệt lập là để đối kháng với quan niệm bảo thủ chấp pháp và xu hướng giải thoát trong phạm vi Bốn thánh quả Thanh Văn còn gọi là Tiểu Niết Bàn hay Hoá Thành Dụ như Kinh Pháp Hoa đề cập. Khác với Tiểu Thừa, Đại Thừa có sức vượt qua Nhân Không lẫn Pháp Không tiến lên quả vị Bồ Tát Thập Địa, và cuối cùng nhập vào Đại Bát Niết Bàn là cảnh giới Thường Tịch Quang hay Pháp Thân Viên Mãn.
Vậy Đại Thừa là gì? Là một giáo pháp có khả năng hoá giải mọi nghiệp chướng của chúng sanh cũng như chuyển hoá tất cả hữu tình thành Phật. Đại có nghĩa là rộng lớn ám chỉ toàn thể chúng sanh trong mười phương pháp giới so sánh với Tiểu Thừa hạn hẹp như chiếc xe nhỏ chỉ chở vài người. Trong Tiểu Thừa, hành giả ứng dụng thiền chỉ quán đúng pháp Tứ Đế thì có thể phá tan khổ đau vượt khỏi luân hồi. Tiểu Thừa chỉ cho quan niệm của người tu lo tự độ là chánh, còn độ chúng là thứ. Điều đó có nghĩa là nếu có vị A La Hán chứng ngộ xong chân lý vô ngã thì có thể nhập vào cảnh Tiểu Niết Bàn vắng lặng. Ngôn từ “vắng lặng” nơi đây có nghĩa là trí huệ sáng suốt, mọi ham muốn và phiền não như cây khô chết không thể đâm chồi ra mộng được nữa. Có điều đáng để ý nếu có ai có hoài bão tha thiết độ sanh, tuy dùng pháp Tiểu Thừa để giáo hoá, song thật ra người đó thuộc tâm Đại Thừa. Có những người tuy xưng tu theo Đại Thừa không thích đọc tụng các kinh điển Tiểu Thừa như Tạp A Hàm, Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Luận Câu Xá … mà chỉ thích đọc tụng các kinh điển Đại Thừa như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã, Luận Đại Thừa Khởi Tín… nhưng tâm lượng nhỏ nhen chỉ lo tự độ riêng mình thì đây thuộc vào tâm niệm Tiểu Thừa. Đức Phật giảng dạy giáo pháp theo thứ tự và thuận với trình độ phát triển trí tuệ của chúng sanh, nên Tiểu Thừa, Đại Thừa lần lượt được thuyết giảng tuần tự mạch lạc như những nấc thang phương tiện để đi đến Phật quả. Như vậy trong giáo pháp của Phật chỉ có một Thừa duy nhất là Phật Thừa. Phật Thừa còn gọi là trí tuệ Phật trong đó Bát Nhã Ba La Mật Đa trong kỳ chuyển pháp luân lần thứ hai được ra đời để xiển dương các pháp Toàn Không, Không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh Niết Bàn.. Tuy nhiên Bát Nhã Ba La Mật Đa là vô tướng pháp, bất khả đắc, và vô sở tác, không của riêng ai, cũng không ai có thể sai khiến, hay xử dụng hoặc phá hoại được. Vì thế mà tất cả chư Phật xưa nay nương theo Bát Nhã Ba La Mật Đa chứng được quả Vô Thượng Chánh Giác Bồ Đề (Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.)
B. Phương diện Giáo, Lý, Hành Quả : Căn cứ trên Nhập Đại Thừa Luận của Ngài Kiên Ý, có 8 điểm dị biệt giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa:
1. Tâm lượng: Tiểu Thừa tâm lượng nặng về tự lợi hơn lợi tha, trong khi lý tưởng Đại Thừa hướng về tự lợi và tự tha, và cuối cùng là tự tha hoàn toàn.
2. Căn cơ: Tiểu thừa tu học năng phá Nhân Không nghĩa là Vô Ngã Tướng, nhưng ngăn ngại ở Pháp Không nghĩa là diệu lý Bát Nhã Ba La Mật.
3. Nhân sinh quan: Sợ cái khổ trong sinh tử nên y lời Phật dạy về thuyết Tứ Đế hay Thập Nhị Nhân Duyên mà được vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, nên có khuynh hướng lánh xa thế tục. Đại Thừa bắt đầu từ quan niệm cứu khổ cho tất cả chúng sanh và tự hiểu các pháp như huyễn cho nên phá chấp trên ngã và pháp, chủ trương không cần xa lánh thế tục mà vẫn ở trong cảnh Niết Bàn giải thoát (có nhiều tên gọi khác nhau như Vô Trụ Xứ Niết Bàn…)
4. Vũ trụ quan: Theo các luận sư phân loại về pháp Tiểu Thừa, thế giới vạn hữu thành, trụ, hoại, diệt trong phạm vi 75 pháp trong đó có 72 pháp hữu vi và 3 pháp vô vi. Sự chứng đắc pháp Tiểu Thừa chỉ trong vòng một tam thiên đại thiên thế giới. Chính vì thế, Tiểu Thừa không đề cập đến những tha phương Tịnh Độ, cho mãi đến sau nầy Phật mới thuyết cho các vị Đại A La Hán như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Tu Bồ Đề về những thế giới tha phương Tịnh Độ như Đông Phương Tịnh Độ Thế giới Phật Dược Sư, Tây Phương Cực lạc Thế Giới của Phật A Di Đà….như trong các Đại Kinh thường nói. Bắt đầu trong pháp Đại Thừa, theo Ngài Vô Trước và Thế Thân thì vạn hữu sanh diệt hữu vi, vô vi được tóm gọn trong 100 pháp tướng trong đó có 94 pháp hữu vi và 6 pháp vô vi. 100 pháp nầy thu tóm mọi hiện tượng sanh diệt sai biệt do sở thức biến hoá chơn không diệu hữu, bất biến tuỳ duyên, tuỳ duyên bất biến để nói lên pháp giới tánh bình đẳng vô sinh vô diệt vốn xưa nay sẵn có. Đây là chổ trí tuệ thẳm sâu, tuệ giác cực kỳ trong sạch, hiện hành Bất Nhị, đạt đến Vô Tướng phát khởi từ những đại tam muội siêu việt như Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, mà tất cả ngoại đạo không sao bước vào đến cửa! Tuy vậy quan niệm vũ trụ quan theo Đại Thừa Pháp Tướng như thế cũng chưa phải là hết mà lại còn thêm hai tầng pháp lý thẳm sâu hơn nữa, đó là Đại Thừa Phá Tướng và Nhất Thừa Hiển Tánh. Ba tầng Đại Thừa nầy tuy phân ra ba nhưng thực ra đồng hiển pháp Nhất Thừa trong ba mặt của một vấn đề : Có, Không, và Thực Tánh. Trong đó Có hiển tánh Không cũng hiển Thật Tánh. Không hiển tánh Có, cũng hiển Thật Tánh. Thật Tánh hiển Có, cũng hiển tánh Không. Tại sao? Vì bản tánh các pháp là Vô Tự Tánh như Phật đã trả lời cho ông Tu Bồ Đề trong Kinh Đại Bát Nhã. Tuy nhiên nếu đọc giả “chưa làm quen” được với ngôn từ Vô Tự Tánh thì cũng có thể dùng thuyết Duyên Khởi để giải thích cho ba mặt Có, Không, và Thực tánh của một vấn đề, nhưng khi nói Thuyết Duyên Khởi thì chính là nói về tánh giả họp của mọi pháp. Tánh giả họp mọi pháp chính là tánh Vô Tự Tánh. Có điều để ý, Vô Tự Tánh không phải là không có gì cả, nhưng trái lại đó là tánh. Tánh thì luôn như thế, nên gọi là tánh Vô Tự Tánh.
5. Quan niệm Tam Bảo:
Phật Bảo: Trong Tiểu Thừa, giáo lý chỉ đề cập đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong cõi Ta Bà, không nhắc đến các Như Lai ở tha phương thế giới.
Pháp Bảo: Kinh điển Tiểu Thừa gồm có A Hàm, Pháp Cú, Nhân quả… có khuynh hướng giải thoát còn gọi là kinh Bất Liễu Nghĩa, nhưng không tin nhận những kinh Liểu Nghĩa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, A Di Đà…
Tăng Bảo: Người tu Tiểu Thừa chỉ hiểu biết và chấp nhận các bậc A La Hán, Đại A La Hán như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…nhưng không chấp nhận các bậc Bồ Tát tha phương như Phổ Hiền, Văn Thù, Dược Vương, Nguyệt Quang, Thế Chí…Trái lại, Đại Thừa tín nhận cả tiểu pháp lẫn đại pháp và ngôi Tam Bảo ở cõi nầy và ở khắp 10 phương.
6. Tư Lương Tánh
Trong phương diện tu tập, hàng Tiểu Thừa thiên về huệ, y theo Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tam Thập Thất Đạo Phẩm, mục đích phá trừ ngã chấp chứng quả Nhân không nhập Thanh Văn Địa. Còn hàng Đại Thừa thì y theo Lục Độ vạn hạnh tu gồm phước, huệ, phá cả ngã chấp lẫn pháp chấp, chứng quả Nhị Không nhập Bồ Tát Địa.
7. Thời gian tánh: Về Tiểu Thừa, hành giả phải trải qua nhiều kiếp tu Tam Hiền Thất Vị chuyên ròng tu Ngũ Đình Tâm Quán nương theo Tứ Thánh Đế mới chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn. Rồi từ đó phải tiếp tục tu hành ít nhất từ 3 đời đến 60 kiếp mới chứng đến A La Hán. Hàng Duyên Giác phải có ít nhất từ 4 đời đến 100 kiếp mới chứng quả Bích Chi Phật. Còn bên Đại Thừa, hàng Sơ Bồ Tát phải dùng ba A Tăng Kỳ kiếp để tu Lục Độ Ba La Mật và dùng 100 kiếp để tu tướng tốt, mới chứng quả Phật. Ghi chú: Một A Tăng Kỳ kiếp chứa nhiều vô số kiếp không thể tính đếm và nếu hành giả chưa vào Sơ Bồ Tát địa thì cũng chưa được tính trong A Tăng Kỳ kiếp đầu tiên.
8. Quả chứng:
Thanh Văn Thừa có 8 quả, 4 cặp:
Sơ quả Tu Đà Hoàn còn gọi là Thất Lai vì còn 7 lần sanh tử nơi cõi Dục. Gồm có Tu Đà Hoàn Hướng và Tư Đà Hoàn Quả
Nhị quả Tư Đà Hàm còn gọi là Nhất Lai vì còn sanh tử một lần nơi cõi Dục. Gồm có Tư Đà Hoàn Hướng và Tư Đà Hoàn quả
Tam quả A Na Hàm còn gọi là Bất Lai hay quả Bất Hoàn vì không sanh tử nơi cõi Dục. Thường hay hiện thân trong cõi sắc giới. Gồm có A Na Hàm Hướng và A Na Hàm Quả.
– Tứ quả A La Hán còn gọi là bậc Vô Sanh vì mọi phiền não không còn sanh khởi nơi tâm thức nữa, và đã sẵn sàng nhập cảnh Niết Bàn Không Tịch bất cứ lúc nào. Niết Bàn Không Tịch là tên riêng của Niết Bàn mà các vị A La Hán an trú vĩnh viễn, khác với Đại Niết Bàn là thế giới Thường Tịch Quang của Phật và các Đại Bồ Tát. Sở dĩ có hai loại Niết Bàn khác nhau là vì các vị Thanh Văn có tâm nguyện và công đức khác với chư vị Đại Bồ Tát và chư Phật.
Bồ Tát Thừa có 52 quả, không kể Càn Huệ Địa và Tứ Gia Hạnh:
Càn Huệ Địa
Thập Tín
Thập Trụ
Thập Hạnh
Thập Hồi Hướng
Tứ Gia Hạnh
Thập Địa
Đẵng Giác
Diệu Giác
Trên kia là đứng trên phương diện về Tâm (Lý) mà nói nhưng về mặt tướng và dụng thì tiểu pháp không thể bao hàm đại pháp, nhưng đại pháp thì bao hàm tiểu pháp. Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Thuyết Duyên Khởi, Niết Bàn …là những phương tiện tự độ độ sinh trong Tiểu Thừa, chỉ cho giáo pháp đưa người đến những quả Tư Đà Hoàn, quả Nhất Lai, quả Nhất Hoàn, và Quả A La Hán trong hệ thống Thanh Văn, hay Độc Giác Bồ Đề trong hệ thống Duyên Giác. Đó là pháp xuất thế siêu việt, có khả năng chắc chắn đưa hành giả vĩnh ly sanh tử nhập Tiểu Niết Bàn. Tuy nhiên trong Đại Thừa các pháp Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Thuyết Duyên Khởi, Niết Bàn…khi được kết hợp với hệ thống Bát Nhã Ba La Mật Đa thì trở thành Phật Thừa viên mãn như trong bộ Kinh Đại Bát Nhã Tập 13, Phẩm Ma Sự:
– Phật nói với ông Tu Bồ Đề: Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân nào trụ Bồ Tát Thừa mà lại nới bỏ kinh điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu để cầu học kinh khác. Phải biết Bồ Tát đó bị ma sự. Vì cớ sao? Thiện Hiện! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhân nầy nới bỏ cội gốc Nhất Thiết Trí trí là Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu, mà vin lấy nhánh lá là các kinh khác, chẳng năng được Đại Bồ Đề vậy.
-” Ông Tu Bồ Đề hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Các kinh nào khác in như nhánh lá, chẳng năng dẫn phát Nhất Thiết Trí trí?
– Phật đáp: Thiện Hiện! Nếu thuyết pháp tương ưng Nhị Thừa:
1. 4 Niệm Trụ
2. 4 Chánh Đoạn
3. 4 Thần Túc
4. 5 Căn
5. 5 Lực
6. 7 Giác Chi
7. 8 Thánh Đạo
8. 3 Giải Thoát Môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện
9. Có bao nhiêu các kinh, nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân học trong đó được quả Dự Lưu, quả Nhất Lai, quả Bất Hoàn, quả A La hán, quả Độc Giác Bồ Đề chớ chẳng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Đấy là gọi các kinh khác như cành lá chẳng năng dẫn phát Nhất Thiết Trí trí. Bát Nhã Ba La Mật thẳm sâu quyết định dẫn phát Nhất Thiết Trí trí vì có đại thế lực, in như gốc cây.
– Phật nói: Các thiện nam tử, thiện nữ nhân nới bỏ kinh điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu cầu học các kinh khác, quyết định chẳng được Nhất Thiết Trí trí. Vì cớ sao? Thiện Hiện! Kinh điển Bát Nhã Ba La Mật Đa thẳm sâu như thế, xuất sanh tất cả các công đức thế gian và xuất thế gian cho Bồ Tát Ma Ha Tát vậy. Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát Ma Ha Tát tu học Bát Nhã Ba La Mật Đa, thời là tu học tất cả pháp thế gian và xuất thế gian…
– Các Thiên Tử tán thán Phật từ một giác tướng khai thị ra nhiều tướng- Các Thiên Tử lại thưa Phật: Tất cả Như Lai y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa đắc Vô Thượng Chánh đẳng Bồ Đề, vì các hữu tình phân biệt khai thị tướng tất cả pháp. Chổ gọi phân biệt khai thị tướng sắc, phân biệt khai thị tướng thọ tưởng hành thức…cho đến phân biệt khai thị tướng chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề là gì?
– Phật đáp chư Phật chỉ ngộ Vô Tướng mà khai thị vô số tướng: Bấy giờ Phật bảo các Thiên Tử: Như vậy! như vậy! Như lời các ông vừa nói. Thiên Tử phải biết: Tướng tất cả pháp, Như Lai như thật giác là Vô Tướng.
1. Sắc: Chổ gọi biến ngại là tướng sắc, Như Lai như thật giác là vô tướng.
2. Thọ: Lãnh nhận là thọ, Như Lai như thật giác là vô tướng.
3. Tưởng: Nghĩ tưởng là tướng tưởng, Như Lai thật giác vô tướng.
4. Hành: Tạo tác (thân khẩu ý) là tướng hành, Như Lai thật giác vô tướng.
5. Thức: Rõ biết là tướng thức, Như Lai thật giác vô tướng.
6. Uẩn: Đống khổ não (nhóm tụ) là tướng uẩn, Như Lai thật giác Vô Tướng
7. Xứ: Cửa sanh tưởng là tướng xứ. Như Lai như thật giác là vô tướng
8. Giới: Nhiều độc hại là tướng giới. Như Lai như thật giác là vô tướng
9. Duyên Khởi: Hoà hợp khởi là tướng duyên khởi. Như lai như thật giác là vô tướng
10. Bố thí Ba la mật: Năng ơn là tướng Bố Thí Ba La Mật. Như Lai như thật giác là vô tướng
11. Trì Giới Ba La Mật: Không nhiệt não là tướng tịnh giới Ba La Mật Đa. Như Lai như thật giác là vô tướng.
12. Nhẫn Nhục: Chẳng giận hờn là tướng an nhẫn Ba La Mật Đa. Như Lai như thật giác là vô tướng.
13. Tinh tấn Ba La Mật: Chẳng dẹp được là tướng tinh tấn Ba La Mật Đa. Như Lai như thật giác là vô tướng.
14. Thiền định Ba La Mật: Nhiếp giữ tâm là tĩnh lự Ba La Mật Đa. Như Lai như thật giác là vô tướng
15. Trí huệ Ba La Mật: Vô quái ngại là Bát Nhã Ba La Mật Đa. Như Lai như thật giác là vô tướng.
16. Nội Không: Vô sở hữu là tướng nội không. Như Lai như thật giác là vô tướng.
17. Chơn: Chẳng điên đảo là tướng chơn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
18. Bốn Thánh Đế: Chẳng hư dối là tướng 4 Thánh Đế. Như Lai như thật giác là vô tướng
19. Bốn Tĩnh Lự: Không não loạn là tướng Bốn Tĩnh Lự (4 Thiền). Như Lai như thật giác là vô tướng.
20. Bốn Vô Lượng Tâm: Không hạn ngại là tướng Bốn Vô Lượng Tâm . Như Lai như thật giác là vô tướng.
21. Bốn Vô Sắc: Không ồn tạo là tướng Bốn Vô sắc. Như Lai như thật giác là vô tướng.
22:. Bát Giải Thoát: Không trói buộc là tướng Tám Giải Thoát. Như Lai như thật giác là vô tướng.
23. Tám Thắng Xứ: Năng chế phục là tướng Tám Thắng Xứ. Như Lai như thật giác là vô tướng.
24. Chính Thứ Đệ Định: Chẳng tán loạn là tướng Chín Thứ Đệ Định. Như Lai như thật giác là vô tướng.
25. Mười Biến Xứ: Không ngằn mé là tướng của 10 Biến Xứ. Như Lai như thật giác là vô tướng.
26. 37 Phẩm Bồ Đề: Năng ra khỏi là tướng của 37 Phẩm Bồ Đề. Như Lai như thật giác là vô tướng.
27. Không Giải Thoát Môn: Cực xa lìa là tướng Không Giải Thoát Môn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
28. Vô Tướng Giải Thoát Môn: Rất vắng lặng là tướng Vô Tướng Giải Thoát Môn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
29. Vô Nguyện Giải Thoát Môn: Nhóm các khổ là tướng Vô Nguyện Giải Thoát Môn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
30. Bồ Tát Thập Địa: Tới Đại Giác là tướng Bồ Tát Thập Địa. Như Lai như thật giác là vô tướng.
31. Năm Nhãn: Năng xem soi là tướng năm Nhãn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
32. Sáu Thần Thông: Không ngăn trệ là tướng Sáu Thần Thông. Như Lai như thật giác là vô tướng.
33. Phật 10 Lực: Khéo quyết định là tướng Phật 10 Lực. Như Lai như thật giác là vô tướng.
34. Bốn Vô Sở Uý: Khéo an lập là tướng Bốn Vô Sở Uý. Như Lai như thật giác là vô tướng.
35. Bốn Vô Ngại Giải: Không đoạn tuyệt là tướng Bốn Vô Ngại Giải. Như Lai như thật giác là vô tướng.
36. Đại Từ: Cho lợi vui là tướng Đại Từ. Như Lai như thật giác là vô tướng.
37. Đại Bi: Vớt suy khổ là tướng Đại Bi. Như Lai như thật giác là vô tướng.
38. Đại Hỷ: Mừng việc lành là tướng Đại Hỷ. Như Lai như thật giác là vô tướng.
39. Đại Xả: Bỏ ồn tạp là tướng Đại Xả. Như Lai như thật giác là vô tướng.
40. 18 Pháp Bất Cộng: Chẳng thể cướp được là tướng 18 Pháp Bất Cộng. Như Lai như thật giác là vô tướng.
41. Pháp Vô Vong Thất: Khéo nghĩ nhớ là tướng pháp Vô Vong Thất. Như Lai như thật giác là vô tướng.
42. Tánh Hằng Trụ Xả: Không lấy chấp là tướng Tánh Hằng Trụ Xả. Như Lai như thật giác là vô tướng.
43. Nhất Thiết Trí: Hiện Đẳng Giác là tướng Nhất Thiết Trí. Như Lai như thật giác là vô tướng.
44. Đạo Tướng Trí: Khéo thông đạt là tướng Đạo Tướng Trí. Như Lai như thật giác là vô tướng.
45. Nhất Thiết Tướng Trí: Hiện Biệt Giác là tướng Nhất Thiết Tướng Trí. Như Lai như thật giác là vô tướng.
46. Tất cả Đà La Ni Môn: Khắp nhiếp trí là tướng tất cả Đà La Ni Môn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
47. Tất cả Tam Ma Địa Môn: Khắp nhiếp thọ là tướng tất cả Tam Ma Địa Môn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
48. Thanh Văn: Khéo thọ giáo là tướng Thanh Văn. Như Lai như thật giác là vô tướng.
49. Độc Giác Bồ Đề: Tự khai ngộ là tướng Độc Giác Bồ Đề. Như Lai như thật giác là vô tướng.
50. Tất cả hạnh Bồ Tát Ma Ha Tát: Tới Đại Quả là tướng tất cả hạnh Bồ Tát Ma Ha tát. Như Lai như thật giác là vô tướng.
51. Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề: Không cùng ngang (Vô Đẳng Đẳng) là tướng chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Như Lai như thật giác là vô tướng.
Các Thiên Tử phải biết: Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối tướng tất cả pháp như thế thảy, đều năng như thật giác là vô tướng. Do nhân duyên này, nên Ta nói các Đức Phật được Vô Ngại Trí Không Cùng Ngang Bằng. (Vô Đẳng Đẳng Tam Miệu Tam Bồ Đề)”
Vậy nương theo Bát Nhã Ba La Mật Đa thì mọi pháp môn tu học trong Phật Đạo đều trở thành Phật Thừa tức hành giả đắc Nhất Thiết Trí trí tức Phật trí. Ngược lại, nếu các Bồ Tát Ma Ha Tát dù trụ Đại Thừa nhưng không nương vào Bát Nhã Ba La Mật Đa mà chỉ chuyên sở tu vào các pháp khác thì không thể chứng được quả chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Một cách nói khác, Phật gọi đó là “ma sự”.
Tóm lại, đức Phật trong suốt bộ đại Kinh Bát Nhã gồm 23 tập, thường dùng 51 nhóm pháp trên bao gồm hữu vi lẫn vô vi để diễn đạt bản tánh Vô Tướng của vạn hữu. Tiểu Thừa và Đại Thừa chính là lộ trình liên tục từ xu hướng giải thoát đến Tự Tánh Niết Bàn cũng gọi là khởi điểm giải thoát và chấm dứt vô minh. Muốn chấm dứt vô minh thì phải bước vào khởi điểm giải thoát; hay khi đã quyết định bước vào khởi điểm giải thoát thì phải tiến lên chấm dứt vô minh. Tiểu Thừa đối với Đại Thừa như một căn nhà có ba tầng. Muốn xây tầng thứ ba thì phải hoàn tất tầng thứ nhất. Đã xây dựng xong tầng thứ nhất, thì tiếp tục xây dựng thêm hai tầng còn lại. Căn nhà Phật Đạo cũng có ba tầng Tiểu Đại khác nhau. Tuy có khác nhau nhưng ba tầng không thể phân cách. Tiểu Thừa và Đại Thừa tuy có khác nhau qua Giáo, Lý, Hành, Quả nhưng không thể tách rời nhau được. Điều đó có nghĩa là các đại Bồ Tát vẫn phải tu các thiền định Tiểu Thừa (xem 51 nhóm pháp phía trên), nhưng không đình trụ trong pháp Tiểu Thừa, mà vượt qua đó thực hành Bồ Tát Đạo.
Huệ Lộc Biên Soạn
Tôn Thắng Đạo Tràng
8/1/2015