(Huệ Lộc) “Thắp Ngọn Đuốc Tuệ” Theo Khuynh Hướng Đại Thừa.

PHẬT PHÁP, TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Huy Hieu Hoa Sen  Tôi có nhận từ email một bài viết gọi là “Thắp Ngọn Đuốc Tuệ”  nghe nói trong đó Thiền Sư Jotika giảng dạy “Như lý tác ý”  dựa theo kinh Tăng Chi Bộ.  Động tánh hiếu kỳ, mở ra nghiên cứu hầu có học hỏi thêm nhiều điều quí báu.  Nhưng khi khán văn thì thấy có nhiều chổ không đúng với tinh thần Phật Pháp Đại Thừa.  Nếu dựa trên tinh thần Đại Thừa thì những lời khuyên này có thể được chú thích như sau:

1. Người có trí không tin cảm xúc vui buồn của mình phản ánh đúng thực tế.

 Chú thích 1: 

Điều này không đúng hẳn trong tâm trạng hiện thực của con người trong đời sống hằng ngày.  Vì sao?  Vì những cảm xúc vui hay buồn luôn luôn được phản ảnh từ bên ngoài đưa vào.  Có khi phản ảnh sai thực tế, nhưng cũng có khi phản ảnh đúng thực tế.  Mọi cảm xúc và thực tế không luôn luôn cách xa nhau, mà trái lại chúng rất gần nhau. Tại sao?  Vì cảm xúc là cái ảnh của thực tế đang diễn ra, nếu thực tế không diễn ra thì cảm xúc không có.   Do đó mà biết cảm xúc không thể tách rời thực tế được.  Thí dụ tin người thân mình chết làm mình có cảm xúc đau buồn vô cùng.  Vậy cảm xúc đau buồn này sở dĩ có được là do cái thực tế “người thân chết” đã xảy ra.  Tại sao mình lại phủ nhận mà không tin cảm xúc đau buồn đó?  Ông có cảm xúc buồn của mình khi hay biết đứa con của ông hay cha mẹ ông đã chết không?  Nếu ông không có cảm xúc buồn, tức ông là người không có cảm giác, không xúc động gì trước cái chết của người thân mình.   Như thế ông không nên ỷ chấp vào một định kiến  “không tin cảm xúc ” hay “tin cảm xúc” để làm cái quyết định  cho mọi hướng đi của tư tưởng sau này, vì làm như thế, nhà Phật gọi là “trước tưởng”. “Trước tưởng” nghĩa là kiến thủ.  Kiến thủ là một trong   30 chủ soái kiết sử phiền não chuyên trói buộc kẻ tu hành giải thoát. Như thế tuy ông không thể dựa trên những cảm xúc để kết luận sự thật, nhưng ông không thể bỏ đi yếu tố cảm xúc để kết luận sự thật vì cảm xúc có lúc phản ảnh sự thật.  Đó gọi là tình lý hài hoà hay hợp tình hợp lý.   Vậy đối với lời khuyên trên, xin đề nghị đổi lại là: Người có trí không tin cảm xúc vui buồn của mình, mà cũng không loại bỏ cảm xúc vui buồn của mình khi đi tìm sự thật.”     

 2. Người có trí không nặng vui buồn với thế giới bên ngoài. 

Chú  thích 2:

            Lời khuyên này là nhằm để chỉ hướng tu luyện bên trong tâm mình để làm chủ cái tham sân si của tự cá nhân mà thôi, chứ không phải đem áp dụng cho giải quyết những vấn đề đối xử với người khác hay thế giới bên ngoài. Tại sao? Vì bất cứ ai khi sống trong cùng một tập thể, một tổ chức, hay trong cùng một xã hội (nghiệp đồng phận), mọi người cần phải biết hành xử thế nào mà quyền lợi mình không trái ngược hay xâm phạm đến quyền lợi của người khác, chớ không phải chỉ bo bo bảo thủ ý kiến cũng như quyền lợi của bản thân mình mà điều đó phương hại đến sự tự do tư tưởng cũng như quyền lợi người khác, là điều không đúng.   Như thế mọi cá nhân không thể tách rời tập thể hay xã hội được, và cái vui buồn trong xã hội cũng là cái vui buồn của cá thể, là điều tự nhiên xưa nay.  Nay bổng nhiên nói:” Người trí không nặng vui buồn với thế giới bên ngoài” tức là bỏ đi qui luật sống chung và trách nhiệm lẫn nhau trong cùng một tập thể hay xã hội, thì là điều sai trái vô cùng.             Trong kinh Parita có kể lại một câu chuyện về ông Angulimala (Vô Não).  Ông Vô Não, trước tiên tên là Ahimsaka (người vô tội).  Cha ông ta là một quốc sư của xứ Kosala.  Ông Vô Não theo học với một vị thầy nổi tiếng tại thành Kosala.  Vị thầy này vì nghe lời dèm pha của các đệ tử khác nên giận ông Vô Não, và kêu ông lại nói rằng nếu ông đem đến đủ 1000 ngón tay út của bàn tay mặt của người trong 7 ngày thì sẽ được đăng đàn làm lễ thọ giáo.   Vì nghe lời tà sư hứa hẹn, ông Vô Não  “không nặng vui buồn với thế giới bên ngoài”, và đã giết người tới con số 999 mạng, 7 ngày sắp hết, người cuối cùng ông định giết cho đủ số là người mẹ sanh ông ra, nhưng nhờ Đức Phật đến hoá độ, mà ông chấm dứt nghiệp sát sanh. Vậy khi đang giết người vô tội ông ta có phải là người có trí không?  Lúc đó tiếng kêu than khóc của những người sắp chết, ông ta cũng “không nặng vui buồn vậy”. 

              Như thế nên biết câu: “Người có trí không nặng vui buồn với thế giới bên ngoài” là chỉ cho các tu sĩ hay kẻ tu hành hướng về bên trong tu luyện chánh niệm bên trong tâm mình, không để bát phong lay động, chớ không phải bảo đem điều đó mà tiếp nhơn đãi vật bên ngoài.  Vậy nếu áp dụng câu nói của vị thiền sư này để đối xử ra thế giới bên ngoài là sai rồi.   Đức Phật nói Kinh pháp như cam lồ, nhưng dùng sai thì thành độc dược, và Ngài còn nói Pháp như huyễn hoá, vậy đề nghị đổi lại lời khuyên này thành:” Người có trí giữ trong lòng thanh tịnh và gánh chịu mọi phiền não cho chúng sanh bên ngoài.” như trường hợp ngài Quảng Độ đưa thân vào chốn tù đày cho tới chết để bảo tồn truyền thống Phật Pháp từ lúc “Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu” là lúc chánh pháp nhãn tạng được kế thừa bắt đầu lan rộng khắp thế gian từ hơn 2500 về trước. Hoặc như hạnh Quán Âm Bồ Tát như sau:

 Ngồi tận hà sa cõi thượng thiên

Mà nghe đau khổ của trăm miền

Trên mặt mẹ hiền còn dư lệ

Cành dương cứu khổ chẳng tư riêng (HL)

 3. Người có trí không đòi hỏi mình phải biết tất cả mọi thứ để giải quyết chuyện vui buồn.

 Chú Thích 3:

             Trong kinh sách Phật Giáo có ghi lại Đức Phật dạy thí dụ một người bị bắn phải mũi tên độc rất nguy hiểm cho tính mạng và cần phải cứu chữa kịp thời, thì chuyện quan trọng là nhổ mũi tên ra và chữa trị vết thương.  Người y sĩ này không nên bỏ quá nhiều thời gian ra để tìm hiểu nguyên nhân làm người đó bị thương. Lời thí dụ đó được Đức Phật dùng để trả lời cho ngoại đạo về 14 câu hỏi vô ích như: “Thế gian này tạo bởi ai?  Thế gian này vô biên hay hữu biên?  Đạo của ông thường hay vô thường…”  Vì hỏi những điều không cần thiết như thế nên Đức Phật mới trả lời bằng thí dụ như người bị trúng tên như trên.   Còn trong mọi trường hợp khác thì “cái biết” hay “trí tuệ” càng nhiều thì cũng có lợi lắm, và Đức Phật chẳng những không ngăn cấm điều đó, trái lại Ngài còn khuyến khích sự phát triển trí tuệ vô cùng tận của các đệ tử, thí dụ hàng Tứ Thánh Tiểu Thừa chứng được lục thông tam minh.  Trí tuệ thiên nhãn minh của một A La Hán biết hết chuyện trong một Đại Thiên thế giới, còn trí tuệ thiên nhãn minh của một sơ Bồ Tát thì biết gấp ngàn vạn lần vị A La Hán.   Trong thế gian chúng ta vì có kiến thức lao động an toàn mà những thợ thầy vượt qua nhiều sự hiểm nguy trong nghề nghiệp.  Vì có kiến thức thương mại mà người ta có thể tiên đoán sự lỗ lã hay gia tăng tiền lời cổ phần, khuếch trương nghề nghiệp theo nhiều cách khác nhau.  Vì có kiến thức khoa học mà người ta có nhiều phát minh chinh phục y học và không gian.  Vì có kiến thức luật lệ mà người ta tránh nhiều việc phạm pháp đáng tiếc…Vì thế người Trí không nên giới hạn cho mình sự hiểu biết vì biết càng nhiều càng tốt tuy nhiên cái biết đó phải có trong một tư tưởng lành mạnh thì mới có hữu dụng có lợi cho mình và có lợi cho người.  Do đó người có Trí phải là người có đạo đức thật sự thì cái hiểu càng nhiều càng hữu ích.  Hơn nữa ngay chính Đức Phật Ngài có Nhất Thiết Trí là trí biết hết tất cả mọi sự việc trên thế gian nầy.  Như thế đề nghị lời khuyên này được sửa lại :  “Người có trí không giới hạn mình về mọi sự biết để giải quyết chuyện vui buồn”

 4. Người có trí hiểu rằng những dấu hiệu nguy hiểm không nói lên hành trình là con đường sai.

 Chú Thích 4:

            Dấu hiệu nguy hiểm không nói lên hành trình là con đường sai, mà dấu hiệu nguy hiểm cũng không nói lên hành trình là con đường đúng.  Như vậy không thể nói rằng dấu hiệu nguy hiểm là con đường đúng hay con đường sai. Một tài xế giỏi không phải là tài xế lái nhanh hay lái chậm, mà là một tài xế đưa khách đến nơi an toàn.  Có lái xe một cách an toàn thì tai nạn xe cộ sẽ giảm rất nhiều.  Do đó dấu hiệu an toàn bao giờ cũng tốt hơn dấu hiệu nguy hiểm.  Nếu chọn thì nên chọn con đường an toàn chớ không nên chọn con đường nguy hiểm.  Như trong Kinh Bồ Tác Giới, Đức Phật có chế một giới, khi đi đường, nếu Bồ Tát biết đó là nguy hiểm mà cứ cố đi tức phạm giới Bồ tát.  Vậy câu trên chỉ dùng trong những trường hợp quyền biến, mà không được dạy dỗ như một cách phổ thông.  Như thế lời khuyên nầy đề nghị sửa lại:  “Người có trí hiểu rằng những dấu hiệu nguy hiểm không nói lên hành trình là con đường sai, nhưng không theo con đường nguy hiểm mà theo con đường an toàn.”

 5. Người có trí hiểu an lạc là điều đáng mong cầu nhưng không phải lúc nào cũng phải an lạc.

 Chú Thích 5:

            Đã là người trí thì phải hiểu là không mong cầu tất cả, ngay cả sự an lạc cũng không mong cầu.  Như trong Kinh dạy Ba Tam Muội Giải Thoát Môn gồm có Không Tam Muội, Vô Tướng Tam Muội, và Vô Cầu Tam Muội.  Ba Tam  Muội môn này là ba cửa Niết Bàn.  Vì thế tâm niệm kẻ Trí tức là Vô Cầu nghĩa là không mong cầu bất cứ điều gì ngay cả sự an lạc.  Nhìn lại Ngài Quảng Độ và Ngài Huyền Quang, có thấy các Ngài mong cầu sự an lạc thảnh thơi gì đâu, từ năm 1975 các Ngài đã được đề nghị sang Hoa Kỳ để sống những năm tháng an lạc còn lại mà  các Ngài cũng không cần.  Rõ ràng các Ngài này đã đắc Vô Cầu Tam Muội rồi.  Tuy nhiên kẻ đắc không biết mình đắc mới gọi là đắc.  Cho nên lời khuyên số năm này đề nghị sửa lại:  “Kẻ trí không mong cầu bất cứ điều gì dù đó là an lạc.”

 6. Người có trí không chuộng cách suy nghĩ “rập khuôn” 

 Chú thích 6:

            Lời khuyên này không thực tiển chút nào vì “rập khuôn” có khi tốt có khi xấu.   Thí dụ như rập khuôn theo bản Hiến Pháp Hoa kỳ là tốt, còn rập khuôn theo chủ nghĩa cộng sản là xấu.  Do đó không nên rơi vào trước tưởng “rập khuôn” hay trước tưởng”không rập khuôn”.  Mọi việc phải dùng trí tuệ phân biệt, bỏ cái xấu dùng cái tốt, bỏ chổ dư mà bù vào chổ thiếu thì mới gọi là người có trí.  Vậy lời khuyên thứ 6 này đề nghị  đổi lại:  “Người có trí không chuộng cách suy nghĩ “rập khuôn” mà cũng không bỏ lối suy nghĩ “rập khuôn”.”

 7. Người có trí không áp đảo cảm xúc của mình mà quán chiếu với chánh niệm. 

 Chú thích 7:

            Lời khuyên này tự mâu thuẩn với chính nó.  Tại sao?  Vì nếu đã là người Trí tức là không sống với Thức.  Trong Thiền Tông gọi là “Chuyển Thức thành Trí” còn trong Giáo gọi là “Y Trí không Y Thức” tức cảnh giới Giác Ngộ.  Người sống trong cảnh giới Giác Ngộ gọi là người Trí.  Người Trí thì không trở lại mê nữa cũng như quặng khi nấu thành vàng thì không trở lại thành quặng nữa.   Như vậy người Trí luôn luôn sống trong cảnh giới sáng suốt, mọi cảm xúc trở thành Tứ Vô Lượng Tâm Ba La Mật tức là Từ Ba La Mật, Bi Ba La Mật, Hỉ Ba La Mật, và Xả Ba La Mật thì không cần phải đặt ra vấn đề “áp đảo”  hay  “không  áp đảo” cảm xúc của  mình nữa vì đây là trạng thái Giác Ngộ Ba La mật  rồi, tâm thức không còn sanh lại những kiết sử phiền não nữa.  Vậy nếu nói “Người Trí không áp đảo cảm xúc của mình” tức là bắt đầu trở lại giai đoạn Tâm Ý Thức đang còn mê và tranh đấu với cảm xúc.  Cũng giống như vậy, cũng không thể nói “Người Trí quán chiếu với chánh niệm”. Tại sao?   Vì Trí là Chánh Niệm.  Chánh Niệm là Trí.  Trí không quán trí.  Trong cảnh giới giác ngộ vốn không hai.  Nếu Trí quán trí tức có hai.  Có hai không phải là Trí.   Do đó lời khuyên trên không dùng được chổ nào cả vì tự nó phủ định nó.

 8. Người có trí hiểu cảm xúc tự nó không nên là lý do để hủy diệt tất cả. 

Chú thích 8:

            Chẳng những Người Trí hiểu cảm xúc là tự Không mà cái hiểu đó cũng là Không, và người hiểu cũng là Không.  Vậy Không có người hiểu,  và không có sự hiểu.  Không có người hiểu và không có sự hiểu thì cái cảm xúc kia cũng không thể có được. Đó là pháp Vô Sở Đắc.  Lời khuyên này đề nghị sửa lại: “Người Trí có pháp Vô Sở Đắc nên không rơi vào chổ Sở Đắc cảm xúc”

 9. Người có trí không đòi hỏi cả thiên hạ đều phải là tri kỷ. 

  Chú thích 9: 

            Người trí có pháp Vô Sở Đắc nên tất cả mọi sở hữu là vô sở hữu.  Vì vô sở hữu nên không bận tâm với mọi hoàn cảnh hay bạn bè, tri kỷ, hay tri âm, mà tâm hồn lúc nào cũng ở trong cảnh giới thanh lương.  Lời khuyên trên đề nghị sửa lại:  “Người Trí đắc Pháp Vô Sở Đắc nên lúc nào cũng sống trong quốc độ thanh lương.”

 10. Người có trí không lầm lẫn đau thương trong lòng là thất bại của cuộc sống. 

 Chú Thích 10:

            Người Trí là những ai đã chuyển Thức ThànhTrí tức bốn trí : Đại Viên Cảnh Trí, Thành Sở tác trí,  Diệu Quan Sát Trí, và Bình Đẳng Tánh Trí. Nơi đó mọi tác động hay ý thức thân tâm đều là giác ngộ viên mãn nên không còn bất cứ một kiết sử hay phiền não trở lại. Thân tâm của bậc có trí tuệ như thế đã viên định trong cảnh giới Chân Không Diệu Hữu, Bất Biến Tuỳ Duyên, Tuỳ Duyên Bất Biến, Niết Bàn Tịch Tịnh rồi.  Như thế cần gì phải nói đến tâm trạng “lầm lẫn đau thương” hay “thất bại cuộc sống “chi nữa?   Lời khuyên này đề nghị sửa lại: ” Người có trí đã điều ngự trong cảnh giới giải thoát nên không còn vướng bận đau thương trong lòng do thất bại hay thành công trong cuộc sống.”

 Huệ Lộc

Tôn Thắng Đạo Tràng

9/17/2015

 

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.