(Vĩnh Hảo) Đứng trên tất cả – CON ĐƯỜNG NGƯỢC DÒNG-PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.
Tựa – Nhân lúc rảnh rỗi, lục lại chồng sách cũ, chúng tôi tìm lại được cuốn Phật Giáo Việt Nam Biến Cố và Tư Liệu (1975-1995) và một số tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại với bút ký lưu niệm của Có HT Thích Đức Niệm, mà cảm nhớ về Thầy! Đời người như gió thoảng qua, quả thật không sai! Thấm thoát mới ngày nào, nay ngoảnh lại thời gian, mới hay Thầy viên tịch đã hơn 13 năm qua rồi!.
Trong tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại 11, số Kính mừng Phật Đản 2541, phát hành tháng 5/1997 chúng tôi tìm thấy một bài viết của nhà văn Vĩnh Hảo.
Nhà văn Vĩnh Hảo từ thủa thời đã xuất gia đầu Phật, vì thế Tác giả am tường kinh điển nhà Phật thật thâm sâu., nhưng có lẽ vì còn nặng nghiệp ba sinh, nên Vĩnh Hảo đã xả giới trở về làm thân cư sĩ. Vĩnh Hảo cũng là một trong số hàng trăm cư sĩ xuất hiện từ những năm đầu thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, sau này có lẽ vì liên hệ đồng môn, đồng lữ hay vì lý do nào đó, Vĩnh Hảo đã chạy theo Nhóm Về Nguồn. Tuy nhiên, nhận thấy rằng những đóng góp, chia sẻ của Vĩnh Hảo về Giáo Lý nhà Phật rất hữu ích cho người Phật tử học Phật ngày nay, Tiếng Lòng Ta xin sao chép lại bài “Đứng Trên Tất Cả”, bài viết như một cẩm nang cho người Phật tử, tự tìm cho mình một chân sự học đạo, hầu tìm đến giác ngộ và giải thoát. “…Người xuất gia sở dĩ đứng trên tất cả là do đã sống vì tất cả; sống vì tất cả là do không còn bám cặt vào gốc rễ của tự ngã. Tu tập, hành đạo, làm việc thiện, mà khư khư bám chặt lấy tự ngã, thì suốt đời suốt kiếp cũng chỉ là viên sỏi lăn xuống đáy nước. Trong khi đó, những ai đã phá trừ tất cả mọi thứ gốc rễ, mọi thứ đeo bám, mọi thứ rườm rà nặng nhọc của hình thức và tự tâm, thì có thể như cánh nhạn, như làn mây, như sợi khói mỏng, hay như chiếc bong bóng, nhẹ nhàng bay lên bầu trời vô tận…
Vì bài “Đứng Trên Tất Cả” quá dài, Tiếng Lòng Ta xin chia làm 3 tiểu đoạn.
-
CON ĐƯỜNG NGƯỢC DÒNG-PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.
-
KÍNH TÍN VÀ PHÂN BIỆT – CHÂN SƯ VÀ TÀ SƯ.
-
VÔ NGÃ TRONG NẾP SINH HOẠT.
“Đứng Trên Tất Cả”
CON ĐƯỜNG NGƯỢC DÒNG-PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.
Trong cuốn Tăng Già Việt Nam (*1) của Hòa Thượng Thích Trí Quang, có một câu rất hay, rất cảm động mà mỗi khi lẩm nhẩm đọc đến thì người đọc cảm thấy lòng hưng phấn, chí nguyện được cất cao lên, không còn khiếp sợ hay nhàm chán phải đối diện với đời sống vô thường hệ lụy.
“Đứng trên tất cả để sống vì tất cả” (*2)
Câu ấy được viết ra để nhắc nhở, khích lệ những người xuất gia theo Phật. những người đã từ bỏ mọi thứ cặn bã vinh hoa, danh vọng, quyền lợi, sắc dục, tiền tài…nói chung là tất cả mọi thứ trói buộc tầm thường của cuộc đời.
Nhắc nhở gì? Nhắc nhở rằng trách nhiệm cao cả và duy nhất của người xuất gia là tự giác ngộ lấy mình để có thể đem lại trí tuệ giác ngộ cho kẻ khác, tự giải thoát lấy mình để có thể cứu thoát kẻ khác.
Khích lệ gì? Khích lệ rằng lý tưởng xuất trần là con đường cao đẹp và đứng đắn, mà chỉ có những kẻ có tình thương yêu rộng lớn, tuệ căn sâu thẳm và ý chí quyết liệt dũng mãnh mới chọn lựa và dấn mình vào.
Nhưng khi người xuất gia chọn lựa “đứng trên tất cả” điều đó chẳng có nghĩa là chọn một thứ vị trí không gian hay một thứ giai tầng xã hội nào ở chóp đỉnh của những nấc thang giá trị cuộc đời, mà chính là đứng ngoài, hay đúng hơn, vượt ra khỏi, vượt lên trên, tất cả những thế đứng, chỗ ngồi, quyền hạn, lợi dưỡng, sắc dục, danh vị, phẩm trật, chức tước, cấp bằng…nói chung là tất cả những gì mà người thế tục bình phẩm cho là quý giá và lăng xăng chạy đuổi theo nó bằng cả cuộc đời của họ.
CON ĐƯỜNG NGƯỢC DÒNG
Đó là nhìn một cách lạc quan theo danh nghĩa lý tưởng. Còn trên thực tế sinh hoạt nhất là sinh hoạt của thời đại ngày nay. Cái thời đại mà kinh Phật đã thấy trước và đã đặt tên trước là thời mạt pháp, thì cả lòng người lẫn hoàn cảnh xã hội hầu như đều toa rập, đồng lõa với nhau để đẩy xô những người xuất gia vào một nếp sống mới với những lề lối suy tư, quan niệm, lời nói và hành xử, đi ngược lại với những chí nguyện xuất trần ban đầu, để rồi chúng ta đau lòng mục kích bao nhiêu điều “nghịch thường” trong chốn thiền môn, cả trong nước lẫn hải ngoại.
Cái lẽ nghịch thường ấy, nhìn theo con mắt thế tục, thì chẳng có gì gọi là sai trái, lạ lùng cả và tất nhiên là người thế tục sẽ cho đó là điều bình thường; nhưng áp dụng nó vào nẻo đạo thì cái nghịch thường này thực khó chấp nhận. Hòn sỏi ném xuống nước thì chìm đến tận đáy, đó là chuyện bình thường, nhưng bong bóng bay mà cũng lặn xuống đáy nước thì không phải là bình thường nữa. Cả người bán lẫn người mua bong bóng bay đều mong đợi sự bay lên của những chiếc bong bóng. Giá trị của chiếc bong bóng bay là ở chỗ bay lên ấy. Khi bong bóng xìu không bay nổi, chúng mất giá trị, chúng không bình thường, không còn lý do nào để tồn tại.
Con đường xuất gia là con đường ngược dòng. Giới nhà thiền gọi là nghịch lưu. Trong khi tất cả những người thế tục và cả những người cư sĩ tại gia có hiểu và tu tập theo giáo lý Phật, đều chạy xuôi theo dòng tục lụy, thì chỉ có họ, những người xuất gia, là bơi ngược dòng để tìm về nguồn cội vô tận thênh thang.
Chọ lựa sự ngược dòng là chọn lựa đứng trên tất cả, vượt lên tất cả những cặn bã phù phiếm của dòng đời. Thế thì tại sao một người xuất gia phải cúi đầu bằng lòng, hãnh diện, vui vẻ, ngưỡng mộ, khiếp phục, tận lực gia công, bỏ hết thì giờ, cặm cụi cắm cúi, hăm hở chạy theo …những cái gọi là sự thành công của đời sống thế tục? Tại sao bong bóng càng lúc càng xìu đi một cách thảm hại dể rồi cứ la đà trên mặt đất? Tại sao con thuyền ngược dòng lại quay mũi mà xuôi theo sóng nước? Hay là nó vẫn hướng sống mũi về phía đầu nguồn nhưng lại đi tới về phía cuối nguồn bằng cái đuôi thuyền.
Khi người xuât gia chằm hăm bỏ hết thì giờ của mình để được thành công với đời. Bằng bất cứ phương tiện nào. Thì người ấy đã thất bại thấy rõ trên đường đạo. Thất bại là vì chọn đứng giữa và đứng trong tất cả, thay vì đứng trên tất cả.
PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO
Người ta có nhiều lý do để biện minh cho sự chọn lực này. Chẳng hạn vì hoàn cảnh xã hội, vì thời cuộc, vì nhân tâm ngày nay đòi hỏi người xuất gia phải như vậy. Hoặc nói theo ngôn ngữ nhà thiền thì, “phải biết dùng phương tiện thiện xảo để độ sanh.” Vâng, phương tiện thiện xảo (*3) Bốn chữ ấy đối với những bậc thực sự giải thoát giác ngộ (hoặc thực sự quy hướng bản tâm vào lý tưởng xuất trần độ sanh) thì là cái gì linh diệu, đẹp đẽ, như những cánh tay đầy diệu dụng, như những chìa khóa vàng mở vào kho vô tận…nhưng đối với kẻ tuy mang hình thức xuất gia, mà tâm vẫn còn bươn chải lặn hụp theo giòng thế tục thì đó chỉ là thứ rào chắn bảo vệ và che đậy, biện minh và khỏa lấp tất cả sự hèn kém tầm thường của cái bong bóng xì hơi mà thôi.
Chúng ta có nên đổ lỗi cho thời kỳ mạt pháp đã khiến một số người xuất gia không còn ôm giữ chí nguyện xuất trần? Chúng ta có nên biện minh rằng tất cả những gì người xuất gia làm hôm nay đều mở rộng phương tiện thiện xảo?
Thực ra, khi một người phát khởi tâm bồ đề (giác ngộ), luôn hướng vọng đến đạo quả giải thoát và chí nguyện độ sanh, thì không có vấn đề chánh pháp, tượng pháp hay mạt pháp nữa. Bỏ đi, hoặc lơ là với chí nguyện xuất trần, là tự mình lăn vào thời kỳ mạt pháp. Không những sống trong thời kỳ mạt pháp mà còn sống trong tất cả hoàn cảnh mạt pháp.
Còn nói rằng vì phương tiện độ sanh mà làm các việc thế tục thì điều này chẳng lạ gì với tư tưởng dấn thân hành đạo của truyền thống Đại thừa. Nhưng nếu tâm bồ đề không phát khởi, không giữ gìn, không phát triển, không đẩy đến mức toàn vẹn, thì tất cả những phương tiện dù có mang lại một kết quả tốt đẹp nào đối vơi đời, thì cũng đều là sự manh động của tự ngã.(*4) không dính nhập gì đến đạo quả giải thoát giác ngộ và hạnh nguyện lợi sanh cả. Và những thứ phương tiện được thực hiện theo cách đó không thể nào gọi là phương tiện thiện xảo. Chúng chỉ là phương tiện theo ý nghĩa thông tục nhất của thế gian mà thôi. Mà phương tiện theo cách ấy thì ai lại chẳng làm được! Tất cả những con người gian ác, bạo tàn, quỉ quyệt, hám danh hám lợi, tham quyền cố vị, vị kỷ, hèn mọn, đê tiện, thấp kém, ngu dốt và cả những người trí thức… đều học tập, thục hành và phát triển riêng của họ. Nhưng không có thứ phương tiện nào trong số đó được gọi là phương tiện thiện xảo, bởi vì chúng được thiết lập không phải để nhắm vào mục đích giải thoát giác ngộ.
Tóm lại là không có lý do nào để có thể đổ lỗi cho thời kỳ mạt pháp hay biện bạch cho sự phóng tâm chạy xuôi theo dòng đời. Hễ mục đích sai lầm thì tất cả phương tiện sai lầm. Suy ra, khi người ta làm những phương tiện sai lầm thì ắt phải biết là mục đích của họ đã sai lầm.
Những phương tiện nào là phương tiện sai lầm? Nói vậy e có phải vội vàng, bao đồng lắm không? Chứ không phải người ta thường nói rằng: Nghề nào cũng tốt! Miễn là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”(*5 ) và miễn sao nghề xấu mà lòng tốt là được rồi. Vâng quan niệm ấy có thể áp dụng được ở thế tục hoặc một khía cạnh nào đó trong đạo. Nhưng cũng tương đối thôi. Vì nó chỉ có tính cách luân lý, an ủi những thành phần bất tài, thấp kém không không tìm được những nghề nghiệp vững chắc và danh giá trong xã hội, cũng như để khích lệ những người lăng xăng lao dao động nên chú tâm vào một việc. Còn trên thực tế xã hội thì không ai khuyên khích nghề trộm cướp, nghề đồ tể, nghề ăn mày ăn xin…(bất kể lòng dạ tốt hay xấu) mà chỉ khuyến khích các nghề bác sĩ, kỹ sư, thương gia…(cũng bất kể lòng dạ tốt hay xấu). Chính vì vậy, chắc chắn là có những phương tiện sai lầm trong xã hội đầy dẫy những con người với lòng dạ bất thiện. Chính vì bất thiện ở tự tâm, họ không bao giờ có một thứ mục đích nào gọi là cao đẹp hay có lợi ích cho kẻ khác. Nhưng họ lại là người luôn lấy phương châm cứu cánh biện minh cho phương tiện để tô vẽ cho những hành động vị kỷ của mình.
Xét về mặt nhân quả thì phương tiện và cứu cánh phải tương ứng thích hợp với nhau. Phương tiện xấu thì đưa đến cứu cánh xấu; ngược lại, cứu cánh xấu cũng mở đường cho những phương tiện xấu. Không có thứ phương tiện tồi tệ của một kẻ tồi tệ nào lại đưa đến một cứu cánh hoàn hảo. Nói như Krishnamurti, một vị đạo sư giác ngộ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 mà chưa bao giờ tự nhận mình là đạo sư, thì “tự do đầu tiên và cuối cùng”.(*6) Có thể tạm hiểu ý chính của tựa đề này (và cũng là nội dung của toàn bộ cuốn sách) rằng, cái nhân tự do giải thoát mới đưa đến cái quả giải thoát. Đầu tiên là nhân . Cuối cùng là quả. Khi thiết lập một thứ phương tiện mà thiếu tính cách tự do, thì sẽ chẳng bao giờ có được cái cứu cánh tự do cả.
BỒ TÁT HÓA THÂN
Đó là xét về mặt thế tục. Còn xét về mặt đạo, có người sẽ nói rằng kẻ phàm tâm khó có mà hiểu được hành động của bồ tát dấn thân độ đời, vì những vị này đã hoàn toàn giác ngộ, nên hành vi, lời nói và ý nghĩ của họ không còn rơi vào vòng ảnh hưởng của nhân quả. Lý này không sai, nhưng làm sao giải thích được với những người không tin nhân quả hoặc những người tin sâu vào nhân quả và không chấp nhận một sự ngoại lệ nào cho những tác nghiệp xẩy ra trên cuộc đời? Chúng ta có thể bàn sâu hơn một chút về các vị bồ tát dấn thân độ đời nói trên.
Trong truyện sử Phật giáo, đôi khi có vài câu chuyện về những vị bồ tát hiện thân làm người phàm, thực hiện tất cả những công việc của người đời nhăm mục đích cứu nhân độ thế. Những vị bồ tát hóa thân này thường mang thân tướng tầm thường, làm những việc tầm thường, khiến người đời không biết, dùng lời lẽ nguyền rủa hoặc có tâm ý khinh chê, liền bị đọa địa ngục…Những câu chuyện loại ấy khiên cho những Phật tử sa cơ dè dặt ý nghĩ, lời nói và hành động của mình hơn, không dám vội vàng đánh giá kẻ khác, vô tình thực hiện hạnh tốt là “Không nên nhìn ngó lỗi người, chỉ nên tự xét lỗi mình” Kinh Pháp Cú – Dhammapada; nhưng cũng là cái phao cho những kẻ phàm phu tục tử vin vào đó để làm việc xằng baajyroofi cứ khăng khăng ngụy biện rằng mình làm việc này, việc kia, đều chỉ là phương tiện thiện xảo…hoặc đem địa ngục ra để hăm dọa kẻ khác, bịt miệng kẻ khác.
Thực ra, theo thiển ý riêng của tôi, một vị bồ tát hóa thân mà ưa làm những chuyện cho người đời nguyền rủa, để rồi người chửi rủa mắc tội đọa địa ngục, thì vị bồ tát ấy sử dụng phương tiện độ sanh chưa được thiện xảo (khéo léo) gì lắm. Bồ tát hóa thân làm người phàm để gần gũi người đời mà cứu độ họ thoát khổ chứ đâu phải để “nhử”cho họ chửi mình rồi bị đọa vào cảnh khổ!
Một điều đáng lưu ý nữa là cho dù hóa thân bằng cách nào, hình thức nào, vị bồ tát đó cũng không thể che dấu được sự “bất phàm” của mình. Đã là bồ tát, đã là thánh nhân đắc đạo, thì có hóa thân làm gì nữa, vẫn tỏa ra cái cốt cách phong độ và sở chứng của mình. Đó là điểm mà một phàm nhân không thể nào bắt chước, và đó cũng là điểm mà người ta có thể dựa vào để nhận biết được một vị bồ tát hóa thân.
Đừng bao giờ khư khư khẳng định rằng không thể nào phân biệt được các vị bồ tát hóa thân. Bởi vì sự khẳng định này sẽ khiến chúng ta có thói quen là không sử dụng trạch pháp (*7) (phân biệt và chọn lựa phương pháp chân chính, thích hợp) và vì vậy sẽ không bao giờ phân định được đâu là bậc tu hành chân chính để nương theo, đâu là kẻ thực hành tà đạo để xa lánh.
Thực ra, chánh nhân và tà nhân, chánh đạo và tà đạo, rất dễ phân biệt, và rất cần thiết phải nhận biết. Tại sao không?! Tại sao thời xưa bên Trung Hoa người ta nhận biết Bố Đại Hòa Thượng và Phật sống chùa Kim Sơn? Không phải chỉ vì họ có pháp thuật hoặc cứu độ được nhiều người, mà chính vì cái vẻ tự tại vô ngại, không chấp chước nhân ngã bỉ thử, không cầu danh hám lợi, không kể lể công đức, không ham thích tạo ra dòng phái tông môn để làm tông chủ giáo chủ, không cố tình để lại vết tích hành trạng của tự ngã. Họ làm tất cả mọi việc đều vì mục đích lợi sanh chứ không phải vì sự vinh quang của giòng phái, tổ tông, hay vì bất cứ thứ phần thưởng vật chất và tinh thần nào của cuộc đời….Họ đến rồi đi như bóng nhạn lướt trên mặt nước, như mây trắng trôi qua trời, nhưng lợi ích cho đời thì không đếm kể được. Những người không biết, chửi rủa họ, họ hoan hỉ đùa cợt rồi tìm cách cứu độ hết, không để cho ai phải vì khinh chế mình mà đọa địa ngục. Không chấp có ngã có nhân nên không đem lòng hận thù oán ghét ai. Chính cái tâm vô ngã và đại bi của họ khiến cho những lời nguyền rủa của phàm nhân tan ra mây khói, không kết thành ác nghiệp.
Cho nên, chúng ta có thể nhận biết được các vị bồ tát hóa thân và những vị tu hành chân chánh– những vị thực sự đứng trên tất cả để sông vì tất cả…..(đọc tiểu đoạn 2 – Kính Tín Và Phân Biệt – Chân Sư Và Tà Sư)
Vĩnh Hảo
*1. Xuất bản từ 1952 tại Việt Nam. Ở hải ngoại, được tái bản năm 1986 bởi nhà xuất bản Phú Lâu La, Hoa Kỳ.
*2. Nguyên văn câu ấy là “Đứng trên tất cả để sống vì hết thẩy” Xem Tăng già Việt Nam, trang 16.
*3. Phương tiện (Shanskrit: Upàya) là một thuật ngữ Phật giáo không phải chỉ có ý nghĩa như là một thứ khí cụ, dụng cụ tiện lợi như cách người thế tục hiểu (chẳng hạn phương tiện chuyên chở, phương tiện đi lại…); mà chính là chỉ những pháp môn, những phương thức độ sinh khéo léo và tiện dụng (thiện xảo) của những hành giả dấn thân trên con đường bồ tát. Ngoài ý nghĩa là phuwng pháp độ sinh tiện lợi và thích hợp trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, Upàya còn được dịch là quyền, có nghĩa là quyền biến, tạm thời (như Quyền trí hay Phương tiện trí–[Sanskrit; Upàyajnàna]: trí tuệ quyền biến, tạm thời thiết lập để cứu độ chúng sinh, dẫn dắt họ đến Bát nhã trí, Chân thật trí).
*4. Trong kinh Hoa Nghiêm có đoạn nói: “Vọng thất bồ đề tâm tu như chư thiện pháp, danh vi ma nghiệp”. Có nghĩa là thực hành các điều lành mà quên mất tâm bồ đề thì các việc lành đó cũng chỉ là hành động của ma.
*5. Một nghề mà chuyên thì vinh thân cả đời.
*6. Tựa đề của một tác phầm Krishnamurti: “The first and the last freedom” Phạm Công Thiện dịch là “Tự do đầu tiên và cuối cùng”.
*7. Trạch pháp (Sanskrit: Dharma-pravicaya) là chi hay phần đầu của Thất Bồ Đề Phần (còn gọi là Thất Giác Chi), có nghĩa là khả năng phân biệt pháp đúng sai, phải trái, chân ngụy, chánh tà…Thất Bồ Đề Phần là bảy đức tính phải có bồ đề (bohdi—giác ngộ) mà bất cứ hành giả nào cũng trải qua để tiến đến giác ngộ: gồm có:1. Trạch pháp, 2. Tinh tấn (Vìrya), 3. Hỷ (Prìti), 4. Khinh an (Prasrabdhi), 5. Niệm (Smrti), 6. Định (Samàdhi), 7. Hành xả (Upeksà).
Thất bồ đề phần được xếp hàng thứ 6 trong 37 trợ đạo (4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 bồ đề phần, 8 chánh đạo.