Nguyên Chiếu: Lời khai thị của Đại Trưởng Lão Chơn Tâm, Thiện Giác cho vị Thiền Sư và một số tu sĩ cống cao ngã mạn bôi bác Đại Thừa Phật Giáo.
Thời gian gần đây người ta thấy xuất hiện một số tu sĩ tưởng mình đã có một quá trình tu tập hay đắc pháp tại các học viện nghiên cứu kinh điển Tiểu Thừa và Bali, nên tự cho mình đã liễu ngộ, đắc đạo, cống cao ngã mạn, chấp ngã, chấp pháp, đi vào tà đạo, xem kinh Phật không ra gì, để rồi bôi bác nghi thức Cầu Siêu của Đại thừa và còn lớn tiếng cho rằng “Đức Phật không chủ trương cầu siêu”; “cha mẹ tôi chết chỉ tưởng nhớ chứ không cúng vong”; “nơi nào chỉ độ cho vong là đạo không tiến được!”.
Đạo Phật là đạo tùy duyên. Tùy thuận vào căn duyên, căn cơ của mỗi chúng sanh mà chọn pháp tu thích hợp cho mình trong 84 ngàn pháp môn tu của nhà Phật. Chứ không phải chỉ biết đến Thiền Tiểu Thừa của mình là Pháp môn tối thắng, là tối thượng trên hết! Chúng tôi thực sự không biết trong suốt quá trình tu và hành đạo, các vị tu sĩ này có bao giờ bỏ thì giờ nghiên cứu các pháp thiền Đại Thừa một cách thấu triệt chưa? Như: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa Tam Muội, Niệm Phật Tam Muội, Giác Ý Tam Muội, Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Viên Giác, Kim Cang, A Di Đà… và nhất là Đại thừa Phật giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken, mà đã vội vàng phán đoán Tịnh Độ là sai lầm, là biến hóa theo Tàu không phải lời Phật dạy!
Nhận thấy rằng sự cống cao ngã mạn của một số tu sĩ buông lời bôi bác Tịnh Độ Tông quá nguy hiểm, e rằng có thể làm cản trở đường tu của người Phật tử sơ cơ, do đó chúng tôi xin được trích dẫn một số trang trong cuốn “Không Và Sắc” của tác giả Bùi Anh Tấn về Trúc Lâm Tự vào ngày Khai hội kinh A Di Đà. Có một vị Thiền sư hơn 20 năm nổi tiếng Thiền Định, may nhờ được Hoà Thượng Trưởng lão Thiện Giác, Trụ trì Trúc Lâm khai thị “lời Đức Phật dạy cũng là phương tiện. Mọi pháp tu hành cũng chỉ là phương tiện. Phương tiện chứ không phải là cứu cánh, há không thấy “ngón tay chỉ mặt trăng nhưng không phải là mặt trăng. Toạ thiền niệm Phật không khác gì nhau trong việc tu trì để phá trừ phiền não, đạt đến mục đích giải thoát và thành Phật. Có khác chăng là do chúng ta còn vọng tưởng điên đảo của kẻ phàm phu, còn phân biệt hơn thua, cao thấp”. Nhờ đó, Thiền Sư mới ngộ ra được những lời dèm pha, bôi bác Tịnh Độ chỉ vì khư khư cho Thiền pháp của mình là pháp môn tối thắng là sai lầm. Thiền Sư đã cung kính quỳ dưới chân Đại trưởng lão tỏ lời biết ơn và sám hối và từ đó ẩn tu, sau này đắc đạo.
Dẫn trích:
Cách đây một tuần trăng, Trúc Lâm tự khai hội kinh A Dỉ Đà. Ngoài chư Tăng trong Tự, thì Trúc Lâm tự cũng đón một số Tăng, Ni ở những miền lân cận về cùng dự lễ nhân rằm tháng 10. Trong lủc đang đăng đàn giảng kinh của Thượng tọa Thiện Hoa đã xảy ra những lộn xộn bất ngờ. Khi Thượng tọa đang giảng về ý nghĩa của.phương pháp tu Tịnh nghiệp của Trúc Lâm với các Phật tử, thì chợt một vị Thiền sư ngồi dưới đột nhiên hỏi vọng lên:
-
Thưa Thượng tọa để nhằm cho chúng sinh mau chóng giải thoát, đi đến con đường giác ngộ, tại sao ngoài pháp môn tu Tịnh Độ ra, chúng ta không giảng giải cho chúng sinh đi con đường giải thoát khác?.
– A Di Đà Phật – Thượng tọa Thiện Hoa bị hỏi bất ngờ, ông chắp tay nhìn vị Thiền Sư – Xin Đại sư nói rõ ý hơn.
Vị Thiền sư nọ đứng dậy. Mọi người nhận ra ngay đây là vị Thiền sư nầy rất nổi tiếng ở miền Bắc, nguyên là Trụ trì một thiền viện lớn ở Vĩnh Châu. Sau hơn hai mươi năm tu Thiền định, một hôm vị Thiền sư này cho các môn đệ biết mình đã ngộ nhiều điều. Ông tự mình phải có trách nhiệm đem Thiền môn đi rao giảng khắp nơi nhằm cứu vớt sinh linh thế gian và hoằng dương Thiền. Theo ông cho biết, hiện nay Thiền đang có dấu hiệu bị thụt lùi và dần dần bị tông phái khác lấn lướt, đặc biệt là tông Tịnh độ hiện đang lấy hết các môn đồ và chùa chiền cửa thiền.
Liên tục trong mấy năm nay vị Thiền sư này đăng đàn thuyết pháp ở khá nhiều chùa Tịnh độ, để đả phá pháp môn Tịnh độ, gây lúng túng cho khá nhiều vị Trụ trì ở các chùa. Các bậc tôn sư Tịnh độ đã bàn nhau và đề cử Hoà Thượng Trưởng lão Thiện Giác, Trụ trì Trúc Lâm Tự đứng ra làm đại diện để có một buổi thuyết pháp và biện luận với vị Thiền sư kia. Thế nhưng, Trưởng lão Thiện Giác từ chối, Ngài cho rằng tu Tịnh độ hay Thiền đều tốt cả, hà cớ phải tranh giành nhau làm mất hòa khí cửa Phật, không xứng đáng với lời dạy của Đức Phật và không đúng bản chất của người tu hành. Tuy vậy, vì đã được cử làm đại diện nên Ngài cũng đã thảo một lá thư khá dài hơn 10 trang để biện luận với vị Thiền Sư kia bằng những lời lẽ khiêm nhường, hoà ái.
Vị Thiền sư hôm nay đột nhiên xuất hiện ở Pháp hội của Trúc Lâm tự, hẳn nhiên đã có ý định từ trước và bắt đầu nói.
-
Với 48 lời đại nguyện rộng lớn của Đức Phật A Di Đà, chúng ta hoàn toàn tin vào tâm từ bi cứu vớt chúng sanh của Ngài. Nhưng rõ ràng tu Tịnh Độ còn phải nương nhờ vào sức Phật A Di Đà và cho dù có về được cõi Tây phương đi chăng nữa vẫn phải tiếp tục tu hành nữa, thì tại sao chúng ta không hướng dẫn cho mọi người ở đây tu Thiền để chứng ngộ ngay trong một đời?
-
A Di Đà Phật – Chủ trương của Trúc Lâm tự chúng tôi là hướng dẫn tất cả Phật tử là Tịnh – Thiền song hành. Mọi người vừa tụng kinh, niệm Phật để cầu vãng sanh về Tây phương, nhưng vẫn hành thiền để phát sanh trí huệ của mình.
-
Không nên vậy – Vị Thiền sư lắc đầu – Trong tất cả các pháp môn thì chỉ có Thiền là Tông môn, còn tất cả các pháp môn khác là Giáo môn, do vậy chỉ có Thiền là chính thống và là pháp môn tối thượng nhất, đáng được tu hành nhất. Tại sao Trúc Lâm Tự không cho Phật tử của mình biết điều này, hay vì Tông phái của mình mà cố tình im lặng?.
Sự đã kích gay gắt của vị Thiền sư này làm cho Tăng chúng và mọi người ngơ ngẩn nhìn nhau.
-
Thượng tọa Thiện Hoa vẫn bình tĩnh hỏi lại, thế theo Đại sư chúng tôi phải làm gì?.
-
Tu Tịnh độ cũng tốt, nhưng cõi Tây Phương thì quá xa, pháp môn quá bình dân, và còn phải nhờ vào tha lực, cũng như tu giới luật thì quá gò bó, cổ nệ nhiều thứ. Tất các Tông thuộc Giáo môn chỉ biết trì tụng kinh điển, biết đến bao giờ mới ngộ, trong khi Thiền chủ trương là xông thẳng vào phá chấp để ngộ. Chì một câu thôi, quả vị sen vàng nở sẵn. Các vị ở đây có hay biết điều này hay không?
Nghe vị Thiền sư nói bây giờ mọi người đã biết ông ta thuộc dòng Lâm Tế, chủ trương tu Khán Thoại Đầu.
Thượng tọa Thiện Luật đứng phắt dậy, có chút bực bội. Rõ ràng việc phê phán tu Giới Luật của vị Thiền sư đã xúc phạm đến Thượng tọa, bởi ông đang tu theo tông Giới Luật .
-
Tại sao Đại sư lại nói như vậy, tu pháp môn nào cũng là con đường đi đến giải thoát. Nếu cứ tu theo Khán Thoại Đầu, chỉ dựa theo câu của thầy cho, nếu không học kinh điển, vậy biết tu khi nào mới ngộ, cả đời nầy hay cả kiếp khác?
-
Còn Giáo môn chí biết trú trọng tụng kinh điển. Vị Thiền sư nhếch mép – Trì chú, giảng tụng suông mà không ứng dụng vào tu hành thì cũng biết đến bao giờ mới ngộ?
-
Còn hơn cả đời chỉ lẩm bẩm một câu vô nghĩa của Thầy và cũng chẳng biết ngộ, ai ngộ, bao nhiều người ngộ và đến đời nào mới ngộ? Kinh điển thì phế bỏ không tin, không đọc, không học, không thờ Phật, chỉ biết thầy. Liệu chính như vậy thầy cũng đã ngộ chưa mà đòi dạy dỗ người khác?
Nghe giọng chế diểu của Thượng tọa Thiện Luật, vị Thiền sư mất bình tĩnh và nổi sùng.
-
Chứ như các Tông khác luôn luôn cắm cúi tụng niệm làm cái gì cũng e dè phạm giới luật, nói một câu là vin dẫn trong kinh, lời Phật dạy. Hừ các vị đang ngủ quên trên kinh sách mất rồi – Ông ta chợt ngân nga “Người Tây phương nếu chẳng thì cũng có lỗi …và về đâu?”.
Mọi người biết vị Thiền sư này đang trích dẫn một câu nói trong Pháp Bảo Đàn kinh của Lục tổ Huệ Năng để chê bai Tông Tịnh độ.
Đến lượt Thượng tọa Thiện Hoa bất đắc dỉ phải nhảy vào cuộc.
-
Đức Phật A Di Đà vì lòng thương xót chúng sanh mà phát đại nguyện, lập hạnh hóa độ. Đại sư phải hiểu thời mạt pháp, chúng sanh muốn chứng quả thánh mà không tu theo pháp môn Tịnh Độ thì tất cả chỉ là cuồng vọng. Tham thiền mà không phát huy đủ giới, định, tuệ thì vẫn là kẻ phàm phu và vẫn bị xoay vòng trong sinh tử, vì còn phải trợ lực đoạn trừ sạch hết nghiệp.
-
Thế Đại sư cho rằng chỉ một câu niệm Phật là con người sẽ về cõi Tây Phương sao? – Vị Thiền sư nhếch mép cười ruồi – Một kẻ cả đời cứ việc làm ác, đi giết người cướp của phá giới ….để rồi trước khi chết chỉ cần niệm một câu A Di Đà là được về côi Tây Phương? Sao dể dàng quá vậy? Nếu cứ như thế thì cõi Tây Phương sẽ biết bao nhiêu kẻ uế tạp? Mà cõi Tây phương như vậy sẽ không hẳn còn là cõi thanh tịnh nữa, rồi khi kẻ tạo tội đầy dẫy họ sẽ đi vào đâu? Lời Lục tổ nói trong Pháp Bảo Đàn kinh thông về lý nhưng về sự thì tối nghĩa.
Một Đại sư khác ngồi dưới không nhịn được đành đứng lên, chắp tay lên tiếng bác bỏ.
-
Tôi có đọc kỹ và nghĩ rằng, cuộc đời Lục tổ sau khi nhận Y Bát đã mất 15 năm trốn tránh về phương Nam. Là một Nhục thân Bồ Tát xuống thế, Ngài là người thông minh tuyệt đỉnh, tôi cho rằng trước kia khi ra đời giảng đạo, trong 15 năm trốn tránh này chắc chắn ngài đã suy gầm kỹ, chứng ngộ được nhiều điều. Việc ngài phát biểu như vậy, đây phải hiểu là tuỳ duyên, tùy căn cơ người hỏi để trả lời, mang tính phá chấp chứ không phải nhằm mục đích bác bỏ kinh điển, cũng như chê bai hay đả kích Tông Tịnh Độ như mọi người vẫn nghĩ. Ngài không phải là người hàm hồ đến như vậy. Do Ngài không đề lại chữ viết, nên sau khi nhập diệt, các môn đệ y theo lời giảng của Ngài để viết lại bộ Pháp Bản Đàn kinh, và tôi cho rằng họ đã thêm nhiều ý tứ vào bộ Kinh này, nên nay nó mới ra như vậy. Nếu các vị không tin, tôi có thể lấy bộ kinh này ra diễn chứng.
Vị Thiền sư kia phẩy tay khinh khỉnh không thèm trả lời. Thái độ của ông ta làm cho Thượng tọa Thiện Luật không giữ nổi bình tĩnh, ông cười khan, ánh mắt bắn ra những tia giận dữ. Trưởng lão Thiện Giác vội toan ra hiệu cho ông bình tĩnh, nhưng không kịp nữa.
-
Thưa Thượng tọa vậy giữa tông Tào Động và tông Lâm Tế có phải đều là một Tổ sư Thiền chứ?
Vị Thiền sư lạnh nhạt nhìn Thượng tọa và miễn cưỡng gật đầu. Thượng tọa Giáo Luật cười lạt kéo dài giọng .
-
Vâng cùng Tổ sư Thiền cả, thế nhưng tại sao quý vị lại bài bác lẫn nhau về “Mặc Chiếu” giữa tông Tào Động và tông Lâm Tế? Ai “Mặc” ai!? Giữa quý vị là một nhà, nhưng để ức chế dương tông phái của mình thì đã không ngừng chê bai nhau. Như vậy có phải là tinh thần Phật pháp hay không? Trong nhà Thiền còn chưa giải quyết xong việc nhà mình, lấy gì mà đi đòi giảng pháp cho tông phái khác?
Nghe Thượng tọa Thiện Luật dài giọng chế diễu, vị Thiền sư đỏ mặt, ông vừa định lên tiếng, thì cùng lúc vị Đại sư kia đã tìm được cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh và nói.
-
Từ đời Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng chúng ta phải biết các Ngài đều là những người thông thạo 3 tạng kinh điển.Vả lại càng không nên lầm lẫn cho rằng tu theo Tổ Sư Thiền tức là phải tu theo Khán Thoại Đầu, tu học kinh luật là không phải Thiền Tổ sư. Ngũ Tồ Hoằng Nhẫn chẳng từng giải kinh Kim Cang đó sao!? Nên nhớ trong kinh có ghi việc Ngài Pháp Đạt chưa thấy đạo nên đã đến gặp Lục Tổ hỏi lý kinh Pháp Hoa, và hỏi rằng “Hiểu được lý kinh khỏi trì tụng được chăng? Tổ trả lời “Kinh đâu có làm chướng ngại ông!” – Vị Đại sư ấy dở cuốn Pháp Bảo Đàn kinh giơ cao cho mọi người thấy và nói tiếp – Như vậy ngay Lục Tồ cũng đâu có phản đối việc phế bỏ kinh? Chính Lục Tổ cũng ngộ được đạo cũng từ một câu kinh trong bộ Kim Cang, các vị quên rồi sao?
Lúc nầy vị Thiền sư đột nhiên có vẻ dịu giọng.
-
Tuy nhiên nếu cứ tiếp tục chấp vào kinh điển thì làm sao mà ngộ được – Đại sư nói vậy thôi, chứ xét về Thiền tông, chúng tôi thấy cũng không thiếu gì các vị Thánh Tăng nhờ đọc kinh mà giác ngộ đấy thôi. Ví dụ như Ngài Huyền Giác do xem kinh Duy Ma Cật mà ngộ. Ngài Huyền Sa nhập thất tu nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm mà ngộ, ngài Pháp Loa Tổ thứ 2 của Trúc Lâm Yên Tử cũng nhờ học kinh Lăng Nghiêm .
-
A Di Đà Phật- Trưởng Lão Thiện Giác, Trụ trì Trúc Lâm tự đứng dậy quyết định chấm dứt cuộc tranh cãi vô ích giữa đôi bên – Xin quý vị đại sư đừng tranh cãi nữa! Chủ trương của Trúc Lâm tự chúng tôi là dựa vào một câu trong kinh Đại Tập, Đức Thế Tôn có nói “Mạt pháp muôn vạn người tu, một vài người chứng quả, duy chỉ nương nơi niệm Phật mà đoạn trừ sanh tử” Tuy nhiên chúng tôi vẫn cho Tăng chúng và Phật tử tu Tịnh – Thiền song hành. Tu thiền là gì? Là người giác ngộ hoàn toàn hoặc từng phần, biết cái thân nầy hư giả, vọng tưởng mà biết hư giả tức là biết lý vô ngã như lời Phật dạy trong Kinh điển. Như vậy Thiền tức là Phật giáo và không thề tách rời Phật giáo ra khỏi Thiền. Do đó Trúc Lâm tự chưa bao giờ bài bác mà luôn cho rằng dù có tụng kinh niệm Phật bao nhiêu đi nữa nhưng vẩn phải tọa Thiền, và bên cạnh đó vẫn phải nghiên cứu kinh điển, giữ Giới Định, Tuệ. Kinh tức là Giới Định. Tuệ là do miệng Phật nói ra, Thiền là tâm của Phật. Cả hai không xa rời, không khác nhau, tất cả đều là một. Tại sao chúng ta phải chê trách lẫn nhau. Tịnh Độ có cái tốt của Tịnh Độ. Thiên Thai Tông, Pháp Tướng Tông, Tam Luận Tông … cũng có cái tốt của từng tông phái này. Thiền Lâm Tế hay Tào Động …cũng có cái tốt riêng của Tông phái mình. Tọa Thiền hay niệm Phật đều là những phương pháp do Thế Tôn chỉ dạy. Vậy tại sao lại có Tông phái này cho mình là chính, là thượng thừa? Tông phái kia là tà, là tạp tu? Do biết chúng sanh căn cơ khác nhau, nên Đức Phật đã có ý bày nhiều phương pháp tu hành để tùy mỗi chúng sinh theo căn ý mình để tu. Người tu lần lần, người tu nhờ tha lực, người tu nhờ phương tiện, người tu tự lực, tiệm hay đốn ngộ là tùy người. Đấy là thâm ý của Đức Phật mà ngay từ khi tại thế người đã bày tỏ, há cớ chúng ta không hiểu hay sao mà bài bác, chê trách lẫn nhau ?
Giọng nói của Trụ trì vừa nghiêm khắc vừa tha thiết, khiến cho mọi người vừa thấy thẹn thùng trong lòng.
-
Hãy nhớ thật ra các lời Đức Phật dạy cũng là phương tiện, mọi pháp tu hành cũng chỉ là phương tiện. Phương tiện chứ không phải là cứu cánh, há không thấy “ngón tay chỉ mặt trăng nhưng không phải là mặt trăng”. Toạ Thiền, niệm Phật không khác gì nhau trong việc tu trì để phá trừ phiền não, đạt đến mục đích giải thoát và thành Phật. Có khác chăng là do chúng ta còn vọng tưởng điên đảo của kẻ phàm phu, còn phân biệt hơn thua, cao thấp. Thế thôi thưa các vị!.
Nói xong từng lời ấy, dường như Trụ trì Trúc Lâm tự cảm thấy mệt. Ngài lặng lẽ ngồi xuống chắp tay và nhắm mắt, im lặng không nhìn ai cả. Bầu không khí thật trầm mặc, đội nhiên.
-
Thưa Đại sư xin Ngài cho tôi hỏi một câu.
Mọi người giật mình khi thấy Đạo Trưởng Lão Chơn Tâm mặc bộ Y Phần Tảo rách rưới từ ngoài lệt xệt đi vào. Ngài đến trước vị Thiền sư kia cười khà khà, đập mạnh cây gậy trên tay xuống đất vẻ đe dọa và hỏi:
-
Tiếng “hét” của Ngài Lâm Tế khác như thế nào với “con chó “ của Ngài Triệu Châu?
-
Là …
Vị Thiền sư kia ngập ngừng giải thích. Trước mặt mọi người, Đại Trưởng lão thản nhiên dùng cây gậy của mình gõ gõ lên vai vị Thiền sư và cười to.
-
Thuộc và hiều một vài nghĩa trong Pháp Bảo Đàn kinh, hay của kinh Kim Cương, cũng như tâm đắc một vài đoạn Kinh Tịnh Danh đề rồi cho rằng đã ngộ và đòi đi thuyết pháp. Đại sư ơi ….Ông hại Thiền mất rồi! Tổ đâu có dạy ông làm vậy!
-
Thế thưa Lão Hoà Thượng, ngài thấy tiếng “hét” và “con chó “ khác nhau như thế nào?
-
Hà …Hà …Hà …Ông còn thấy khác tức là khác. Có vậy thôi.
Ngần người mấy giây, đột nhiên khuôn mặt vị Thiền sư bừng sáng. Ông quỳ xụp dưới chân Đại Trưởng lão cung kính “đa tạ Lão Hoà Thượng đã khai ngộ. Đệ tử sẽ không bao giờ quên ơn này” và ông đứng dậy lại gần bên Trụ trì, cũng quỳ xuống nói khẽ:
-
Tôi thật có lỗi, xin được sám hối trước Trưởng lão.
Một loạt chư Tăng đều quỳ xuống râm ran niệm Phật và sám hối. Ai nấy đều xét trong lòng đầy vọng niệm, nếu không có lời dạy của Trụ trì làm cho mọi người bừng tỉnh, thì có lẽ còn tranh cãi không biết đến khi nào và Pháp Hội sẽ mất ý nghĩa của nó.
Sau nầy mọi người không gặp lại vị Thiền sư kia nữa. Nghe đâu ông ấy đã ra đi, lập một am nhỏ trên núi Thanh Sơn và thề rằng suốt đời chẳng bao giờ xuống núi nữa.
Ngưng trích:
Một vị Thiền sư quá ngạo mạn chê bai các pháp môn cũng phải tỉnh ngộ sau khi được vị Trưởng Lão khai thị. Đây là một bài học không chỉ cho riêng cho Ông nhớ đời ẩn cư để tu, mà còn là một bài học quý giá cho một số tu sĩ ngày nay nghĩ rằng mình đã liễu ngộ, chứng quả nên cống cao ngả mạn bôi bác, chế riễu Nghi thức Cầu siêu của Tịnh Độ Tông. Điều đáng buồn còn cho rằng “Nơi nào Độ cho Vong là Đạo không tiến được!”.
Lời lẽ này mới thực bỉ Phật bán Tăng!
Nguyên Chiếu
One thought on “Nguyên Chiếu: Lời khai thị của Đại Trưởng Lão Chơn Tâm, Thiện Giác cho vị Thiền Sư và một số tu sĩ cống cao ngã mạn bôi bác Đại Thừa Phật Giáo.”
Sau khi Lục Tổ được giao phó y pháp chính ngài cũng nhờ vào tự tánh tự độ, dùng Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa tức là Đại Trí Huệ qua được bờ bên kia vào cõi Phật thanh tịnh quang minh. Người đầu tiên được ngài truyền pháp đốn ngộ là Huệ Minh; ngài dạy Huệ Minh không để niệm thiện ác nhị nguyên làm khởi phiền não để thấy tự tánh thanh tịnh là bước đầu kiến tánh, sau đó lại dạy Huệ Minh hồi quang nội chiếu tức là lấy tự tánh tự độ, tức là sau khi kiến tánh thì phải khởi tu, tự mình tu tâm dưỡng tánh mà không để ý đến chuyện thị phi ở đời nữa. Thuở sinh tiền Lục Tổ từng nhiều lần thí pháp cho đủ mọi hạng người và làm nhiều bài kệ dạy đệ tử tu hành còn lưu lại trong Đàn Kinh được giải thích trong các bản dịch của HòaThượng Tuyên Hóa và Hòa Thượng Minh Trực Thiền Sư. Tu tâm dưỡng tánh theo Đàn Kinh là phù hợp với tinh thần phá chấp của kinh Kim Cang.