
Vô Niệm: Góp ý về sự trạng một số tu sĩ cống cao ngã mạn bôi bác Đại Thừa Phật giáo.
TIẾNG LÒNG TA: Sau khi bài “Khai Thị của Đại Trưởng Lão Chơn Tâm, Thiện Giác cho Vị Thiền Sư và một số Tu Sĩ cống cao ngã mạn ngày nay đã buông những lời lẽ bôi bác Đại Thừa Phật Giáo” của tác giả Nguyên Chiếu phổ biến trên Tiếng Lòng Ta. Ban biên tập chúng tôi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các vị Thiện Trí Thức. Xin được trích đăng ý kiến của Đạo hữu Vô Niệm.
Vô Niệm
20/05/2018
Xin cảm ơn vị thiện tri thức đã cho đọc một bài có ý nghĩa.
Đức Đạt Lai Lạc Ma đã trả lời những người Tây phương đến xin Quy y Tam bảo với Ông đại ý là: Nếu Tôn giáo mà quý vị đang theo, đem Lại Sự An Lạc cho quý vị, thì nên giữ lấy và tiếp tục hành trì.
Nếu mọi chúng sanh được AN LẠC trong từng Sát Na thì cảnh giới này trở thành Phật Địa, Thiên Đàng đâu có xa xôi gì.
Đọc Kinh, tụng Kinh, toạ Thiền, tĩnh Tâm là những cách (phương tiện) để giữ Tâm Thanh Tịnh, không bị tán loạn bởi Khỉ và Ngựa trong Tâm và Ý. Khi Tâm an thì mọi phiền não ngưng lại. Đó chính là Tâm Vô niệm, là Chánh Niệm, là An Lạc trong trạng thái TĨNH.
Sau một thời gian Công phu thực hành những phương tiện trên nhiều lần, với thời gian tăng dần thì Tâm An Lạc sẽ dần dần kiên định trong trạng thái TĨNH.
Nếu Tâm vẫn An Lạc trong trạng thái ĐỘNG, tức là Tâm vẫn THANH TỊNH trong cõi Đời Ô Trược này mà VỌNG NIỆM (Tâm Vọng) vẫn không sanh. Đây chính là LIÊN HOA tỏa hương thơm giữa bùn lầy dơ bẫn.
Phật là vị Thầy thuốc chửa bịnh KHỔ, tuỳ bịnh mà cho thuốc và phương cách chữa. Chịu uống thuốc, chịu thực hành chữa bịnh hay không là do con bịnh quyết định. Phật không uống giùm, làm giúp mà con bịnh hết bịnh được.
Con người Khổ vì THAM, đây là căn bịnh chung của con người. Muốn hết bịnh THAM, Phật cho thuốc BỐ THÍ và HÀNH BỐ THÍ.
SÂN cũng là bịnh chung của nhân loại và phiền não (Khổ) cũng từ đó mà đến. Để trị binh SÂN, Phật cho thuốc NHẪN và HÀNH BAO DUNG.
Khi đã có lòng Bao Dung, hạnh Bố Thí (Tài và Pháp) thì trở thành người TRÍ (Minh) không còn MÊ (Si).
Mọi tranh luận đúng-sai; phải-quấy; cao-thấp; sanh-tử đều là chuyện thị-phi do Tâm phân biệt, Tâm Vọng mà ra. Từ đó mà xa dần cõi Phật, lạc vào cõi Vô minh mà không hay.
Phật có 84.000 con đường (phương cách) đi đến Giác Ngộ, Giải Thoát. Thấy Biết Tham Sân là bịnh Khổ. Giải Thoát để ra khỏi Sanh Tử luân hồi chính là cởi bỏ Tâm Phân Biệt có Sanh-Tử, có Đúng-Sai, có Phải-Quấy tái đi tái lại (luân hồi) để thoát Sân đi vào Chánh Niệm.
Vì đường Hành Đạo có 84.000 lối nên tuỳ theo duyên nghiệp, căn cơ Phước báo của mỗi người nên đường tu cũng không ai giống ai.
Người sanh ra, lớn lên trong gia đình, xã hội Hồi giáo thì lẽ thường tình là theo đạo Hồi. Cũng vậy cho những ai là tín đồ Thiên chúa giáo hay Phật giáo. Mấy ai được tự chọn cho chính mình? Nếu chỉ biết và cho đạo mình là đúng thì dễ sa vào cuồng tín. Sao không lấy lòng bao dung và tìm hiểu?
Trong vấn đề ngôn ngữ là rõ hơn cả.
Con nít sanh ra và lớn lên ở nước nào thì sẽ nói tiếng nước đó. Nó có được chọn tiếng nói cho nó đâu? Sao nó lại chê bai tiếng nói khác với tiếng “mẹ đẻ của nó”. Nó nên học thêm những tiếng nói khác thì có lợi cho nó hơn là chỉ biết ngôn ngữ mình mà chê ngôn ngữ khác.
Để giải khát, anh A uống Cô ca, chị B chọn nước Dừa, ông C gọi Cà phê, bà D thích Cam vắt….. Thật vô minh nếu anh A chê chị B, ông C, bà D khi cho Cô ca là tốt nhứt. Tương tự với các vị còn lại. Vấn đề là A, B, C, D khi uống thứ mình thích đều thấy “đã”, sảng khoái là tốt rồi. Tuy nhiên lần sau cũng nên uống thử thứ khác để thưởng thức hương vị lạ xem sao chớ không nên cố chấp.
Bắc truyền hay Nam truyền, Thiền Tịnh Mật cũng đều là từ Phật mà ra. Do duyên mà đến và hoà nhập nên không thể sanh Tâm phân biệt cao-thấp, hay-dỡ. Chi bằng chí tâm thực hành đến nơi đến chốn hơn là tranh luận thấp-cao sẽ rơi vào hí luận.
Tịnh độ là pháp môn niệm Phật, thường xuyên niệm A Di Đà Phật cũng chính là Thiền đến chỗ Nhứt Tâm Vô Niệm đến An Lạc.
Thiền tĩnh tọa hay cột chặt Tâm vào Công án thì mục đích là nhốt con Khỉ trong Tâm, con Ngựa trong Ý để định Tâm đến Vô Niệm, An Lạc.
Mật dùng Chú để xua đuổi ma Tâm, tức Tâm vọng, Tâm phân biệt. Dùng Mạn Đà La để định Tâm cũng để Tâm An Lạc.
Vậy Tịnh, Thiền, Mật tuy phương thức hành trì có khác nhưng cùng đến một điểm chung là TÂM AN LẠC.
Những hình thức bói, xăm, ma chay, cầu siêu, cầu an, giải hạn trong chùa đều không có trong đạo Phật mà đó chỉ là tín ngưỡng của nhân gian mà qua đó quý Thầy từng bước giúp người Phật tử sơ cơ Phá Si mê để Mở Trí Huệ.
Những lời thô thiển qua việc hành trì mong góp chút ý kiến và mong được sự góp ý trao đổi, học hỏi từ quý thiện tri thức.
Vô Niệm
20/05/2018