Người Việt Nam quật khởi trước dự thảo luật cho Trung Cộng thuê đất 99 năm
Những bạn trẻ với khẩu hiệu phản đối Tàu Cộng thuê đất (ảnh; Facebook Minh Doan- nguồn mạng Internet)
Vietnam – Cali Today news – Trong khi tiếng nói tâm huyết cho tương lai của đất nước và dân tộc đang chiếm số ít trong tổng số 487 đại biểu Quốc hội Cộng sản Việt Nam (CSVN) thì lòng tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước và ý chí quật khởi của con dân đất Việt một lần nữa được khơi dậy mạnh mẽ, quyết tâm chống giặc để bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ mà cha ông ngàn đời đã để lại…
Có thể nói trong những ngày qua, người Việt Nam ở trong nước lẫn ở hải ngoại, ở mọi tỉnh, thành và thậm chí là trên những con đường, ngõ hẻm hay quán xá vỉa hè đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp một không khí bàn tán, truyền miệng nhau thông tin Quốc hội CSVN chuẩn bị thông qua dự thảo Luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trong đó có điều luật quy định cho đầu tư nước ngoài thuê đất đến 99 năm và nhiều điều luật khác không có lợi cho Việt Nam. Thực tế trong văn bản dự thảo luật không có một chữ nào nhắc đến Trung Cộng nhưng các cường quốc kinh tế trên thế giới thực chất trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay cũng không mấy coi trọng mô hình đặc khu kinh tế. Vì vậy, rất dễ hiều những mô hình đặc khu kinh tế mà Việt Nam đang họp dự thảo luật để thông qua thực chất là gián tiếp hợp thức hóa cho nhu cầu của những nước như Trung Cộng để đẩy mạnh chiến lược di dân, bành trướng và mưu đồ sinh sống lâu dài trên đất nước Việt Nam. Đó là chưa nói nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nền kinh tế Trung Cộng rất lớn mà ai cũng thấy và sẽ không quá khi nói rằng đằng sau đó có thể ít nhiều gì Trung Cộng có gây áp lực lên nhà cầm quyền CSVN.
Một dự thảo luật liên quan đến vận mệnh đất nước Việt Nam nhưng Quốc hội CSVN, nhà cầm quyền CSVN lại không trưng cầu ý dân mà vội tiến hành họp hội để đưa ra quyết định trong vài ngày ngắn ngửi như lời của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời trước báo đài vào ngày 16/4/2018 rằng, quán triệt quan điểm, chủ trương là ban hành luật này theo nguyên tắc quyết tâm triển khai thực hiện và không thể bàn ra được, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và yêu cầu, bàn luận sao phải ra được luật chứ không phải là để rút.
Người dân Việt Nam phản đối cho Trung Cộng thuê đất 99 năm (ảnh; Facebook Trịnh Bá Phương)
Hay mới đây là lời phát biểu của đương kim Thủ tướng CSVN ông Nguyễn Xuân Phúc trước báo đài vào ngày 4/6/2018 bên ngoài hành lang Quốc hội nhấn mạnh rằng thế giới đã làm đặc khu thành công từ trước và Việt Nam bắt đầu làm vào thời điểm này là chậm. Thủ tướng Phúc thừa nhận trong những ngày qua, câu chuyện cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt đã có nhiều ý kiến tâm tư, nhiều tin nhắn, cuộc gọi và thư từ liên quan được gửi đến ông mà theo chia sẻ của ông là “làn sóng khủng khiếp” nhưng…
“…Giờ làm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương Đảng khoá XII, ý kiến của ban ngành Trung ương và Quốc hội. Vấn đề thời gian cho thuê đất không phải vấn đề quyết định quá lớn nhưng Chính phủ sẽ lắng nghe”- Trích lời Thủ tướng Phúc tại báo Người lao động.
Sao lại không phải vấn đề quyết định quá lớn thưa ông Thủ tướng? Sao phải ra được luật chứ không phải là để rút hả thưa bà Chủ tích Quốc hội? Người dân Việt đang lo lắng cho an nguy quốc gia, đất nước đang trước hiểm họa mất lãnh hải, lãnh thổ vào tay Trung Cộng từ biên giới hải đảo cho đến đất liền nếu dự thảo Luật Đặc khu bị các ông các bà thông qua từ đây cho đến ngày 15/6/2018. Thực tế hiểm họa Trung Quốc không cần nhắc đến lịch sử Việt Nam bị đô hộ 1000 năm mà mới đây nhất là bài học Hoàng Sa 1974, Biên giới Việt-Trung 1979 và Trường Sa 1988 vẫn còn mặn đắng máu và nước mất của con dân Việt Nam lẽ nào ông bà đã lãng quên? Là con dân Việt Nam, trước là phải sống ghi ơn những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, sau là phải sống sao cho có trách nhiệm với con cháu mai này.
Rõ ràng đứng trước những vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của đất nước, “nước mất thì nhà tan” người dân Việt Nam không thể thờ ơ được nữa. Những chàng trai, cô gái tuổi mới đôi mươi hay tất cả thành phần xã hội từ bậc trí thức cho đến người nông dân, dân oan đều sẵn sàng xuống đường đưa những khẩu hiệu phản đối việc cho Trung Cộng thuê đất 99 năm là mất nước. Trên khắp các diễn đàn thông tin đại chúng, đã có hàng ngàn, hàng vạn người không ngần ngại công khai bày tỏ quan điểm yêu cầu Quốc hội CSVN phải trưng cầu ý dân, phải ngưng ngay việc thông qua dự thảo Luật Đặc khu.
Tại Nhật Bản, du học sinh và người lao động Việt Nam đã quyết định chọn ngày chủ nhật 10/6 tới đây sẽ tuần hành để thể hiện mục đích không chấp nhận việc Quốc hội CSVN thông qua dự thảo Luật Đặc khu
Một phụ nữ đứng công khai giữa đường phố Sài Gòn yêu cầu trung cầu ý dân việc cho Trung Công thuê đất (ảnh; Facebook Phuong Tran)
Tại Việt Nam, đã có rất nhiều cá nhân, hội đoàn dân sự lên tiếng công khai phản đối, không chấp nhận việc Quốc hội CSVN thông qua dự thảo Luật Đặc khu. Và sau ngày 15/6/2018, dự thảo luật Đặc khu thông qua thì chắc chắn Quốc hội CSVN sẽ đón một cơn thịnh nộ khủng khiếp đến từ người dân Việt Nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử, người Việt Nam đã chịu quá nhiều tang thương chiến tranh nên đã một phần hình thành bản tánh con người Việt Nam hiền lành, cần cù và cam chịu. Tuy nhiên, một đất nước hình thành trong chiến tranh, một dân tộc Việt Nam không hề biết khuất phục bóng giặc ngoại xâm thì khi vận mệnh nước đang cần, người Việt Nam chắc chắn sẽ sẵn sàng hy sinh tất cả những lợi ích cá nhân để cùng nhau quan tâm mưu cầu cho lợi ích to lớn của đất nước, của dân tộc. Đã đến lúc nhà cầm CSVN phải nghiêm túc lắng nghe tiếng nói của người dân và tôn trọng quyền dân, đừng để nỗi bất mãn của người dân lâu ngày ngấm dần rồi chuyển thành cơn thịnh nộ thì lúc đó “dân nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền”./.
QUÊ HƯƠNG