Toàn Không: Tôn giả A Nan Đà làm đệ tử của Phật

PHẬT PHÁP

Tượng A-nan-đà tại Pagan, Myanmar

Tôn giả A nan Đà, là dòng dõi hoàng tộc, con người chú của Thái tử Sĩ Đạt Ta, tức là em họ của Đức Phật. Tôn giả A nan Đà là bậc kỳ tài hiếm có trên thế gian này, vì Ngài có một bộ óc siêu phàm tuyệt vời. Ngài nhớ được tất cả những lời Đức Phật giảng dạy hàng ngày mà Ngài đã được nghe trong suốt thời gian hai mươi lăm năm làm Thị giả cho Đức Phật.

Đức Phật xếp Tôn giả A nan Đà vào hàng các đại đệ tử vì các điểm đặc biệt, đó là: “Sức học uyên thâm, trí nhớ vô cùng đúng, kiên trì chuyên chú cần mẫn, và khéo biết ý Phật”. Những bộ Kinh ngày nay chúng ta được đọc là do sự đóng góp của Ngài và năm trăm vị Thánh Tăng thời ấy đọc lại thành Kinh sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn chừng ba bốn tháng.

Khi Đức Phật trú tại thành Vương Xá, lúc đó có rất nhiều đệ tử Tỳ kheo từ Trưởng Lão trở xuống cũng trú tại thành Vương Xá, tất cả đều ở vây quanh Phật trong Tịnh xá Kỳ Viên, bấy giờ Ngài bảo các Tỳ kheo:

– Các thầy nên biết, hiện nay Ta đã già rồi (Lúc này Phật đã 55 tuổi), thân thể càng ngày càng suy yếu, nên Ta cần có người chăm sóc. Các thầy hãy cử cho Ta một thầy Thị giả, làm sao để chăm sóc Ta xứng ý, chứ không phải không xứng ý, ghi nhớ lời Ta nói mà không quên mất ý nghĩa.

Lúc ấy Tôn giả Câu lân Nhã liền đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật thưa rằng:

– Thưa Đức Thế Tôn, con xin được làm Thị giả, con xin nguyện hầu hạ Thế Tôn xứng ý, chứ không phải không xứng ý, con ghi nhớ những lời Ngài nói mà không quên mất ý nghĩa.

Đức Thế Tôn bảo:

– Này Câu lân Nhã, chính thầy tuổi đã già, thân thể càng ngày càng suy yếu; chính thầy cũng cần có Thị giả, Thầy nên ngồi xuống đi.

Cũng như vậy, hai mươi mốt vị Tôn giả, hoặc Tôn giả Trưởng Lão lần lượt đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật xin được làm Thị giả; các vị Tôn giả đều nguyện hầu hạ xứng ý Phật, và ghi nhớ những lời Ngài giảng dạy mà không quên ý nghĩa, nhưng tất cả đều bị Phật từ chối. 

Khi ấy, Tôn giả Đại Mục kiền Liên suy nghĩ: “Đức Thế Tôn muốn vị nào làm thị giả, ý Ngài đặt vào vị Tỳ kheo nào? Ngài muốn ai chăm sóc cho xứng ý, và ghi nhớ lời Ngài dạy mà không quên mất ý nghĩa? Có lẽ ta nên nhập Như kỳ tưởng định để quán sát tâm niệm của toàn thể đại chúng”.Nghĩ rồi, Tôn giả liền thực hành ngay và biết Thế Tôn muốn chọn Tôn giả A nan Đà, vì ý Ngài đặt vào A nan Đà; biết vậy xong, Tôn-giả xuất định, và thưa với đại chúng:

– Chư Tôn Hiền biết không? Đức Thế Tôn muốn chọn Tỳ kheo A nan Đà làm Thị giả, bây giờ chúng ta nên cùng nhau đến chỗ Tôn giả A nan Đà khuyến dụ thầy ấy chịu làm Thị giả.

Bấy giờ Tôn giả Đại Mục kiền Liên và các thầy Tỳ kheo cùng nhau đến chỗ Tôn giả A nan Đà, chào hỏi nhau xong, Tôn giả Đại Mục kiền Liên bảo:

– Này Hiền giả A Nan, thầy biết không? Đức Thế Tôn muốn: đại chúng Tỳ kheo cử một thầy làm Thị giả cho Ngài, đã có hai mươi mốt  Tỳ kheo từ bậc Trưởng lão trở xuống tình nguyện xin được làm Thị giả, nhưng đều bị đức Thế Tôn từ chối, không chấp thuận. Tôi đã nhập định để quán sát, được biết đức Thế Tôn muốn chọn thầy làm Thị giả, vì ý Ngài đặt vào thầy. Ngài muốn thầy chăm sóc, vì thầy xứng ý Ngài chứ không phải không xứng ý; thầy ghi nhớ lời dạy của Ngài mà không quên mất ý nghĩa.

Tôn giả A nan Đà nói:

– Thưa Tôn giả Đại Mục kiền Liên và các vị Tôn giả, tôi không thể lãnh trách nhiệm hầu hạ Đức Thế Tôn nổi, vì với Đức Thế Tôn khó xứng ý, khó hầu hạ, nghĩa là khó làm Thịgiả. Cũng như con voi rất hùng mạnh, kiêu dũng, sức mạnh cường thịnh, đủ ngà, đủ vóc, khó gần gũi, khó làm xứng ý, nghĩa là khó mà coi sóc. Thưa Tôn giả Đại Mục kiền Liên, với đức Như Lai cũng lại như thế, khó gần gũi, khó xứng ý, khó làm Thị giả, vì vậy, tôi không thể làm Thị giả được.

Tôn giả Đại Mục kiền Liên nói:

– Này Hiền giả A Nan: Thầy hãy nghe tôi nói, người trí nghe thí dụ liền hiểu ý nghĩa của nó. Cũng như hoa Ưu đàm bát La đúng thời mới xuất hiện ở thế gian chứ không phải lúc nào cũng xuất hiện, dù trăm nghìn vạn ức năm cũng chưa chắc xuất hiện. Này Hiền giả: đức Như Lai, Vô Sở Trước, Chính Đẳng Chính Giác cũng lại như vậy, đúng thời mới xuất hiện ở thế-gian; Thầy nên mau nhận làm Thị giả của đức Như Lai, Thầy sẽ được kết quả rất lớn, và rất tốt đẹp.

– Thưa Tôn giả Đại Mục kiền Liên, nếu Đức Thế Tôn thuận cho tôi tám điều nguyện ước thì tôi mới có thể làm Thị giả, đó là:

1) Tôi nguyện không mặc áo Cà Sa của Đức Thế Tôn dù cũ hay mới.

2) Tôi nguyện không ăn thực phẩm do thiện tín dâng đến Đức Phật.

3) Tôi nguyện không gặp Đức Thế Tôn không đúng lúc.

4) Tôi nguyện không ở chung cùng một phòng thất với Đức Thế Tôn.

5) Đức Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận cùng tôi đi đến nơi nào có thí chủ thỉnh tôi đến.

6) Đức Thế Tôn hoan hỷ cho phép tôi được tiến dẫn những vị khách đến xin yết kiến Ngài.

7) Đức Thế Tôn cho phép tôi đến thưa hỏi mỗi khi có điều hoài nghi phát sinh.

8) Đức Thế Tôn hoan hỷ lập lại bài Pháp mà Ngài đã giảng trong lúc không có mặt tôi.

       Thưa Tôn giả Đại Mục kiền Liên, nếu Đức Thế Tôn chấp thuận cho tôi tám điều, gồm bốn điều nguyện và bốn điều ước vừa kể, thì tôi mới có thể làm Thị giả được.

Tôn giả Đại Mục kiền Liên sau khi khuyên Tôn giả A nan Đà nhận làm Thị giả, Tôn giả cùng các vị Tôn giả Tỳ kheo từ giã Tôn giả A nan Đà và trở về chỗ Phật. Tôn giả Đại Mục kiền Liên trình lên Đức Phật về sự ưng chịu của Tôn giả A nan Đà nhận làm Thị giả với tám điều thỉnh nguyện kể trên và xin Đức Thế Tôn chấp thuận.

Sau khi nghe Tôn giả Đại Mục kiền Liên đọc tám điều thỉnh nguyện của Tôn giả A Nan Đà, Đức Phật bảo:

– Này Đại Mục kiền Liên, Tỳ kheo A nan Đà thông minh, mẫn tiệp, dự đoán sẽ có những lời tị hiềm, như có người nói: “Tỳ kheo A nan Đà vì áo mặc nên hầu hạ Đức Thế Tôn”. Hoặc nóiTỳ kheo A nan Đà vì miếng ăn nên hầu hạ Đức Thế Tôn”. Những dự đoán đó là pháp vị qúy hóa của Tỳ kheo A nan Đà, Tỳ kheo A nan Đà khéo biết thời, biết lúc nào nên đến gặp Như Lai, lúc nào không nên đến gặp Như Lai; Tỳ kheo A nan Đà biết lúc nào chúng Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo Ni nên đến gặp Như Lai, đối với chúng Ưu bà Tắc và Ưu bà Di cũng như thế; Tỳ kheo A nan Đà biết lúc nào các Sa môn, Bà la Môn, Phạm chí, Dị học nên đến gặp hoặc bàn luận hay không nên đến gặp hoặc bàn luận với Như Lai. Tỳ kheo A nan Đà biết thức ăn loại nào Như Lai dùng rồi sẽ được biện tài thuyết pháp, thức ăn loại nào sau khi dùng rồi sẽ không được biện tài thuyết pháp, đó là những pháp vị đáng khen ngợi của Tỳ kheo A nan Đà.

Do những lời chấp thuận và khen ngợi của đức Phật, nên ngay ngày hôm sau Tôn giả A nan Đà bắt đầu làm Thị giả Phật. Tôn giả A nan Đà làm Thị giả Phật cho đến khi đức Phật nhập Niết Bàn. Trải qua hai mươi lăm năm làm Thị giả, Tôn giả A nan Đà theo Đức Phật đi du hóa khắp mọi nơi trên đất Ấn Độ. Tôn giả rất chuyên cần chăm sóc đến mọi nhu yếu của Đức Phật với một lòng kính ngưỡng và tôn quý.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.