
Tôn giả A Nan Đà nhập diệt.
Toàn Không
Về sau, một hôm, Tôn giả A Nan Đà nhớ lại lời thỉnh cầu của Vua A xà Thế rằng: “Khi nào Tôn giả nhập Niết Bàn thì cho Vua hay trước”, nên Tôn giả đi đến gặp người Thủ môn canh giữ cổng thành Hoàng cung mà nói rằng:
– Ta là A Nan Đà sắp nhập Niết Bàn, nên tới đây báo cho Vua A xà Thế biết.
Quan Thủ môn thưa rằng:
– Bây giờ Thánh Thượng còn đang an giấc, nên chưa dám thưa trình.
Tôn giả bảo vị quan ấy:
– Thôi được, khi nào đức Vua thức dậy ông thưa trình cũng được.
Nói xong, Tôn giả từ biệt nước Ma kiệt Đà, rồi ngồi thuyền ra sông Hằng mà qua xứ Phệ xá Ly; trong khi ấy, Vua A xà Thế ngủ trên Long Sàng, và Ngài đang trong giấc mộng chiêm bao. Vua mơ thấy một Bảo Cái có treo bảy món báu vật, xem rất trang nghiêm rực rỡ, Vua còn mơ thấy có vô số người đang ngưỡng mộ lễ bái Bảo Cái; thình lình một trận mưa gió bão đùng đùng nổi lên rất là dữ tợn, làm cho các món trân bảo, anh lạc đều rơi rớt tứ tung cả; Vua thấy vậy thì trong lòng kinh sợ, vì kinh sợ nên giật mình thức dậy, và lúc ấy mới biết là chiêm bao.
Trong lúc Vua còn đang ngồi suy nghĩ điềm mộng ấy hung kiết thế nào, thì bỗng có quan Thủ môn đến tâu trình sự việc Tôn giả A Nan Đà đến cáo biệt, và đã đi đến xứ Phệ xá Ly để nhập Niết Bàn rồi. Vua nghe xong liền khóc rống lên một cách thảm thiết, và Vua lập tức truyền lệnh cho ngựa xe cấp tốc thân hành đi mà yêu cầu Tôn giả trở lại.
Khi tới bờ sông Hằng, Vua trông thấy Tôn giả A Nan Đà đang ngồi Kiết già trong một chiếc thuyền ở giữa dòng sông, Ngài đứng nơi mé bờ sông mà đảnh lễ Tôn giả, và kêu lớn lên rằng:
– Xin Tôn giả thương tình xứ Ma kiệt Đà mà trở lại, và xin đừng vội nhập diệt.
Còn về Vua xứ Phệ xá Ly, vì một nhân duyên được nghe tin Tôn giả A Nan Đà đến nước mình, nên đem binh tới bờ sông Hằng mà chực rước, nhà Vua ở nơi bờ sông bên kia, ngó qua mà lễ lạy Tôn giả, và kêu lớn lên rằng:
– Thỉnh cầu Tôn giả ghé qua bờ sông nước Phệ xá Ly chúng tôi, để tạm thọ lễ cúng dường xong Ngài hãy nhập Niết Bàn.
Khi thấy hai Vua đều có lòng buồn rầu quyến luyến, Tôn giả A Nan Đà an ủi:
– Niết Bàn là một cảnh an tịnh, cứu cánh, xin hai vi Đại Vương đừng lấy sự sống chết thường tình mà sầu thảm. Chốc lát nữa đây, tôi sẽ độ cho năm trăm vị Tiên, và truyền trao Chính Pháp, sau đó tôi sẽ nhập diệt tại giữa dòng sông này, để lấy lòng bình đẳng mà hóa độ.
Tôn giả vừa nói dứt, thì năm trăm vị Tiên ở núi Tuyết sơn (Hy Mã Lạp Sơn) dùng thần thông mà đi trên không đến đảnh lễ Tôn giả và thưa:
– Chúng tôi tu Tiên ở núi Tuyết sơn đến đây, nguyện nhờ Tôn giả A Nan Đà mà chứng Phật qủa, xin Ngài từ bi độ thoát cho chúng tôi.
Tôn giả A Nan Đà nói:
– Ta đang đợi các ông đây.
Nói xong, Tôn giả thị hiện thần thông làm mặt nước sông Hằng biến hóa ra một giải đất liền, mặt toàn là vàng ròng rực rỡ; Ngài bảo các vị Tiên hạ xuống mà ngồi, rồi Ngài thuyết pháp Đại thừa cho Tiên chúng nghe, thuyết pháp xong, Tôn giả nói:
– Các đệ tử trước kia của ta chắc cũng sắp đến đây.
Tôn giả vừa nói xong, thì năm trăm vị A La Hán dùng thần thông đi trên không đến đảnh lễ; Ngài liền yêu cầu các vị A La Hán độ cho các vị Tiên xuất gia, và thọ Cụ túc giới; xong việc truyền Giới, Tôn giả chọn một vị Tiên là Thương Na Hòa Tư đã đắc A LA Hán mà bảo rằng :
– Xưa Đức Thế Tôn đem Chính Pháp Nhãn Tạng mà phú chúc cho Tôn giả Đại Ca Diếp Sư huynh ta, rồi sau truyền lại cho ta. Nay ta phó chúc cho ông, vậy ông phải hết lòng trân trọng lãnh (lĩnh) thọ mà hộ trì, hầu ngày sau siển dương Phật Pháp mà hóa độ cho chúng sanh; hãy nghe ta nói kệ mà ấn tâm:
Lâu nay phú có pháp,
Phú rồi nói không pháp,
Thảy đều tự mình ngộ,
Ngộ rồi không không pháp.
Sau đó Tôn giả kêu vị Tiên tên Mạt Điền Để Ca cũng đã đắc A La Hán mà dặn rằng:
– Lời thụ ký trước của Đức Thế Tôn có nói: “Sau khi Như Lai nhập diệt năm trăm năm, thì ông phải đến nước Kỳ Tân mà truyền Đại Pháp, để độ thoát cho loài hữu tình”.
Xong việc truyền Pháp và dặn dò, Tôn giả bảo một nghìn đệ tử trở về, rồi Ngài thu hồi thần thông để mặt sông trở lại mặt nước như cũ.
Vì cả hai nước đều hết lòng kính phụng và mong muốn được giữ Xá Lợi của Tôn giả, nên Ngài bảo các đệ tử sau khi Ngài nhập diệt rồi thì trà tỳ, lấy Xá lợi chia cho hai nước, cõi Trời Đao Lợi và Long cung; rồi Ngài ngồi kiết già trong thuyền ngay giữa dòng sông mà tịch. Khi ấy chư Thiên và Long Vương tới lễ bái trên không, và rải hoa cúng dường; Vua hai nước và Thần Dân hai bên bờ thấy thế thì tất cả đều qùy lễ và chảy nước mắt; các đệ tử sắp đặt việc trà tỳ và phân xá lợi để xây dựng Bảo Tháp cúng dường đời đời. Khi ấy Tôn giả A nan Đà đã 120 tuổi thọ.,.
Toàn Không