
Toàn Không: Ngài Huệ Năng đốn ngộ.
Lục Tổ Huệ Năng
Toàn Không
Ngài Huệ Năng họ Lư, sinh tại xứ Phạm Dương bên Trung Hoa, cha làm quan bị giáng chức đầy tới Lãnh Nam làm thứ dân tại Tân Châu, rồi mất sớm; từ khi ấy, Ngài còn rất trẻ không được đi học như các trẻ cùng lứa tuổi mà phải ngày ngày vào rừng kiếm củi đem đến chợ bán lấy tiền nuôi mẹ, nuôi thân, thật là khổ cực trăm bề; bởi thế, Ngài có thân hình gầy ốm, đen đủi, trông rất quê mùa.
1). Ngài Huệ Năng đốn ngộ.
Tới khi Ngài 24 tuổi, một hôm có người mua củi bảo Huệ Năng đem củi đến tiệm, khi đem củi đến, khách nhận củi trả tiền, Ngài nhận tiền xong liền bước ra khỏi cửa. Lúc đó Ngài bỗng nghe tiếng tụng kinh, và khi nghe qua câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” (không đặt để cái tâm vào bất cứ gì, thường hay sinh ra tâm tánh rất kỳ đặc), tự nhiên tâm Ngài liền mở mang sáng tỏ khác thường (kiến tánh). Ngài liền quay lại tìm hỏi người tụng kinh, mới được biết rằng đó là Kinh Kim Cang thỉnh tại Chùa Đông Thiền do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư chủ hóa và dạy đồ chúng trì tụng; Ngài liền muốn đi cầu Pháp nơi Ngũ Tổ, nhưng ngặt vì còn mẹ già chưa giải quyết được.
Sau nhờ nhân duyên nên Ngài Huệ Năng lại được người giúp đỡ tiền bạc để yên bề mẹ già mà an tâm đến Chùa Đông Thiền.
Đi bộ gần hai tháng mới tới nơi, Ngài tới làm lễ Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi:
– Ngươi là người phương nào, muốn cầu việc chi?
Ngài đáp:
– Con là dân Tân Châu, xứ Lãnh Nam, ở phương xa tới đây lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật, chẳng cầu việc chi khác.
Ngũ tổ nói:
– Ngươi là người xứ Lãnh Nam, là giống dã man, thành Phật thế nào được.
Ngài Huệ Năng nói:
– Con người tuy phân có Bắc Nam, cái thân dã man này đối với Đại Sư tuy chẳng giống nhau, chứ cái tánh Phật nào có khác chi?
Lúc ấy Ngũ Tổ thấy đại chúng vây quanh, nên bảo Ngài:
– Ngươi hãy theo chúng xuống nhà dưới làm việc.
Nhưng Ngài Huệ Năng gặng hỏi thêm:
– Chẳng hay Hòa Thượng còn dạy làm công việc gì nữa? vì tự tâm con thường sinh trí tuệ, chẳng lià tự tánh tức là có phước điền rồi.
Ngũ Tổ nói:
– Căn tánh của người dã man này thật là sáng suốt, ngươi chớ nên nói nữa, hãy đi ra nhà sau mà làm công việc đi.
Nghe Ngũ Tổ dạy thế, ngài Huệ Năng liền đi ra nhà sau, thì có một Cư sĩ sai Ngài phụ trách công việc chẻ củi, giã gạo; nhận những công việc nặng nhọc ấy, Ngài kiên nhẫn làm việc, vì đà từng làm việc cực nhọc quen rồi, nhất là việc bổ củi là công việc thường xuyên để tự nuôi sống Ngài trong suốt nhiều năm vừa qua. Mỗi lần giã gạo, nếu không có người phụ giúp, Ngài phải đeo trên lưng một số gạch đá cho đủ nặng mà giã, vì thân hình gầy ốm của Ngài không đủ nặng để đạp vổng đầu cối lên; trải qua gần chín tháng như thế, Ngài không hề phàn nàn than thở với ai.
Một lần Ngũ Tổ gặp Ngài và bảo:
– Ta nghĩ chỗ tri kiến của ngươi dùng được, nhưng e có kẻ ác hại ngươi nên ta chẳng nói chuyện, ngươi có biết chăng?
Ngài Huệ Năng đáp:
– Con cũng hiểu ý Tổ Sư nên chẳng dám đến trước cửa phòng của Tôn Sư để mọi người khỏi nghi ngờ.
Một hôm, Ngũ Tổ bảo các đồ chúng tụ lại mà dạy rằng:
– Ta nói cho đại chúng rõ, sự sống chết của người đời là việc lớn, các ngươi suốt ngày chỉ cầu phúc điền chứ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sống chết, nếu tánh mình mê muội phúc nào cứu được? Mỗi người: hãy tự xem trí tuệ mình, lấy tánh Bát nhã của bản tâm mình mà làm một bài kệ trình cho ta xem; nếu ai hiểu đại ý, ta sẽ truyền Y Pháp cho làm Tổ thứ sáu, nối Huệ mạng Phật; vậy các ngươi hãy đi làm kệ cho mau, chớ nên chậm trễ.
Lúc ấy mọi người tự thấy rằng họ chẳng có khả năng nhòm ngó chức vị ấy vì qúa tầm hiểu biết của họ, họ nghĩ và bàn tán rằng: “Chỉ có Thượng Tọa Thần Tú là thầy giáo thọ thường thay mặt Tổ Sư thuyết pháp là người xứng đáng mà thôi”.
Riêng Thượng Tọa Thần Tú tự biết chưa thấy tâm tánh, nên rất ngại viết kệ trình lên, nhưng ông đã mang tiếng là người đa văn trong số cả nghìn người tu hành dưới sự dìu dắt của Ngũ Tổ, nên nếu ông không trình kệ coi cũng không được. Ông tự xét nếu trình kệ để cầu Pháp còn tạm ổn, nhưng trình kệ để cầu làm Tổ thật không xứng chút nào, cũng giống như người lòng phàm lại mong đoạt ngôi Thánh vậy. Rồi cuối cùng ông cũng làm xong được bài kệ, muốn trình lên Ngũ Tổ, nhưng mỗi lần đến trước cửa nhà Tổ, trong lòng đâm ra hoảng hốt, mồ hôi ra ướt cả mình, lại nghĩ rằng chẳng nên trình kệ.
Trước sau mười ba lần như thế trải qua bốn ngày, đi đi lại lại, tâm thần hoang mang bất ổn; sau ông nghĩ: “Chỉ còn cách viết bài kệ ấy trên vách tường, nếu Ngũ Tổ khen hay ta hãy nhận là của mình, còn nếu không thì uổng công tu hành bấy lâu nay”. Nghĩ rồi, đêm ấy một mình lẳng lặng lúc đêm khuya không người, ông cầm đèn viết vội vã bài kệ lên vách tường phiá Nam nhà Nguyện như sau:
Thân ấy Bồ Đề thọ,
Tâm như minh cảnh đài,
Giờ giờ cần phủi sạch,
Chớ để dính trần ai.
Sau khi viết xong bài kệ, Thượng Tọa Thần Tú về phòng, cứ lo nghĩ mãi, suốt cả đêm dài ngồi nằm chẳng yên vì bài kệ ấy; sáng hôm sau, Ngũ Tổ dẫn Lư cung Phụng đến chỗ vách tường ấy định cho vẽ cảnh đức Phật thuyết pháp tại hội Lăng Già và bản đồ năm vị Tổ Sư tại Trung Hoa. Khi trông thấy bài kệ ấy trên vách tường, Ngài nói:
– Này Quan Lư, thôi không cần vẽ nữa, để bài kệ ấy cho người trì tụng tu hành được khỏi đọa đường ác, có lợi ích lớn, thật là nhọc công Quan từ xa tới đây.
Rồi Ngũ Tổ gọi các đệ tử đến và dạy phải đốt hương nhang kính lễ tụng niệm bài kệ sẽ được nhiều lợi ích, bấy giờ mọi người đều khen kệ hay; tối hôm ấy, Ngũ Tổ cho gọi Thượng Tọa Thần Tú đến và hỏi:
– Có phải bài kệ ấy do thầy làm không?
– Vâng, bài kệ ấy do con viết, nhưng con chẳng dám cầu ngôi Tổ, chỉ mong Hòa Thượng từ bi xem coi con có chút trí tuệ nào không?
Ngũ Tổ nói:
– Làm bài kệ ấy, thầy tỏ ra chưa thấy bản tánh của mình, chỉ mới tới ngoài cửa mà thôi chứ chưa bước qua ngưỡng cửa vào trong nhà; vậy thầy hãy lui về, suy nghĩ thêm một hai ngày nữa để làm một bài kệ khác đem lại cho ta xem, nếu bài kệ vào được cửa Đạo, ta sẽ truyền Pháp, giao bát và áo Cà Sa cho.
Trải qua mấy ngày Thượng Tọa Thần Tú làm kệ không xong, trong lòng sinh ra hoảng hốt, tâm tư bồi hồi, đứng ngồi chẳng yên!
Cũng sau hai ngày, có một Cư sĩ còn trẻ đi ngang qua phòng giã gạo, đọc tụng bài kệ ấy; Ngài Huệ Năng đang khi giã gạo, nghe qua, biết ngay là người làm bài kệ ấy chưa thấy bản tánh, rồi Ngài hỏi người ấy:
– Nhân giả tụng bài kệ gì vậy?
Người ấy đáp:
– Người dã man này không biết chi hết sao? Mấy bữa trước đây Ngũ Tổ Đại Sư họp đại chúng lại mà nói rằng: “Mỗi người hãy xem xét trí tuệ của mình, lấy tánh Bát Nhã của bản tâm mình mà làm một bài kệ trình cho Ngài xem, nếu ai hiểu được đại ý, Ngài sẽ truyền Pháp, trao bát và áo Cà Sa cho mà làm Tổ thứ sáu”. Có một bài kệ viết nơi vách tường phiá Nam nhà Nguyện, Ngũ Tổ dạy: “Mỗi người đều phải đốt hương nhang kính lễ, trì tụng, y theo bài kệ mà tu hành sẽ khỏi đọa vào đường ác, và được lợi ích lớn”.
Bấy giờ ngài Huệ Năng nói:
– Tôi cũng muốn chiêm bái bài kệ ấy để kết duyên đời sau, tôi ở đây giã gạo, bổ củi đã gần chín tháng mà chưa từng đến nhà Nguyện, mong anh dẫn tôi đến chỗ có bài kệ để lễ bái.
Khi hai người ra đến nơi, ngài Huệ Năng nói:
– Tôi không biết chữ, xin vị nào đọc bài kệ giùm.
Lúc ấy có quan Biệt giá tên Trương nhật Dung cất tiếng đọc lớn bài kệ, nghe rồi, ngài Huệ Năng lại nói:
– Tôi cũng có một bài kệ vô tướng, mong ơn quan Thượng nhân viết giùm.
Thấy Ngài quê mùa đen đủi, quan Biệt giá nói:
– Ngươi cũng biết làm kệ sao? Việc này hiếm có.
Nghe quan nói lời khinh miệt, nên Ngài trả lời:
– Muốn học đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chẳng nên khinh dễ (khinh rẻ) hàng sơ học, có kẻ dưới bậc thấp mà thường phát trí huệ rất cao, có người bậc cao mà thường thường lại chôn vùi ý chí của mình; nếu khinh người ắt có tội vô lượng vô biên.
Trương nhật Dung nghe Ngài nói có lý, không nói gì được nữa nên bảo:
– Ngươi hãy đọc đi, ta viết giùm cho, nếu ngươi đắc Pháp nhớ độ ta trước, đừng quên.
Ngài Huệ Năng liền đọc lớn:
Bồ Đề vốn chẳng thọ,
Gương sáng cũng chẳng đài,
Bản lai không một vật,
Chỗ nào dính bụi dơ?
Bài kệ vừa viết xong, cả thảy mọi người tại đó đều nhốn nháo, kinh ngạc, khen hay, và rất lấy làm lạ; mỗi người nói với nhau: “Lạ thay, người đen đủi quê mùa như thế, lại không biết chữ, mà làm kệ lại xuất thần như vậy!? Chúng ta chẳng nên xét người bằng diện mạo bề ngoài, bấy lâu nay chúng ta nào biết, và đã từng khinh dễ, sai khiến vị Bồ Tát xác phàm!”
Khi ấy, Ngũ Tổ thấy đồ chúng xúm xít vây bên bức tường nhìn ngó, chỉ trỏ, bàn tán; Ngài đến coi, thấy bài kệ ấy, biết ngay là của ai làm, Ngài e có kẻ sẽ hại Huệ Năng, nên Ngũ Tổ vội lấy giầy chà xát (xóa bỏ) hết bài kệ ấy đi và nói:
– Bài kệ này chưa thấy tánh.
Đồ chúng vì không hiểu, nên khi thấy Ngũ Tổ tỏ ra không ưa bài kệ mà chà xát đi và nói như thế, mọi người đều cho là phải và lui về, không còn ai nghĩ tới bài kệ ấy nữa.
Ngày hôm sau, Ngũ Tổ đến nhà bếp, chỗ giã gạo, thấy Huệ Năng mang đá trên lưng mà giã gạo, Ngài nói:
– Người cầu Đạo vì Pháp quên thân, phải như thế sao?!
Rồi Ngài hỏi:
– Gạo trắng chưa?
Ngài Huệ Năng liền đáp:
– Thưa Hòa Thượng, gạo đã trắng từ lâu, chỉ còn thiếu giần sàng (giần để loại cám ra khỏi gạo, sàng để lọc trấu ra khỏi gạo, ý nói đã thấy bản tâm bản tính, chỉ còn đợi bảo nhậm, truyền Pháp).
Ngũ Tổ gõ gậy lên đầu cối ba lần, rồi bỏ đi.