
Toàn Không: Lục Tổ phó chúc và nhập diệt.
Một hôm, Lục Tổ Huệ Năng gọi các đệ tử đến như: Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như v.v. mà dặn dò cách duy trì và truyền bá Phật Pháp.
Đến tháng tám năm Nhâm Tý, Ngài sai môn đồ đến Quốc Ân Tự nơi Tân Châu để xây tháp, đốc thợ làm gấp cho mau xong, đến mùa hè năm sau (năm Quý Sửu) Ngài đến khánh thành tháp.
Tới ngày mồng một tháng bẩy năm Quý Sửu, Ngài tụ tập đồ chúng lại mà bảo rằng: “Đến tháng tới ta sẽ rời thế gian, từ nay tới ngày đó các ngươi có gì nghi cứ hỏi, ta sẽ phá nghi cho để các ngươi hết mê hoặc”.
Các môn đồ nghe Ngài nói thảy đều rơi lệ, chỉ có Thần Hội bình tĩnh chẳng động cũng chẳng rơi lệ, Ngài thấy thế nói: “Chỉ có thầy Thần Hội được sự thiện bất thiện đồng nhau, khen chê chẳng động, buồn vui chẳng sinh, ngoài ra các người khác chẳng được; ở núi bấy lâu nay các ông hành đạo gì, nay các ông rơi lệ là lo buồn cho ai? Nếu nói lo buồn cho ta chẳng biết đi về đâu, ta tự biết chỗ đi; nếu chẳng biết chỗ đi, làm sao báo cho các ông biết trước mà chuẩn bị như thế này?”
Biết rằng Lục Tổ chẳng còn ở lại thế gian bao lâu nữa, thầy Pháp Hải làm lễ Ngài mà hỏi rằng:
– Sau khi Hòa Thượng nhập diệt rồi, Áo Pháp sẽ truyền cho ai?
Ngài nói:
– Các lời ta thuyết pháp từ lúc ở Chùa Đại Phạm đến ngày nay phải biên chép lại mà lưu hành và phải để nhan đề là “Pháp Bảo Đàn Kinh”. Các thầy mỗi người một phương mà truyền thọ hóa độ chúng sinh, hãy y theo lời Kinh này mà nói, ắt là chính Pháp. Nay ta nói pháp mà chẳng giao cái áo Cà Sa cho ai là bởi cái tín căn của các thầy đã thuần thục, chắc chắn không nghi, đủ sức kham nhậm việc lớn. Lại như ý bài kệ của Tổ Đạt Ma để lại và lời dặn dò của Ngũ Tổ, thì Áo Bát chẳng nên truyền nữa.
Tổ Sư nói tiếp:
– Mỗi người phải tịnh tâm mà nghe ta nói pháp, nếu muốn thành tựu giống trí Phật thì phải đạt đến cảnh một tướng chính định (nhất tướng tam muội) một hạnh chính định (nhất hạnh tam muội).
Đối với cả thảy các nơi chỗ mà tâm chẳng trụ vào các hình tướng, trong các tướng ấy chẳng sinh lòng phân biệt yêu ghét, cũng không chấp bỏ, chẳng tưởng đến việc lợi hại nên hư một mực an nhiên điềm tĩnh, ấy là một tướng chính định.
Đối với cả thảy lúc: đi đứng nằm ngồi phải ròng một lòng ngay thẳng thật thà, chẳng động đạo tâm, phải thật lòng tịnh độ (trong sạch), ấy gọi làmột hạnh chính định.
Nếu người nào có đủ hai thứ chính định này như gieo giống dưới đất luôn luôn tưới nước bón phân chăm sóc cuối cùng được qủa chín, nhất tướng nhất hạnh cũng vậy; nay ta nói pháp dụ như mưa thấm cả mặt đất, Phật tính của mỗi người giống như hạt giống gặp nước mưa thấm nhuần liền được nẩy mầm sinh trưởng. Nối theo Tông chỉ của ta quyết thành Bồ đề (Giác ngộ), hành theo pháp của ta ắt chứng diệu qủa, hãy nghe ta kệ:
Tâm địa bao gồm các giống lành,
Mưa chan khắp thấm mộng đều sinh,
Tình bông bản tính mình liền hiểu,
Trái quý Bồ đề tự kết thành.
Tổ Sư dạy tiếp:
– Pháp vốn không hai, tâm mình cũng vậy, Đạo là trong lặng không có các tướng, nhưng cẩn thận chớ đắm vào không và xem cảnh tịnh (trầm không quán tịnh); tâm vốn thanh tịnh chẳng lấy bỏ được, mỗi người tuỳ duyên mà đi, hãy cố gắng tu hành.
Ngày mồng tám tháng bẩy, Tổ Sư gọi các môn nhân mà bảo:
– Ta muốn về Tân Châu, hãy sửa soạn thuyền bè cho ta.
Đại chúng nghe Lục Tổ nói như thế đều buồn thảm và muốn giữ Ngài ở lại, Tổ Sư nói:
– Chư Phật ra đời rồi cũng vào Niết Bàn, có lại ắt có đi, lẽ ấy cũng là thường vậy.
Chúng nhân thưa rằng:
– Hòa Thượng đến Tân Châu, sớm muộn xin Ngài hãy trở lại.
Tổ Sư nói:
– Lá rụng về cội, lúc ta đến đây không có nói gì, trở lại đây ta chẳng nói.
Đệ tử lại hỏi:
– Xin Đại Sư chỉ dạy cái chính Pháp Nhãn tạng sẽ truyền cho ai?
Ngài đáp:
– Người có đạo tâm sẽ được cái Pháp ấy, người vô tâm thì thông hiểu.
Chúng nhân hỏi tiếp:
– Xin Tổ cho biết sau này có tai nạn chi không?
Tổ cho biết:
– Sau khi ta tịch khoảng chín năm sẽ có người đến lấy đầu ta, hãy nghe ta thọ ký bằng kệ:
Dốc lòng thờ kính giống cha lành,
Vì đói phải toan kế lợi mình,
Tịnh Mãn gian nhân lâm khổ nạn,
Hai quan Dương Liễu xử phân rành.
Ngày mồng ba tháng tám năm Quý Sửu (năm 713 DL), tại Chùa Quốc Ân, sau khi mọi người dùng trai, dọn dẹp xong đâu đấy (khoảng 2 giờ chiều), Tổ Huệ Năng bảo đại chúng:
– Mỗi người hãy theo thứ tự mà ngồi, để ta từ biệt.
Thầy Pháp Hải thưa:
– Xin Hòa Thượng cho biết: Ngài lưu lại giáo pháp nào khiến người mê đời sau được thấy Phật tính?
Ngài nói:
– Mỗi người hãy lắng tâm nghe cho rõ, những người phàm phu tục tử mê muội đời sau nếu biết cái tâm chúng sinh (tâm yêu ghét, tham lam, nói dối, giận hờn, hơn thua, xấu đẹp, hay dở, tâm ganh tỵ, thù hận, ngã mạn, khinh người, tật đố, mưu đồ, v.v.) thì sẽ thấy được Phật tính. Còn chẳng biết cái tâm chúng sinh thì muôn kiếp tìm Phật e khó gặp (vì còn ngụp lăn trong tâm chúng sinh mà không biết thì không bao giờ giải thoát được).
Nay ta dạy: mỗi người phải biết chúng sinh ở tâm mình sẽ thấy Phật tính ở nơi tâm mình, vậy muốn cầu thấy Phật phải biết cái tâm chúng sinh (mà từ bỏ nó). Chỉ vì tâm chúng sinh làm lu mờ mê muội Phật tính, chớ chẳng phải Phật tính làm mê muội tâm chúng sinh. Nếu tâm tính mình tà hiểm Phật ở trong chúng sinh (bị tâm chúng sinh ngự trị che lấp), nếu tâm tính mình bình đẳng ngay thật chúng sinh thành Phật. Tâm ta tự có Phật, Phật ở tâm mình mới thật là chân Phật. Nếu tự mình không có Phật, tìm Phật ở nơi nào?
Thật ra cái tự tâm của mỗi người là Phật, chớ có nghi ngờ, và phải luôn luôn nhớ như vậy; thực sự, ngoài cái tâm không có một vật gì tạo ra được, mà chính cái bản tâm sinh ra muôn pháp (muôn vật), cho nên Kinh nói: “Tâm sinh thì muôn giống pháp đều sinh, tâm diệt thì muôn giống pháp đều diệt”. Ngài lại bảo:
– Mỗi người phải tự hộ trì, sau khi ta viên tịch chớ nên theo tình chấp thế gian mà rơi lệ khóc than, buồn rầu nhớ thương, không nên nhận phúng điếu, chớ nên để tang, làm như thế chẳng phải đệ tử của ta, cũng chẳng phải chính pháp. Chỉ nên hiểu bản tâm thấy bản tính chẳng động chẳng tịnh, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng tới chẳng lui, chẳng thị chẳng phi, chẳng trụ chẳng đi; vì e một số người tâm mê chẳng hiểu hết ý ta nên nhắc lại mà thôi; sau khi ta viên tịch theo những gì ta đã dạy mà tu hành, nếu trái lời, dẫu cho ta còn tại thế cũng đâu có ích gì. Và ta sẽ nói bài kệ sau cùng để từ biệt mọi người, từ biệt thế gian:
An nhiên tự tại vẫn không tu,
Siêu thoát ác duyên hẳn bỏ từ,
Lẳng lặng dứt trừ nghe thấy hết,
Phẳng bằng tâm địa tự như như.
Nói kệ xong, Lục Tổ ngồi ngay thẳng, từ từ nhắm mắt im lặng, đến canh ba (khoảng gần nửa đêm), gọi đệ tử mà bảo rằng: “Ta đi đây”. Rồi Ngài thiện hóa, khi ấy mùi thơm xông khắp đầy Chùa, mống bạc sáng ngời mọc vòng cầu chấm đất, rừng cây biến ra màu trắng, cầm thú kêu vang thảm thiết; lúc đó vào khoảng nửa đêm ngày mồng 3 tháng 8 năm Quý Sửu (năm 713 DL).
Ba tháng sau, tức ngày mồng 3 tháng 11, các Quan chức và Tăng tục ba tỉnh Quảng Châu, Thiều Châu và Tân Châu giành rước nhục thân Tổ Sư. Vì lẽ đó nên cùng nhau đốt hương khấn vái nguyện rằng: “Khói hương bay về đâu thì sẽ quyết rước nhục thân Ngài về đó”.
Lúc ấy đang không có gió, sau khi khấn vái xong, tự nhiên có gió nổi lên và mọi người đều trông thấy khói hương bay về hướng Tào Khê thuộc Thiều Châu; do đó đến ngày 13 tháng 11 (100 ngày sau khi nhập diệt), nhân dân và đồ chúng ba tỉnh rước Thần khám (cái Tháp bằng cây để Ngài ngồi thiền), Nhục thân Tổ Sư, và Áo Bát về xứ Tào Khê.
Ngày 25 tháng 7 năm sau (Giáp Dần), các môn đồ mở Thần khám ra (gần một năm sau), Nhục thân Ngài vẫn còn ngồi nguyên vẹn y như lúc còn sống; Đệ tử là Phương Biện lấy bột thơm trải trên Nhục thân Ngài. Thị giả coi Tháp nhớ lời Ngài thọ ký về việc có kẻ sẽ lấy trộm đầu Ngài, nên mới dùng lá sắt mỏng và bố dầu bao chặt cổ Tổ Sư rồi để ngồi vào Tháp; thình lình trong Tháp có luồng ánh sáng trắng hiện ra xông lên hư không tới ba ngày mới tan hết.
Quan Thiều Châu làm sớ tâu Vua và dâng sắc chỉ dựng bia ghi đạo hạnh của Ngài như sau:
“Tổ Sư Huệ Năng 76 tuổi viên tịch, năm 24 tuổi được truyền Áo Pháp, năm 39 tuổi xuống tóc, thuyết pháp độ sanh 37 năm, người đắc Tông chỉ nối pháp được 43 vị, người nghe pháp ngộ đạo vô số chẳng biết bao nhiêu mà kể. Còn cái áo Cà Sa do Tổ Đạt Ma truyền xuống, cái áo Ma Nạp và cái Bảo bát do Vua Trung Tôn cúng dàng, cùng chân tượng của Tổ do Phương Biện Thiền Sư đắp, và tọa cụ của Ngài, thảy đều giao cho Thị giả giữ Tháp, đời đời thờ nơi Chùa Bảo Lâm; ngoài ra còn lưu truyền Pháp Bảo Đàn Kinh để hiển bày Tông chỉ, hưng thịnh Tam Bảo, phổ biến lợi ích chúng sinh”.
Đến ngày 3 tháng 8 năm Nhâm Tuất (đúng 9 năm sau), nửa đêm thình lình nghe trong Tháp có tiếng kéo dây sắt, có vị nghe thấy la lên, chúng Tăng hoảng kinh thức dây,thoáng thấy một người mặc đồ tang trắng từ trong Tháp chạy ra và trốn khỏi. Chúng Tăng đốt đèn vào Tháp xem thấy chỗ cổ của Tổ bọc lá sắt mỏng cuốn bố dầu có dấu cắt, chúng Tăng bèn đem việc ấy cáo với Châu Huyện, Quan Tỉnh Liễu vô Thiểm và Quan Huyện Dương Khảo khi hay tin liền cho gia công tìm kiếm kẻ gian.
Năm ngày sau bắt được kẻ ấy đang chạy trốn đến làng Thạch Giác giải lên Huyện, Quan Huyện Dương Khản cho giải lên Tỉnh Thiều Châu; tại Tỉnh, Quan Liễu vô Thiểm cho xét hỏi kẻ ấy khai họ Trương tên Tịnh Mãn (cũng lại họ Trương nữa! Trước kia Trương hành Xương thích khách định chém đầu, nay Trương tịnh Mãn định lấy đầu), ngụ tại Huyện Lương xứ Như Châu; vì nghèo đói nên đã hứa nhận 20,000 tiền của Thầy Tăng nước Tân La tên là Kim Đại Bi ở Chùa Khai Ngân xứ Long- Châu, để làm nhiệm vụ đi lấy đầu Tổ Sư đem về Hải Đông cúng dường.
Quan Liễu Thái Thú: nghe lời cung khai, chưa vội gia hình, bèn thân hành đến Tào Khê viếng thầy Linh Thao là Thị giả coi Tháp Tổ Sư và hỏi coi phải xử đoán như thế nào cho phải lẽ.
Thầy Linh Thao đáp:
– Nếu lấy Quốc pháp mà luận lẽ phải là trọng tội, còn lấy sự từ bi của Phật pháp dù kẻ thù người thân đều xem bình đẳng, huống chi kẻ kia làm như vậy chỉ muốn cầu cúng dường vậy tội ấy nên tha.
Quan Liễu Thái Thú lấy làm vui mừng khen:
“Thế mới biết cửa Phật là rộng lớn bao la vô cùng tận”.
Rồi Quan trở về ban lệnh tha cho tội nhân thong thả ra về mà không tái phạm nữa, khi ấy, mọi người đều thấy bài kệ thọ ký của Lục Tổ trước khi tịch diệt là hoàn toàn chính xác.
Đến đời Vua Túc Tôn sai sứ đến Tào Khê thỉnh Áo Bát của Lục Tổ về Kinh để kính lễ, sau đến đời Vua Đại Tông (vẫn nhà Đường) nằm chiêm bao thấy Lục Tổ đến đòi Áo Bát, Vua liền truyền lệnh cho Quan Thứ-Sử Dương Giám và Trấn Quốc Đại Tướng Quân Lưu sung Cảnh đưa Áo Bát ấy về Tào Khê, và Vua ban chỉ:
“Áo Bát của Lục Tổ là vật Quốc Bảo, cần phải được chúng Tăng giữ gìn cẩn thận, chớ để thất lạc”, thế mà về sau lại có người trộm Áo Bát của Tổ Sư, nhưng đem đi chẳng lâu xa, bị mất bốn lần rồi cũng tìm lại được cả.
Như đã nói, môn đồ của Lục Tổ Huệ Năng có 43 vị đắc Pháp, mỗi vị hóa độ một phương đều là chính thống; trong đó có Nam Nhạc Hoài Nhượng, Thanh Nguyên Hành Tư, và Hà Trạch Thần Hội là nổi bật nhất.
– Phái Nam Nhạc của Hoài Nhượng Thiền Sư, có đệ tử là Mã Tổ được lời sấm rằng: “Vó ngựa (Mã) chà đạp vô số người trong thiên hạ”, Mã Tổ chủ hóa ở vùng Giang Tây, sau phái Nam Nhạc lập ra hai dòng Lâm Tế và Quy-Ngưỡng.
– Phái Thanh Nguyên của Hành Tư Thiền Sư, có đệ tử là Thạch Đầu, có tiếng là “Thạch Đầu đường trơn”, chủ hóa ở Hồ Nam; sau phái Thanh Nguyên lập ra ba dòng Vân Môn, Pháp Nhãn, và Tào Động.
– Phái Hà Trạch của Thần Hội truyền đến hết đời thứ sáu là Tông Mật Thiền-Sư, thì thất truyền.
Còn lại năm dòng, cũng gọi là năm nhà, truyền mãi xuống về sau; cội nguồn từ Lục Tổ truyền xuống năm dòng, mỗi dòng có tác phong riêng để tiếp dẫn hậu học, nhưng không ngoài mục đích của Thiền Tông là minh tâm kiến tánh, và đều lấy Niêm Hoa Thị Chúng của Phật Thích Ca làm kim chỉ nam vậy. (Muốn tu theo môn phái Thiền Tông này, nên xem quyển Pháp Môn Đốn Ngộ của cùng tác giả).,.