Toàn Không: Bốn Bậc Thánh Khác Nhau và ý nghĩa an chay

PHẬT PHÁP

Bốn bậc Thánh khác nhau

1. A La Hán: Là các vị tu theo Thanh Văn về Tứ Diệu Đế, Bát Chính Đạo…, nghĩa tu những gì dành cho Nam Truyền, sẽ chứng thứ lớp 4 bậc từ qủa: 1. Tu Đà Hoàn, 2. Tư Đà Hàm, 3. A Na Hàm, đến 4. A La Hán.

2. Bích Chi Phật: Hay Độc Giác Phật: Là các vị tu 12 Nhân Duyên hay tự tu thời không có Phật pháp, sẽ chứng qủa Bích Chi Phật. Bích Chi Phật chưa phải là Phật, một điểm dễ hiếu là tại cõi Sa Bà trước kia đã có một số các vị Bích Chi Phật rồi, nhưng khi đề cập tới các vị Phật trong quá khứ, Đức Phật Thích Ca không hề nói tới các vị Bích Chi Phật.

3. Bồ Tát: Là các vị tu cả những điều dành cho Thanh Văn và Bồ Tát, sẽ chứng 10 bậc lần lượt từ: 1. Hoan hỉ địa, 2. Ly cấu địa, 3. Phát quang địa, 4. Diệm tuệ địa, 5. Nan Thắng Địa, 6.Hiện tiền địa, 7. Viễn hành địa, 8. Bất động địa, 9. Thiện huệ địa, 10. Pháp vân địa.

4. Phật: Là những vị tu Bồ Tát đạt bậc thứ 10 Pháp vân địa rồi tiến lên tu tiếp để đạt bậc Đẳng giác Bồ Tát, rồi ở bậc Đẳng giác tu tiếp để đạt bậc Diệu giác Bồ Tát tức là đạt bậc Phật vậy. Như hiện nay Đẳng giác Bồ Tát Di Lặc sẽ là Phật của cõi Sa Bà, Đẳng giác Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ là Phật của cõi A Di Đà.

     Như vậy, tùy theo sự chứng cao thấp của mỗi vị mà có sự tương đương, đại loại như sau: Các vị A La Hán và Bích Chi Phật tương đương với các Bồ Tát khoảng từ bậc 6 đến bậc 8. Các vị A  La Hán và Bích Chi Phật muốn thành Phật thì phải tu tiếp Bồ Tát đạo để tiến lên đạt qủa vị Phật.

     Một số người tu theo Nam Truyền cho rằng khi đạt A La Hán là đạt Phật qủa rồi, điều này không đúng, vì nếu A La Hán đã là Phật rồi, thì tại sao Phật chưa hề nói A La Hán là Phật, mà chỉ nói Phật là A La Hán? Lý do là Phật bao trùm tất cả A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, vì Phật đã là A La Hán, đã là Bồ Tát, thì Ngài nói như thế, chẳng có gì sai cả. Còn nếu A La Hán là Phật thì tại sao Ngài chưa hề nói tất cả đệ tử A La Hán của Ngài đều là Phật, thêm nữa trong Kinh Bắc truyền Ngài còn phó chúc cho từng để tử A La Hán của Ngài trong bao lâu sẽ là Phật hiệu gì ở thế giới nào, rất là đầy đủ chi tiết, không thể nào có việc Phật phó chúc dư thừa vậy.

Về ăn chay:

     Đạo Bà La Môn (Ấn giáo) thời Phật tại thế, họ chưa biết ăn chay, nhờ ảnh hưởng từ đạo Phật mà ngay nay họ ăn chay, đây là điển son cho họ vậy. Còn các Phật tử xuất gia thời Đức Phật tại thế, thường là đi khất thực, ai cho gì ăn gì ăn ấy không kể chay hay mặn, nhưng Đức Phật khuyến khích ăn chay, các vị Vua hay Trưởng giả biết nên thỉnh Phật và các Tỳ Kheo thường là cúng dàng chay.

     Bây giờ, nếu chư Tăng đi khất thực thì cũng vẫn theo như thế, cho gì ăn ấy, chẳng có ai có thể chỉ trích được việc này. Nhưng thời nay có thay đổi, nếu Phật tử tại gia cúng tiền hoặc thực phẩm như gạo, thì chư Tăng Ni có thể đi chợ mua thức ăn tự nấu lấy tại chùa, thì nên mua thức ăn chay, chứ không nên mua heo gà vịt tôm cua cá, v.v…, rồi biến bếp của chùa thành nơi sát sinh để ăn mặn thì không nên và đáng bị lưu ý là phải.

     Tu theo Phật giáo không kể Nam hay Bắc truyền, tất cả phải giữ giới luật nghiêm minh, gồm cả thân và tâm thì mới hy vọng chứng qủa, nếu chỉ tu tâm mà không tu thân thì vô ích. Như sát sinh, tà dâm, uống rượu thuộc về thân mà không giữ thì người tu trở thành tu hú vậy. Người ăn chay mà dữ là người chưa phải là tu, vì dữ tức là làm việc ác; ăn chay là thể hiện lòng từ bi bình đẳng đối với chúng sinh, ăn chay bớt bệnh tật và ngừng gây nghiệp sát sinh dứt nghiệp ăn nuốt chúng sinh, chứ không phải là trực tiếp tu vậy. Muốn tu thì phải tuân theo quy củ của một pháp môn mà tu, nhưng chẳng pháp môn nào nói người dữ có thể đạt qủa được cả. 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.