Trần Hoài Văn: VIẾT VỀ TÂM THƯ SỐ 15

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Kính bạch chư Tôn Đức,

Kính thưa quý vị,

Tâm Thư số 15 với chữ ký và con dấu của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Hòa Thượng Thích Quảng Độ chứa đựng những giá trị và nguyên tắc mới mà người Phật Tử đi theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cần chú ý.

Tâm Thư tìm cách giải thích lịch sử của Giáo Hội trong bối cảnh của “chiến tranh huynh đệ tương tàn, như là hậu quả của lịch sử hai nghìn năm phát triển tư tưởng tôn giáo-triết học Phương Tây, mà đỉnh cao là những xung đột trầm trọng của các xu hướng tư tưởng duy lý và phản lý, những mâu thuẫn biện chứng  của các chủ nghĩa duy tâm và duy vật, dẫn đến những mâu thuẫn quyền lực chính trị và xã hội mà hậu quả là hai cuộc đại thế chiến.” Bức Tâm Thư lập lại trong đoạn văn tiếp theo: “Cho đến nay, đất nước chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã gần nữa thế kỷ, mà mâu thuẫn và hận thù đang còn là lưỡi gươm lơ lửng đe dọa vận mệnh tồn vong của dân tộc.”

Đây là một sự chuyển hướng quan trọng trong quan điểm vốn đã được phổ biến rộng rãi của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống. Ngài vẫn quan niệm rằng cuộc chiến tranh Nam Bắc là một cuộc chiến tranh xâm lược, mà kết cuộc là “Ba mươi tháng Tư 1975 Cộng sản đã cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam. Toàn dân Việt Nam bị nô lệ hoá về một chính sách phi nhân, tàn bạo, hận thù và bất bao dung tôn giáo.” (Phỏng vấn Đại Lão HT Thích Quảng Độ về GHPGVNTN 40 năm qua – Ỷ Lan, 2015). Nhận định này khác hẵn với lập luận hoa mỹ trong Tâm Thư cho rằng cuộc chiến Việt Nam là một “cuộc chiến huynh đệ tương tàn.” Người Cộng Sản Bắc Việt chỉ có huynh đệ với Cộng Sản thế giới, làm nô lệ cho tham vọng cá nhân và cho Liên Xô và Trung Cộng. Cái khái niệm huynh đệ và đồng bào đó không có trong từ ngữ của người Cộng Sản.

Cái đe dọa cho vận mệnh tồn vong của dân tộc không phải là “mâu thuẫn và hận thù” như bức Tâm Thư giải thích. Đức Tăng Thống đã giải thích nguồn gốc của nguy cơ cho vận mệnh của dân tộc là chế độ cộng sản độc tài toàn trị và giải pháp cho dân tộc là tự do dân chủ. Ngài nói: “Phật tử cũng như dư luận trong và ngoài nước đều biết hết lập trường của Giáo hội từ trước đến giờ không bao giờ thay đổi. Trước sao thì nay vậy, nhất định không bao giờ thay đổi. Nhưng mà hiện giờ thì bao nhiêu chục năm nay, kể từ 75 đến giờ, dân tộc Việt Nam chưa có một nền dân chủ thực sự mà người ta mong muốn. Toàn dân vẫn còn sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Như vậy Giáo hội không thể tách rời cuộc sống của nhân dân. Chừng nào mà dân tộc được dân chủ tự do thì thì Giáo hội vẫn phải vận động làm thế nào cho có dân chủ tự do như các nước tự do tiến bộ trên thế giới.” (ĐTT. Thích Quảng Độ, 2015). Chính vì vậy mà Giáo Hội vẫn phải tiếp tục công cuộc Hộ Quốc, Hộ Dân, Hộ Đạo mà không thể ngưng nghĩ. Không phải vì người dân Nam Bắc “mâu thuẫn và hận thù” mà chính vì Đảng CSVN đã đàn áp khốc liệt người dân cả nước. Mười bảy thành viên Bộ Chính Trị Đảng CS là những con vi khuẩn. Người bệnh không “mâu thuẫn và hận thù” những con vi khuẩn mà chỉ muốn loại bỏ chúng.

Mâu thuẫn và hận thù” cũng không phải là nguyên nhân chính gây ra sự phân hóa của Giáo Hội. Tâm Thư số 15 viết: “Một Giáo Hội tồn tại trong tình trạng phân hóa dân tộc, trong vận mệnh tồn vong bị đe dọa bởi những xung đột quyền lực quốc tế, đã chưa đủ thời gian lớn mạnh để ngăn chặn những tác động nguy hại, nhưng các pháp hữu lậu ô nhiễm thực tế đã phát sinh trong bốn chúng đệ tử, dẫn đến tình trạng phân hóa nội bộ trầm trọng.” Cái “phân hóa dân tộc” nào và “những xung đột quyền lợi quốc tế” ở đâu đã gây ra sự phân hóa của Giáo Hội? Cái nguyên nhân quan trọng nhất của sự phân hóa vẫn là sự đàn áp và phá hoại liên tục của Đảng CSVN đối với GHPGVNTN và các tôn giáo độc lập khác, một nguyên nhân tối trọng mà Tâm Thư đã cố ý không đề cập đến.

Sự đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do nhà cầm quyền Cộng Sản, cái nguyên nhân quan trọng nhất của sự phân tán và phân hóa của Giáo Hội, đã được Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống trình bày một cách chi tiết: “Chính sách kỳ thị và đàn áp thể hiện qua việc bắt Tăng Ni hoàn tục, bắt họ đi kinh tế mới, đi nghĩa vụ sang chiến trường Kampuchia hay đem giam vào trại Cải tạo ; chiếm đoạt tại Saigon và trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam tất cả các cơ sở tự viện, gia ốc của Giáo hội, các cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, Viện Đại học Vạn Hạnh, hệ thống trường trung, tiểu học Bồ Ðề, trường Thanh niên Phụng sự xã hội, cơ quan từ thiện, nhà nuôi trẻ, cô nhi viện, đất chùa, kinh sách, v.v… . Khiến cho 12 Tăng Ni đã phải tự thiêu tập thể tại Chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2.11.1975 để phản đối và yêu sách quyền tự do tôn giáo.

Trong bức thư đề ngày 20.9.1975, mang số 0278-VHÐ/VP, nhân danh Viện Hóa Ðạo gửi ông Chủ tịch Chánh phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam (kính quá Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân Quản Saigon – Gia định), tôi [ĐTT. Thích Huyền Quang] đã yêu cầu chấm dứt hành động đập phá tượng Phật. Trong thư, tôi nêu rõ 3 trường hợp cụ thể phá tượng Phật tại chùa Bửu Long ở Sóc Trăng ngày 2.9.75; đặt mìn phá tượng Phật Quan Âm lộ thiên cao 9 thước tại đồi Phú Hải ở Phan thiết ngày 11.9.75 ; đặt mìn phá tượng Phật Quan Âm tại Biển Hồ ở Pleiku ngày 11.9.75.

Tình trạng càng lúc càng tệ hại, nên ngày 17.3.1977 tôi lại nhân danh Viện Hoá Ðạo viết thư, mang số 044/VHÐ/VP, gửi Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, nói lên chính sách đàn áp tôn giáo quy mô tại miền Nam cũ. Kèm thư, tôi nêu rõ 88 trường hợp đàn áp cụ thể và các vụ cưỡng chiếm văn phòng trụ sở Giáo hội tại 29 tỉnh thành : Phú bổn, Long khánh, Khánh hòa, Nhatrang, Ðà Nẵng, Quảng ngãi, Bình thuận, Sóc trăng, Chương thiện, Saigon, Thủ đức, Long châu tiền, Kiên giang, Tuyên đức, Gia lai, Kontum, Pleiku, Ban Mê thuộc, Ðịnh tường, Phan thiết, Bình tuy, Hậu giang, Kiến phong, Thuận hải, Ðồng nai, Bình chánh, Biên hòa, Long an, Minh hải. Việc tàn phá các Phật đài tôn nghiêm vẫn tiếp diễn. Cho đến đầu năm 1977, gần 20 tượng Phật Thích Ca và Quán Thế Âm bị phá hủy bằng chất nổ, bằng búa, thủ tiêu hoặc vứt xuống sông. Như các trường hợp xẩy ra tại các chùa Tỉnh hội ở Gia Lai, Kontum, Ban Mê thuộc, chùa Vạn Hòa ở Kiên giang, chùa Khánh Minh ở Cần giuộc, chùa Thiền Tôn ở Minh Hải, Niệm Phật đường trong bệnh viện Nguyễn Văn Nhựt, v.v…” (ĐTT. Thích Huyền Quang, 2000)

Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống cũng đã tuyên bố: “Con người Việt ở đầu thế kỷ 21 chỉ còn hai chọn lựa : vào nhà tù hay vào guồng máy Ðảng.” Đối với một người Phật Tử, hai chọn lựa đó là: vào nhà tù hay đi theo Phật Giáo quốc doanh. Tâm Thư số 15 có viết: “Tôi, Sa-môn Thích Quảng Độ, trong cương vị lãnh đạo tối cao, … đã quyết định bằng Quyết định số 12/TT/VTT/QD, Phật lịch 2562, Saigon ngày 19 tháng 10 âm lịch Mậu tuất (tức 25/11/2018), đình chỉ mọi hoạt động của Giáo Hội …” Việc “đình chỉ mọi hoạt động của Giáo Hội” là một việc tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế thì khác hẵn. Tâm Thư số 15 không “đình chỉ” được sự đàn áp vẫn tiếp diễn bởi Đảng CSVN đối với thành viên của Giáo Hội. Chấp nhận bị đình chỉ vô thời hạn, thành viên trong nước của Giáo Hội bị giải tán, phải đối diện với sự lựa chọn là vào nhà tù hay đi theo Phật Giáo quốc doanh, đúng với nguyện vọng của nhà cầm quyền.

Đối với thành viên của Giáo Hội ở hải ngoại, đình chỉ có nghĩa là ngưng tranh đấu cho pháp lý của Giáo Hội, cho tự do tôn giáo ở Việt Nam trong đó có sự tự do thật sự của Đức Tăng Thống. Đây là một công cuộc tranh đấu bền bỉ và liên tục của nhiều người và nhiều tổ chức trong sinh hoạt nhân quyền ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới. Họ là tiếng nói cho những người không có tiếng nói vì bị áp bức. Nếu Việt Nam vẫn còn thiếu tự do, Giáo Hội vẫn còn bị đàn áp thì họ không thể tự bịt lấy miệng mình. Cho dù họ có muốn đi nữa, thế giới tự do cũng sẽ không tự đình chỉ những mối liên hệ vốn đã hiện hữu trong công cuộc đấu tranh liên tục cho tự do tôn giáo vì lý do “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với lịch sử 2000 năm, đang bị đình chỉ”. Giáo Hội không phải là cái thang máy để những kẻ mượn gió bẻ măng treo bảng “tạm ngưng hoạt động”.

Tạm bỏ qua việc vi phạm Hiến Chương của Giáo Hội, xin được lạm bàn hiệu lực của việc đình chỉ vô thời hạn mọi hoạt động của Giáo Hội, nhất là khi việc “đình chỉ mọi hoạt động của Giáo Hội” cũng mang ý nghĩa đình chỉ luôn Viện Tăng Thống và vai trò của Đức Tăng Thống từ ngày 25/11/2018. Nếu mọi cơ cấu của Giáo Hội đều bị giải tán, Giáo Hội lấy cơ sở gì để làm “nơi quy ngưỡng vững chắc cho bốn chúng hòa hợp đồng tu, hòa hợp hành đạo và hóa đạo, phụng sự Dân tộc và Đạo pháp”? Những Quyết định, Giáo chỉ … có đình chỉ được Tăng Già Bản Thể, có giải thể được Tăng Đoàn? Hay chỉ có thể giải tán được những cơ cấu còn trung thành với Giáo Hội, với Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, cố tình loại bỏ sự tham gia của họ vào bất cứ một cơ cấu nào trong tương lai của Giáo Hội?

Chiếu theo Di Huấn mới, chính những cư sĩ và tu sĩ này của Giáo Hội lại là những người bị vào sổ đen để từ nay không được thăm viếng Đức Tăng Thống. Chúng tôi dứt khoát không tin rằng tấm lòng bồ tát của Hòa Thượng Tăng Thống lại không trắc ẩn cứu độ những người trung kiên với Giáo Hội đến giờ phút chót. Không lẽ cái pháp “như thảo phú địa” chỉ áp dụng với các tổ chức đã ly khai để tạo sự hòa hợp, nhưng không áp dụng được cho các thành viên của Viện Hóa Đạo? Tâm Thư kêu gọi hòa hợp với hàng xóm láng giềng giữa lúc đang đuổi con cháu mình ra khỏi nhà thì những người hàng xóm có xem cử chỉ đó là thật sự thành khẩn không? Như vậy có thể nói rằng, mục đích của những người lợi dụng Đức Tăng Thống không phải là hòa hợp mà là phá bỏ Giáo Hội truyền thừa của dân tộc. Những kẻ muốn làm điều đó không ai khác hơn là Đảng và nhà cầm quyền Cộng Sản.

(“Như thảo phủ địa” hay Tinnavatthàraka có nghĩa là như cỏ che khuất đất, áp dụng cho trường hợp Tăng chúng chia rẽ thành hai nhóm hay nhiều nhóm chỉ trích nhau và bênh vực nhóm của mình. Trong pháp này tất cả được xem ai cũng có lỗi, tất cả đều làm lẽ sám hối để đem lại hòa khí cho Tăng chúng, không còn chỉ trích hay tranh cãi nữa. Như thế là giống với hình ảnh trải cỏ ra để phủ kín đất. Pháp này gọi là “Như thảo phủ địa”).

Trong hoàn cảnh tự do và văn minh ở nước ngoài, chư liệt vị hãy cùng nhau tiếp vận tiếng nói chính nghĩa của 90 triệu dân trong nước vào lúc đang có những dấu hiệu trợ duyên cho công cuộc giải trừ quốc nạn và pháp nạn mà Giáo hội và chư Liệt vị cưu mang suốt 39 năm qua.” (ĐTT Thích Quảng Độ, 2014). Quốc nạn và pháp nạn hãy còn đó. Tiếng nói của 90 triệu dân đòi hỏi tự do dân chủ vẫn còn là lời hiệu triệu chính nghĩa thì công cuộc tranh đấu mà Giáo Hội trong nước và ngoài nước đã cưu mang vẫn phải tiếp tục. Cho đến ngày ánh thái dương tràn khắp quê hương, như Đức Tăng Thống vẫn hằng mong đợi.

 

Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính thư,

Trần Hoài Văn

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.