
ĐOÀN DỰ: MỘT VỤ KIỆN KHÓ ĐOÁN KẾT QUẢ
Thưa quý bạn, không hiểu ở bên Mỹ ông Hoàng Kiều có nổi tiếng hay không chứ ở bên VN thì ổng – 75 tuổi, Việt kiều Mỹ, cháu gọi Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bằng chú ruột – là một đại gia hết xảy con cào cào, danh tiếng lẫy lừngvì những lý do sau đây:
– Thứ nhất, tài sản của ông ở Mỹ có tới hơn 4 tỷ đô la. – Thứ hai, ông thường qua lại bên VN, tung tiền ra “liên lạc tình cảm” với “Nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh với câu nói nổi tiếng của cô này: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn”. “Nội y” nôm na gọi là đồ lót hay underwear. Cô người mẫu cực kỳ xinh đẹp đã từng đoạt vương miện Hoa hậu người Việt trên thế giới tại Long Beach, Mỹ năm 2011, thích mặc underwear hàng hiệu giá tới hàng trăm triệu đồng một bộ, và sẵn sàng “khoe thân thể” trước mặt mọi người, nên vị đại gia lại càng nổi tiếng.
– Thứ ba, cách đây khoảng chừng 3 – 4 năm, ông Hoàng Kiều về VN, ký hợp đồng với chính quyền một tỉnh miền Tây, định mở một khu vui chơi tầm cỡ thế giới. Chuyện chẳng ra sao, ông bỏ nhưng thu tiền bán đất cho các nhà đầu tư khá bộn, mặc họ sống dở chết dở.
Nay, từ bên Mỹ, ông gửi thư sang cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC (VCPMC:Vietnam Center for Protection of Music Copyright), nhờ kiện công ty Sky Music vì, theo ông, công ty này đã sử dụng các nhạc phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – chú ruột kiêm cha nuôi của ông – mà không hề trả tiền cho người thừa kế là ông. Ông đòi Sky Music phải trả mỗi nhạc phẩm 150.000 đô la, tức khoảng 3,4 tỷ đồng VN. NS Hoàng Thi Thơ có khoảng 500 tác phẩm, Bộ Văn hoá &Thông tin VN đã cho phép hát lại hơn một nửa tức khoảng 250 bài, như vậy con số ông Hoàng Kiều đòi công ty Sky Music phải trả rất “khủng”. Bây giờ chúng ta thử xem sự liên quan giữa ông Hoàng Kiều và NS Hoàng Thi Thơ như thế nào, ai là người thừa kế chính thức, liệu vụ kiện này có thể diễn tiến thuận lợi cho vị tỷ phú Việt kiều hay không. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng bài này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu thêm về vị nhạc sĩ danh tiếng mà đa số chúng ta đều biết.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
NS Hoàng Thi Thơ
NS Hoàng Thi Thơ tên thật là Hoàng Hữu Ngạnh, sinh năm 1929 tại xã Châu Phong, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mất năm 2001 tại Mỹ. Ngoài biệt tài về âm nhạc, ông còn là một GS Anh văn trong khi ở thời điểm đó Anh văn chưa thịnh hành lắm. Ông đã sáng tác khoảng 500 tác phẩm với các giai điệu độc đáo, nhanh nhẹn, lời lẽ trong sáng, nhiều bản nghe êm như thơ: “…Năm năm nhìn hoa phượng thắm, nhìn mái ngói nếp trường cũ đìu hiu, nhìn ánh nắng trên dòng nước cô liêu, lòng chợt thấy tiêu điều…” (Biết Đâu Tìm – Hoàng Thi Thơ). Đúng là lời lẽ và tình cảm của một GS trung học trong kỳ nghỉ hè trước ngôi trường vắng lặng, tuy âm thầm quạnh quẽ nhưng vẫn trong sáng chứ không có gì là bi quan, ủy mị.
Ngay cả các bản nhạc mang tính thôn dã của ông cũng hết sức linh hoạt, như các bản Gạo trắng trăng thanh, Duyên quê, Mấy nhịp cầu tre, Rước tình về với quê hương, Hình ảnh người em không đợi..vv.., nhiều lắm, không thể kể hết. Thậm chí, khoảng năm 1956 – 57 , bản nhạc Gạo trắng trăng thanh nổi tiếng đến mức trẻ con cũng thuộc và chúng bịa ra, nghêu ngao hát với nhau: “Ai đang đi trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ny lông. Vô đây em, dù trời khuya tui vẫn đưa em về, tui vẫn đưa em về…”. Còn đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết thì luôn luôn ca bản này và báo chí thường chọc đùa: “Trăng vui nên trăng rụng xuống “cồ”, trăng vui nên trăng rụng xuống “cồ”…” thay vì trăng rụng xuống cầu. (Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Nguyễn Hữu Thiết là người Phan Thiết nên phát âm tiếng “cầu” giống như “cồ” theo kiểu Phú Yên, Bình Định).
Mối tình đầu với ca sĩ Tân Nhân
Ca sĩ Tân Nhân
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và ca sĩ Tân Nhân (tên thật là Trương Tân Nhân, sinh năm 1932, kém Hoàng Thi Thơ 3 tuổi, tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) quen nhau thời chiến tranh chống Pháp khi cả hai đều có mặt trong Đoàn Văn công Quân khu 4 (thường gọi là Liên khu 4, gồm 6 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh và Bình-Trị-Thiên, tức Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên). Tân Nhân là con gái một vị bác sĩ làm việc tại Huế, mẹ họ Hoàng trùng tên họ với Hoàng Thi Thơ. Cô theo học tại trường Đồng Khánh, Huế, rồi thoát ly gia đình đi theo kháng chiến và gia nhập Đoàn Văn công Quân khu 4. Hoàng Thi Thơ cũng vậy.
Hai người yêu nhau tha thiết, sau đó làm đám cưới. Cưới “Đời sống mới” thời kháng chiến chỉ có vài phong kẹo lạc, vài gói thuốc lá và nồi nước chè (nước trà), chứ không làm giấy tờ hôn thú gì cả. Mới lấy nhau được hơn một năm, Tân Nhân lúc ấy 22 tuổi, đang có bầu gần ngày sinh thì Hiệp định đình chiến Genève 1954 diễn ra, chiến tranh Việt-Pháp chấm dứt. Sau Hiệp định này, dân chúng miền Bắc di cư vào Nam rất đông. Hoàng Thi Thơ cũng muốn di cư nhưng Tân Nhân đang có bầu không thể đi được, mà anh cũng không dám nói với vợ vì cả hai đều thuộc Đoàn Văn công quân đội, lỡ Tân Nhân không muốn đi, vô tình lộ chuyện là rất nguy hiểm.
Nhân Đoàn Văn công được cử sang bên Miên (lúc ấy chưa gọi là Campuchia) trình diễn văn nghệ để tỏ tình đoàn kết Việt-Miên-Lào, Tân Nhân bụng bầu lớn ở lại Hà Nội lo việc sinh nở, Hoàng Thi Thơ mặc dầu rất thương yêu vợ nhưng khi đoàn sang tới Nam Vang (mãi sau này CS Hà Nội mới gọi là Phnom Penh), anh trốn khỏi đoàn rồi “vượt biên” sang Sài Gòn, bắt đầu một sự nghiệp âm nhạc rất được mọi người hâm mộ. Năm ấy Hoàng Thi Thơ mới 26 tuổi.
Về phần Tân Nhân, đây là giai đoạn khó khăn nhất của mình. Vừa bầu bì lại vừa bị bạn bè dè bỉu vì có chồng trốn vào Nam theo “Mỹ-Diệm”. Ít lâu sau, sinh con trai, cô không dám đặt tên con theo họ cha mà đặt theo họ mẹ là Trương Nguyên Hữu. (Hữu là chữ lót trong tên thật của Hoàng Thi Thơ: Hoàng Hữu Ngạnh, điều này cho thấy Tân Nhân rất ý nhị và rất yêu chồng dù rất buồn và giận chồng. (Bức thư của Tân Nhân viết năm 2008 có nói rõ như vậy). Hai năm sau, không thể chịu đựng với nỗi cô đơn, Tân Nhân bước đi bước nữa, gửi con cho mẹ ruột nuôi. Sau này, câu bé Trương Nguyên Hữu với gien “văn nghệ” của mình, trở thành nhà thơ kiêm nhà văn nổi tiếng với bút danh Châu La Việt. Theo nhà thơ- nhà văn nay cho biết, “Châu” là làng Châu Phong, “La” là dòng sông La, “Việt” là cửa Việt – nơi sinh của người cha thân yêu đã trốn vào Nam mà cậu chưa từng biết mặt. Thì ra, tuy bước đi bước nữa nhưng ca sĩ Tân Nhân vẫn không quên được người cũ và vẫn kể cho con trai về cha của cậu.
Ca sĩ Thuý Nga
Về phần nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, năm 1957 ông lập gia đình với ca sĩ Thuý Nga, người có giọng hát trầm trầm và có tài chơi accordéon.
Ca sĩ Thuý Nga
Năm sau, 1958, họ sinh con con gái đầu lòng, đặt tên là Hoàng Thi Thi. Hiện nay, bà con gái này đã 61 tuổi, là nữ kỹ sư kiêm nhạc sĩ piano, gia đình cũng ở bên Mỹ.
Ngoài ra, NS Hoàng Thi Thơ còn có hai người cháu ruột gọi ông bằng chú, đó là tỷ phú Hoàng Kiều, kỹ sư công nghệ và GS Tiến sĩ âm nhạc Hoàng Thi Thao, cả hai người này đều được NS Hoàng Thi Thơ chăm lo, nuôi ăn học từ nhỏ nên ông Hoàng Kiều mới tự nhận mình là “con nuôi” của NS Hoàng Thi Thơ trong vụ kiện công ty Sky Music mà ông nói ông là người thừa kế.
Ông Hoàng Kiều là một kỹ sư công nghệ, đã phát minh ra cách điều chế huyết tương nhân tạo (máu chúng ta có 2 thành phần chính là các huyết cầu và một chất lỏng màu vàng nhạt giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng gọi là huyết tương). Ông lập một công ty điều chế huyết tương tại Mỹ (công ty America RASS) rồi sau đó một công ty tại Trung Quốc (công ty Shanghai RASS), tiêu thụ huyết tương trên toàn thế giới nên cực kỳ giàu có, tài sản lên tới hơn 4 tỷ đô la.
GS Tiến sĩ Hoàng Thi Thao và Cố nhạc sĩ lão thành Lữ Liên trong ban AVT
Riêng GS Tiến sĩ Hoàng Thi Thao, chắc chúng ta còn nhớ khi cậu bé này mới 14 tuổi, cậu có lên đài truyền hình Sài Gòn trong Chương trình ca nhạc Hoàng Thi Thơ, biểu diễn violin chung với nhạc sĩ Lữ Liên (kéo đàn nhị tức đàn cò) trong tiểu phẩm vui “Cò tây, cò ta” rất được mọi người hâm mộ. Cách đây ít lâu, khi vị nhạc sĩ lão thành trong ban AVT ngày trước này đã 92 tuổi, sắp “đi trọn đường trần”, cụ lên sân khấu Thuý Nga Paris By Night biểu diển lại với GS Hoàng Thi Thao tiểu phẩm “Cò tây, cò ta” và vẫn được mọi người thán phục. Lúc biểu diễn, “cậu bé violin” năm xưa nay đã là một Tiến sĩ âm nhạc tại Mỹ.
Về VN tìm lại người con trai thân yêu chưa từng biết mặt
Sau năm 1975, trong khi sống tại Mỹ, NS Hoàng Thi Thơ vẫn gửi thư về Hà Nội liên lạc với người con trai mà lúc ông ra đi còn đang nằm trong bụng mẹ. Ông viết: “Bố biết hoàn cảnh của con rất tội nghiệp nên thương yêu con hơn mọi thứ trên đời…”.
Năm 1994, ông về chơi, tìm gặp Trương Nguyên Hữu nay đã là nhà thơ-nhà văn Châu La Việt, 40 tuổi, đã có vợ con. Ông hỏi Việt rằng ông thương Việt lắm, vậy ông có thể giúp gì cho Việt được? Việt nói rằng anh sống cũng đầy đủ, không cần gì cả mà chỉ mong mỏi hai điều: – — Thứ nhất, bố vào bệnh viện Đà Nẵng thăm bà ngoại đang nằm điều trị bệnh tật ở đấy, nay ngoại đã già yếu lắm rồi, bố cám ơn ngoại đã nuôi nấng con từ nhỏ, cho con ăn học trong hoàn cảnh thiếu thốn, cực khổ.
– Thứ hai, mẹ đang chăm sóc bà ngoại trong bệnh viện, bố vào đấy, gặp mẹ, bố xin lỗi là đã bỏ mẹ trong lúc bụng mang dạ chửa, đi thoát và sống sung sướng một mình. Bố có lỗi thật đấy, con chỉ xin bố hai điều đó thôi.
Ngay lập tức, hôm sau NS Hoàng Thi Thơ đi máy bay vào Đà Nẵng và tới bệnh viện thăm bà cụ mà ông vẫn coi là mẹ vợ như thuở nào. Gặp lại Tân Nhân, hai người nhìn nhau không nói nên lời, nước mắt chảy ròng ròng. Tự nhiên ông quỳ xuống đất, cầm tay người vợ tội nghiệp ngày xưa áp vào mặt mình: “Anh biết em cực khổ lắm sau khi anh ra đi, xin em tha thứ cho anh…”. Người nữ danh ca đã một thời lừng lẫy danh tiếng với bản “Xa Khơi” của Nguyễn Tài Tuệ ở Hà Nội, nay đã 63 tuổi, nước mắt chảy dài, khe khẽ lắc đầu: “Anh đã biết lỗi rồi thì thôi, không nói đến nữa. Nói cũng chẳng ích gì…”. HTT nói: “Anh định xin phép em lập hồ sơ xác nhận Trương Nguyên Hữu là con của anh, đổi nó thành họ Hoàng rồi bảo lãnh cho gia đình nó sang Mỹ…”. Tân Nhân nói: “Tuỳ anh bàn tính với nó chứ em không biết. Đối với em, họ Trương hay họ Hoàng thì cũng thế thôi, còn việc bảo lãnh cho gia đình nó em cũng không có ý kiến”.
Bốn năm sau, tức năm 1998, NS Hoàng Thi Thơ sang VN lần thứ hai để “chạy chọt”, thuê luật sư hoàn tất việc xác nhận Trương Nguyên Hữu tức nhà văn-nhà thơ Châu La Việt là con trai chính thức của mình và đổi tên con trai thành Hoàng Hữu Hoài. Theo ông, “Hoài” có nghĩa là nhớ, suốt bao nhiêu năm ông vẫn nhớ người vợ tội nghiệp và đứa con còn nằm trong bụng mẹ ông chưa biết mặt. Còn việc ông bảo lãnh cho gia đình Hoài sang định cư bên Mỹ không biết sau đó ra sao, ngay chính người viết bài này cũng không hiểu hiện nay gia đình Hoài đang sống bên Mỹ hay bên VN.
Danh ca Tân Nhân sinh năm 1932, mất năm 2008, thọ 76 tuổi. Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929, mất năm 2001, thọ 78 tuổi. Ông có với người vợ trước là danh ca Tân Nhân một người con trai tên Hoàng Hữu Hoài và có với người vợ sau là ca sĩ Thuý Nga một người con gái tên Hoàng Thi Thi. Còn tỷ phú Hoàng Kiều và GS Tiến sĩ âm nhạc Hoàng Thi Thao là hai người cháu (hay coi như con nuôi cũng được). Như vậy, người kiện ty công ty Sky Music phải là ông Hoàng Hữu Hoài hay bà Hoàng Thi Thi chứ không thể là tỷ phú Hoàng Kiều được. Èng èng, 75 tuổi, có tới 4 tỷ đô la mà còn muốn thêm cho mệt trí nữa sao?
Đoàn Dự