Hoàng Long Hải: Liên Thành “bản chất và hiện tượng” – “về Lãnh chúa Ngô Đình Cẩn”

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Đời cha cho chí đời con
Hết muốn so tròn thì lại so vuông”
(khuyết danh)

                                                      download (32)

Liên Thành

Dòng dõi
Liên Thành là con ông Trợ Cử, (người Huế thường gọi ông ta như thế), tên đầy đủ của ông Trợ Cử là Nguyễn Phúc Tráng Cử, làm trợ giáo – tức là tốt nghiệp tiểu học, bổ dụng làm giáo viên sơ cấp, dạy từ Lớp Năm hay Lớp Đồng Ấu (mẫu giáo) tới Lớp Ba. Sau khi ông Nguyễn Văn Hai làm hiệu trưởng trường Khải Định (năm 1957 đổi tên là Trường Quốc Học Ngô Đình Diệm), vì cùng là “Hoáng Phái”, ông Hai là rể cụ Ưng Thiều – anh ông Ưng Quả, Giám Đốc Nha Học Chánh Trung Việt, chồng ca sĩ Minh Trang – nên ông Trợ Cử được về làm việc tại Văn Phòng Trường nầy. Năm 1955, khi tôi nộp đơn xin vào lớp Đệ Tam, ông Trợ Cử là người nhận đơn.

Sau đó, khi ông Hai lên làm Giám Đốc Học Chánh Nha Học Chánh (chưa đổi tên là Nha Đại Diện Giáo Dục), ông Trợ Cử được chọn làm “Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Cấp Tốc” (tôi không chắc tên nầy tôi viết là đúng). Những người đậu bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (trước đó mấy năm thì không cần phải có bằng nầy), học một năm, được bổ dụng làm “giáo viên tiểu học” – ngạch giáo viên (?). Văn Phòng ông Trợ Cử “đóng” tại Trường Tiểu Học Trần Quốc Toản, phía trong Cửa Thượng Tứ / Huế. Vì vậy, có khi người ta gọi tắt là “Sư Phạm Trần Quốc Toản”. Được ít lâu, sau khi Trường Sư Phạm Qui Nhơn khai giảng,  “Trường Sư Phạm Trần Quốc Toản” đóng cửa, ông Trợ Cử về lại trường Quốc Học làm thư ký văn phòng, thường gọi chung là làm “giám thị”.

Nhiều người Huế biết ông Tráng Cử vì ông là con trai của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Hầu là một nhà cách mạng Việt Nam, lưu vong ở Nhựt. Khi “Phong Trào Đông Du” nổi lên, cụ Phan Bội Châu sang Nhựt để xin Nhựt giúp đuổi Pháp ra khỏi Việt Nam, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Thủ Tướng Nhựt bấy giờ là Khuyển Dưỡng Nghị mới khuyên cụ Phan rằng giành độc lập thì không khó, nhưng giữ được nền độc lập có được mới là điều khó hơn. Vậy thì bây giờ nên đào tạo cán bộ, để khi có độc lập rồi thì có người phục vụ cho đất nước. Vì vậy, nên kêu gọi người trong nước tham gia “Phong Tào Đông Du” – du học ở Nhựt Bổn – Muốn người dân hưởng ứng, thì phải có người có uy tín đứng ra kêu gọi, lãnh đạo. Do đó, cụ Phan lại lén trở về Việt Nam, bàn với các “đồng chí”, đưa vua Thành Thái đang tại vị qua Nhựt. Vua Thành Thái ra tới Thanh Hóa thì bị Tây nghi ngờ, bắt đem về lại Huế. Vua Thành Thái bèn cử Cường Để thay vua đi Nhựt, giao cho Cường Để đem theo cái ấn bằng vàng để làm tin. (Triều đình bấy giờ bị “mất” ấn, phải đúc lại cái khác là vì vậy. Cái ấn đúc lại, sau nầy vua Bảo Đại trao lại cho Trần Huy Liệu tại lầu Ngọ Môn, khi vua Bảo Đại thoái vị. Tôi không rõ “tin tức” về cái ấn do vua Thành Thái trao cho ông Cường Để mang đi.)

Về đời tư, nhất là tình ái, vợ con, ông Tráng Cử có nhiều “bê bối”, không như ông Tráng Liệt (anh, em ông ta ?) là người tham gia “Phong Trào Hòa Bình” ở Huế năm 1955. Đời tư nên tôi không kể vô đây làm chi. Bạn đọc biết dại khái như thế là được rồi!

Ông Tráng Cử có nhiều vợ, nhiều con. Tôi không rõ Liên Thành con bà nào.

Các ông “Cường, Tráng, Liên…” nầy thuộc hệ Hoàng Tử Cảnh, anh Cả hay Hoàng Tử Cả. Các ông thuộc hệ “Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh…” thuộc dòng vua Minh Mạng, là người em.

Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, đến năm 1820 thì băng hà. Trước khi nhắm mắt, Gia Long chọn Hoàng Tử Đảm là người sẽ lên nối ngôi (thái tử), bởi vì Hoàng Tử Cảnh đã qua đời vì bệnh đậu mùa trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi. Gia Long không chọn cháu nội (con hoàng Tử Cảnh) vì người nầy còn nhỏ tuổi. Gia Long sợ mấy ông “Công thần” cướp mất ngôi. Còn ông Hoàng Đảm lúc ấy đã 40 tuổi, đủ khôn ngoan để giữ ngai vàng.

Từ đời Minh Mạng, việc đặt tên theo “đế hê” với hai bai thơ như sau:

-Đế hệ thi (20 chữ): (Thuộc dòng Minh Mạng)
Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh,
Bảo, Quý, Định, Long, Trường,
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật,
Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương.

Phiên hệ thi (20 chữ): (thuộc dòng Hoàng Tử Cảnh)
Mỹ, Duệ, Tăng, Cường, Tráng,
Liên, Huy, Phát, Bội, Hương,
Lịnh, Nghi, Hàm, tốn, Thuận,
Vỹ, Vọng, Biểu, Khôn, Quang.

Âm mưu của Bá Đa Lộc là nước Nam có một ông vua theo đạo Thiên Chúa. Vì vậy, Hoàng Tử Cảnh được “rửa tội” trước khi theo Bá Đa Lộc sang Tây. Vì ông Hoàng Tử Cảnh chết trẻ, nên ông Bá Đa Lộc “mộng bất thành”. Đến đời Bảo Đại, ông vua nầy cưới Bà Nguyễn Hữu Thị Lan, giáo hội La Mã cho phép “đạo ai nấy giữ”, nhưng các con của vua Bảo Đại với bà Nam Phương phải theo đạo Thiên Chúa. Khi ông Bảo Đại trao ngai vàng lại cho con (Bảo Long hay Bảo Thắng chẳng hạn) thì giấc mộng ngày xưa của ông Bá Đa Lộc thành hiện thực. Điều đáng tiếc là ông Bảo Đại thay vì trao ngai vàng lại cho con trai thì lại đưa cho ông Hồ Chí Minh, thành ra lịch sử Việt Nam bị “lộn tùng xèo”.

Ông Hoàng Tử Cảnh là người có đạo Thiên Chúa, nhưng ông Liên Thành thì tự xưng là một “Phật Tử”. Quả tình, tôi cũng không biết câu chuyện “lộn tùng xèo” lần thứ hai nầy.

Hoàng Tử Cảnh là người theo ông cha cố Bá-Đa-Lộc – ông Cha Cả, chôn ở “Lăng Cha Cả” ở Saigon.

Ở Huế cũng có nhiều… Liên, tức là anh em hay anh em chú bác với Liên Thành. Ngay chính Liên Thành, sau nầy khi ông ta về làm “Phó Ty Cảnh Sát Huế”, gây nhiều dư luận, tôi mới biết ông ta.

Năm 1960, qua một người bạn học cũ, làm chủ tiệm sửa xe gắn máy, anh Huỳnh Văn Thùy, tôi biết ông Liên Á – Ông nầy hình như – tôi nói hình như – đang ở trong một “nhóm” do ảnh hưởng của Nhựt, vì Kỳ Ngoại Hầu lưu vong và có uy tín với chính phủ Nhựt. Ông Ngô Đình Diệm, từ sau khi cụ Phan Bội Châu bị Tây đem về giam lỏng ở Bến Ngự, qua cụ Phan, Kỳ Ngoại Hầu chọn ông Diệm làm “đại diện” cho Hầu ở Việt Nam. Đây chỉ là “tin đồn”, nhiều người Huế biết. Thành ra, người ta thấy có một mối liên hệ tam giác: Kỳ Ngoại Hầu, cụ Phan và ông Ngô Đình Diệm. Có thể nói vì mối quan hệ như thế, nên sau khi ông Diệm về nước nắm chính quyền, nhóm ông Liên Á nghĩ rằng cơ hội đã tới hay sao mà “ngo ngoe” hoạt động. Trong chiều hướng đó, Saigon có tờ báo “Liên Á” của “nhóm thân Nhựt”. Khi gặp ông Liên Á, ông tiện tay đưa cho tôi mấy tờ “Liên Á” đọc chơi. Tôi rất cám ơn. Ông Liên Á có biểu tôi tham gia viết cho tờ báo nầy. Tôi cũng có “nhận lời”. Bấy giờ tôi làm “mầm non văn nghệ” viết bài cho mấy tờ báo ở Huế, viết vì “háo danh” và kiếm chút “tiền còm” chớ có tài cán gì đâu! Mấy chục năm sau, nhớ lại “tài” viết báo hồi đó, vẫn tự thấy “buồn cười” cho mình.

Một Liên nữa, mấy năm sau khi đi lính rồi tôi mới biết. Hình như ông ta cũng học Quốc Học, sau tôi một hai lớp, tôi không biết. Đó là trung úy Liên Bằng (cấp bậc năm 1969). Năm nầy, sau khi học xong khóa 5/68 Thủ Đức, tôi xin học ngành Thiết Giáp Binh. Khi tôi trình diện ở Trường Thiết Giáp theo học Khóa 25 Sĩ Quan Căn Bản Thiết Giáp thì gặp ông bạn học cũ ở đây: Trung úy Lương Thúc Trình, sĩ quan chính huấn của Trường. Qua ông bạn Trình, tôi gặp Trung úy Liên Bằng, huấn luyện viên của Trường. Bấy giờ hai ông nầy là “thầy” của tôi đấy!

Trước khi đi lính năm 1968, tôi có biét ông Liên Tường, anh ông Liên Thành – biết tên mà thôi, chớ không quen hay tiếp xúc gì. Cớ sự là do một hôm, “…. Yên”, chỉ nhớ tên, không nhớ tên lót, là em gái của hai ông Liên Tường, Liên Thành, đến nhà thăm vợ tôi – hai người cùng làm việc tại “Trung Tâm Thẩm Vấn Phối Hợp Việt Mỹ”. Làm ở đây còn có “chị Sen”, em gái ông đại tá Cảnh Sát L.S.Th. Chị ấy bị Việt Cộng giết hồi Tết Mậu Thân ở Huế. Yên là vợ Thiếu tá Hóa, tùy viên hay chánh văn phòng của Đại Tá (cấp bâc lúc ấy) Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1/ BB.

Sau khi Huế được giải tỏa, vợ tôi và Yên, gặp vợ chồng ông Đoàn Công Lập (ông Lập làm trưởng ty Cảnh Sát) rồi gặp Trung úy Liên Thành, làm phó ty, cũng ở văn phòng ông Lập. Trung úy Liên Thành bảo vợ tôi và Yên nên “chạy vô Đà Nẵng đi, trong đó có Quân Đoàn, yên hơn”. Còn Huế, Việt Cộng sẽ tấn công Huế một lần nữa, không yên được. Sau đó, Yên không đi Đà Nẵng vì ông chồng là thiếu tá Hóa biểu đừng nghe lời Liên Thành, “Nó hù đó”. Tôi thì nhát gan hơn, cho vợ con đi Đà Nẵng, tôi vẫn tiếp tục dạy học, cuối tuần vào trong ấy thăm gia đình.

Sau vụ “dẹp bàn thờ ra đường” năm 1966, phong trào đấu tranh của Phật giáo Huế yếu đi, “rã đám”, đảng phái Huế như Đại Việt (Đại Việt Cách Mạng Đảng), Cần Lao (Cần Lao Nhân Vị Đảng) và Việt Nam Quốc Dân Đảng hoạt động mạnh hơn trước, nhất là Đại Việt. Họ nắm hết các chức vụ về hành chánh (tỉnh trưởng, quận trưởng) và Cảnh Sát (gồm cả Cảnh Sát Đặc Biệt là ngành Công An thời Ngô Đình Diệm) cấp khu (Quân Khu), trưởng ty, Phó ty, Trưởng chi (cấp Quận)…

Tại Huế, Truởng Ty Cảnh Sát là ông Đoàn Công Lập, Phó ty Cảnh Sát là ông Hà Nguyên Chi, còn Phó Ty Cảnh Sát Đặc Biệt thì… đang tìm người.

Mấy ông cấp Tỉnh Đảng Bộ Thừa Thiên/ Huế đang ngồi họp bàn tại nhà ông Tráng Cử, nhà thuê, cạnh bờ tả ngạn sông Hương, sau khi qua khỏi cầu Bạch Hổ (cầu đi lên Chùa Linh Mụ, không phải cầu xe lửa như có người tưởng lầm) một đỗi, – nhà nầy trước đó gia đình ông Đoàn Mộng Ngô, giáo sư trường Bán Công, thuê ở – thì thiếu úy Liên Thành dắt xe đạp đi vô nhà, chào mấy chú bác xong – các “đồng chí” của ông Tráng Cử.

Thấy Thiếu úy Liên Thành đi vào, một ông nào đó nói:
-“Tìm ai chi cho xa, răng không để cậu Thành giữ chức vụ ni!”

Họ đang bàn việc tìm người làm Phó ty Cảnh Sát Đặc Biệt, sau khi đã chọn xong Trưởng Ty, và Phó Ty Cảnh Sát mà chưa tìm được người giữ chức vụ Phó ty Cảnh Sát Đặc Biệt. Thật ra, ở Huế, người giữ chức vụ Phó ty Cảnh Sát Đặc Biệt, tức là Phó ty Cảnh Sát “mật vụ” thì thiếu chi, nhưng với ngành nầy, mấy ông trong Đảng Đại Việt phải chọn “người phe ta” mới được, bởi vì nhiệm vụ tình báo, mật vụ cần giữ bí mật. Ở Huế, gần một trăm năm nay, người làm ngành nầy, “mang tiếng” dữ lắm, một là “ác”, hai là “ăn tiền”, mà rất dễ ăn tiền. Tây thành lập “Công An Liên Bang” (Đông Dương), (Suretée Federale d’Indochine – Việt/ Miên /Lào) từ ngày đô hộ tới giờ, biết bao nhiêu tai tiếng dữ dằn, độc ác. Đầu năm 1950, anh cả tôi, Hồng Quang, làm báo Ý Dân ở Huế bị Tây + Ta bắt thủ tiêu, mẹ tôi khóc bao nhiêu nước mắt. Tôi không rõ Tây dẹp ngành nầy hồi nào, giao qua cho Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Mạnh, một thời làm giám đốc Nha Công An đóng tại Huế, nổi tiếng tàn ác. Tây về nước rồi thì tới thời “cậu”, ông Phan Quang Đông là “Trùm Mật Vụ Miền Trung” nổi tiếng không kém chi mấy ông thời trước. Những người “có máu mặt” ở Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Qủng Nam, Quảng Ngãi… đều dính vô vụ “Gián Điệp Miền Trung” hay “kinh tài Việt Cộng”. Ai biết “chạy tiền” thì hy vọng được yên thân. Một số thương gia ở Huế đều bị “hỏi thăm sức khỏe”, từ Tăng Vinh photo, nhà bào chế thuốc Tây Phạm Doãn Điềm, nhà may Đức Thạnh, Đức Sinh, nhà sách Nam Hoa của ông Trần Đình Ân, Bình Minh của ông Hoàng Văn Minh, Tinh Hoa… đều “dính chấu” “kinh tài Việt Cộng” hết. Độc giả có thể đọc “Bản cung Phan Quang Đông, đính kèm theo đây thì biết rõ hơn.

Thành ra, với một số người Huế, người ta “kỵ” cái chức “trùm mật vụ”, bây giờ gọi là “phó ty Cảnh Sát Đặc Biệt”. Họ cho là “thất đức”, “cho cũng không ham”. Với ông thiếu úy Liên Thành, với mấy ông trong “tỉnh Đảng Bộ Đại/ Việt Thừa Thiên/ Huế họ nghĩ khác. Nghĩ khác như thế nào, tôi không nói khống được.

Ai nấy đồng ý chọn ôngv Liên Thành làm phó ty. Vậy là “Con vua thì lại làm vua”.

Binh nghiệp!
Không phải ai là con vua đều giỏi, “Con dòng cháu giống”… vua quan…

Cựu thiếu tá Lê Văn Nghiêm (anh của Lê Văn Nghi là bạn học cũ của tôi), nói với tôi: “Thằng ấy (Liên Thành) học Khóa 16 Thủ Đức với tui. Nhưng nó là “Sĩ Quan Bảo An”.

Khóa 16 Sĩ Quan Thủ Đức khai giảng vào khoảng tháng 6/ 1963 – Sau vụ đàn áp ở Đài Phát Thanh Huế 8 tháng 5/ 1963. Mãn khóa cũng tháng 6/ 1964. Thông thường, các khóa Thủ Đức dài khoảng 9 tháng, ra trường mang “loon” chuẩn úy (có khóa mang loon thiếu úy/ thay đổi tùy theo quyết định của chánh phủ). Khóa 16 dài 12 tháng vì sinh viên sĩ quan phải học thêm 3 tháng về “hành chánh” (?) để khi ra trường giữ chức vụ “phụ tá” quận trưởng. Tình hình chiến sự bấy giờ đã nặng nề, chức vụ quận trưởng phải giao cho các sĩ quan – cấp bậc từ trung úy trở lên.

Tuy nhiên, vì là sĩ quan Bảo An, “học nhờ” ở trường Sĩ quan Thủ Đức, nên các sinh viên sĩ quan Bảo An không học “hành chánh” 3 tháng, được ra trường vào tháng 3/ 64. Tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy, không phải chuẩn úy như sĩ quan trừ bị Thủ Đức.

Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa của cụ Diệm, quân đội miền Nam có hai ngành: Quân đội (chính thức) gọi là “Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa” gồm quân chính qui, tức là lực lượng quân sự của các quân đoàn, sư đoàn, các ngành chuyên môn, nói chung là các “quân binh chủng” gồm quân nhân hiện dịch (như công chức, giáo chức chánh ngạch) và trừ bị (khi cần chính phủ gọi vào lính, phuc vụ), khi yên giặc thì cho về.

Thứ hai là “lính” Bảo An. (Nói theo cách thông thường của dân chúng)

Bảo An là lực lượng “bán quân sự”, địa phương, ở cấp tỉnh thì gọi là “Tỉnh Đoàn Bảo An”, ở cấp khu thì gọi là “Nha Bảo An”, ở trung ương thì gọi là “Tổng Nha Bảo An”, dưới quyền một ông Tổng Giám Đốc. Ở tỉnh dưới quyền tiểu khu trưởng, là Phó tỉnh trưởng nội an, là một sĩ quan quân đội, nếu tỉnh trưởng không phải là quân nhân. Ở trung ương thì thuộc Bộ Nội Vụ, không thuộc Bộ Quốc Phòng như các quân binh chủng Quân Đội.

Ngành Bảo An chỉ có cơ quan (có khi gọi là trung tâm) huấn luyện quân sự cho binh sĩ, hạ sĩ quan, còn như việc đào tạo sĩ quan thì “nhờ” bên quân đội, học chung với các khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Tôi nói “học nhờ” có nghĩa là như vậy.

Mỗi tỉnh đoàn chọn người cho đi học sĩ quan, đưa vào học chung với các khóa sĩ quan Thủ Đức, mãn khóa, tỉnh đoàn nào về lại tỉnh đoàn đó, phục vụ tại các đơn vị ở địa phương, của tỉnh cũ dã gởi di học sĩ quan ở Thủ Đức.

Năm 1960, sau lệnh “tổng động viên”, những người có bằng Tú Tài 1 (một/ bán phần tú tài) đều phải khai báo. Khóa tổng động viên đầu tiên là khóa 12 Thủ Đức, một nửa (đoán chừng như vậy) là những người có bằng cấp như vừa nói, một nửa là “tình nguyện”. Thí sinh tình nguyện thì cũng giống như các khóa sĩ quan Thủ Đức trước kia, nghĩa là không có bằng tú tài 1, chỉ cần có chứng chỉ học trình của trường công lập, nếu là học sinh trường tư hay bán công thì phải có học bạ. Từ khóa 13 Thủ Đức trở về sau, điều kiện nầy không còn nữa, mà phải có bằng tú tài 1, ngoại trừ các hạ sĩ quan được chọn đặc biệt cho học sĩ quan. Thủ khoa khóa 12 là ông Nguyễn Ngọc Linh, hiệu trưởng trường Anh Ngữ Nguyễn Ngọc Linh ở Saigon, thủ khoa khóa 13 là ông Trương Đình Ngữ, giáo sư toán lý hóa ở Saigon. Chính phủ chọn những người nổi tiếng đậu thủ khoa để khuyến khích thanh niên nhập ngũ.

Còn “sĩ quan Bảo An” thì sao?
Bảo An là lực lượng bán quân sự, “lính” địa phương nên không nhất thiết có đủ “điều kiện học lực” như “sĩ quan quân đội”, chỉ cần có bằng trung hoc (tốt nghiệp cấp 2), hay chứng chỉ lớp Đệ Tứ, hay Đệ Tam, Đệ Nhị (lớp 9, 10 và 11) là có thể xin gia nhập lực lượng Bảo An và được “chọn học sĩ quan”.

Ông Liên Thành ở trong tường hợp nầy.

Nhờ là con trai ông Trợ Cử, nên ông Liên Thành được “đặc cách” vô học lớp Đệ Tam trường Quóc Học/ Huế, thay vì như các học sinh khác là phải có bằng “Trung Học Đệ Nhứt Cấp” (bằng tốt nghiệp cấp 2). Ông Liên Thành học tới lớp 11 thì ngưng lại ở đó. Muốn học lớp Đệ Nhứt (lớp 12) phải có bằng tú tài 1 nhưng ông không leo qua khỏi cái bằng tú tài 1 nầy. Ông phải “học lại” lớp Đệ Nhị (lớp 11), nhưng trường Quốc Học chỉ cho “học lại” một lần (một năm) mà thôi. Năm sau nữa, ông ta có học ở trường tư nào hay ở trường Bán Công/ Huế, hay “học ở nhà” không thì tôi không biết. Rồi không còn con đường nào khác, ông xin đi học “sĩ quan Bảo An”, khóa 16 Thủ Dức.

Liên Thành ra trường làm “thiếu úy Bảo An”, “trở về đơn vị cũ” là tỉnh đoàn Bảo An Thừa Thiên/ Huế, năm 1966, ông phục vụ tại Chi Khu Nam Hòa (phía Tây thành phố Huế).

Liên Thành không phải chỉ huy binh lính của ông từ Chi Khu Nam Hòa về Huế dẹp loạn (dẹp bàn thờ) ở Huế như ông ta nói. Trong công việc dẹp bàn thờ, giữ an ninh vòng ngoài là Tiểu Đoàn 2 (tiểu đoàn Trâu Điên) Thủy Quân Lục Chiến do trung tá (?) Lê Hằng Minh làm tiểu đoàn trưởng. Trong nội ô thành phố là “Biệt Đoàn 222 (?) Cảnh Sát Dã Chiến” của Tổng Nha Cảnh Sát từ Saigon ra. Chỉ huy trưởng “chiến dịch dẹp bàn thờ” nầy là đại tá (cấp bậc bấy giờ) Nguyễn Văn Toàn; chỉ huy phó là trung tá Dương Văn Đô, thiết đoàn trưởng Thiết Đoàn 7/ Kỵ binh. Bên phía Phật Giáo tố cáo “Mỹ đem máy bay chở xe tăng ra Đà Nẵng dẹp bàn thờ” là vì vậy. Thật ra, Thiết Đoàn 7/ Kỵ binh là đơn vị tân lập, vừa hoàn tất ở trường Thiết Giáp (trong khuôn viên trường Thủ Đức), được chuyển ra vùng hoạt động là Thừa Thiên/ Quảng Trị. Đơn vị có thể di chuyển ra miền Trung bằng tàu Hải Quân – như Thiết Đoàn 18/ trong trận chiến Mùa Hè 1972 – nhưng vì lý do đặc biệt nào đó mà Thiết Đoàn không di chuyển bằng đường thủy lại dùng phi cơ cho nhanh hơn thì phải hỏi “Hội Đồng Quân Lực” mới rõ được !!!

Nhân vật quan trọng chỉ huy việc dẹp bàn thờ ở các đường phố Huế là thiếu tá Phạm Huy Sãnh, chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến của Tổng Nha Cảnh Sát: Bắt (những ai tham gia, quân nhân, công chức, Cảnh Sát…) những ai tham gia đấu tranh, đem về Saigon “trị tội”, hay tha là do ở ông thiếu tá Phạm Huy Sảnh. Bộ Chỉ Huy Chiến Dịch thì “đóng” ở Phú Văn Lâu. Nơi bắt giam, điều tra, hỏi cung… là nơi làm việc của thiếu tá Sãnh: Tòa Đại Biểu Chính Phủ. Công việc nầy không liên quan gì tới các cơ quan Cảnh Sát, ty sở miền Trung. Họ bị ra rìa. Đó là những quân nhân, công chức, cảnh sát tham gia đấu tranh hay ủng hộ trung tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn I/ quân khu I.

Sau khi “dẹp loạn miền Trung”, chính quyền trung ương chọn những “người mới” – tức là những người không liên hệ đến việc tranh đấu – để “cai trị miền trung”. Đảng Đại Việt (Cách Mạng) nắm cơ hội nầy để đưa người nắm giữ các chức vụ trong tỉnh. Trong viễn tượng đó, đời ông Liên Thành càng ngày càng lên hương, nhờ tài năng hay nhờ “đảng Đại Việt” thì tôi không rõ. Việc nầy, tôi sẽ xin hỏi ông Lê Xuân Nhuận, cấp trên của ông Liên Thành (ngành Đặc Cảnh/ tức Cảnh Sát Đặc Biệt cấp Quân Khu. Hy vọng ông Lê Xuân Nhuận cũng biết rõ chuyện mâu thuẫn gì đó xảy ra giữa linh mục Bính của nhà thờ Phú Cam và ông Liên Thành. Ông Liên Thành bàn giao chức vụ cho trung tá Hoàng Thế Khanh, người làm giả tài liệu để vu cáo ông Nguyễn Khắc Thiệu và ông Nguyễn Khoa Phẩm là “cán bộ Cậng Sản nằm vùng.”

Chẳng đặng đừng

Thành thật mà nói, chẳng đặng đừng mà tôi phải viết về ông Liên Thành. Trước đây, khi bài viết của ông ta mới đăng báo, gọi ông Trí Quang là “tội đồ dân tộc”, tôi cũng bất mãn. Ai lại gọi ông Trí Quang như thế. Trước 1975, cũng đã có người gọi ông Trí Quang là Cộng Sản, gọi ông Thiện Minh cùng một số thầy ở Ấn Quang, ở Từ Đàm là “tay sai Việt Cộng”. Nói như thế mà không có bằng chứng đã là sai rồi, huống chi vài ông, trong đó có cả Liên Thành, dùng lời lẽ nặng nề với ông Trí Quang. Khổng Tử nói: “Tri chi vi tri chi, bất tri chi vi bất tri chi, vị tri chi.” Dịch nôm na là “Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, tức là biết vậy.” Nói ông Trí Quang hay ông Thiện Minh, Trí Thủ, Nhất Hạnh, Minh Châu thì “tri chi” hay “bất tri chi”? Không biết mà nói biết, nói khống, không có chứng cớ chi cả thì đó không phải là “bất tri chi” là vu khống – nói theo luật pháp, hay “chụp mũ”, nói theo kiểu chính trị của Cộng Sản. Cả hai đều sai!

Người Huế, nhìn chung, giới bình dân như tôi, hay như người ta thường gọi là “quần chúng Phật Tử” mà nghe nói mấy thầy là Cộng Sản thì họ sẽ phản ứng đấy, phản ứng mạnh yếu tùy từng người. Còn như, có lần tui nói với mấy người bạn: “Cha nào ngon, cứ ra đứng ngay Chợ Đông Ba mà nói ông Trí Quang hay thầy nầy thầy kia là Cộng Sản, thì sẽ không thoát giới “tiểu thương Chợ Đông Ba” cầm đòn gánh đánh cho. Gì chớ vu cáo thầy của mấy mẹ mấy chị là Cộng Sản, họ đánh cho là đương nhiên, có nhanh chân mà chạy cũng không thoát.”

Cũng cách đây mấy năm, tôi có gọi điện thoại thăm ông Thầy cũ là ông Nguyễn Văn Hai, nhân tiện nói tới việc Liên Thành ăn nói bậy bạ, bởi vì tôi nghĩ ông Hai là ân nhân của ông Tráng Cử, như tôi có kể ở phần trên, có thể ông Hai rõ “hoàn cảnh gia đình” ông Tráng Cử. Ông Hai bảo tôi đừng có viết gì về “thằng đó”, bởi vì nó “không đáng chi để anh viết”.

Nghe lời thầy, tôi chẳng viết chi về Liên Thành. Vậy mà thấm thoắt cũng đã gần mười năm rồi. Nay nhân dịp ông Trí Quang vãn đời, Liên Thành lại ngo ngoe nói bậy nữa.

Một vài người bạn thân ở Nam Cali, ở Virginia nói với tôi: “Người Huế chẳng ai lạ gì ông Trợ Cử với Liên Thành, nhưng người Việt không phải gốc Huế, không biết chi về thằng “Xuân Tóc Đỏ” nầy. “Ông” rán viết ít hàng về nó, để bàn dân thiên hạ biết nó là ai, học hành, tư cách ra răng!”

Bất mãn thì tôi có bất mãn Liên Thành nói bậy, nhưng ghét thì tôi chẳng muốn ghét ai làm chi cho mệt bụng, thành ra suốt cả bài viết nầy, tôi tránh dùng những tiếng thô lỗ, ăn to nói lớn, lời lẽ dao to búa lớn, chỉ là “biết gì viết nấy” mà thôi.

Nói cho cùng, không những Liên Thành nói bậy mà cũng có người nghi y làm bậy nữa đấy, kiểu như muốn đi theo con đường ông Hồ Anh, chủ báo “Văn Nghệ Tiền Phong” nói mỉa với tôi về “Mặt Trận Phở Bò”, nhưng Liên Thành lại không thành công.

Số là hồi ở trại tỵ nạn Sungei Beshi bên Mã Lai, tôi hay lên chùa, không phải để lạy Phật – không mấy khi tôi vô chùa lạy Phật – mà để thăm Thầy Thich Nguyên Đạt, – hiện giờ Thầy tu ở Chùa Việt Nam Houston. Thầy Nguyên Đạt đi tu lúc 9 tuổi, hồi ở trại thầy cũng còn trẻ, nhưng công việc Phật Sự trong các ngày Lễ Phật thì Thầy lo rất chu đáo, tổ chức hay nên đồng bào trại tỵ nạn ngưỡng mộ Thầy lắm. Lại nữa, bây giờ gặp dịp “ÔÔng” Đôn Hậu viên tịch, Việ Cộng muốn ngăn cản việc truyền thừa của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt nên chúng nó bày ra vụ “Chúc Thư Giả”. Thầy Nguyên Đạt có được một ít tài liệu và tin tức, từ Huế gởi lén ra, qua ngã Thượng Tọa Thích Quảng Ba. Thầy Quảng Ba từ bên Úc qua thăm trại tỵ nạn Mã Lai trao lại cho Thầy Nguyên Đạt. Thầy Nguyên Đạt hỏi tôi: “Tài liệu nầy giờ mình làm chi?” Tôi nói: “Khai thác tài liệu ấy mà “đập” lại tụi nó chớ sao!” Tôi nhân hết các tài liệu đó, tìm hiểu rồi viết khoảng năm hay sáu bài gì đó. Thầy Nguyên Đạt nhờ Phật Tử đánh máy, rồi gởi cho các báo hải ngoại đăng. Một hôm tôi ghé chùa, Thầy Nguyên Đạt nói: “Thầy gởi bài cho đài “Chân Trời Mới”, tối hôm qua họ đọc trên đài. Thầy có thu lại. Để thầy mở, bác nghe chơi.”

Vì vụ “Chúc Thư Giả” mà báo “Công An Thành Phố”, viết bài kết tội ba người: Giáo sư Võ Văn Ái ở Paris là một, Thượng Tọa Thích Quảng Ba ở Úc là hai và Tuệ Chương ở Mã Lai là ba. Tôi nói đùa với Thầy: “Tự nhiên được “ăn theo” mấy ông lớn nầy cũng vui.”

Không biết do đâu, ở trại tỵ nạn có dư luận nói đài Chân Trời Mới là đài của Liên Thành, phát thanh từ Nhựt Bản. Cũng có dư luận nói ông Liên Thành đang lập một mặt trận để “giải phóng quê hương”. Tôi không có ý kiến gì về vụ nầy khi anh em Quân Cán Chính ở trại tỵ nạn hỏi tôi về Liên Thành. Tôi không rõ ông ta đang làm gì, nên tôi không nói mò, ca ngợi hay phê phán mà không có chứng cớ. Tuy nhiên, tôi có kể cho anh em Quân Cán Chính nghe về mối liên hệ gia tộc giữa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với ông Tráng Cử và Liên Thành. Tôi lại nói về tin Kỳ Ngoại Hầu có vợ Nhựt và có một người con trai bây giờ là đại tá trong Quân Đội Nhựt. Anh em lại hy vọng Chính Phủ Nhựt, qua ông đại tá con Kỳ Ngoại Hầu – Liên Thành gọi bằng chú – sẽ giúp Liên Thành xây dựng một lực lượng “giải phóng quê hương.” Thiệt? Giả? Có? Không?  Tôi không biết, nhưng nếu được như vậy thì cũng may mắn cho Dân Tộc và Đất Nước. Thật sự như vậy???

Sau khi định cư ở Mỹ, tôi không nghe ai nói gì về công việc của Liên Thành nữa. Tôi có đọc đâu đó, một bản tin, nói rằng những lời đồn về Liên Thành, chỉ là dổm. Có người gọi vào số điện thoại của mặt trận gì đó của Liên Thành. Số điện thoại ở Nhựt. Người bắt phone ở Nhựt là một bà già, không nói được tiếng Anh, không nói được tiếng Việt. Vậy thôi! Người ta đành thất vọng.

Cách đây mấy năm, nhân dịp Tết, tôi tham gia một buổi họp mặt của nhiều anh em, vài ba đoàn thể, tại nhà ông Hà Văn Tải, giám đốc đài SBTN/ Boston. Nói chuyện với vài anh em về Huế, tôi lại kể chuyện ông Đoàn Công Lập, một người tôi quen thân từ trước Tết Mậu Thân, khi ông là “ký giả thể thao” cho tờ báo “Công Dân” của luật sư Lê Trọng Quát ở Huế. Sau khi Cộng Sản chiếm Huế, họ bắt ông đem giam. Ông trốn khỏi trại giam, vô Saigon, có ghé lại thăm tôi, nhưng khi ấy tôi đi “tù Cải Tạo” rồi. Việt Cộng từ Huế vào Saigon bắt ông ta. Ít lâu sau thì ông Lập được tha, về tới nhà vợ (bé) thì ông qua đời. Tôi cũng nói vài điều về ông Liên Thành, những điếu nhiều người Huế biết cả.

Hôm đó có mặt thiếu tá Nguyễn Van Ng., chỉ huy phó của Liên Thành. Ông Ng. ngồi xa, không nghe tôi nói chuyện. Tuy nhiên, sau đó, khi mọi người giản bớt ra thì ông Ng. bước đến gần tôi, nói nhỏ: “Chuyện cũ, đừng kể lại làm chi!” Tôi không trả lời ông ta. Vừa lúc đó, nhà tôi đi tới, nghe những gì ông Ng. nói với tôi. Nhà tôi yêu cầu tôi về, đường xa, gần một trăm mile từ nhà ông Hà Văn Tải về nhà tôi. Trên đường về, nhà tôi nhắc lại chuyện tôi hay nói, nhiều khi làm mất lòng anh em. Tôi lại không nói gì, chỉ băn khoăn. Tôi hay nói chuyện cũ chẳng qua là cố tìm người đồng cảm.

Hôm nay tôi không nói mà lại viết. Quả tình tôi không muốn bôi lọ hay phê phán ai, nhất là về đời tư thì lại kỵ lắm. Nhưng chuyện Liên Thành thì “đời tư” gì nữa. Ông ta là “public figure”. Phải chi ông ta đừng nói ra nữa, thì tôi vẫn giữ lời khuyên của ông Thầy cũ mà cho nó qua luôn. Việc Liên Thành thách thức tranh luận với ông Cao Huy Thuần, với Thái Thị Kim Lan làm tôi buồn cười. Tôi không biết ông Cao Huy Thuần nhưng cụ Cao Huy Hy có thể là người biết thân phụ tôi, khi ông Cao Huy Hy làm “Directeur” (thường gọi là ông Đốc), là hiệu trưởng trường Tiểu học Quảng Trị khoảng năm 1941 hay 42 gì đó. Gia đình nầy nổi tiếng học giỏi, trong đó có Cao Huy Hóa học chung với tôi mấy năm ở cấp Ba, trưòng Quốc Học, hay Thái Thị Kim Lan, nhà ở Hàng Đương/ Huế, bạn học với em gái tôi khi chúng nó học lớp Đệ Lục ở Dồng Khánh. Hồi đó, em gái tôi nói “con nhỏ Thái Thị Kim Lan học giỏi lắm. (1) Đằng nầy, nhân dịp ông Trí Quang viên tịch, ông Thành lại quậy lên việc ông gọi ông Trí Quang là “tội đồ dân tộc”. Câu nói ấy làm mất lòng nhiều người, gây phản ứng cho nhiều người, nên tôi lại mày mò viết ra mấy trang giấy nầy, để người đời bây giờ, người đời sau biết rõ “ai là ai”. Còn như đối với những người muốn mượn ngòi bút của Liên Thành để dựng lại con đường dang dở của ông Bá Đa Lộc đứt đoạn vào đầu thế kỷ 19, thì đó không phải là vấn đề làm tôi lưu tâm. Người ta không thể hiểu ông Trí Quang, ông Thiện Minh, ông Nhất Hạnh… nếu không đọc lại, coi lại lịch sử Huế, giai đoạn Tây xâm lăng nước ta, bắt mấy ông vua nhà Nguyễn đi đày ở Châu Phi, nếu không tìm hiểu “Thất thu kinh đô” là gì, không biết “Phong trào Cần Vương”, “Phong trào Văn Thân” – Bình Tây Sát Tả” là gì.

Có thể nó tương tự như việc không hiểu “Thời đại Nguyễn Du” thì làm sao biết hành trạng và “Tâm sự Nguyễn Du trong truyện Kiều”.

Vậy thì muốn hiểu ông Trí Quang, các thầy ở chùa Từ Đàm, muốn hiểu ông Trí Độ, Trí Thủ nói riêng, hay nói chung là muốn hiểu Phật Giáo Huế, Phật Giáo Trung Nam Bắc như thế nào, nếu không nhìn trở lại vết đạn súng thần công của Tây đã bắn vào Dân Tộc Việt Nam, nước việt Nam, để lại những vết thương như thế nào mà mãi đến nay, một trăm năm sau, vết thương đó vẫn chưa lành./

Hoàng long Hải

(1)    Theo dư luận trong đám sinh viên Saigon, năm ông đại tướng Nguyễn Khánh cầm quyền ở miền Nam, ông “dí” cho đám sinh viên lãnh tụ tranh đấu, mỗi “đứa” một học bỗng cho đi du học cho khuất mắt, để ông dễ “mần tuồng”.
Trong số đó, có thể kể: Cao Huy Thuần đi Pháp, Thái Thị Kim Lan đi Đức, Lê Đình Điểu đi Mỹ. Còn ai nữa đi đâu? Không biét có ai phản biện tin nầy?!

Phụ lục:

Khẩu cung Phan Quang Đông

Năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba, ngày ba mươi tháng 12 hồi chín giờ.
Chúng tôi Trần Văn Cư, Chủ sự phòng Cảnh Sát, Nha Cảnh Sát Quốc Gia Miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần, Tư Pháp Cảnh Lại có ông Nguyễn-văn-Mão giúp việc thư ký có hỏi cung tên: Phan Quang Đông.
Hiện can: cán bộ Việt-Cộng lộn sòng trong hàng ngũ Quốc Gia.
Hỏi về lý lịch, “bị can” đã khai:

Vấn đáp:
Tôi tên là Phan-quang-Đông, 37 tuổi quốc tịch Việt-Nam, con của ông Phan Quang Cù (chết) và bà Đậu-thị-Ba, sanh chánh quán: Lê Định, Hương Sơn Tỉnh Hà-Tĩnh, hiện trú ngụ tại 9 đường Lê Lợi, Huế nghề nghiệp: Công chức, Sĩ quan đồng hóa Sở Nghiên cứu Chính trị, học lực tương đương Tú tài, công giáo, đảng viên Cần Lao Nhân Vị từ năm 1955, gia cảnh: vợ là Nguyễn thị Tòan và 1 con, anh em: Phan quang Mai, Phan quang Khuê, Phan quang Quê hiện cùng với mẹ ở Bắc Việt, tiền án: không.

Hỏi về qúa trình họat động, bị can khai:

Vấn đáp:
Từ 1939 đến 1944, tôi là học sinh trường Saint Baptiste de la Salle Nha Trang, Năm 1944-45, tôi học trường Chính-Hóa, Vinh. Sau 9/3/45 tôi ở nhà. Thời Việt Minh, tôi gia nhập giải phóng quân đến năm 1946, giải ngủ vì lý do sức khỏe. Từ 9/1946 đến 1950, tôi tiếp tục học tại trường Hùynh Thúc Kháng, Hà Tĩnh (Vùng Việt Minh). Từ 1950 đến 1953, tôi dạy học tại trường Tư Thục Công giáo Thiên Khải đường Nghệ An, tháng 12/1953 tôi cùng các tên Phan Quang Điều, Phan Đình Phúc và Phan Quang Chính trốn qua Lào.
– Từ tháng tư 54 đến tháng 9/54 tôi về Sàigon, học trường sinh viên Sĩ quan Thủ Đức rồi đào ngủ.
– Tháng 2/55, tôi vào làm cho Sở nghiên cứu Chính trị của Bác sĩ Tuyến và đựơc ông nầy chọn đi học khóa Tình báo Phi Luật Tân, đến 6/55 mãn khóa, trở về sở Nghiên cứu phụ trách việc dịch các bản tin Việt ra Pháp.
– Từ 3/56 đến 10/56 tôi làm Trưởng Ban Phỏng vấn di cư vượt tuyến tại Quảng Trị và từ 10/56 đến 7/57, tổ chức tình báo tìm hiểu họat động VC từ Đông Hà vào Quảng Nam liên hệ với Nha Công An Trung Phần thu thập tin tức VC gởi về cho Sở Nghiên cứu Sàigon.
– Từ 7/57, tổ chức người vượt tuyến để lấy tin tức VC, tháng 10/57 Sở Nghiên cứu chỉ thị cho tôi thành lập Trung Tâm Tiếp Cư tại Huế họat động đến 9/63 thì Trung Tâm nầy gỉai tán.
– Tháng 5/61 được lệnh xây dựng Trung Tâm Kiểm Thính Huế họat động cho đến ngày tôi bị bắt.
Hỏi khi ra đi bị can giao phó người mẹ cho ai và từ ngày vào Nam đã nhận tin tức gia đình như thế nào bị can khai:

Vấn đáp:
Khi ra đi tôi có giao mẹ tôi cho lại mấy người em trông nom về tin tức gia đình tôi biết qua bưu thiếp của những người ở vùng VC vào cho hay.
Hỏi về sự liên hệ giữa bị can với 3 tên xuất thú bị can khai:

Vấn đáp:
Tôi với ba tên ấy đều có bà con với nhau: tôi gọi Phan Quang Điều bằng chú, Phan Bình Phúc bằng anh con ông Bác, Phan Văn Chính bằng chú (Phan Văn Hóa chú của Phan Văn Chính, tôi gọi bằng ông) việc vào Nam vì trong vòng bà con nên có bàn định với nhau.
Hỏi về hành trình xuất thú và lý do chọn hành trình ấy bị can khai:

Vấn đáp:
Khỏan 12/53 tôi cùng 3 tên nói trên vượt biên giới Lào Việt, gặp một đơn vị quân đội Liên Hiệp Pháp đưa chúng tôi về Savannakhet và Vientiane giao cho phòng II khai thác về tình hình Việt Cộng, sau chừng 1 tháng ông Phan Văn Hóa, thân sinh của Phan Văn Chính lúc ấy làm ở Comrep Lào, bảo lãnh chúng tôi về. Chúng tôi chọn hành trình nầy vì tin tưởng ở sự giúp đở của ông Phan Văn Hóa. Ông Hóa sau về làm Tỉnh trưởng Pleiku vào khỏang 1957, đã chết trong một tai nạn xe hơi.
Hỏi về việc đã vận động cho bị can và tên kia nhập hoc trường sinh viên Sĩ quan Thủ Đức và tại sao khi về Sàigon lại phân tán, cũng không cùng học một khóa Thủ Đức bị can khai:

Vấn đáp:
Thời gian tôi ở Lào, nhờ có ông Phan Văn Hóa làm ở Comrep vận động cho chúng tôi về học Sĩ quan Thủ Đức Sàigon. Chúng tôi làm đơn nhờ ông Hóa xin cho chúng tôi về Sàigon trừ
Phan Văn Chính thì về sau. Tất cả chúng tôi đồng xin học một khóa, nhưng khi về Sàigon Phan Quang Điều và Phan Bình Phúc bị đau không học được sau lên Đà Lạt học. Phan Quang Điều  hiện là Trung Úy An Ninh Quân Đội, Phan Bình Phúc Trung úy Công Binh còn Phan Văn Chính khoảng 1957 mới đi Mỹ học Không quân hiện là Thiếu Úy.
Hỏi khi dự định đào ngủ đã bắt liên lạc với bác sĩ Tuyến chưa và đào ngủ với dụng ý gì bị can khai:

Vấn đáp:
Sau khi hiệp định Genève ký kết tình trạng trong quân đội hơi phức tạp và lại như đa số người công giáo di cư, tôi muốn tham gia những họat động ủng hộ ông Ngô Đình Diệm nên tôi đào ngũ. Với Bác sĩ Tuyến, tôi chỉ biết qua giới thiệu của ông Đỗ La Lam. Ông Đỗ La Lam khi ở vùng VC, chủ bút tờ Tiến Hành, cơ quan ngôn luận của Liên đòan Công giáo Nghệ Tĩnh Bình vào năm khoảng 1951 làm ở tờ báo Xã Hội của ông Nhu.
Khi ở Lào nhờ tờ báo nầy tôi mới biết ông Lam và khi về Sàigon tôi có trực tiếp đến gặp ông ấy.
Hỏi về trường hợp hợp tác với Bác sĩ Tuyến bị can đã khai:

Vấn đáp:
Từ 7/55 đến 3/56 tôi làm việc tại Sở Nghiên Cứu Sàigon phụ trách dịch những bản tin bằng Việt ngữ ra Pháp. Từ 3/56 đến 7/56 tôi được chỉ định làm ban thẩm vấn di cư tại Quảng Trị, trụ sở đặc tại Ty CA. Thành phần ban nầy gồm 2 nhân viên của Nha Tổng Giám Đốc CS và CA và hai nhân viên của Sở Nghiên Cứu. Nhiệm vụ ban nầy là thẩm vấn những người di cư vượt tuyến.
Từ 7/56 đến 10/56, tôi về Sàigon tường trình công việc và làm việc tại đây. Từ 10/56 đến 1/57 tôi nhận chỉ thị của Bác sĩ Tuyến ra nghiên cứu tổ chức Tình báo tìm hiểu họat động của VC từ Đông Hà vào Quảng Nam đến tháng 1/57 Bác sĩ Tuyến ra lệnh đình chỉ công việc ấy lại.
Từ 3/57 đến 5/67 tôi được chỉ thị liên lạc với Nha Công An Trung phần để lấy tin gởi về Sở Nghiên Cứu Chính Trị Sàigon.
Từ 7/57 tôi được chỉ thị tổ chức người vượt tuyến để lấy tin tức Việt Cộng tại vùng giới tuyến, hàng tháng tổ chức được phụ cấp 40.000$, công việc nầy đến tháng 3/61 thì chấm dứt. Tháng 10/59 tôi được chỉ định thành lập Trung tâm tiếp cư để tiếp đón và thẩm vấn sơ khởi những người vượt tuyến. Đến tháng 9/63 thì Trung tâm nầy giải tán vì người vượt tuyến thưa dần, mỗi tháng Trung tâm tiếp cư được phụ cấp 60.000 $.
Khoảng tháng 5/61 Sở Nghiên cứu chỉ thị cho tôi xây dựng Trung Tâm Kiểm Thính, có nhiệm vụ theo dõi các di chuyển và họat đông quân sự VC tại Lào và miền Nam, xây cất Trung tâm nầy phí tổn trên 3 triệu đồng do ông Tôn Thất Hường đứng tên và ông Trần Tuyên Cáo, thực hiện kinh phí do Nha Tổng Giám Đốc Kiến Thiết đài thọ.
Hỏi về trường hợp hợp tác với Ngô Đình Cẩn, bị can khai:

Vấn đáp:
Linh mục Cao Văn Luận biết rõ gia tộc tôi từ khi tôi vào ở Hà Tĩnh. Thời gian tôi vào Sàigon có gặp cả ông Phan Văn Hóa nên biết rõ chúng tôi. Khoảng tháng 3/57, sau khi được chỉ thị liên lạc với Nha Công An Trung Phần như đã khai trên tôi nhờ sự tiến dẫn của linh mục Cao Văn Luận nên được các ông Ngô Đình Cẩn để có phần dễ dàng làm việc và tiến thân trong tương lai.
Hỏi về việc nhận lệnh của Ngô Đình Cẩn để khai thác vụ gọi là gián điệp Pháp bị can đã làm như thế nào, bị can khai:

Vấn đáp:
Khỏan 8/57 Ô. Hồ Đắc Trọng tìm gặp tôi, bảo lên Ô. Cẩn để ông ấy giao tôi một vụ gọi là gián điệp Pháp và ông Vũ Đình Ban đang phụ trách. Ông Cẩn không giao cho tôi một hồ sơ tài liệu nào mà chỉ nói rằng ngòai nầy đã bắt ông Tống Văn Đen khai thác chưa có kết qủa, tôi phải làm gấp cho có hồ sơ gởi vào Sàigon. Tôi lại được nghe các ông Lê Khắc Duyệt, Trần Văn Hương và Hồ Đắc Trọng cho biết thêm là ông Nguyễn Đắc Phương, làm kinh tài cho gián điệp Pháp nhảy lầu tự tử. Ông ấy liên lạc với Pháp ở Lào và Pháp Nhà Đèn Huế. Vụ ông Nguyễn Đắc Phương bị bắt và bị thẩm vấn do ông Vũ Đình Ban và Dương Văn Hiếu phụ trách.

Sau khi lãnh chỉ thị Ô. Cẩn tôi sang lầu Hòa Bình gặp Ô. Tống Văn Đen, ông ấy bị câu lưu và khai thác từ 9-10 ngày rồi nhưng chưa khai báo gì, thuyết phục không được, tôi nghỉ tới việc bố trí một cuộc thủ tiêu giả tạo để áp đão tinh thần Ô. Tống Văn Đen. Vì qúa sợ, Ô. Tống Văn Đen khai có nhận làm gián điệp cho Pháp có nhận thư của hai tên Pháp ở Nhà Đèn Huế, giao lại cho hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến. Tôi cho ông Đen làm tờ khai xong, vào gặp Ô. Cẩn để trình bày về kết quả khai thác. Ông Cẩn lộ vẻ vui mừng, chỉ thị bắt hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến vào, bảo tôi “hai người đó làm kinh tài, khai thác cho được”Do đó Ty Cảnh Sát Huế phụ trách việc bắt và khám nhà hai ông Thí và Yến, nhưng không bắt gặp được một tài liệu gì về họat động gián điệp của họ cả.

Bằng vào lời khai của ông Đen, tôi hỏi ông Thí có nhận thơ hai người Pháp ở Nhà Đèn do ông Đen đưa lại không, ông Thí phủ nhận. Tôi dùng biện pháp mạnh như tra điện, cho uống nước dơ do Nguyễn Văn Trị và Bùi Kế đảm nhận liên tiếp trong 1 tuần. Cuối cùng, Ô. Thí nhìn nhận có nhận thơ của hai người Pháp ở Nhà Đèn Huế, và làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp, và còn khai thác mấy ông Võ Văn Quế, Châu Đình Chương và Nguyễn Văn Nhiệm ở Đà Nẵng. Có lẽ vì bị đau quá nên ông ấy khai tên những người quen biết. Tôi cho làm bản khai xong trình lên cho ông Cẩn.

Riêng ông Yến cũng bị bắt một lần với ông Thí do Nha An Ninh Quân Đội nhận hàng đầu khỏang 1, 2 tháng gì đó, kết quả khai thác như thế nào không rõ, thì ông Yến đưa sang cho tôi làm tại lầu Hòa Bình. Tôi căn cứ vào lời khai ông Thí để thẩm vấn, ông Yến không chịu nhìn nhận gì hết, tôi phải dùng đến những biện pháp mạnh, như ngó đèn 500Watt, tra điện trong mấy ngày, ông Yến mới chịu nhận có làm gián điệp cho Pháp. Tôi giao cho Nguyễn Văn Trị và Bùi Kế hướng dẫn cho Ô. Yến làm bản khai, căn cứ theo lời khai của ông Thí, cũng như ông Thí trong thời gian lấy lời khai ông Yến cũng phải chịu những cực hình.

 Ngay sau khi ông Thí khai ba người là các ông Võ Văn Quế, Châu Đình Chương và Nguyễn Văn Nhiệm, đối với ông Chương và ông Nhiệm tôi đặt giả thuyết làm kinh tài, còn riêng ông Võ Văn Quế là một cựu nhân viên Công An Pháp chuyên môn về tình báo tôi nghỉ rằng trong tổ chức kinh tài có cả tình báo nữa; nên tôi bảo nhân viên, không những khai thác về kinh tài mà còn chú trọng khai thác về tình báo nữa. Bằng vào lời khai của các nạn nhân trên kết hợp với sự suy nghĩ của tôi, tôi hệ thống hóa thành tổ chức kinh tài và gián điệp Pháp, xin chỉ thị của ông Cẩn để lần lượt bắt một số người gồm đủ các giới, quân nhân, công chức thương gia. Những người nầy bị bắt, vì tra đánh quá sức không chịu đựng được, nên mới khai những người mình quen biết, do đó con số người dính líu vào vụ gọi là gián điệp Pháp, càng ngày càng tăng bao trùm hết các tỉnh ở Trung phần và Sàigon. Đi đôi với tổ chức gọi là gián điệp Pháp nầy là một cơ sở kinh tài mà sau đó tôi buộc các nạn nhân phải nạp tiền; tổng số tiền tôi thu được lên đến bốn triệu năm trăm ba mươi bảy ngàn. Những người bị bắt trong cái tổ chức gọi là kinh tài và gián điệp Pháp lên đến trên 50 người.

Tôi công nhận vụ gián điệp Pháp mà tôi lập hồ sơ là một vụ gỉa tạo nhằm mục đích tống tiền và triệt hạ một số Sĩ quan, công chức bất phân tôn giao.
Nói về những hậu qủa khốc hại của vụ gián điệp Pháp gỉa tạo, bị can khai:

Vấn đáp:
Vụ gián điệp Pháp giả tạo nầy đã làm cho ba người phải thiệt mạng là các ông Nguyễn Đắc Phương, Võ Côn, Trần Bá Nam, một số người vô tội bị đánh đập tra tấn đến thành thương tật hoặc bức họ đến nổi phải tự vận (nhưng may cứu sống kịp) một số nạn nhân phải chịu tù đày, vong gia bại sản, đời sống ê chề điêu đứng một số lớn công chức vô cớ bị hàm oan.
Hỏi về hồ sơ tiền kinh tài bị can có lạm dụng một sốn lớn đã xử dụng vào việc riêng thế nào bị can khai:

Vấn đáp:
Số tiền kinh tài tôi không có lạm dụng, tôi đã chỉ dùng vào các việc như: trả tiền mua sắm vật liệu và dụng cụ văn phòng, trả tiền ăn cho các nạn nhân bị giữ tại trung tâm trừ các công chức, sửa xe cộ, phụ cấp cho nhân viên đi công tác v.v… Tất cả các việc chi tiêu trên đây đều có giấy tờ chứng minh, nhưng bây giờ tôi đã thiêu hủy sau ngày 1/11/63 cùng một lần với hồ sơ vụ gián điệp Pháp, vụ 11/11/60, 27/2/62 và các vụ VC.
Trên mục đích tiến thân, bị can đã thụ hưởng gì với quá trình phục vụ bên Ngô Đình Cẩn, bị can đã khai:

Vấn đáp:
Tôi không được hưởng thụ một ân huệ gì trong suốt thời gian phục vụ với Ngô Đình Cẩn, ngay cả gia đình tôi cũng vậy, sở dĩ sau nầy tôi với ông Cẩn vì nghĩ đến thủy chung dù sao tôi cũng là người đã làm việc với ông ta, hơn nữa cũng nhận có sự mâu thuẩn giữa Ô. Cẩn và bác sĩ Tuyến ở Sàigon.
Hỏi về việc làm vừa qua trong vụ gọi là gián điệp Pháp bị can thấy thế nào, bị can khai:

Vấn đáp:
Tôi công nhận trong thời gian qua, trong vụ án gián điệp Pháp gỉa tạo tôi đã gây ra bao nhiêu là tội ác như:
– Vu khống, hảm hại một số người vô tội, bức họ đến tự vận chết.
– Dùng cực hình tra tấn nạn nhân các nạn nhân đến thành thương tật.
– Tống tiền các nạn nhân làm cho họ phải vong gia bại sản
– Triệt hạ một số quân nhân, công chức bất phân tôn giáo (1).
– Gây đau thương tang tóc cho biết bao nhiêu gia đình.

Hỏi bị can còn muốn khai thêm gì nữa không:

Vấn đáp:
Thưa tôi không khai thêm gì nữa
Khẩu cung nầy đã được lập xong hồi mười sáu giờ ngày tháng như trên gồm có chín trang đã được trao cho Phan Quang Đông đọc lại nhận đúng y cung, và bằng lòng ký tên dưới đây với chúng tôi

BẢN SAO

VIỆT NAM CỘNG HÒA
NHA CẢNH SÁT QUỐC GIA VN
Huế, Ngày 8 tháng 5 năm 1964
TRUNG NGUYÊN TRUNG PHẦN
———————–
Số:  95/CSQG/ĐS/
GIÁM ĐỐC NHA CẢNH SÁT QUỐC GIA
MIỀN BẮC TRUNG NGUYÊN TRUNG PHẦN                                                                                                                                                                                                    ——————
Kính gởi Ông:
TỔNG GIÁM ĐỐC CẢNH SÁT QUỐC GIA
(KHỐI CẢNH SÁT) SAIGON
TRÍCH YẾU:
Vụ án gỉa tạo gián điệp Pháp do Phan Quang Đông  tay sai đắc lực Ngô Đình Cẩn  đã hòanh hành từ 1957 đến 1963

THAM CHIẾU:
Quý chuyển văn số 083/ TCSQG/ TA ngày 29.1.64 và mật văn số 11182/ TCSQG/ CSTP/5 ngày 14-4-64 Thừa thiệp các mật văn dẫn thượng, nha tôi xin kính phúc trình Qúy Tổng Nha rỏ kết qủa điều tra về vụ giả tạo gián điệp Pháp do Phan Quang Đông trùm mật vụ của Ngô Đình Cẩn đã hòanh hành từ 1957 đến 1963.
Vụ án giả tạo nầy phát sinh vào khỏang đầu năm 1957, bởi sự tranh chấp quyền lợi giữa bà Cả Lễ (chị Ngô Đình Cẩn tên là Ngô Đình Thị Hoàng (2) và ông Nguyễn Đắc Phương, thầu khóan ở Huế trong việc đấu thầu sửa chữa Điện Thái Hòa (Thành nội) Huế.
Sở dĩ ông Nguyễn Đắc Phương trúng thầu hồi đó là do sự chủ quan của ông Ngô Đình Cẩn tưởng không ai còn dám tranh thầu với bà Cả Lễ, nên không ra lệnh bố trí để bà nầy được trúng thầu.
Vì vậy khi được tin bà Cả mất mối lợi quan trong, Ngô Đình Cẩn liền dùng uy quyền bao quát của y hồi đó ra lệnh bắt giữ ông Nguyễn Đắc Phương về tội đã liên lạc buôn thuốc phiện lậu làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp. Sở dĩ Cẩn viện lý do để buộc tội ông Phương vì ông nầy đã mua gỗ của một Pháp kiều ở Đông Hà (Quảng Trị) để dùng trong công tác vừa thầu được.

Để pháp lý hóa việc bắt giữ nầy, ngày 12-5-57 Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Trần Văn Hương, một trong những tay chân thân tín của y, lúc bấy giờ giữ chức Cảnh sát trưởng thành phố Huế, trình Biện lý cuộc xin án lệnh soát nhà ông Phương và bắt giam ông nầy luôn.

Mặt khác Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Vũ Đình Ban lúc đó làm tại Nha Học Chánh Trung Việt và giao cho tên nầy phụ trách thẩm vấn Nguyễn Đắc Phương. Sở dĩ có sự chỉ định nầy là vì Ngô Đình Cẩn căn cứ vào thành tích lắm thủ đọan của Vũ đình Ban lúc đó còn làm Trưởng ty Công an VC tại Bình Thuận. Chính tên nầy đã được VC giao công tác giả tạo một vụ án gián điệp Pháp tại nhà thờ “Kim Chua” với mục đích triệt hạ và sát hại giới trí thức có tư trưởng Quốc gia chống đối ngụy quyền VC hồi ấy.
Riêng Trần Văn Hương phụ trách sắp đặt nhân viên tìm địa điểm làm việc và chu cấp phương tiện cho Vũ Đình Ban trong việc thẩm vấn.
Ban đầu ông Nguyễn Đắc Phương bị giữ tại phòng Công an Lưu động của Lê Hoác, sau chuyển qua giữ tại lầu Canh Nông (Thành nội) Huế.
Dưới quyền Vũ Đình Ban, một số nhân viên Cảnh sát và Công an sau đây được Trần Văn Hương biệt phái:
– Lê Văn Dư, nhân viên công an lưu động của Lê Hoác
– Phan Văn Huệ
– Nguyễn Văn Châu, nhân viên Nha Công An Trung Việt
– Nguyễn Văn Lộc (tức Lộc Xồi), nhân viên Ty Cảnh Sát Huế
– Nguyễn Văn Long, nhân viên Ty Cảnh Sát Huế phụ trách An Ninh
– Huỳnh Niêm                      –
– Võ Đại Nong                    –
– Trần Văn Quang                –

Vì không chịu đựng nỗi sự tra tấn quá dã man của Vũ Đình Ban và nội bọn sau 4, 5 hôm ông Nguyễn Đắc Phương phải nhận liều có buôn thuốc phiện lậu, liên lạc với 1 Pháp kiều tại Đông Hà, đồng thời cũng khai luôn làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp, do sự hướng dẫn gian ngoan của bọn nầy, ông Phương đã làm khai xuất một hệ thống gián điệp Pháp tưởng tượng có liên lạc từ Seno (Lào) về Huế, đến tận Sàigon và qua cả Tân Gia Ba, trong đó có liên hệ đến vài người Việt Nam, trong số có ông Tống Văn Đen thầu khoán, Nguyễn Cao Khanh và Hoàng Yến nhân viên Sở Thủy Điện Huế
Nhưng vào ngày 16-5-57 trong khi đứng khai chưa hết phần tổng quát thì ông Nguyền Đắc Phương chết. Cái chết nầy có phần mờ ám; bè lũ mật vụ hồi đó phao tin rằng ông Phương đã nhảy từ lầu Canh Nông xuống sân để tự sát. Nhưng dự luận cho rằng ông Phương đã bị tra tấn đến chết, và đã bị bọn tay sai của ông Ngô Đình Cẩn đem quăng xác từ lầu xuống để phi tang tránh trách nhiệm.

Để trấn áp mọi dư luận và cũng để chứng tỏ vụ gián điệp có thật, Ngô Đình Cẩn ra lệnh cho Vũ Đình Ban tiếp tục khai thác vụ nầy bằng cách bắt giữ thầu khóan Tống Văn Đen (ngày 29-6-57) mà theo lời khai của Nguyễn Đắc Phương đã tham gia tổ chức gián điệp Pháp tại miền Trung.

Bị câu lưu tại lầu Hòa Bình (Thành nội), ông Tống Văn Đen tuy chịu mọi cực hình, khủng bố, dọa nạt, vẫn khăng khăng không chịu nhận tội làm gián điệp mà bọn Vũ Đình Ban, Dương Văn Hiếu, Trần Văn Hương, Phan Khanh và Lê Văn Dư thay phiên nhau tra tấn và gán cho.

Cái chết của Nguyễn Đắc Phương đã gây dự luận không hay đối với Vũ Đình Ban nên Ngô Đình Cẩn ra lệnh Vũ đình Ban giao lại nội vụ gián điệp cho Phan Quang Đông, nhân viên Nha Nghiên Cứu Chính Trị ở Sàigon biệt phái ra Huế. Tên nầy đã trực tiếp gặp Ngô Đình Cẩn nhận chỉ thị thẩm vấn Tống Văn Đen, làm sao cho có đủ tài liệu để gởi vào Sàigon bổ túc hồ sơ của tên Armagnao lúc bấy giờ bị câu lưu tại Nha Công An Nam Việt.
Tuy biết vụ nầy giả tạo, nhưng Phan Quang Đông vì muốn lập công với Ngô Đình Cẩn, nên đã bố trí với sự phụ giúp của Dương Văn Hiếu, Lê Văn Dư, Phan Khanh, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Trí và Bùi Kế, một cuộc thủ tiêu giả tạo để áp đão tinh thần của ông Tống Văn Đen, làm ông nầy vì quá khiếp sợ và cũng không chịu nỗi sự tra tấn, tàn bạo, đã khai bừa có làm liên lạc cho tổ chức gián điệp Pháp. Ngòai ra, do sự hướng dẫn của bọn nầy, ông Đen có khai có nhận thư từ của các Pháp kiều sở Thủy Điện Huế để giao cho hai ông Phan Văn Thí (Chủ hiệu Đức Sinh) và Nguyễn Văn Yến (Chủ hiệu hảng Morin)

Ngày 13-4-57 Phan Quang Đông trình Ngô Đình Cẩn kết quả khai thác Tống Văn Đen đồng thời được Cẩn ra lệnh bắt câu lưu hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến để xét hỏi và việc hai ông nầy đã làm kinh tài cho Pháp và Cẩn buộc Đông phải làm cho được.
Cũng như các nạn nhân trước, ông Phan Văn Thí lúc đầu không nhận, nhưng sau một thời gian bị các cực hình khổ nhục (tra điện, đổ nước vào mũi, ăn xà phòng, nhìn ánh đèn 500W, v.v..) không thể chịu đựng nỗi, đành phải nhận làm cho tổ chức gián điệp Pháp với chức vụ Trưởng ban kinh tài Trung Phần, kiêm miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần, do ông Nguyễn Văn Yến làm phó trưởng ban kiêm miền Nam Trung Phần. Do đó, về hệ thống kinh tài miền Bắc ông Thí đã khai do sự hướng dẫn của Phan Quang Đông và nội bọn, như sau:
– Quảng Trị:
– Ngô Đa Mỹ, thương gia (hiệu Mỹ Phát – tg)
– Ngô Khôn Hà (tục danh là Nộn, tg)

– Huế:
– Châu Đình Chương, thương gia
–  Võ Văn Quế, cựu công chức công an

– Đà Nẵng:
– Nguyễn Văn Nhiệm, thương gia
– Bành Hiệp Nguyên          –

Riêng ông Nguyễn Văn Yến cũng như Phan Văn Thí vì bị tra tấn quá tàn nhẫn nên cũng đã nhận liều chức vụ đã bị gán ép đồng thời cũng khai một số cơ sở kinh tài giả tạo ở các tỉnh miền Nam Trung Nguyên Trung Phần , như sau:

– Quảng Ngãi:
– Bùi Công Thuận, thầu khóan
– Du Hau (không bắt)

– Qui Nhơn:
– Trần Văn Thăng, thương gia
– Phan Kiêm (không bắt)

– Nha Trang:
– Quách Chuyên, thợ vàng

– Phan Thiết:
– Phạm Bờ (không bắt)

Do đó các thương gia và thầu khóan trên đều lần lượt bị Phan Quang Đông và bè lũ bắt giữ từ 1957 đến 1960 và không một người nào chịu nỗi sự tra tấn đến phải thú nhận đã nhận tiền của hai ông Thí và Yến để hoạt động kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp.
Vào khoảng đầu năm 1958, Phan Quang Đông đã nhận chỉ thị của Ngô Đình Cẩn phải thu hồi số tiền kinh tài ấy để nộp cho “đoàn thể” và chi phí cho ban thẩm vấn.

Sau khi giải thích cho các nạn nhân trên là số vốn của Pháp phải nộp lại cho Chính phủ và buộc họ phải làm một tờ tình nguyện xin nạp tiền mà chúng gọi là chính sách “cởi áo thực dân”. Kết quả Phan Quang Đông đã thu được các số tiền sau đây:

Đợt I:
Ô. Châu Đình Chương nạp 250.000$00
Trần Tuyên Cáo            –      220.000$00
Phan Văn Thí                –    1.500.000$00
Nguyễn Văn Nhiệm      –      200.000$00
Trần Văn Thăng            –      150.000$00
Võ Văn Quế                  –      100.000$.00
Ngô Đa Mỹ                  –      500.000$00
Bùi Công Thuận            –      200.000$00

Đợt II
Ô. Ngô Đình Lan        –      300.000$00
Võ Văn Quế            –      150.000$00
Phan Hoàng          –      300.000$00
Bùi Công Thuận          –      197.000$00
Nguyễn Văn Liên        –      200.000$00
Nguyễn Văn Nhiệm    –      100.000$00
Tống Văn Đen              –        60.000$00
Bành Hiệp Nguyên      –        40.000$00
Lê Văn Châu                –      100.000$00
_______________
Cọng      4.597.000$00

Tổng số thu được bốn triệu năm trăm chín mươi bảy ngàn đồng (4.597.000$00) để nạp cho Ngô Đình Cẩn 2 triệu, còn lại 2.597.000$00 đương sự chi hỉ cho ban thẩm vấn của y.

Ngoài ra Phan Quang Đông có đưa lời phát giác của hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến trong đó có khai ông Võ Văn Quế nguyên nhân viên Công an liên bang Pháp ở Huế, đã đặt giả thuyết rằng trong tổ chức kinh tài gián điệp còn có tổ chức tình báo nữa, nên Đông đã ra lệnh cho nhân viên thuộc hạ của y khai thác cho được cơ sở tình báo.
Do đó, sau khi liên tiếp bị tra tấn hành hạ đủ mọi cách, các ông Phan Văn Thí, Nguyễn Văn Yến và Châu Đình Chương lần lượt khai xuất riêng ông Võ Văn Quế ban đầu cương quyết từ chối không chịu khai nhưng sau một thời gian bị các biện pháp cứng rắn đến năm 1960 mới chịu để cho chúng hướng dẫn cung khai. (Sau đó ông Võ Văn Quế cắt gân máu ở tay tự tử được chở đi bệnh viện cứu sống)

Phan Quang Đông đã bằng vào các lời khai trên, hệ thống hóa thành 1 tổ chức gián điệp Pháp, họat động từ Đông Hà vào đến Phan Thiết, y liền trình Ngô Đình Cẩn và lần lượt câu lưu tất cả những nạn nhân vào khoảng 50 người gồm có các thành phần quân nhân, công chức, thương gia và thường dân.

– Quảng Trị:
Ô. Nguyễn Cao Hưởng, công chức hành chánh Tỉnh
Nguyễn Văn Chiêu, giáo viên tiểu học
Lê Viết Sư, thường dân
Nguyễn Dung, nhân viên Công an

– Thừa Thiên
Ô. Trần Bá Nam, thương gia
Võ Văn Quế, cựu nhân viên Công an
Phan Văn Nghĩa, cựu thông ngôn quân đội Pháp
Trần Ngọc Liên, nhân viên Công an
Phạm Văn Khôi          –
Nguyễn Văn Long      –
Nguyễn Văn Tùng      –
Đào Văn Minh, thường dân
Nguyễn Cửu Hựu, chủ tịch hội đồng Hương Chính phường Phú Hòa Huế
Nguyễn Văn Tích, thợ may
Phan Hoàng, thường dân
Ưng Dụng        –

– Đà Nẵng:
Ô. Nguyễn Trường Sinh, thương gia
Nguyễn Trường Nguyên, thương gia
Tôn Thất Đôn, nhân viên Công an

– Quảng Nam:
Ô. Lê Hữu Chất, nhân viên tòa hành chánh Tỉnh

– Quảng Ngãi:
Ô. Nguyễn Xuân Giáo, nhân viên Công an

– Bình Định:
Ô. Võ Côn, chánh văn phòng Tòa hành chánh Tỉnh
Lê Quang Sóc, nhân viên Công an
Lê Lưu Di
Nguyễn Thượng Đông, quận trưởng hành chánh
Trần Tuyên Cáo, thầu khoán
Đặng Hữu Tiến, thương gia

– Tuy Hòa:
Ô. Đoàn Đình Thuyết, nhân viên Công an

– Nha Trang:
Ô. Đoàn Văn Chân, nhân viên Công an
Võ Triều                –
Nguyễn Mừng, thương gia
Trần Đình Lang, thương gia

– Phan Thiết:
Ô. Lê Miên, nhân viên Công an

Một số sĩ quan quân đội VNCH do cơ quan An ninh quân đội bắt trong thời gian ấy cũng được giao cho Phan Quang Đông giam giữ và thẩm vấn:

Ô. Trần Đình Hùng, đại úy
Đỗ Duy Kỳ, Trung úy
Vĩnh Nhơn,        –
Nguyễn Hòa      –
Trần Minh Vọng, trung sĩ

Ngoài ra Phan Quang Đông còn bắt giữ một số người có
Pháp tịch ở Saigon, tra vấn ép buộc có tham gia họat đông cho gián điệp Pháp tại Sàigon, như:

– Bùi Đắc Lữ, cựu Đại úy Pháp
– Hồ Trọng Khôi, cựu nhân viên Công an Huế
– Nguyễn Thêm                      –
– Nguyễn Trọng                    –

Số nầy đã bị Phan Quang Đông truy tố trước tòa án quân sự vào khoảng đầu năm 1959 và bị kết án từ 2 đến 5 năm, nhưng sau đó đều được “khoan hồng” và trục xuất ra khỏi Việt Nam.

Một số khác lại bị bắt đưa về Huế giam giữ như các ông:
– Trương Hồ Báu, cựu Đại úy quân đội Pháp
– Nguyễn Nhân, thường dân
– Nguyễn Hữu Đức, thường dân
– Đỗ Tràng Độ, công chức (hiện ở Mỹ)
và cũng bị tra khảo đánh đập đến nỗi ông Trương Hồ Báu không chịu đựng được, phải nhận liều là giữ chức trưởng ban gián điệp Thành phố Saigon – Chợ Lớn và do sự hướng dẫn của bè lũ Phan Quang Đông, khai xuất một hệ thống gián điệp Pháp giả tạo tại Sàigon – Chợ Lớn .

Tất cả các nạn nhân trên, Phan Quang Đông hoặc đã nhờ cơ quan chính quyền bắt, hoặc tổ chức cho nhân viên bắt cóc giữa ban ngày, đưa về tận địa điểm giam cầm bí mật (ban đầu ở nhà vôi Long thọ, sau đến Mang Cá nhỏ) dùng cực hình tra tấn tàn bạo, khủng bố tinh thần, để sau cùng hướng dẫn họ khai trình một bản thú nhận tội lỗi đã họat động cho tổ chức gián điệp Pháp và một bản khai đầy đủ chi tiết trong tổ chức gián điệp trên mà chúng đã sắp đặt sẵn.

Vì sự tra tấn quá dã man độc ác, mà sức người không thể chịu đựng nỗi, nên hầu hết các nạn nhân dù can đảm đến đâu cũng đành bất lực và phải nhận tất cả các tội lỗi mà bè lũ Phan Quang Đông đã gán cho.

Hậu quả của sự tra tấn ấy, đã làm một số nạn nhân như ông Trần Bá Nam (bị bắt vào khoảng tháng 5/1958) và Võ Côn (ngày 4/9/1958) đã phải chết trong các trại giam (ông Trần Bá Nam ở nhà vôi Long Thọ, ông Võ Côn ở Mang Cá nhỏ).

Một số khác khi được trở về, phải mang các chứng bệnh như gan, lá lách, phổi, v.v…

Trước khi được trả tự do, tất cả các nạn nhân đều phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ việc cung khai và giam giữ, nếu không sẽ bị thủ tiêu, nhưng một số thương gia và quân nhân đã tìm mọi cách để chứng minh sự oan ức của họ bằng cách gởi đơn khiếu nại vào “Tổng Thống phủ” và các cấp chỉ huy quân sự.

Sự kiện trên đã gây dư luận sôi nổi và vì có thể có ảnh hưởng tai hại đến địa vị và uy tín cá nhân của y đối với Ngô Đình Cẩn, nên Phan Quang Đông đã xin Cẩn đình chỉ vụ bắt giữ thêm số người có tên trong danh sách gián điệp giả tạo của y, mà theo chương trình sẽ lần lượt bị bắt giữ.

Vì vậy ông Võ Văn Quế (hiện ở California) là nạn nhân cuối cùng rời khỏi trại giam Mang Cá nhỏ vào khoảng đầu năm 1963.
Hầu hết số thương gia và một số thường dân sau các phiên tòa xử Phan Quang Đông tại Huế (ngày 26, 27, 28 /3/ 64) và Ngô Đình Cẩn tại Sàigon từ ngày 16 đến 22/ 4/ 64 đã đựợc Tòa án Cách mạng truyền hai trên nầy bồi thường tất cả các sự thiệt hại trong thời gian bị giam giữ.

Riêng một số công chức thuộc các tòa Hành chánh và Nha Cảnh sát Quốc gia Miền Bắc Trung Nguyên Trung Phần phóng thích vào khỏang 1961 đã được tiếp tục phục vụ tại nhiệm sở cũ một thời gian sau ngày được trả tự do .

Một số khác, phóng thích khoảng 1962, mãi sau ngày Cách mạng 1/ 11/ 63 thành công, mới được Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia Sàigon cho phục hồi nguyên ngạch, nhưng đến nay bộ Nội Vụ vẫn chưa ra quyết định hủy bỏ Nghị định tạm cách chức các đương sự của chế độ cũ (xin tham chiếu các mật văn số 9692,1503, 1702, 1233, 1044, 3384/ CSQG/ HC/ A ngày 28 /12 / 63, 16, 20, 21, 27 và 28/ 4/ 1964 của Nha tôi). Các nhân viên nầy tuy hiện đang phục vụ tại Nha Cảnh Sát Quốc Gia Miền Bắc TNTP, nhưng chưa được hưởng lương bỗng từ ngày được lệnh nhận việc (30/ 11/ 63 và 9/ 12/ 63) trong khi các sĩ quan bị bắt trình trên đã được bộ Quốc Phòng cho tái ngũ với cấp bậc cũ đồng thời được truy lãnh tất cả quyền lợi lương bổng từ ngày bị ngưng chức.

Sau đây là thành phần Mật vụ phụ trách án gián điệp Miền Trung do Phan Quang Đông điều khiển:

– Chủ sở: Phan Quang Đông
– Phó Chủ sở: Lê Duy Cần, Đại úy quân đội VNCH

Bộ phận Văn Phòng
– Lê Bá Huấn, nhân viên Ty Công an Thừa Thiên biệt phái (sau do Nguyễn Châu, nhân viên Tòa Hành chánh Thừa Thiên thay thế).
– Trần Đình Sứ, nhân viên Tòa Hành chánh Thừa Thiên biệt phái.
– Nguyễn Quang Hân, nhân viên Ty Công an Thừa Thiên biệt phái.
– Đinh Ngọc Hòa, nhân viên Nha Công an Huế biệt phái.

Bộ phận thẩm vấn
– Trần Đình Sứ
– Nguyễn Văn Trí, phụ trách thẩm vấn, chuyên dùng biện pháp mạnh (nhân viên Cảnh sát Huế biệt phái).
– Nguyễn Văn Cương, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
– Nguyễn Hữu Nùng        – nt –
– Bùi Kế, phụ trách cung tiêu, chuyên dựng cung, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
– Nguyễn Ngọc Huyên, phụ trách thẩm vấn (Ty Cảnh sát Thừa Thiên biệt phái)
– Lê Bá Huấn                  – nt –
– Nguyễn Vinh Thiết      – nt –
– Nguyễn Đình Thung    – nt –
– Nguyễn Hoan                – nt –
– Nguyễn Bình, nhân viên Nha Cảnh sát Huế biệt phái
– Phan Thanh Bình          – nt –
– Cao Đăng Quế              – nt –

Bộ phận An ninh
– Nguyễn Chánh, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
– Trần Ngữ                      – nt –
– Phan Văn Vọng            – nt –
– Đoàn Đình Gioang        – nt –
– Nguyễn Văn Đức, nhân viên Ty Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên biệt phái.

Bộ phận tài xế
– Hồ Ngọc Hiệp, nhân viên Nha Cảnh sát Quốc gia Huế biệt phái
– Nguyễn Văn Mầu, nhân viên Ty Cảnh sát Huế biệt phái
– Nguyễn Sơn Khuyến, nhân viên Nha Cảnh sát Huế biệt phái
Ngòai ra, có bộ phận điện đài để liên lạc với bác sĩ Trần Kim Tuyến ở Sàigon do một số Bảo An viên Tỉnh Thừa Thiên biệt phái
Tại Trung tâm Mang Cá nhỏ, còn có một trung đội Bảo an do Thượng sĩ Nguyên chỉ huy, có trách nhiệm giữ an ninh chung cho các nạn nhân vụ gián điệp.
Trong khỏang đầu năm 1963, bộ phận Mật vụ của Phan Quang Đông tuy đã được lệnh Ngô Đình Cẩn giải tán, nhưng Đông chỉ trả các nhân viên biệt phái về nhiệm sở cũ khỏang 6 /63 mà thôi.
Phan Quang Đông cùng 1 số tay sai đắc lực thân tín đã bị bắt giữ sau ngày Cách mạng 1/11/ 63.
Y danh đã bị Tòa án Cách mạng kêu án tử hình sau phiên tòa xữ tại Huế.
Vậy xin kính trình qúy Tổng Nha thẩm hành. / –

Sao kính gởi:
– Thiếu tướng Tư lệnh vùng I CT (Tướng Tôn Thất Xứng, hiện ở Canada- tg)
(Phòng Dân Sự Vụ)    – Huế – “Kính Tường”
Bản sao 3/4

BẢN SAO
Tài Liệu Tội Ác Ngô Đình Cẩn
Lê Hồng Phong, NDVN, ngày 3/11/07

Ghi Chú:
(1)-Bất phân tôn giáo: thật sự đa số những người bị bắt công chức, quân nhân, thường dân và thương gia là Phật tử, dùng cực hình khủng bố tù đày để ép theo Công giáo chúng đã tàn sát và thủ tiêu trên 300 ngàn người (Viet Nam Why Did We Go? của Avro Manhattan, tr 117, Gia Tô Thực Dân Sử Liệu, tập I, năm 1990, trg 32-34, Đảng Cần Lao của Chu Bằng Lĩnh, Mẹ Việt Nam xuất bản, 1993, trg 133, Thực Chất Của Giáo Hội La Mã của giáo sư Nguyễn Mạnh Quang, tr 313-314-315, Pentagon Papers tr 82).

(2)-Ngô Đình Thị Hoàng là bà Cả Lễ vợ ông Nguyễn Văn Lễ.
* Cần Lao Nhân Vị: thành Cần Lao Công Giáo từ khi Ngô Đình Cẩn tổ chức tuyên thệ nhập đảng tại nhà thờ Phú Cam Huế do giám mục Phạm Ngọc Chi chỉ đạo chứng nhận đã nói “Cha giám mục Phạm Ngọc Chi đã dạy cho tui là khi người Da trắng còn hiện diện ở Việt Nam thì họ còn cần đến những người Công giáo như chúng ta” (tr 313, Đảng Cần Lao của Chu Bằng Lĩnh do Mẹ Việt Nam, xuất bản, 1963

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.