Toàn Không: TÁM CHÍNH ĐẠO

PHẬT PHÁP

download (2)

I). TÁM CHÍNH ĐẠO LÀ GÌ? 

Tám Chính Đạo là Bát chính Đạo, còn gọi là Bát Thánh Đạo, là con đường giải thoát khỏi khổ, gồm có tám nhánh là Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm, Chính định; thiếu một trong tám nhánh không thành Tám Chính Đạo. 

Tám Chính Đạo là con đường dẫn đến Niết Bàn, nhưng cũng có  ý nghĩa rằng Tám Chính Đạo là để giải thoát khỏi vô minh, để giác ngộ tính “Không”, thể tính của mọi sự. Chúng ta lần lượt phân tích để quán sát từng nhánh của Tám Chính Đạo. 

II). PHÂN TÍCH TÁM CHÍNH ĐẠO: 

1). CHÍNH KIẾN: 

Thế nào là Chính Kiến?

Là thấy có thiện nghiệp ác nghiệp, thiện báo ác báo, có đời này  đời sau; là thấy đúng, thấy ngay thẳng, thấy không lệch không sai, thấy đúng sự thật. Người có Chính Kiến thấy như thế nào thì nhận đúng như thế ấy, không bẻ cong sự thật, không sai sự thật.

Người có Chính Kiến không bị dục vọng thiên kiến chấp kiến làm cho sai sự thật, vì vậy người có Chính Kiến nhận biết phân biệt rõ ràng đâu là chân thật, đâu là tà giả. Người có Chính Kiến gìn giữ một quan niệm xác đáng về Bốn Diệu Đế và giáo lý Vô Ngã, thấy và biết như thật, đúng đắn chính xác.

Có hai thứ Chính Kiến, hữu lậu (có ô nhiễm) và vô lậu, Chính Kiến Hữu Lậu có chấp thủ (giữ lấy) hướng đến đường lành; ví như nói bố thí là việc tốt, biết bậc A La Hán chẳng thụ thân sau. Chính Kiến Vô Lậu không chấp thủ, chân chính dứt sạch đưa đến giải thoát; ví như về khổ, về nguyên nhân của khổ, về cách diệt khổ, tư duy về vô lậu, phân biệt, suy tìm, giác tri (biết) sáng suốt, tỉnh giác quán sát để biết như thật. Đây gọi là Chính Kiến của bậc Thánh.

2). CHÍNH TƯ DUY:

Thế nào là Chính Tư Duy?

Là suy nghĩ chín chắn đúng với lẽ phải, suy nghĩ với mục đích đứng đắn; người có Chính Tư Duy suy xét về đạo lý cao siêu, suy gẫm cái đúng cái sai, cái phải cái quấy. Người có Chính Tư Duy thường suy nghĩ về xuất ly tham dục, từ bỏ sân hận, xa lià phiền não; nghĩa là suy nghĩ về vô dục, không giận hờn, không buồn phiền.

Người có Chính Tư Duy suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí đúng như thật, suy nghĩ về khổ, nguyên nhân gây ra khổ, cách diệt khổ, và con đường thực hành để diệt khổ. Tùy theo đạo lý tư duy quán sát toàn diện, điều nào nên nhớ nghĩ (niệm) thì nhớ nghĩ, điều nào nên hy vọng thì hy vọng.

Có hai cách Chính Tư Duy: Chính Tư Duy Hữu lậu và Vô lậu, Chính Tư Duy Hữu Lậu thuộc thế tục có chấp thủ, hướng đến đường lành; ví như tư duy về không sân hận, về vô dục, về vô hại.. Chính Tư Duy Vô Lậu không chấp thủ, tư duy về khổ, tập, diệt, đạo; tư duy về tâm pháp tương ưng, không chấp trước, đo lường rành rẽ, ý hiểu 

chân chính dứt khổ, đưa đến giải thoát.

3). CHÍNH NGỮ: 

Thế nào là Chính Ngữ? 

Là lời nói chân thật, thật thà, ngay thẳng công bình; người có Chính Ngữ không nói sai sự thật, không nói dối, không nói xuyên tạc, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác, ngôn ngữ phát ra từ cửa miệng phải phù hợp với diệu hạnh.

Xa lià bốn ác khẩu và các ác khẩu khác như nói phù phiếm, nói như  điên, nói cho sướng miệng, phải đoạn trừ xa lánh không tạo tác như thế. Người có chính ngữ luôn luôn quán sát các lời nói ác của mình là đáng trách, tai họa.

Có hai loại Chính Ngữ: Chính Ngữ Hữu lậu và vô lậu, Chính Ngữ Hữu Lậu có chấp thủ hướng đến đường lành, nghĩa là đoạn diệt bốn ác khẩu. Chính Ngữ Vô Lậu không chấp thủ, chân thật sạch hết khổ, tư duy về khổ, về tập, về diệt, về đạo; lià tất cả điều ác của miệng, gìn giữ chẳng phạm, không chấp trước sự gìn giữ, chân chính dứt khổ, đưa đến giải thoát. 

4). CHÍNH NGHIỆP: 

Thế nào là Chính Nghiệp?

Là hành động chân chính đúng với chân lý và lẽ phải, tôn trọng giới luật, không làm cho người hay vật đau khổ vì mình. Người có Chính Nghiệp luôn luôn có ba diệu hạnh nơi thân là: Đoạn diệt sát sinh, chấm dứt trộm cắp, xa lià tà dâm. Ngoài ra, còn các ác hạnh 

khác của thân đều phải tránh xa, không thực hành, không tạo tác; luôn luôn suy niệm (nhớ nghĩ) về các việc ác của thân là tai họa.

Có hai thứ Chính Nghiệp: Chính Nghiệp Hữu lậu và Vô lậu, Chính Nghiệp Hữu Lậu có chấp thủ, hướng đến đường lành, nghĩa là không sát sinh, thôi trộm cắp, dứt tà dâm. Chính Nghiệp Vô Lậu không chấp thủ, tư duy về khổ, về sự sinh ra khổ, về cách diệt khổ, và về con đường diệt khổ để trừ ý niệm tà nghiệp, trừ ba việc làm ác của thân, không chấp trước, cố gắng giữ gìn chẳng phạm, chân chính dứt khổ đưa đến giải thoát.

5). CHÍNH MỆNH:

Thế nào là Chính Mệnh (mạng)?

Là sống bằng nghề chân chính lương thiện, không làm cho người và vật đau khổ về nghề của mình; người có Chính Mệnh không làm các nghề tai hại như đồ tể, thợ săn, đánh cá, làm và buôn vũ khí, nấu, trồng, sản xuất và buôn bán rượu và ma túy. 

Đúng như pháp mà mong cầu, không mong cầu vô lý, không tham dục, không sinh sống bằng tà mệnh; ngoài các việc nêu trên, còn không sống bằng nghề bùa chú, coi bói coi tướng, v.v…, biết đủ và mong cầu theo chính pháp. Tư duy suy niệm thấy các việc làm ác của thân mạng là tai họa. 

Có hai loại Chính Mệnh: Chính Mệnh Hữu lậu và Vô lậu. Chính Mệnh Hữu Lậu có chấp thủ hướng đến đường lành, đúng như pháp tìm cầu công ăn việc làm mưu sinh, tìm cầu nhu yếu áo cơm. Chính Mệnh Vô Lậu không chấp thủ, tư duy về khổ não, tập, về diệt, về đạo, tâm sạch sẽ, không chấp trước, giữ gìn chẳng phạm, chân chính sạch hết khổ, đưa đến giải thoát. 

6). CHÍNH TINH TẤN: 

Thế nào là Chính Tinh Tấn?

Là siêng năng chuyên cần, không buông lung lười biếng, phát triển nghiệp tốt tăng tiến, diệt trừ nghiệp xấu giảm thiểu; cố gắng kham chịu, làm  các việc thiện lợi không dừng nghỉ, không giảm sút. Người có Chính Tinh Tấn luôn luôn nhớ thực hành các hạnh lành, xa lià ác hạnh, tinh cần chuyên chú, không suy thoái, qủa quyết chiến thắng thân tâm mình.

Có hai thứ Chính Tinh Tấn Hữu lậu và Vô lậu, Chính Tinh Tấn Hữu Lậu thuộc thế tục có chấp thủ, hướng đến đường lành; muốn tinh tấn nỗ lực, bền bỉ chịu đựng, tạo tác tinh tấn chẳng dừng nghỉ.

Tinh Tấn Vô Lậu của bậc Thánh, không chấp thủ, tư duy về khổ khổ, về sự sinh ra khổ, về cách diệt khổ, về đạo diệt khổ, tâm sạch sẽ, nỗ lực chuyên cần, bền bỉ chịu đựng, tạo tác tịch tĩnh, nhiếp tâm chẳng chịu dừng nghỉ, chân chính dứt sạch khổ đưa đến giải thoát.

7). CHÍNH NIỆM: 

Thế nào là Chính Niệm?

Niệm nghĩa là nhớ nghĩ những điều hay lẽ phải, ghi nhớ những điều lợi mình lợi người lợi cả hai. Chính Niệm là tỉnh giác về thân miệng ý, nghĩa là thuận theo nhớ nghĩ không dối không hư; thuận theo suy niệm phản chiếu niệm. Người có Chính Niệm liên tục nhớ nghĩ (niệm), tâm nhớ nghĩ (niệm) không dừng nghỉ xao lãng; tỉ như suy niệm về các hành (thân làm, miệng nói, ý nghĩ) là tai họa, hoặc thấy Niết Bàn là tịch tĩnh, hoặc suy niệm về vô trước (không dính mắc) để quán sát thiện tâm giải thoát. Quán thân, thụ, tâm, pháp như thân, thọ, tâm, pháp.

Có hai thứ Chính Niệm Hữu lậu và Vô lậu, Chính Niệm Hữu Lậu có chấp thủ thuộc thế tục, hướng đến đường lành, như nhớ nghĩ, lại nhớ nghĩ không dối không hư; Chính Niệm Vô Lậu của bậc Thánh không chấp thủ, tư duy về khổ, tư duy về tập, tư duy về diệt khổ, tư duy về đạo diệt khổ, tư duy về nhớ nghĩ không cấu nhiễm ô uế, nhớ nghĩ nhớ nghĩ (niệm niệm) không hư dối, đưa đến giải thoát. 

8). CHÍNH ĐỊNH

Thế nào là Chính Định?

Là tập trung tư tưởng về một vấn đề để nhận định rõ ràng, như tập trung tâm ý, ly dục ly pháp ác bất thiện để đạt bốn định. Nghiã là tâm không tán loạn, kiên cố nhiếp trì, lặng ngưng an trụ, nhất tâm tam muội, chuyên chú trụ Thiền Định.

Có hai thứ Chính Định Hữu lậu và Vô lậu, Chính Định Hữu Lậu thuộc thế tục, có chấp thủ, hướng đến đường lành, như tâm trụ, chẳng loạn, chẳng đông; Chính Định Vô Lậu của bậc Thánh không chấp thủ, chân chính dứt khổ, nghĩa là người ấy tư duy về khổ khổ, về tập, về diệt, về đạo, tư duy về vô lậu, tâm pháp tương ưng, an trụ chẳng loạn, nhiếp thọ chẳng tán, lặng dừng nhất tâm tam muội, đưa đến giải thoát. 

III). KẾT LUẬN VỀ TÁM CHÍNH ĐẠO:

Ba Học Giới Định Huệ bao gồm hết thảy Tám Chính Đạo như sau:

– GIỚI: Gồm Chímh Ngữ, Chính Nghiệp, Chính Mệnh.

– ĐỊNH: Gồm Chính Tinh Tấn, Chính Niệm, Chính Định.

– HUỆ: Bao gồm Chính Kiến, Chính Tư Duy. 

Hiểu biết Tám Chính Đạo một cách tường tận, sửa mọi lầm lạc từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm; khi đã hiểu rõ ràng, đem ra áp dụng thực hành kiên cố, người ấy sẽ vươn lên khỏi đời sống 

tầm thường của thế nhân, đây mới là bậc chính nhân quân tử. Đối với người tu hành, sẽ đạt đến giải thoát an vui.

Ngược lại, người hướng đến tà kiến, trái ngược chính pháp, chẳng ưa chính pháp; nếu người tà kiến, thân, miệng, ý đều như cái thấy tà của họ. Tất cả: suy nghĩ, mong muốn, ước nguyện, hành động đều tùy thuộc tà kiến; nó sẽ đưa đến qủa không ưa thích, không vừa ý, bất mãn, chống đối, vì sao? Vì cái thấy ác nên gọi là tà kiến, người tà kiến có thể khởi tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mệnh, tà tinh tấn, tà niệm, tà định; người có tà kiến 

sẽ làm các việc tà như làm một hay cả ba điều ác về thân: sát sinh, trộm cướp, tà dâm; làm một hay cả bốn điều ác về miệng: nói dối, hai lưỡi, thêu dệt, nói ác; có một hay cả ba điều ác về ý: tham sân si.. Như thế, người ấy khi chết không thể thoát khỏi sa 

địa ngục., .

Toàn Không

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.