
Nguyễn Thị Bé Bảy: Nước Mỹ Cần Thay Đổi?
Vận động cho ông Joe Biden trong cuộc tranh cử Tổng Thống hiện nay, một người ủng hộ ông Biden là bà Anna Thục Quyên (xin viết tắt là bà ATQ) đã viết một bài nêu lên ý kiến là “nước Mỹ cần thay đổi” và cho rằng đây là đường lối của đảng Dân Chủ, (cũng là của Joe Biden?), sẽ đưa nước Mỹ tới công bằng xã hội như mô hình chính trị Dân Chủ Xã Hội của các nước Bắc Âu và nước Mỹ sẽ không bao giờ trở thành Chủ Nghĩa Xã Hội như cộng sản.
Trọng tâm của bài viết có thể tóm lược như sau:
Nước Mỹ cần thay đổi
1- Để giảm thiểu bất công và bạo lực
2- Để giảm bớt sự bất bình đẳng kinh tế và phúc lợi trong xã hội
3- Đảng Dân Chủ cho rằng chủ nghĩa tư bản dựa trên động lực lợi nhuận cá nhân sẽ đưa đến lòng tham vô đáy và gia tăng các bất công xã hội, như hiện tượng chênh lệch giàu nghèo thái quá hiện nay, và giới giàu có đã dùng tiền để mua chuộc, thao túng guồng máy chính trị cũng như các chính sách hầu làm lợi cho một thiểu số. Do đó cần có sự điều tiết cần thiết qua các chính sách xã hội nhân bản, nâng đỡ những thành phần nghèo và thiệt thòi để đạt tới công bằng xã hội như mô hình chính trị tại các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan …) và một số quốc gia Tây phương như Anh, Úc, Pháp, Đức, Canada, New Zealand hiện nay.
4-Trong những nền dân chủ này, nền kinh tế thị trường cần phải được điều chỉnh để nâng đỡ mọi thành phần xã hội trong nhu cầu và mục tiêu phục vụ cho hạnh phúc chung. Giữa hai khuynh hướng cực tả (communism) và cực hữu (capitalism) của các chủ thuyết kinh tế, một quốc gia được tự do điều chỉnh vì phúc lợi của toàn dân sẽ tự động hướng về trung tâm giữa hai cực và tìm ra cho mình một điểm phù hợp nhất cho dân tộc và đất nước.
Để rộng đường dư luận, tôi xin có những ý kiến sau đây.
1/ Điểm thứ nhất, theo nhận xét chủ quan của tôi, khi bà ATQ viết “Nước Mỹ cần thay đổi để giảm thiểu bất công và bạo lực”, có phải bà ATQ khẳng định rằng nền móng căn bản chính trị của nước Mỹ chẳng những “bất công” và “bạo lực”, mà bất công và bạo lực còn có quá nhiều? Bởi vì bất công và bạo lực có quá nhiều nên cần thay đổi để “giảm thiểu”, đúng không?
Kính thưa quý vị,
Nếu đúng như thế thì bà ATQ đã sai lầm và sai lầm rất lớn về nền móng chính trị của nước Mỹ.
Như chúng ta đã biết, nền móng chính trị của nước Mỹ được minh định bởi Bản Hiến Pháp và Các Tu Chính Án, trong đó các Tu Chính Án từ 1 đến 10 là Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Hoa Kỳ, ấn định sự “bình đẳng” cho tất cả mọi người và các chính quyền (liên bang & tiểu bang) “không được có hình phạt tàn bạo” và bất bình thường. Chính những nến móng căn bản này đã tạo thành một nước Mỹ có Tự Do, Dân Chủ và tôn trọng Nhân Quyền..
Xin mời xem:
(trích Wikipedia Việt ngữ)
Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ là 10 tu chính án đầu tiên cho Hiến pháp Hoa Kỳ.[1] Các tu chính án này đã được James Madison đưa ra trong một loạt các tu chính án hiến pháp vào năm 1789 tại Đại hội thứ nhất. Mười tu chính án này đã được phê chuẩn và trở thành Đạo luật Nhân quyền (hay Mười điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Mỹ) vào năm 1791. Các tu chính án này hạn chế quyền lực của Chính phủ liên bang, bảo vệ quyền của tất cả công dân, những người sinh sống và khách trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trong các quyền được liệt kê mà các tu chính án này đảm bảo có: tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do tôn giáo; quyền được mang vũ khí của người dân; tự do hội họp; tự do kiến nghị; và các quyền không bị lục soát và tịch thu vô lý; không bị hình phạt tàn bạo và bất bình thường; và tự buộc tội do bị ép buộc. Tuyên ngôn nhân quyền cũng hạn chế quyền của Quốc hội bằng cách cấm Quốc hội ban hành luật về thành lập tôn giáo và bằng cách cấm Chính phủ liên bang tước quyền sống, quyền tự do hay tài sản của bất cứ người nào mà không thông qua tố tụng pháp luật.
(ngưng trích)
Tôi không biết đây là sự vô minh thiếu hiểu biết của bà ATQ về nền móng chính trị của Hoa Kỳ, hay là sự cố ý của bà ấy với chủ đích tạo ra hình ảnh một nước Mỹ sai lệch, méo mó, có đầy rẫy “bất công” và “bạo lực”!
Nếu là sự thiếu hiểu biết thì bà nên lên tiếng xác nhận để mọi người không còn thắc mắc. Còn nếu không phải vậy, thì xin bà ATQ vui lòng nêu ra một cách rõ ràng và chi tiết tất cả những bất công và bạo lực của nước Mỹ mà bà nhìn thấy, căn cứ vào Bản Hiến Pháp và Các Tu Chính Án, cũng như căn cứ vào các dữ kiện thực tế.
2/ Điểm thứ hai, bà ATQ viết rằng cần thay đổi nước Mỹ để: “Giảm bớt sự bất bình đẳng kinh tế và phúc lợi trong xã hội”
Xin thưa rằng, mọi người đều biết nước Mỹ là vùng đất của cơ hội, có rất nhiều người từ tay trắng làm nên sự nghiệp trên đất nước này. Không cần nói nhiều và nói đâu xa xôi, chỉ trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đã có bao nhiêu người tị nạn CS đến Mỹ không có 1 đồng xu dính túi? Nhưng chỉ cần một thời gian thôi, thế mà bây giờ con cháu của họ đã thành nhân, có người là Tướng, Tá trong Quân Lực Hoa Kỳ, có người là Bác Sĩ, Kỹ Sư, Khoa Học Gia…, không thể kể hết!
Cũng tương tự, trong cơ chế của một quốc gia theo chủ nghĩa Tư Bản, các cơ hội tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh rộng mở, do đó sự chênh lệch giữa những người biết khai thác cơ hội trở nên giàu có và sự nghèo nàn của những người không thể hay không biết khai thác cơ hội là một hệ quả tất nhiên, và không thể xem hệ quả tất nhiên này là sự “bất bình đẳng kinh tế.”
Nói một thí dụ cho dễ hiểu: người A ỷ lại, sống nhờ vào phúc lợi do chính phủ cung cấp như welfare, food stamp, và người B tìm mọi cách để tiến thân và nhờ vào sự chăm chỉ chịu khó của chính mình mà trở nên giàu có, hưởng phúc lợi do công sức của chính mình. Sự khác biệt về kinh tế và phúc lợi giữa A và B không thể gọi là bất bình đẳng! Việt Nam ta có câu tay làm (thì) hàm (mới) nhai, nói lên giá trị của sự làm việc, không ăn bám vào người khác!
Vậy thì giải pháp để giảm bớt sự bất bình đắng về kinh tế và phúc lợi trong xã hội, thì cách lấy tiền của người B cho người A, và cách tạo công ăn việc làm cho người A thì biện pháp nào hữu hiệu hơn và lâu bền hơn?
3. Điểm thứ ba,
a) Đảng Dân Chủ cho rằng chủ nghĩa tư bản dựa trên động lực lợi nhuận cá nhân sẽ đưa đến lòng tham vô đáy và gia tăng các bất công xã hội, như hiện tượng chênh lệch giàu nghèo thái quá hiện nay.
Điều này đã bàn qua một phần ở trên, tuy nhiên cũng cần nói thêm, lời cáo buộc Chủ Nghĩa Tư Bản của đảng Dân Chủ, nghe sao giông giống lời kết tội chủ nghĩa tư bản từ những người cộng sản?
Không lẽ làm giàu (hợp pháp) là một cái tội? Càng giàu thì tội càng nặng vì tạo ra hiện tượng chênh lệch giàu nghèo thái quá?
Không lẽ, những người giàu phải chịu trách nhiệm một cách đương nhiên về sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội?
Tưởng cũng nên nói thêm, đảng viên Dân Chủ là những người rất giàu có. Người giàu nhất thế giới hiện nay là chủ nhân công ty Amazon và tờ báo Washington Post, với gia sản là 145 tỷ mỹ kim. Tên ông ta là Jeff Bezos là một đảng viên Đảng Dân Chủ. Những ông nhà giàu đứng thứ 2 đến thứ 10 trong hàng tỷ phú Hoa Kỳ cũng toàn là đảng viên Dân Chủ!
Vậy đảng Dân Chủ có kế hoạch gì để san bằng hiện tượng chênh lệch giàu nghèo thái quá trên đây, đảng có tính đến việc chia của những ông nhà giàu này cho những người nghèo trong đảng không vậy? Chưa kể một số nhà lập pháp Dân Chủ cũng là tỷ phú và triệu phú cả đấy! Ông Obama sau 8 năm làm Tổng Thống đã trở thành triệu phú với gia sản trên dưới 100 triệu, chủ nhân 3 ngôi biệt thư 1 ở Washington DC, 1 ở Martha’s Vineyard Massachusetts và 1 ở California.
Tổng Thống đã trở thành triệu phú với gia sản trên dưới 100 triệu, chủ nhân 3 ngôi biệt thư 1 ở Washington DC, 1 ở Martha’s Vineyard Massachusetts và 1 ở California.
b) “ giới giàu có đã dùng tiền để mua chuộc, thao túng guồng máy chính trị cũng như các chính sách hầu làm lợi cho một thiểu số.”
Có phải chăng bà ATQ đang mô tả hệ thống lobby chằng chịt của các chính trị gia chuyên nghiệp ở Washington DC ?
Hệ thống lobby đã mọc rể rất sâu trong chính trường Hoa Kỳ, mục đích thì rất tốt, nhưng không tránh khỏi sự lạm dụng mua chuộc để thao túng guồng máy chính trị, gây ảnh hưởng, thậm chí là thay đổi chính sách của chính phủ để làm lợi cho một thiểu số, đúng như bà ATQ mô tả.
Vế điểm này, tôi hoàn toàn đồng ý với bà ATQ là cần thay đổi, cần tát cạn cái đầm lầy này!
c) Do đó cần có sự điều tiết cần thiết qua các chính sách xã hội nhân bản, nâng đỡ những thành phần nghèo và thiệt thòi để đạt tới công bằng xã hội như mô hình chính trị tại các quốc gia Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan …) và một số quốc gia Tây phương như Anh, Úc, Pháp, Đức, Canada, New Zealand hiện nay.
Hình như phong trào ca ngợi thể chế “Dân Chủ Xã Hội” của các nước Bắc Âu đang được nhiều người cổ động mạnh mẽ trong thời điểm hiện nay, và bài viết của bà ATQ không ngoài mục đích ấy.
Thoạt nghe qua thì mô hình chính trị của các nước Bắc Âu quá dễ dàng thực hiện, các nước kia làm được thì nước Mỹ cũng làm được.
Nhưng thực tế thì không dễ như vậy, bởi mô hình này phụ thuộc vào hai yếu tố chính yếu là dân số và thuế khóa!
Nói ngắn gọn, về dân số, các nước Bắc Âu chỉ có 10 triệu trở xuống, và người dân Bắc Âu đóng thuế rất cao. Điển hình như Thụy Điển, dân số dưới 6 triệu, mức thuế cá nhân tổng cộng là 57%, thuế mua sắm là 28%.
Còn các quốc gia Tây Phương như Anh, Pháp, Đức, Canada, và Úc, New Zealand, người Việt chúng ta đều có thân nhân hay bạn bè ở đó. Cứ hỏi giá cả sinh hoạt ở các quốc gia này thì biết ngay đá vàng về khoản thuế phải đóng. Có những người đang ở Canada gần biên giới Mỹ- Canada cho biết họ thường qua bên Mỹ để đổ xăng và mua hàng hóa vào cuối tuần.
Cũng có nhiều người Mỹ giàu ở Hollywood nói rằng, nếu ông Trump (trước kia thì là Bush con) đắc cử, họ sẽ qua Canada mà sống, nhưng rốt cuộc chỉ là nói láo, họ vẫn ở lì tại Mỹ. Ngay cả vợ chồng Hoàng Tử Harry&Meghan cũng từ Canada qua Mỹ ở luôn!
4. Điểm thứ 4:
Trong những nền dân chủ này, nền kinh tế thị trường cần phải được điều chỉnh để nâng đỡ mọi thành phần xã hội trong nhu cầu và mục tiêu phục vụ cho hạnh phúc chung. Giữa hai khuynh hướng cực tả (communism) và cực hữu (capitalism) của các chủ thuyết kinh tế, một quốc gia được tự do điều chỉnh vì phúc lợi của toàn dân sẽ tự động hướng về trung tâm giữa hai cực và tìm ra cho mình một điểm phù hợp nhất cho dân tộc và đất nước
Như đã nói, lý thuyết nghe rất bùi tai và dường như rất dễ dàng thực hiện như ăn một đĩa cơm sườn, nhưng trên thực tế, điều hành một quốc gia có 5 hay 6 triệu dân, thậm chí 30, 40 triệu dân nó khác với quốc gia có trên 300 triệu dân.
Để thực hiện được chương trình Y Tế Miễn Phí cho 300 triệu dân, theo dự tính của Ứng Cử Viên Joe Biden, chính phủ Mỹ cần một ngân khoản là 93 ngàn tỷ mỹ kim trong 10 năm. Vậy số tiền này ở đâu ra? Đánh thuế nhà giàu và các công ty, hãng xuởng lớn? Họ sẽ cao bay xa chạy ra ngoại quốc hết!! Rốt lại, thành phần trung lưu phải è cổ nộp thuế cao ngút trời, làm sao chịu nỗi!
Thời nào cũng vậy, thuế khoá luôn là đề tài muôn thuở để cho người dân than van, thống trách và luôn tìm cách hợp pháp để nộp thuế ít đi. Như những người Mỹ về hưu thường chọn tiểu bang nào thấp thuế để sống. Các doanh nghiệp cũng thường đặt trụ sở ở tiểu bang nào tương đối thuế thấp. nếu có thể. Nếu bị đóng thuế cao quá, các chủ doanh nghiệp sẽ bỏ Mỹ chạy ra ngoại quốc. Đây là tình trạng đã xảy ra dưới thời TT Clinton và Obama, khi Trung Cộng chào mời các nhà đấu tư ngoại quốc đến Hoa Lục với tiền thuế thấp, giá nhân công rẻ mạt! Bài học kinh tế này hãy còn sờ sờ trước mắt đó thôi!
Kính thưa quý vị.
Nhận xét thấy điểm 3 và 4 đều ít nhiều có liên quan đến phạm vi Kinh Tế, do đó xin mời quý vị đọc một bài viết về Kinh Tế của ông Đỗ Ngọc Hiển, nguyên Giáo Sư Kinh Tế Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.
Hy vọng bài viết của một Giáo Sư Kinh Tế sẽ cung cấp những điều hữu ích đến quý vị về những vấn đề có liên quan đến bài viết của bà ATQ và ý kiến của Nguyễn Thị Bé Bảy.
Xin cám ơn ông Đỗ Ngọc Hiển đã cho phép phổ biến bài viết của ông.
https://drive.google.com/file/d/1YPJigprhXSZ2yWA09_pL60G2gBuIeF8R/view?usp=sharing
Kính mời quý vị đọc một đoạn:
A. Thành quả kinh tế trong 3 năm đầu của Tổng Thống Donald Trump
Trong thương thuyết, Tổng Thống Donald Trump luôn luôn đặt ra những điều kiện và đòi hỏi thật cao, và từ sự đánh giá chính xác các phản ứng của đối phương để nhân nhượng, nhưng cuối cùng phải đạt được phần lợi hơn (đọc The Art of the Deal – Donald Trump). Ông là một mưu lược gia lỗi lạc. Ông thả bong bóng bằng những tuyên bố lung tung, tiền hậu bất nhất để dò xét phản ứng quần chúng. Ông thả hỏa mù để dò xét phản ứng của địch thủ và ông đã có câu trả lời trong đầu mà địch thủ không thể đoán được. Như vậy, Donald Trump không phải là nhà mưu lược cao tay hay sao? Nếu ở trong quân ngũ, ông là một vị tướng giỏi. Tổng Thống Donald Trump còn là một nhà quản trị tài ba, biết dụng người. Ông tuyển dụng những thuộc cấp tài ba, có khả năng thực sự và trung thành cùng với ông hoàn thành mục tiêu tối hậu mà ông theo đuổi. Ông rất rộng lượng và khoan hồng đối với thuộc cấp có khả năng và cầu tiến. Nếu ai phạm lỗi, ở bất cứ cấp bậc nào, ông luôn luôn cho họ một cơ hội thứ hai.
Tổng Thống Donald Trump, vì đã được nhào luyện trong một trường quân đội trong thời niên thiếu, đặt nặng vấn đề kỷ luật và gương mẫu. Ông sống một cuộc sống đơn giản, một người cha gương mẫu cho con cái, không rượu chè, hút xách.
Cuối cùng, Tổng Thống Donald Trump là một người yêu nước thương dân chân thực. Ông đã có danh vọng, là một tỷ phú, tiền bạc dư thừa chi tiêu cả đời không hết, vậy ông ra tranh cử chức tổng thống làm gì, để đảng Dân Chủ thổ tả, tham nhũng và mị dân, được chỉ đạo bởi cặp bài trùng Obama-Hillary đầy âm mưu đen tối và nhóm truyền thông thiên tả, vừa lưu manh và tham nhũng vùi dập tả tơi trong suốt ba năm qua. Bọn này quyết tâm đánh gục ông chỉ hai tuần sau khi ông thắng cử vẻ vang năm 2016 như tờ báo Washington Post đã đăng tải cuộc chiến truất phế ông thực sự đã bắt đầu. Phải chăng cặp bài trùng Obama-Hillary và đảng Dân Chủ có tật giật mình vì đang sống béo mập trong đầm lầy tham nhũng?
(ngưng trích Đỗ Ngọc Hiển)
Trân trọng,
Nguyễn Thị Bé Bảy
8/9/2020