Hạnh Phúc Mang Theo – Tưởng Nhớ Nhạc sĩ Lam Phương

TIẾNG LÒNG NGƯỜI, VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT

Nhận định của Patrick Willay <pwillay@orange.fr>

Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý‎ do khác nhau. Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.

stkt.jpgSổ Tay ‎ Thiệt kỳ 438 (Đời Nay ra ngày 15.1.202)

Thế là cậu đã nhẹ nhàng ra đi, rời xa cái thế giới mà cậu đã để lại rất nhiều sau hơn 80 năm góp mặt và đã sống tràn đầy từng phút từng giây.

 Nụ cười Lam Phương – áo đen -2017

Trước hết, là một nhạc sĩ, cậu đã để lại hơn 200 nhạc phẩm, đã làm phong phú đời sống tinh thần và tình cảm của hàng triệu người nghe, và sẽ còn làm rung động tâm hồn hàng triệu người yêu nhạc nữa trong những thế hệ mai sau.

 Là một nghệ sĩ tài danh, cậu không kiêu căng lập dị. Trái lại,  cậu đã luôn luôn cư xử khiêm tốn, nhún nhường, tôn trọng người khác như tác phong của con người có văn hóa, một đức tính đã khiến cậu được nhiều người mến mộ và noi gương.

 Là một nghệ sĩ chân chính, cậu đã không để đồng tiền làm vẩn đục tâm hồn. Cậu không đòi hỏi những ca sĩ trình diễn nhạc phẩm của mình phải trả tiền tác quyền mà chỉ nhận tiền của những ban nhạc lớn nhưng hầu hết số tiền thu được cậu đã đem tặng cho các hội từ thiện.

Nhưng, cùng với di sản văn hóa nghệ thuật để lại cho hậu thế, cậu đã nêu cao tấm gương trung nghĩa với đất nước trong cơn quốc biến. Sinh trưởng tại miền Nam và ngay từ bước đầu trên con đường soạn nhạc trong lúc đất nước chia đôi, cậu đã viết ra những nhạc phẩm chứa chan tình tự dân tộc, ngợi ca đời sống an bình, tự do của người dân miền Nam, nói lên tình quân dân cá nước, xác định rõ ràng chỗ đứng trong cuộc phân tranh Quốc/Cộng khốc liệt. Sau 30.4.1975, tị nạn chính trị ở hải ngoại, cậu chưa một lần đi Việt Nam và dứt khoát không nghĩ đến việc trở về Sài-Gòn kiếm ăn dù đã được móc nối, mua chuộc nhiều lần.

Năm 1999 cậu bị tai biến mạch máu não nặng, tưởng đã trở thành phế nhân, nhưng nhờ nghị lực, bản tính lạc quan yêu đời, cậu đã phấn đấu để sinh hoạt trở lại bình thường, dù phải di chuyển trên xe lăn. Cậu tiếp tục sáng tác và đi xa, tới dự những buổi nhạc hội do thân hữu tổ chức mà nhạc hội với chủ đề “Tình Người & Tình Quê” tại Vùng Hoa-Thịnh-Đốn năm 2017 để ghi dấu “68 Năm Âm Nhạc Lam Phương” đã để lại trong lòng người ái mộ bao âm hưởng êm đềm không bao giờ quên.

 Sáng tác cuối cùng trong 70 năm với âm nhạc của cậu là nhạc phẩm “Hạnh Phúc Mang Theo” mà cậu cho biết đã viết về ngày ra đi rời khỏi thế gian này, cậu sẽ mang theo những kỷ niệm vui trong cuộc đời với những người đã chia sẻ cùng nhau những ngày tháng hạnh phúc. Cậu hân hoan ra đi để những người ở lại không cảm thấy buồn đau, hối tiếc, hay ăn năn gì cả.

 Thưa Cậu Lam Phương, cậu đã ra đi và mang theo những hạnh phúc sau khi đã sống một cuộc đời trọn đầy với tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương đất nước.”

Trên đây là một phần trong những lời ai điếu của anh Nguyễn Tấn Phước trong buổi tưởng niệm Nhạc sĩ Lam Phương ngày 3.1.2021 tại Virginia, về người cậu của mình.

Tuy là người cháu họ, nhưng hai cậu cháu sống rất gần gũi từ thuở nhỏ. Cậu đã chở cháu đi học, sau này đã bảo lãnh cháu sang Mỹ, và là người đứng chủ hôn khi cháu lập gia đình. Anh Phước cũng là người cháu duy nhất mà Nhạc sĩ Lam Phương thường hay tâm sự, nói về ý nghĩa, thời gian, nguyên nhân và cảm xúc đưa đến sự sáng tác những nhạc phẩm nổi tiếng của ông.

Sự ra đi của Nhạc sĩ Lam Phương trong lúc tại Mỹ đang bị cơn dịch Tàu COVID-19 ác hại hoành hành và giữa lúc cuộc bầu cử tổng thống đang ở vào giai đoạn cực kỳ sôi động nên tang lễ của ông đã phải tiết giảm khá nhiều, dù người Việt ở hải ngoại và cả trong nước cũng đã biết tin nhờ truyền thông thời đại điện tử.

Người phụ trách mục Sổ Tay này được tin sớm, đã định viết một bài về Lam Phương nhưng phải hoãn lại cho đến sau ngày 6 tháng 1, “ngày lịch sử” hay “ngày trọng đại” của nước Mỹ, như nhiều người gọi.

Ngày đó đã đi qua như mọi người đã biết. Có người gọi ngày ấy là “ngày làm nước Mỹ xấu hổ”.  Phần tôi, ngày ấy đã khiến tôi nhớ  tới câu nói (đùa?) của cựu diễn viên điện ảnh Hollywood, Ronald Reagan khi ông trở thành tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ: “Politics is supposed the second oldest profession. I have come to realize that it bears a very close resemblance to the first. (Chính trị được xem như nghề lâu đời thứ hai trên trái đất. Tôi đã nhận ra nó có sự tương đồng rất gần với cái nghề lâu đời nhất.)

Có lẽ Tổng thống Reagan sợ mang tội nặng lời với các ông bà chính trị gia nhà nghề nên đã nửa đùa nửa… giỡn cho vui. Thực ra, so sánh như thế còn có phần xúc phạm giới… chị em ta, vì dù sao họ còn biết đỏ mặt, biết xấu hổ, chỉ hành nghề lúc tối trời, và còn biết che mặt khi bị hốt lên xe cảnh sát.

Các chính trị gia, trái lại, rất thích xuất hiện trên ti-vi, trên mặt báo, và thích nói, nói nhiều và nói dối, nói bậy. Nhất là từ hơn nửa năm nay, sân khấu chính trị nước Mỹ đã diễn ra nhiều trò khó coi và rẻ tiền. Nhưng, ngày 6 tháng 1 vừa qua thì đúng là đã làm xấu mặt siêu cường Hoa Kỳ và đau cho những người đem tâm huyết về Thủ Đô Washington tưởng là sẽ làm nên một “ngày lịch sử” chói lọi.

 Dường như mọi người đã tin tưởng mạnh mẽ rằng ông Phó Tổng thống Pence là người độc nhất có vai trò quyết định trong ngày 6 tháng 1, để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử bị cáo buộc là gian lận và đem chiến thắng về cho ông Trump. Nhưng rồi vào giờ chót ông Pence lại bảo rằng vai trò của ông chỉ có tính cách “hình thức”, và rằng Hiến Pháp không cho ông quyền hành gì cả, ngoài chuyện chủ tọa phiên họp lưỡng đảng Quốc Hội!

 Bây giờ thì bao nhiêu câu hỏi đang được đặt ra mà chưa có câu trả lời.

 Ai, hay những ai phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong ngày 6 tháng 1 tại Washington? Phải chăng có bàn tay và tiền bạc của Trung cộng đã can dự vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020? Và, nước Mỹ đang đi về đâu? Thế giới này sẽ đi về đâu?

Và, tự nhiên tôi không còn hứng thú quan tâm tới chuyện chính trị nước Mỹ, quê hương thứ hai của tôi. Xin được trở lại với Nhạc sĩ Lam Phương, người mà tôi đã nghe danh, nghe nhạc ông từ rất lâu nhưng chỉ gặp ông và chuyện trò với ông vài lần, qua anh Nguyễn Tấn Phước.

 Có thể nói những bài hát của Lam Phương đã là một phần của đời sống Sài-Gòn và miền Nam Việt Nam trong nhiều thập niên. Nhiều bản nhạc của Lam Phương (như Duyên Kiếp, Đèn Khuya, Khúc Ca Ngày Mùa, Kiếp Nghèo, Chiều Hành Quân, vân vân) đã không ngừng vang lên ngày đêm cùng với nhịp thở của miền Nam Việt Nam qua làn sóng các đài phát thanh, truyền hình, trên sân khấu, và cả từ những làng quê.

 Lần đầu tiên tôi gặp Lam Phương là vào mùa hè năm 2017, khi tôi sang Orange County, hay “Quận Cam” như người Việt tại miền Nam California thường gọi, để dự tang lễ Nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Còn một ngày lưu lại “Quận Cam”, tôi đã tới thăm Lam Phương và dùng cơm trưa với ông. Nhìn người nhạc sĩ tài hoa ngày nào, hình ảnh Sài-Gòn năm xưa lại trở về. Tôi hỏi ông có nhớ Sài-Gòn không. Lam Phương cười hiền:

 – Nhớ lắm chứ. Nhớ từ góc phố, từ con đường, từ gốc me…

– Sao ông không về Việt Nam, như Phạm Duy, Khánh Ly và bao nhiêu ca nhạc sĩ miền Nam ngày trước?

– Làm sao mà trở về được khi mà mình đã chống lại họ hai mươi mấy năm qua những bản nhạc đã viết. Vả lại, bà con ở ngoài này đối với tôi quá tử tế, thương tôi, giúp đỡ tôi trong những lúc bệnh hoạn, khó khăn. Tôi không thể làm cho họ buồn.

– Thế “giải phóng” có cho người tới rủ rê, thuyết phục, hay mua chuộc ông không?

 Lam Phương phì cười:

–  “Giải phóng” cái gì? Họ tới đây hoài nhưng thấy không đi tới đâu nên hồi này thôi rồi.

–  Họ không dùng tiền mua chuộc ông à?

–  Có chứ. Như nói tôi về sẽ cho vô biên chế, như “nghệ sĩ nhân dân”, lãnh lương suốt đời.

–  Ông tin không?

–  Tin gì! Họ chỉ dùng sự trở về của mình để tuyên truyền. Một khi vô tròng rồi, có gì thì biết ngỏ nào ra?

 Lam Phương thật hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lập trường chính trị thật dứt khoát, thái độ phân minh giữa cuộc tương tranh quốc/cộng mà ông đã bày tỏ qua nhạc phẩm Chuyến Đò Vĩ Tuyến vào năm chưa đầy 20 tuổi, khi Hiệp Định Genève được ký‎ kết,  chia đôi nước Việt Nam. Chính nhạc phẩm này và vài nhạc phẩm khác có liên quan đến tình hình đất nước, được viết vài năm sau nhạc phẩm đầu tay Chiều Thu Ấy, đã thực sự xác định thiên tài âm nhạc của Lam Phương và đưa tên tuổi của ông lên vị trí xứng đáng cho đến ngày nay.

 Không có những giọng điệu hung hăng, sắt máu kiểu “phanh thây, uống máu quân thù…”, nhạc và lời của Lam Phương lúc nào cũng hiền hòa, êm nhẹ, trong sáng, nhưng không ai có thể lầm lẫn chiến tuyến của ông. Chính đặc tính đó đã làm Lam Phương khác với Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao…

 Những năm sau này, nhiều người trong giới nghệ sĩ ở hải ngoại từng thành danh và làm nên cơ nghiệp trong xã hội tự do ở miền Nam trước đây cùng một thời với Lam Phương đã theo nhau trở về Việt Nam làm ăn, sinh sống, vì nhiều lý‎ do khác nhau. Nhưng, họ giống nhau một điều: họ đã vứt bỏ cái áo khoác tị nạn cộng sản, mà nhờ đó họ được nhận cho định cư tại một nước tự do, được cung cấp những trợ giúp cần thiết và cơ hội được sống với nhân vị, nhân phẩm, và nhân cách của mỗi người.

 Không ít người trong số đó, sau khi về Việt Nam, đã trở mặt và có những  lời nói đáng tiếc khiến cho hình ảnh nhiều “thần tượng” đã sụp đổ trong lòng những kẻ từng ái mộ họ.

 Lam Phương không phê phán hay chỉ trích việc làm của những người khác, chỉ nói sẽ không “đi” hay “về” Việt Nam khi còn cộng sản. Gặp gỡ và nói chuyện với ông lần đầu, tôi đã bị Lam Phương “chinh phục” ngay với nụ cười hiền hòa, chân thật, thân tình của ông. Nụ cười mà ta không may mắn được thấy nhiều trong đời.

 Tôi gặp Lam Phương lần thứ hai sau đó vài tháng khi ông tới Vùng Washington trên chiếc xe lăn dự buổi Nhạc Hội đặc biệt “Tình Người & Tình Quê” do gia đình và thân hữu thực hiện vào ngày 15.10.2017 để đánh dấu 68 năm với âm nhạc của ông.

 Cộng đồng người Việt tại miền Đông nước Mỹ đã dành cho Lam Phương một sự tiếp đón và cảm tình nồng nhiệt đến nỗi khi xuất hiện trên sân khấu với chiếc xe lăn, ông đã xúc động nói: “Chắc tôi phải dọn nhà qua đây.” Cũng với nụ cười hiền hòa, chân thật, thân tình của ông.

 Nhạc sĩ Lam Phương đã không còn cơ hội để dọn nhà sang Vùng Washington.

 Ông đã ra đi, mang theo những hạnh phúc trong hơn tám mươi năm góp mặt trên thế gian này, dù đời sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng an bình mà có khi cũng đầy sóng gió, buồn đau, như những lời ông viết trong nhạc phẩm “Hạnh Phúc Mang Theo” năm 2002 mà ông nói là “viết về ngày ra đi rời khỏi thế gian này tôi sẽ mang theo những kỷ niệm vui trong cuộc đời với những người đã chia sẻ cùng tôi những ngày tháng hạnh phúc…Hân hoan ra đi để những người ở lại không cảm thấy buồn khổ, hối tiếc, hay ăn năn gì cả.” Trong đó có những lời như sau: “Anh nhớ chăng quen nhau ngày ấy nghe ngất ngây len lén vào tim. Lần xuôi tay cho mộng trào dâng là lần em thay cả cuộc đời. Từng đêm dài ai hay lời mặn nồng bên tai. Giờ tìm đâu thấy anh trên thế gian này. Ước mơ thầm xa xưa tàn dần theo khói mờ. Nỗi lòng chua cay âm thầm xé nát tim em. Biết không anh bàn chân cô đơn leo từng con dốc nhỏ. Phố sương mù chôn chặt cả đời em. Làm sao em lau khô giòng nước mắt mới hay rằng lòng mãi mãi yêu anh.”

 Lam Phương đã “hân hoan ra đi”, và có lẽ trong tâm khảm những người ở lại cũng “mãi mãi yêu anh”, và nhớ mãi nụ cười hiền hòa, chân thật, thân tình của ông, trong khi bên tai văng vẳng những lời ca tiếng nhạc huyền diệu đem đến cho mọi người niềm tin yêu vào đời sống, dù đời sống cũng có những thứ nhơ nhớp như lời “bông đùa” của Tổng thống Reagan.

Ký Thiệt

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.