Hoa Kỳ có phải là “quốc gia kỳ thị chủng tộc?”

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Sổ Tay ký Thiệt kỳ 454 (Đời Nay ra ngày 7.5.2021)

Cuối cùng thì Tổng thống Joe Biden cũng đã đọc bài diễn văn đầu tiên trước lưỡng đảng tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào tối hôm thứ tư, 28 tháng 4, vào dịp ghi dấu 100 ngày sau khi ông nhậm chức, như ông nói trong phần mở đầu:

Sau chỉ 100 ngày, tôi có thể báo cáo với quốc gia: Nước Mỹ lại chuyển mình tiến tới. Sau 100 ngày cấp cứu và đổi mới, nước Mỹ sẵn sàng cất cánh, trong tầm nhìn của tôi.”

Chỉ có khoảng 200 người dự khán trông lỏng chỏng trong một hội trường rộng lớn thường không còn chỗ trống với hàng người có mặt mỗi khi một tổng thống đọc bức thông điệp liên bang “The State of The Union”, hay SOTU, vào mỗi đầu năm. Bài diễn văn đầu tiên của ông Biden không thể gọi là SOTU vì đã diễn ra vào gần giữa năm (chỉ còn 2 ngày là bước sang tháng 5), nên đây có thể hiểu ngầm là SOTU đầu tiên của TT Biden.

Nếu coi là SOTU của TT Biden thì, ngoài số người tham dự ít ỏi, số người đã mở ti-vi để xem ông Biden nói gì cũng không khả quan cho lắm.

Theo con số sớm sủa của Nielsen Media Research thì số khán giả truyền hình đã mở ti-vi để xem ông Biden trình diễn vào khoảng 22.6 triệu người. Nếu so với số người đã theo dõi bản SOTU đầu tiên của Tổng thống Donald Trump ngày 28.2.2017 là 43 triệu thì con số cũng đã nói lên khá nhiều.

Nhưng không phải chỉ những con số khác nhau, Patrick Goodenough, một chủ bút của CNSNews.com, đã vạch ra sự khác nhau trong thái độ của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, khi giới thiệu Thổng thống Biden với cử tọa tối hôm 28 tháng 4 vừa qua và khi bà giới thiệu Tổng thống Trump tại phiên họp lưỡng viện 15 tháng trước đây để đọc bản SOTU cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Ông Goodenough viết: “Sự thay đổi chỉ trong một năm. Khi giới thiệu Tổng thống Biden lên đọc diễn văn trong phiên họp lưỡng viện tối thứ tư, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã không che giấu nhiệt tình của mình. Bà nói: ‘Thưa q‎ thành viên của Quốc Hội, tôi có đặc quyền cao và vinh dự đặc biệt để giới thiệu với quý vị tổng thống Hoa Kỳ.’ Sau đó bà và ông Biden chạm cùi chỏ với nhau một cách thân thiện.

Sự việc đổi thay. Gần 15 tháng trước đây, khi Pelosi giới thiệu Tổng thống Trump lên đọc bản thông điệp liên bang trở thành SOTU cuối cùng của ông, bà chỉ nói đơn giản: ‘Thưa các thành viên Quốc Hội, tổng thống Hoa Kỳ.’”

Và, mọi người chưa quên, khi TT Trump chấm dứt bài diễn văn, Pelosi đã đứng dậy xé bản sao bài diễn văn ấy ra từng mảnh vụn trước ống kính truyền hình thế giới.

“Sau 100 ngày cấp cứu và đổi mới…”

Bây giờ, sau lưng ông Biden là hai người đàn bà – bà Pelosi, chủ tịch Hạ viện, và bà Harris, phó tổng thống kiêm chủ tịch Thượng viện, bài diễn văn đánh dấu 100 ngày đầu tiên của ông già 80 tuổi cũng không gây mấy hứng khởi cho người nghe, không như lời tán dương trong một bài quan điểm đăng trên tờ New York Times ngày 2 tháng 5 dưới tựa đề: “Joe Biden Is Electrifying America Like F.D.R.”

Thật vậy, nếu không nhờ bài phản hồi theo truyền thống, của Nghị sĩ Cộng Hòa Tim Scott sau bài diễn văn của ông Biden thì chắc không mấy ai còn nhớ ông tổng thống nói gì.

Thay mặt đảng Cộng Hòa để đáp lễ TT Biden, Nghị sĩ Scott, một người da đen từ South Carolina, trong một bài nói đầy nhiệt tình và sắc bén, đã bác bỏ tuyên bố của ông Biden. Ông Scott khẳng định: “Nước Mỹ không phải là một quốc gia kỳ thị chủng tộc”.

Tức thì, những người phe tả phản công, mở chiến dịch vu khống Nghị sĩ  Scott, lăng mạ ông, gọi ông là “Uncle Tim”, ám chỉ ông giống như  “Uncle Tom”, một người nô lệ da đen trung thành với chủ da trắng trong một vở hài kịch chế giễu những người da đen hợp tác với các ông bà chủ da trắng tại Mỹ.

Một viên chức đảng Dân Chủ ở Texas đang phải đối mặt với những kêu gọi rút lui khỏi chức vụ sau khi ông ta gọi Nghị sĩ Tim Scott là một điếm nhục về chủng tộc.

Về phần Tổng thống Biden, xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn của Chương trình Today trên NBC, phát hình ngày thứ sáu, 23 tháng 4, cũng đã nói rằng “Mỹ không phải là một quốc gia kỳ thị chủng tộc, nhưng rằng những người Mỹ da đen đã bị bỏ lại phía sau và chúng ta phải giải quyết vấn đề ấy”.

Trước đó vài ngày, hôm thứ ba, 20 tháng 4, sau khi tòa án tại Minneapolis kết tội viên cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin, ông Biden đã gọi phán quyết ấy là “một bước tiến” (a step forward) nhưng nói rằng Hoa Kỳ còn phải trải qua một con đường dài để chấm dứt “sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống” (systemic racism).

Từ Tòa Bạch Ốc, ông tổng thống nói thêm: “Không một ai nên đặt mình ở trên pháp luật, và bản án kết tội hôm nay đã gửi đi thông điệp ấy. Nhưng điều ấy không đủ. Chúng ta không thể chấm dứt tại đây.”

Thật là mập mờ. “Mỹ không phải là một quốc gia kỳ thị chủng tộc”, nhưng nước Mỹ ấy lại có “sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống” thì có khác gì nhau?

Nghĩ sĩ Tim Scott

Nghị sĩ Tim Scott có vẻ minh bạch và can đảm trong vấn đề này khi ông nói trong bài phản bác rằng “Mỹ không phải là một quốc gia kỳ thị chủng tộc”, và cảnh cáo “việc làm sai lầm khi cố sử dụng quá khứ khổ đau của chúng ta để chấm dứt những tranh luận hiện tại một cách không thành thật. Ông Scott đã mở đầu bài nói với những lời lẽ thẳng thắn như sau:

Chúng ta vừa nghe bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống Biden trước Quốc Hội. Tổng thống của chúng ta giống như là một con người tốt. Bài diễn văn của ông đầy những lời lẽ tốt đẹp.

Nhưng Tổng thống Biden đã hứa với mọi người một loại lãnh đạo đặc biệt. Ông đã hứa sẽ đoàn kết một quốc gia. Sẽ hạ thấp nhiệt độ. Sẽ quản trị mọi người dân Mỹ, bất kể họ bầu cho ai. Đây là hàng hóa bày bán ngoài chợ. Chúng ta đã lại nghe nữa rồi.

Nhưng đất nước chúng ta đang khao khát cái gì khác hơn là những lời nói vô vị trống rỗng. Chúng tôi cần những chính sách và sự tiến bộ đưa chúng ta tới gần nhau hơn. Nhưng với ba tháng cầm quyền, những hành động của tổng thống và đảng của ông đang kéo chúng ta ra xa và xa cách hơn.

Tôi sẽ không làm mất thì giờ của mọi người tối nay với sự chỉ ngón tay buộc tội người khác hay tranh cãi đảng phái. Mọi người có thể thấy điều đó trên ti-vi bất cứ lúc nào. Tôi cần có một cuộc thảo luận thành thật về hiểu biết  chung và nền tảng chung. Về cảm nghĩ này rằng đất nước chúng ta đang trơn trượt ra khỏi nền móng chung, và làm cách nào để chúng ta cùng nhau tiến tới.”

Là một người da đen, xuất thân từ “dòng dõi nô lệ”, Nghị sĩ Tim Scott có đầy đủ tư cách để lên tiếng về vấn đề chủng tộc:

Không đâu chúng ta cần nền tảng chung một cách cực kỳ hơn là trong cuộc thảo luận về chủng tộc của chúng ta. Tôi đã có kinh nghiệm đau đớn của sự kỳ thị. Tôi biết cảm nghĩ ra sao khi bị lôi đi mà không có lý do gì cả. Bị theo dõi vòng quanh một cửa hàng trong khi tôi mua sắm. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi buổi sáng, tại cái bàn trong bếp, ông tôi thường mở tờ báo ra và đọc – tôi nghĩ thế. Nhưng sau đó, tôi nhận ra ông tôi chưa bao giờ được học để biết đọc chữ. Ông chỉ muốn tạo một gương tốt cho con cháu...

Chủng tộc không phải là một vũ khí chính trị có thể giải quyết mọi vấn đề theo cách của một bên muốn. Nó quan trọng hơn nhiều. Đây nên là một mùa xuân vui tươi của đất nước chúng ta. Chính quyền này được thừa hưởng một ngọn trào đã đổi chiều. Vi khuẩn corona đang bỏ chạy. Nhờ Chiến dịch Warp Speed và chính quyền Trump, đất nước đang tràn ngập những thuốc chích ngừa hiệu quả và an toàn. Nhờ việc làm chung của hai đảng hồi năm ngoái, công ăn việc làm mới đang phục hồi.

Vậy thì tại sao chúng ta lại cảm thấy rất chia rẽ, lo âu? Một quốc gia với rất nhiều l‎ý do để hy vọng không nên cảm thấy đầy nặng nề như vậy. Một tổng thống hứa hẹn đưa chúng ta lại với nhau không nên thúc đẩy những sách lược làm chia rẽ chúng ta. Gia đình Mỹ xứng đáng tốt đẹp hơn. Và chúng ta biết tốt đẹp hơn ra sao.”

Và, Nghị sĩ Scott kết luận bài phản bác như sau:

Chỉ trước cơn dịch Covid, chúng ta có nền kinh tế đồng bộ nhất trong cả đời tôi. Tỉ số thất nghiệp thấp nhất chưa từng thấy với người Mỹ gốc Phi, gốc Trung Nam Mỹ và Á Châu, và gần 70 năm thấp với phụ nữ. Hãy nghe tôi nói – tiền lương tăng ở đáy tầng nhanh hơn là ở trên đỉnh cao. Ở đáy tầng 25 phần trăm đã thấy tiền lương của họ tăng nhanh hơn ở trên đỉnh 25 phần trăm.

Chuyện đó đã xảy ra bởi vì những người Cộng Hòa chú tâm mở rộng cơ hội cho mọi người Mỹ. Thêm vào đó, chúng tôi thông qua luật Opportunity Zones, cải tổ tư pháp hình sự, và tài trợ thường xuyên cho những Trường Đại Học liên hệ đến Lịch sử người da đen, trước đây chưa từng có. Chúng tôi chống lại dịch lạm dụng thuốc, xây dựng lại quân đội của chúng ta và  và cắt giảm thuế cho những gia đình công nhân và những người mẹ độc thân như số tiền đã nuôi dưỡng tôi.

Tương lai tốt đẹp nhất của chúng ta sẽ không đến từ những mưu chước của Washington hay những giấc mơ xã hội chủ nghĩa. Nó sẽ đến từ you, từ toàn dân Mỹ. Đen, Trung Nam Mỹ, trắng và Á Châu. Những người Cộng Hòa và Dân Chủ. Những cảnh sát viên dũng cảm và những khu xóm da đen. Chúng ta không phải là những người đối nghịch nhau. Chúng ta là một gia đình. Chúng ta là tất cả mọi người trong cái cùng nhau này.”

Trong khi bài phản bác của Nghị sĩ Scott bị phe tả tấn công, ông được nhiều nghị sĩ Cộng Hòa tại Thượng viện lên tiếng đồng tình ủng hộ. Về mặt truyền thông, ông có “đồng minh gián tiếp” hiếm hoi của nhật báo The Washington Times với hai bài phiếm luận của Charles Hurt liên tiếp trong hai ngày 27 và 30 tháng 4, tuy không đề cập trực tiếp bài phản hồi của Nghị sĩ Scott, nhưng đã “mổ xẻ” khá kỹ vấn đề kỳ thị chủng tộc tại Mỹ và 100 ngày của Tổng thống Biden. Đặc biệt là trong bài “100 days in, Biden needs to retire”, trong đó ông ta nói rằng Tổng thống Biden đã là một phần của vấn đề tại Washington trong 48 năm vừa qua.

Thật là kỳ lạ đối với những người đã quan sát ông Biden nói lảm nhảm một cách vô hại trong hơn bốn thập niên, rồi đùng một cái, tự biến thân thành người khác, và nói cái biên giới của quốc gia, mà nhiều người đã gìn giữ trong nửa thế kỷ, cần phải bị xóa bỏ.

Rồi đến chuyện kỳ thị chủng tộc có hệ thống và định chế được cho là tràn lan khắp mọi mặt trong đời sống tại Mỹ. Và, Charles Hurt viết như sau:

Nói cách khác, hàng triệu cử tri đã ủng hộ ông Biden trong những năm qua và đã bầu cho những người mà ông đã làm việc với tại Washington tất cả đều là những kẻ kỳ thị chủng tộc – dù là họ biết hay không. Và, chính cái hệ thống mà ông Biden tự giúp để tạo lập và duy trì trong 48 năm nay – tất cả đều kỳ thị chủng tộc. Không ai tại Mỹ hôm nay là hiện thân lớn hơn chính Joe Biden của cái “hệ thống” và “định chế” kỳ thị. Nói một cách chính xác, dấu tích của kỳ thị trên hai bàn tay ông ta rõ rệt hơn bất cứ người nào khác.

Nếu nước Mỹ bị thấm đậm với “định chế” kỳ thị chủng tộc thì ông Biden chính là bộ mặt của sự kỳ thị chủng tộc có định chế đó.

Những sự thú nhận phiền hà này do ông Biden là đặc biệt bối rối cho những ai trong chúng ta biết đồng bào chúng ta và biết rằng nước Mỹ – thật ra – về căn bản không phải là kỳ thị chủng tộc. Nhưng, sự việc này nói lên điều gì về Joe Biden khi ông ta bất ngờ đưa ra những tuyên bố ác độc này?

Trước tiên, nó phát hiện ông ta như hoàn toàn hèn nhát trong suốt thời gian ông ta ở tại Washington. Ông Biden đã không bao giờ một lần đứng lên chống lại cái hội ở Washington. Ông Biden đã luôn luôn là người đi chung nhập bọn – kể cả dạo quanh một cách nhàm chán với những người như cựu Nghị sĩ Robert Byrd của West Virginia, người từng liên hệ chặt chẽ với Ku Klux Klan.

Điều đó cũng nói ra ông Biden có thể nhút nhát về chính trị ra sao. Những vấn đề về chủng tộc và công lý và sự thật rất không thích hợp với ông Biden đến nỗi ông ta sẵn sàng xoay trở và khai thác bất cứ chuyện gì trong đó cho lợi ích chính trị. (ngưng trích)

Thật ra, ngày nay không ai là không biết “nước Mỹ không phải là quốc gia kỳ thị chủng tộc”, hay “kỳ thị chủng tộc có hệ thống”, có “định chế”. Đó là chuyện ngày xưa, thời Mỹ lập quốc, thời mà chuyện buôn bán nô lệ là chuyện bình thường, thực dân đi cướp nước cũng là chuyện bình thường.

Ngày nay khác rồi. Con cháu của những người nô lệ da đen tại Mỹ cũng là công dân Mỹ, sống tự do và bình đẳng như dân da trắng. Nhiều người da đen thành công hơn người da trắng, giàu có hơn người da trắng.

Sau cái chết của George Floyd vào tháng 5 năm ngoái, vấn đề kỳ thị chủng tộc đã lại được đặt ra, và những cuộc đấu tranh bạo động nhân danh chống kỳ thị chủng tộc mang màu sắc chính trị, gây loạn, lật đổ … kéo dài cho tới nay.

Người ta không thể không đặt câu hỏi phải chăng chuyện nội bộ của nước Mỹ bây giờ không còn do người Mỹ quyết định?

Ngày 14 tháng 4 vừa qua, một việc bất thường và khó hiểu đã xảy ra khiến nhiều người thắc mắc và bất bình.

Bà Linda Thomas-Greenfield, một phụ nữ da đen, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, đã đọc một bài thuyết trình dài tại diễn đàn thế giới này để nói về chuyện nội bộ nước Mỹ theo cái nhìn thiên lệch do đảng phái của mình, bóp méo nhiều sự thật, và tuyên truyền cho phe nhóm.

Nghe xong, các đại biểu của nhiều nước trên thế giới chắc phải ngạc nhiên và thương dân Mỹ, tội nghiệp cho siêu cường Hoa Kỳ!

Một tin khác cũng liên quan tới vụ tranh cãi về chuyện kỳ thị chủng tộc cho thấy kẻ thù của tự do đang có mặt trên nước Mỹ và không bao giờ ngủ yên.

Ông Stephen Miller, cố vấn của cựu Tổng thống Donald Trump vừa cho biết Tổ chức America First Legal (AFL) đang chuẩn bị tung ra một vụ kiện chống lại Critical Race Theory (CRT).

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông Miller cho biết: “Chúng tôi cũng đang tìm thêm nguyên đơn – nếu chúng tôi có thể kiếm ra họ – những người sẵn sàng đứng lên và nộp đơn kiện CRT.”

Miller đã khuyến khích các công chức liên bang, nạn nhân của CRT, để gia nhập nỗ lực này.

Critical race theory – một học thuyết cho rằng chủng tộc không phải là tự nhiên, nhưng đã được cấu trúc để đàn áp và khai thác dân da màu – là một hậu duệ của Karl Marx.

Ông Trump đã k‎ý sắc lệnh hành chánh vào tháng 9 năm 2020, cấm huấn luyện CRT trong các cơ quan liên bang mà Tòa Bạch Ốc diễn tả là “tuyên truyền chống Mỹ.”

Tuy nhiên, tư tưởng xã hội chủ nghĩa này đã được Tổng thống Joe Biden và chính quyền của ông chấp nhận. Ông ta đã đảo ngược sắc lệnh tháng 9 năm 2020 của ông Trump ngay sau khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc và thúc đẩy huấn luyện CRT ngay.

Con đường đưa tới chủ nghĩa xã hội.

Ký Thiệt

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.