
ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 12/5
From: MY LOAN <tmyloan@gmail.com>
Sent: Wednesday, May 12, 2021, 01:35:34 AM PDT
Subject: ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 12/5
ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 12/5
Donald Trump: Palestine không kích Israel là vì ‘Joe Biden quá kém’
Cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố lên án chính quyền Biden “yếu kém và thiếu hỗ trợ đối với Israel” dẫn đến các cuộc không kích khủng bố của người Palestine, Breibart News đưa tin ngày 11/5.
“Khi tôi còn tại vị, chúng tôi được gọi là Chủ tịch Hòa bình, bởi vì các đối thủ của Israel biết rằng Hoa Kỳ đứng vững với Israel và nếu tấn công Israel, họ sẽ nhanh chóng bị trừng phạt”, tuyên bố viết.
Ông Trump giải thích, chính sách đối ngoại yếu kém của ông Biden khiến thế giới trở nên bạo lực hơn, bất ổn hơn. Đồng thời, các cuộc tấn công mới nhằm vào đồng minh Israel là do thiếu hỗ sự trợ của Hoa Kỳ.
“Mỹ phải luôn sát cánh với Israel và thể hiện rõ rằng người Palestine phải chấm dứt bạo lực, khủng bố, các cuộc tấn công bằng tên lửa. Đồng thời, Mỹ phải nêu rõ rằng, Mỹ luôn ủng hộ mạnh mẽ quyền tự vệ của Israel”, cựu Tổng thống khẳng định.
Cựu Tổng thống Trump kết thúc tuyên bố bằng những lời chỉ trích các thành viên Đảng Dân chủ, những người “tiếp tục đứng về phía Hạ nghị sĩ Ilhan Omar điên cuồng chống Mỹ và những người khác, những người đã tấn công Israel một cách thái quá trong khi Israel đang là nạn nhân bị khủng bố tấn công.
Thật vậy, Hạ nghị sĩ Ilhan Omar đã tweet hôm thứ Ba (11/5) rằng Israel không nên đe dọa “trẻ em Palestine”.
Dân biểu Rashida Tlaib đã tweet hôm thứ Hai (10/5) rằng Tổng thống Biden nên bảo vệ những kẻ đang phóng tên lửa vào Israel. Họ đã bị Israel tấn công trong tháng Ramadan. Sự phẫn nộ @POTUS ở đâu? ” bà ta nói.
Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez tweet một thông điệp tương tự vào thứ Bảy (8/5). Bà viết trên Twitter: “Chúng tôi đoàn kết với các cư dân Palestine của Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem“. Các lực lượng Israel đang buộc các gia đình này phải rời khỏi nhà của họ trong tháng Ramadan và gây ra bạo lực. Điều đó là vô nhân đạo và Mỹ phải thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ nhân quyền của người Palestine”.
Politico đưa tin, Nhà Trắng Jen Psaki mô tả tình hình hôm thứ Hai ngày 10/5 là nằm trong sự “giám sát và theo dõi” của Nhà Trắng.
Bà Psaki nói: “Rõ ràng, đây là điều mà nhóm an ninh quốc gia của chúng tôi đang giám sát chặt chẽ trong toàn chính phủ”, bà Psaki nói. Tổng thống Biden đang “bám sát tình hình và theo dõi chặt chẽ”, theo Breibart News.
AP đưa tin, ngày 11/5, Hamas và nhóm chiến binh Thánh chiến Hồi giáo đã bắn ít nhất 250 quả rocket từ Gaza vào các thành phố lớn của Israel. Hai phụ nữ Israel đã thiệt mạng do tên lửa bắn trúng nhà của họ ở thành phố Ashkelon, và ít nhất 10 người Israel khác bị thương trong cuộc tấn công, AP đưa tin.
Ngay sau đó vài giờ, Israel đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa nhằm vào các nhóm phiến quân Hamas và Thánh chiến Hồi giáo, được cho là đã giết hại các tay súng và trẻ em ở Dải Gaza. Ít nhất 32 người ở Dải Gaza được cho là đã thiệt mạng, hãng tin AP đưa tin.
- Cuộc không kích của Israel vào Dải Gaza do nhóm Hồi giáo Hamas kiểm soát
Các vụ tấn công bằng tên lửa và không kích diễn ra sau các cuộc đụng độ giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel vào cuối tuần qua tại nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, nơi thánh địa của cả người Do Thái và người Hồi giáo.
Theo Daily Wire, cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm của cuộc chiến pháp lý kéo dài hàng thập kỷ xung quanh quyền sở hữu hợp pháp các căn hộ ở khu Đông Jerusalem. Các tòa án phán quyết rằng các căn hộ của Sheikh Jarrah thuộc về chủ sở hữu người Do Thái, những người đã bị người Jordan cưỡng chế trong Chiến tranh giành độc lập năm 1948. Theo luật của Israel năm 1970, người Do Thái được phép đòi lại vùng đất Đông Jerusalem mà họ đã sở hữu trước năm 1948.
TT Trump ca ngợi luật bầu cử yêu cầu căn cước của Anh, đề xuất Mỹ học theo
Nhân việc thông tin về việc Vương quốc Anh ban hành luật phải xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh khi tham gia bỏ phiếu, cựu Tổng thống Donald Trump hôm 11/05 đã nhân cơ hội này đề xuất rằng tất cả các bang của Hoa Kỳ nên thông qua luật tương tự nhằm tránh gian lận bầu cử.
Trước đó, Nữ hoàng Elizabeth II đã đưa ra thông báo này trong bài phát biểu thường niên của mình. Dự luật về tính trung thực bầu cử đang được chính phủ của ông Boris Johnson đề xuất.
“Chính phủ Vương quốc Anh đang đề xuất rằng bất kỳ ai muốn bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử ở Anh nên xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh để loại bỏ bất kỳ hành vi lũng đoạn và gian lận nào và “đảm bảo tính trung thực của bầu cử”’, ông Trump nói trong một tuyên bố.
“Đây chính xác là những điều chúng ta nên làm ở Hoa Kỳ, không giống như Đảng Dân chủ muốn bãi bỏ luật yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân để bỏ phiếu với việc thông qua Dự luật HR 1 khủng khiếp của họ. Tất cả các tiểu bang nên thông qua luật yêu cầu cử tri phải có giấy tờ tùy thân cùng với nhiều cải cách bầu cử công bằng và toàn diện khác, chẳng hạn như loại bỏ việc bỏ phiếu qua thư hàng loạt và thu thập phiếu bầu. Để chúng ta không bao giờ có một cuộc bầu cử gian lận và bị đánh cắp khỏi chúng ta. Người dân đang đòi hỏi cải cách thực sự!”
Luật yêu cầu cử tri phải có giấy tờ tùy thân để bỏ phiếu có những quy định khác nhau tùy theo từng tiểu bang ở Hoa Kỳ.
Một số tiểu bang đã ban hành luật bỏ phiếu mới kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 nhằm bổ sung tính bảo mật của cuộc bầu cử.
Thống đốc bang Florida Ron DeSantis tuần trước đã ký luật bổ sung thêm các yêu cầu về giấy tờ tùy thân trong việc bỏ phiếu qua thư cũng như các yêu cầu khác như hạn chế việc sử dụng hộp bỏ phiếu khi yêu cầu phải có nhân viên bầu cử giám sát.
Bang Georgia tháng trước đã cải tổ các quy định bầu cử hiện tại với việc thông qua luật yêu cầu người dân xuất trình một số mẫu giấy tờ tùy thân để bỏ phiếu qua đường bưu điện. Một cử tri phải gửi kèm bản sao của giấy phép [lái xe] hoặc thẻ căn cước của tiểu bang này khi nộp đơn xin bỏ phiếu vắng mặt.
Đảng Cộng hòa cũng đang cố gắng thắt chặt luật bỏ phiếu ở các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania, Texas và Arizona.
Theo phân tích của Trung tâm Brennan, tính đến ngày 24/3, các nhà lập pháp đã đưa ra 361 dự luật với các điều khoản thắt chặt việc bỏ phiếu ở 47 bang.
Đảng Dân chủ tại Quốc hội đang cố gắng thúc đẩy một dự luật cải cách bầu cử sâu rộng vốn sẽ ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu, tài chính của chiến dịch bầu cử, đăng ký cử tri và phân chia lại khu vực phiếu bầu. “Đạo luật Vì Nhân dân” nhằm mục đích mở rộng bỏ phiếu sớm, tự động đăng ký đi bầu cho các cử tri, yêu cầu công khai tài chính từ các nhà tài trợ chính trị và những thay đổi khác.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện McConnell, trong phiên điều trần về dự luật vào cuối tháng 3, đã cáo buộc đảng Dân chủ tiếp tục “giật cướp quyền lực” và đi ngược lại “mọi thứ” mà họ đã “rao giảng”.
Ông nói: “Chúng ta không thể để điều này tiến xa hơn nữa. Chúng ta nên tìm cách xây dựng lại lòng tin chứ không phải phá hủy nó thêm nữa. Nhưng đó chính xác là những gì mà một cuộc tranh giành quyền lực của đảng phái sẽ đảm bảo”.
Ông McCarthy xác định sẽ bỏ phiếu về việc phế truất Dân biểu Cộng hòa đòi luận tội TT Trump vào ngày 12/5
Lãnh đạo phe Thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy (California) cho biết đã xác định một cuộc bỏ phiếu vào ngày 12/5 (theo giờ Mỹ) về việc có nên phế truất Hạ nghị sĩ Cộng hòa Liz Cheney (Wyoming) khỏi vị trí chủ tịch hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện hay không.
Ông McCarthy đưa ra động thái này ngay sau khi bày tỏ ủng hộ đối với Hạ nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik (New York) cho vị trí cấp cao thứ 3 của đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ.
Trong những tuần gần đây, bà Cheney đã thu hút nhiều sự phẫn nộ từ các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, sau khi bà tiếp tục chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump trong lúc đặt câu hỏi về thông điệp và chiến lược của đảng Cộng hòa tới các cử tri trước tòa.
Lãnh đạo McCarthy và các thành viên đảng Cộng hòa khác, bao gồm phó lãnh đạo phe Thiểu số Cộng hòa tại Hạ viện là ông Steve Scalise (Louisiana) đã tuyên bố, những bình luận của bà Cheney với giới truyền thông đã khiến thông điệp của đảng Cộng hòa trở nên mâu thuẫn, trong lúc đảng Cộng hòa đang cố gắng thống nhất để giành lại Hạ viện Mỹ vào năm 2022. Bà Cheney cũng đã bỏ phiếu để luận tội cựu Tổng thống Trump trong phiên tòa luận tội thứ hai của ông, thu hút sự chỉ trích từ cựu tổng tư lệnh Mỹ cũng như lượng lớn số người ủng hộ ông trong đảng. Một số thành viên đảng Cộng hòa cáo buộc, bà ấy đã đầu hàng đảng Dân chủ.
Trong một bức thư gửi tới các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện hôm 10/5, ông McCarthy bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng trọng tâm thúc đẩy của chúng ta sẽ là lấy lại Hạ viện vào năm 2022 và thực hiện Cam kết của chúng ta đối với nước Mỹ. Mặc dù các phương tiện truyền thông lớn đang cố làm thêm giờ để chống lại chúng ta, tôi tin rằng chúng ta vẫn có cơ hội lớn để thực hiện điều đó. Thật không may, mỗi ngày dành để hồi tưởng lại quá khứ là chúng ta có ít hơn một ngày để nắm bắt tương lai”.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện nói thêm rằng, đây không phải là lúc “chúng ta rời mắt khỏi trái bóng”. Ông còn bổ sung, “những mâu thuẫn nội bộ này cần phải được giải quyết để không làm mất đi những nỗ lực của tập thể chúng ta”.
Ông cho biết: “Những ngày gần đây [tôi] đã nhận được phản hồi từ rất nhiều người trong số các vị, rõ ràng là chúng ta cần phải thực hiện một sự thay đổi. Như vậy, các vị nên chờ đợi một cuộc bỏ phiếu về việc phế truất Chủ tịch Hội nghị vào thứ Tư tuần này”.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 9/5, ông McCarthy cho biết sẽ ủng hộ Dân biểu Stefanik cho vị trí này thay vì bà Cheney, con gái của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney. Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng ủng hộ bà Stefanik và khen ngợi kỹ năng giao tiếp của bà.
Lãnh đạo McCarthy khẳng định, lá phiếu của bà Cheney để luận tội Tổng thống Trump không phải là lý do cho cuộc bỏ phiếu vào ngày 12/5. Ông nhấn mạnh, các quan điểm bất đồng đều tốt, miễn là nó không làm suy yếu vai trò lãnh đạo của đảng Cộng hòa.
Ông cho biết: “Chúng ta là một đảng phái lớn. Chúng ta đại diện cho người Mỹ thuộc mọi thành phần và tiếp tục phát triển phong trào của mình hàng ngày. Và không giống như cánh tả, chúng ta đón nhận tư tưởng và tranh luận tự do”.
Giữa cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo, rất ít thành viên đảng Cộng hòa đứng ra bảo vệ bà Cheney.
Vào ngày 10/5, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney (Utah) tuyên bố, việc phế truất bà sẽ khiến đảng Cộng hòa mất phiếu bầu trong các cuộc bầu cử năm 2022 và năm 2024. Ông Romney là một trong bảy thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu để kết tội ông Trump vào tháng Hai.
Ông viết trên Twitter rằng: “Việc phế truất bà Liz Cheney khỏi vị trí lãnh đạo sẽ không thu được thêm một cử tri nào cho đảng Cộng hòa, nhưng chúng ta sẽ phải trả một khoản kha khá”.
Tuần trước, trong một bài báo xã luận cho báo The Washington Post, bà Cheney một lần nữa chỉ trích Tổng thống Trump vì những tuyên bố của ông về gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020. Bà thậm chí tuyên bố, đảng Cộng hòa nên “hỗ trợ các cuộc điều tra tội phạm đang diễn ra của Bộ Tư pháp” đối với vụ đột nhập Điện Capitol vào ngày 6/1. Trong khi đó, bà nói rằng đảng này cần phải tách khỏi Tổng thống Trump, và mô tả ông là một người “nguy hiểm” theo chủ nghĩa “phản dân chủ.”
Văn phòng của bà Cheney đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Những mạng truyền hình ‘chống Trump’ tụt xếp hạng kỷ lục
Theo Daily Caller, hai mạng truyền thông chống ông Trump là MSNBC và CNN đã trải qua sự sụt giảm kỷ lục về lượng người xem kể từ tháng 1/2021.
Vào tháng Giêng, chương trình của Rachel Maddow trên MSNBC là chương trình tin tức truyền hình cáp được xếp hạng cao nhất với trung bình 4.326.000 người xem trong tháng. “Tucker Carlson Tonight” của Fox News đứng thứ hai với trung bình 3,666,000 người xem và Chris Cuomo
của CNN đứng thứ ba với mức trung bình 3,622,000 người xem, theo xếp hạng do AdWeek’s TVNewser cung cấp.
Các chương trình vào khung giờ vàng khác của MSNBC như “All In with Chris Hayes” và “The Last Word with Lawrence O’Donnell”, có trung bình lần lượt là 2.656.000 người xem và 3.369.000 người xem trong tháng Một. Hai chương trình chiếu vào khung giờ vàng của CNN là “Anderson Cooper 360” và “Don Lemon” lần lượt có số người xem trung bình trong tháng 1/2021 là 3.361.000 và 2.749.000.
Tuy nhiên, Joe Concha, nhà báo phụ trách chuyên mục chính trị của The Hill, vào hôm 10/5, đã chỉ ra trên Twitter rằng, xếp hạng tin tức cáp công bố vào ngày 7 tháng 5, cho thấy “sự sụt giảm sâu sắc” về lượng người xem trung bình trên CNN.
Nhà báo Concha nói: “Sự sụt giảm mà CNN đang trải qua là rất sâu sắc,” và “Vào thứ Sáu [ngày 7/5], không một chương trình nào [của họ] đạt được tổng số 900 nghìn người xem”.
Ông cho biết thêm: “Để so sánh, mạng [CNN] trung bình có 2,74 triệu người xem trong tháng Giêng, vì vậy chúng tôi đang nói về hơn hai phần ba số khán giả [của họ] đã biến mất”.
MSNBC cũng có lượng người xem sụt giảm mạnh. Chương trình của Chris Hayes chỉ còn 1.600.000 người xem vào ngày 7/5, Rachel Maddow còn lại 2.495.000 người xem và Lawrence O’Donnell sụt xuống 1.348.000 người xem. Fox News cũng có sự sụt giảm về lượng người xem, mặc dù sự sụt giảm không quá lớn.
Cựu chiến lược gia Tòa Bạch Ốc: Tập Cận Bình sẽ là ‘vị vua cuối cùng’
Cựu chiến lược gia Tòa Bạch Ốc Steve Bannon gần đây đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “nhóm tội phạm tham nhũng và xấu xa nhất” trên thế giới, theo Vision Times.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với “Biệt đội Diều hâu Himalaya”, ông Bannon nói rằng khi sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6 nổ ra ở Bắc Kinh vào năm 1989, hai hoặc ba tuần sau đó, tổng thống Mỹ George Herbert Walker Bush đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc lúc đó là Tướng Brent Scowcroft đến thăm Trung Quốc để đàm phán với lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Bannon tiết lộ rằng sau vụ thảm sát này của ĐCSTQ, Tổng thống Bush đứng dưới áp lực của thế giới về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ, ông cũng đã đình chỉ trao đổi quân sự và mua bán vũ khí giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, từ các tài liệu được ghi chép lại cho thấy sau sự cố ngày 4/6, ông Bush đã nhanh chóng cử Scowcroft và Thứ trưởng Ngoại giao Lawrence Eagleburger đến Bắc Kinh để bí mật để gặp Đặng Tiểu Bình và các quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ. Đồng thời, chính quyền Bush đã viết thư cho Đặng Tiểu Bình hai lần trong vòng sáu tháng sau vụ thảm sát ngày 4 tháng 6, nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chung tay với ĐCSTQ để vượt qua khó khăn.
Ông Bannon, người luôn ủng hộ người dân Trung Quốc chống lại ĐCSTQ, nói rằng ông rất vinh dự khi được giúp đỡ người dân Trung Quốc đấu tranh cho tự do. Ông nói: “Quyền tự do của người dân Trung Quốc là cốt lõi của mọi vấn đề. Họ đang phá bỏ ách nô lệ hàng nghìn năm và không còn bị ảnh hưởng bởi sự điên cuồng, đàn áp của ĐCSTQ”.
Cựu chiến lược gia Tòa Bạch Ốc tin rằng không ai trên thế giới này có thể cho người dân Trung Quốc tự do, chỉ có chính người dân Trung Quốc mới có thể tự cứu mình. Ông dự đoán rằng “Tập Cận Bình sẽ là vị vua cuối cùng của nhóm tội phạm này” và nhóm tội phạm này sẽ bị lật đổ bởi chính người Trung Quốc.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều người dân đã gọi ông Tập là “trưởng đoàn tốc hành”, và dưới sự lãnh đạo của Tập, ông đã và đang “đẩy nhanh” tốc độ đi tới kết thúc của ĐCSTQ.
20 thống đốc Cộng hòa đề nghị Biden ‘hành động’ với khủng hoảng biên giới
20 thống đốc của Đảng Cộng hòa hôm 11/5 đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris “hành động” để đối phó với cuộc khủng hoảng dọc biên giới Mỹ-Mexico, khi làn sóng người từ Mexico và các quốc gia Trung Mỹ tiếp tục cố gắng vượt biên trái phép vào Hoa Kỳ, theo Epoch Times.
Các thống đốc viết trong một lá thư gửi nội các của Tổng thống Biden: “Trái ngược với tuyên bố từ chính quyền của quý vị, biên giới mở cũng không an toàn”. Bức thư cho biết thêm rằng người di cư “hiện đang tràn qua các bang biên giới vào tất cả các bang của chúng tôi”.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ vào tháng 4 cho biết đã có 172.000 cuộc chạm trán giữa các nhân viên Tuần tra Biên giới và những người nhập cư bất hợp pháp vào tháng 3, trong đó có gần 19.000 trẻ em không có người đi kèm.
20 thống đốc nói rằng chính quyền tiểu bang và liên bang bị “choáng” bởi những gì họ mô tả là “cuộc khủng hoảng tự tạo ra nhằm triệt hạ các gia đình [Mỹ], phá hoại an toàn công cộng và đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Ở phần cuối, bức thư của các thống đốc viết rằng: “Chúng tôi kêu gọi quý vị hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo và bảo đảm [an toàn cho] biên giới phía nam của chúng tôi ngay lập tức”.
Chuyên gia: Sẽ là một sai lầm lớn nếu Hoa Kỳ từ bỏ Đài Loan
Sau khi chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh cho quân đồn trú rời khỏi Afghanistan, một số người đặt câu hỏi rằng liệu Hoa Kỳ có thể không bảo vệ an ninh cho Đài Loan trong tương lai hay không. Chuyên mục Brands của hãng tin Bloomberg vào ngày 10/5 đưa ra nhận định rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sẽ không phải là một thảm họa, nhưng nếu Mỹ từ bỏ Đài Loan thì đó sẽ là một sai lầm lớn, theo NTDTV.
Hal Brands, người phụ trách chuyên mục của Bloomberg, là một học giả người Mỹ về chính sách đối ngoại. Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins.
Trong bài báo, ông Brands phân tích rằng, lợi ích của Mỹ sẽ không bị đe dọa nghiêm trọng khi rút quân khỏi Afghanistan vì các đồng minh mạnh hơn đang nắm quyền kiểm soát khu vực, tuy nhiên tình hình hiện tại của Đài Loan không đáp ứng được tiêu chí trên.
Ông viết: “Từ bỏ Đài Loan sẽ là một sai lầm lớn. Hoa Kỳ không thể để bị Bắc Kinh chinh phục và chiếm đóng”. “Việc phòng thủ của Philippines và các khu vực khác thậm chí còn khó khăn hơn, và không có siêu cường thân thiện nào tiếp quản”. “Nếu Đài Loan bị bỏ rơi và các đồng minh châu Á khác phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn, Hoa Kỳ có thể làm gì để khiến các đồng minh tin tưởng vào lời hứa của Hoa Kỳ?”.
Ông tin rằng nếu Hoa Kỳ từ bỏ Đài Loan khi ĐCSTQ sử dụng vũ lực để xâm lược Đài Loan, điều đó “sẽ dẫn đến một thảm họa lớn”.
Ông Brands cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ nên giúp đỡ bảo vệ Đài Loan. Đài Loan là một rào cản tự nhiên để ngăn cản ĐCSTQ bành trướng ra nước ngoài. Mất Đài Loan sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Hoa Kỳ. Đài Loan là bằng chứng mạnh mẽ chống lại tuyên bố của ĐCSTQ rằng “dân chủ và tự do không phù hợp với văn hóa Trung Quốc”.
Vào ngày 21/3, Niall Ferguson, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ, đã đăng một bài báo dài trên Bloomberg, cho rằng vấn đề Đài Loan có tầm quan trọng sống còn đối với chính quyền Biden.
Ví dụ, Ông Ferguson nói, Đài Loan thuộc về Hoa Kỳ, kênh đào Suez năm 1956 là của Đế quốc Anh. Sau khi nước Anh mất kênh đào Suez vào năm đó, “đế chế này” đã bị tàn phá.
Ông Ferguson phân tích rằng nếu Hoa Kỳ mất Đài Loan, hoặc thậm chí không chiến đấu vì Đài Loan, cả châu Á sẽ chứng kiến sự kết thúc của kỷ nguyên Hoa Kỳ thống trị khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, điều này sẽ khiến Hoa Kỳ rút khỏi khu vực này và cho phép ĐCSTQ tiếp quản.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc tăng cường đưa máy bay quân sự áp sát Đài Loan hầu như mỗi ngày.
Trong một cuộc phỏng vấn với biên tập viên Roula Khalaf của tờ “Financial Times” của Anh vào ngày 4/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng điều ông lo ngại là Bắc Kinh đang hung hăng hơn trong vấn đề Đài Loan. Ông nói: “Chúng tôi cam kết bảo đảm rằng Đài Loan có cách để tự vệ. Lời hứa này sẽ không mất đi”. “Đồng thời, tôi cho rằng bất cứ ai cố gắng sử dụng vũ lực để phá hủy hiện trạng sẽ là một sai lầm rất nghiêm trọng”.
Người phụ nữ bị tiêm nhầm… 6 liều vắc xin Covid-19
Một bệnh viện Ý vừa công bố thông tin về vụ việc một phụ nữ bị tiêm nhầm 6 liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech, theo CNN.
Một phụ nữ 23 tuổi ở Ý đã được tiêm vắc xin tại bệnh viện Noa ở Tuscany, miền trung nước Ý, vào ngày 9/5. Một nhân viên y tế đã vô tình đổ toàn bộ lọ vắc xin (chứa tổng cộng 6 liều) vào ống tiêm cho người phụ nữ 23 tuổi. Nhân viên y tế này chỉ nhận ra sai lầm của mình ngay sau khi nhìn thấy năm ống tiêm trống rỗng nhưng đã quá muộn
Phát ngôn viên của bệnh viện, cô Daniella Gianelli, nói với CNN hôm 10/5 rằng bệnh nhân đang trong tình trạng “sức khỏe tốt” và không có bệnh lý nền. Bệnh nhân đã được ở lại bệnh viện để theo dõi nghiêm ngặt trong 24 giờ và đã xuất viện hôm 10/5.
Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi phản ứng miễn dịch của người phụ nữ 23 tuổi đối với “liều lượng vắc xin lớn”, Gianelli cho biết.
Bệnh nhân này được tiêm vắc xin Covid-19 trước những người khác trong cùng độ tuổi vì cô là bác sĩ thực tập tại khoa tâm lý của bệnh viện, theo Gianelli.
Gianelli cho biết một cuộc điều tra nội bộ đã được bắt đầu, thêm rằng sai lầm này “có thể chỉ là vô tình, không phải cố ý”.
Vào đầu tháng 4, chính phủ Ý đã thông qua một sắc lệnh bắt buộc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho tất cả nhân viên y tế và dược sĩ, với mục đích bảo vệ nhân viên y tế, bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương. Nhân viên y tế từ chối tiêm vắc xin sẽ được điều động làm việc tại những vị trí khác mà không tiếp xúc với bệnh nhân. Nếu không đồng ý, nhân viên y tế phải đối mặt với việc bị đình chỉ không lương.
—