Tại Sao Tôi Bảo Thủ

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Phạm Minh Tuấn

Gần đây có những người bạn thân và sơ hỏi tôi: Tại sao lại có khuynh hướng bảo thủ, theo đảng Cộng Hòa? Phải chăng vì ông thần MAGA? (Cựu TT Trump với khầu hiệu Make America Great Again).  

Thật ra không phải ai bảo thủ, hay theo đảng Cộng Hòa cũng đều vì ảnh hưởng của ông Trump, nhưng chắc chắn những người bảo thủ (conservatism) có chung 4 quan điểm chính:

1) Chống Cộng dứt khoát, triệt để. Tuy phần lớn những người Mỹ theo đảng Dân Chủ nói chung, hỗ trợ TT Biden nói riêng cũng chống cộng vậy, nhưng ai cũng phải thừa nhận một tỉ số không nhỏ những người thuộc đảng Dân Chủ có khuynh hướng cực tả, không thân cộng cũng chủ trương xã hội chủ nghĩa. Công khai cổ võ cho cái gọi là “Dân chủ Xã hội Chủ Nghĩa” (Social Democrat) như TNS Bernie Sanders hay cổ võ qua những hành động và tuyên bố, như bốn nữ dân biểu cực tả của đảng Dân Chủ, được mệnh danh “Tứ Quái” (The Squad). (*)    

Trong nhiều cuộc biểu tình, tuy không do đảng Dân Chủ chủ trương nhưng được đảng này ngầm hỗ trợ hay đồng tình, đã có rất nhiều thành viên của băng đảng khủng bố Antifa hay Cộng sản trà trộn. Nhiều hình ảnh đã cho thấy dấu hiệu của Cộng sản với búa liềm kinh tởm đã được công khai phô trương!

2) Tôn trọng những truyền thống tốt đẹp của Mỹ. Đề cao những điều đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập cũng như Hiến Pháp Hoa kỳ: Tin tưởng rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng và được “Trời” (Chúa/ Phật/ Ngài Mohamed/ …) ban cho các quyền tự do không thể bị tước đoạt như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do mưu cầu hạnh phúc, tôn trọng quyền tư hữu, … Mục đích của chính phủ là để đảm bảo những quyền tự do căn bản và thiết yếu này.

Người bào thủ luôn bảo vệ sự sống, đề cao hôn nhân và coi gia đình như một nhân tố quan trọng nhất của xã hội. Chính vì vậy:

– Không kỳ thị giới đồng tình luyến ái, nhưng khi hai người họ sống với nhau sẽ không được coi là “kết hôn với nhau” (married), vì không phân biệt được ai là chồng ai là vợ, và vì cũng không thể sinh con, nên sẽ coi như họ “kết hợp với nhau” (domestic partnership). Tuy danh xưng có khác nhưng họ được hưởng mọi quyền lới như vơ chồng. Người bảo thủ cũng không khuyến khích đổi giống (transgender). Ai đã sinh ra là đàn ông hay đàn bà thì nên giữ nguyên như vậy, chứ đem sẻo chỗ này, đắp chỗ kia để thành giống khác sẽ gây muôn vàn xáo trộn cho xã hội.  

– Chống phá thai: Coi thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ đã là một con người, nên nếu giết thai nhi (phá thai) sẽ giống như sát nhân. (Việc ủng hộ và chống phá thai sẽ được đề cập chi tiết hơn vào dịp khác.)

– Phản đối “affirmative action” (tạm dịch “hành động khẳng định”), cống lại việc thâu nhận nhân viên cũng như sinh viên dựa vào nguồn gốc chủng tộc chứ không theo năng lục của người đó. Thí dụ như tại California, đảng Dân Chủ đã cố áp đặt việc này qua Dự luật 209 (1996) và gần đây (năm 2020) với Dự luật 16. Cũng may dân California đã sáng suốt cả hai lần đều dứt khoát loại bỏ những Dự luật vô lý, bất công và kỳ thị này.

3) Giới Hạn Vai Trò Của Chính Phủ để quyền tự do cá nhân được bảo vệ và thăng hoa. Những người bảo thủ tin rằng khi chính quyền được giới hạn về kính thước cũng như phạm vi, nó sẽ tránh – hay ít ra giảm – được tham nhũng và có hiệu quả hơn. Điều này quá hiển nhiên, chúng ta chỉ cần nhìn vào những nước độc tài (như VN ta), bộ máy nhà nước kềnh càng chỉ để làm kềm kẹp và trấn lột nhân dân.

Người bảo thủ còn đặt trọn niềm tin vào bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, coi đây là bản văn tuyệt vời, có một không hai trong mọi thời đại. Bản văn này đã “khôn ngoan” tạo nên hệ thống kiểm tra và cân bằng (checks and balances) cần thiết. – Với chủ nghĩa liên bang (federalism), quyền lực phi tập trung. – Với tam quyền phân lập (hành pháp, tư pháp, lập pháp) để tránh sự lộng hành của chính phủ và để bào đảm chính phủ phục vụ người dân, chứ không phải ngược lại.

Về phương diện kinh tế, người bảo thủ cũng tin rằng chính quyền càng ít can thiệp vào càng tốt. Kinh tế thị trường có thể tự nó điều chỉnh (theo luật cung cầu), việc tự do cạnh tranh sẽ có lợi cho mọi phía. Chính quyền can thiệp vào với nhưng luật lệ và giới hạn không cần thiết sẽ chỉ làm đình trệ sự phát triển của quốc gia. Không thời nào và nơi nào một tổ chức công (thí dụ nha bưu điện) có thể làm tốt hơn một xí nghiệp tư (thí dụ FedEx).

4) Chính Phủ Chi Tiêu Phải Có Trách Nhiệm. Không thể chỉ để mị dân, để lôi kéo những phe nhóm hay thưởng công cho những thành phần ủng hộ mình, mà chi tiêu một cách bừa bãi như chính quyền cụ Biden hiện nay. Để chứng minh cho điều này chúng ta thử lướt qua vài con số đáng sợ:

Năm nay chính quyền liên bang phủ Mỹ (Feds) dự trù sẽ thâu thuế được $3.8 ngàn tỉ – theo (thebalance.com). Nhưng ngay tức khắc phải chi ra $380 tỉ để trả lãi cho những món nợ hiện hành và $4 ngàn tỉ cho những món “chi trả phải làm” (tạm gọi tên những “transfer payments” như tiền SSA, SSI, phụ cấp thất nghiệp, Obamacare, … và những hỗ trợ từ 3 gói kích cầu.

Chúng ta thấy, hơn 100% những món tiền chính phủ thâu vào đã phải chi ra ngay, không còn dư chút nào cho những hoạt động khác của chính phủ như quốc phòng, nghiên cứu, cải thiện cơ sở hạ tầng (infrastructure), chống biến đổi khí hậu, …      

Tình trạng nước Mỹ bây giờ cũng không khác nhiều anh lính ham vui ngày xưa, mới đầu tháng lãnh lương đã phải chi ra hết ráo, sau đó mọi chi dùng hàng ngày lại phải thiếu nợ, “ký sổ”! Hiệp Chủng Quốc Mỹ tính tới cuối năm ngoái đã mang nợ tới hơn $26 ngàn tỉ (khoảng $20 ngàn tỉ nợ quần chúng và $6 ngàn tỉ nợ ngoại quốc). Bây giờ muốn xài lại phải đi mượn – bằng cách Ngân hàng trung ương in tiền ra mua mấy ngàn tỉ công khố phiếu!

Rõ ràng tình trạng thâm thủng ngân sách của Mỹ năm nay (2021) sẽ vào khoảng $2.3T (T = ngàn tỉ), vậy mà cụ Biden nhà ta còn cứ muốn xài thêm và xài cho cố, cụ đang vận động để quốc hội thông qua gói kích cầu xây dựng hạ tầng (infrastructure stimulus) $2.5T, trong đó chưa tới $800 tỉ là thực sự dùng cho những dự án xây dựng, số còn lại dùng vào những việc linh tinh khách như “the green new deal”.

Hồi đầu thập niên 70 khi chúng tôi còn mài đũng quần ở trường Luật Saigon, nhiều giáo sư kinh tế và tài chánh công, đặc biệt thầy Châu Tiến Khương đã ca tụng kinh tế gia John Maynard Keynes hết cỡ, coi những lý thuyết về tài chánh của ông này như một mẫu mực giúp quốc gia thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế. Tới Mỹ đầu thập niên 80, tuy đổi ngành nhưng tò mò tôi cũng ghi vài lớp kinh tế học coi người Mỹ dậy cái gì (tại SJSU), thì cũng thấy họ tôn sùng nhà kinh tế gia lỗi lạc này, với nguyên một môn học có tênKeynesian economics”. Theo các nguyên tắc kinh tế học Keynes, gói kích cầu là một nỗ lực phối hợp nhằm tăng chi tiêu của chính phủ – đồng thời giảm thuế và lãi suất – để kích thích nền kinh tế và đưa nền kinh tế thoát khỏi đình trệ hoặc suy thoái. Nhưng đến khi thấy nền kinh tế có thể tự hồi phục thì phải ngưng ngay những vụ bơm tiền vào thị trường, nếu không lạm phát sẽ xẩy ra, người chịu thiệt thòi nhiều nhất sẽ là giới nghèo, giới có đồng lương cố định hoặc đã về hưu.

Không ai nghi ngờ gì là nền kinh tế Mỹ đang bị lạm phát nặng, đồng tiền đang bị mất giá, vật giá đang leo thang chóng mặt (* Xem 2 đồ biểu điền hình). Vậy mà cụ Biden nhà ta vẫn “bình chân như vại”, vẫn muốn chi tiêu “vung tiết vịt”. Chẳng hiểu cụ và bộ sậu đang làm theo lý thuyết kinh tế nào? Tương lai nước Mỹ xem ra không khá được!

Hy vọng bài viết trên có thể trả lời phần nào thắc mắc: “Tại sao chúng tôi có bảo thủ?”

Phạm Mạnh Tuấn – San Jose

(*) The Squad khởi đầu gồm 4 nữ dân biểu cực tả: Alexandria Ocasio-Cortez of New YorkIlhan Omar of MinnesotaAyanna Pressley of Massachusetts, and Rashida Tlaib of Michigan, nay có thêm: Jamaal Bowman of New York and Cori Bush of Missouri 

(Đính kèm nguyên bản PDF)

2021-5 Tại Sao Tôi Bảo Thủ

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.