Bản ý kiến tòa án bị rò rỉ:  Tối cao Pháp viện đã quyết định lật ngược án lệ Roe kiện Wade/Tại sao bản dự thảo phán quyết của vụ Roe kiện Wade lại bị tiết lộ?

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

BMH  /// Washington, D.C: Bài viết của Ông Matthew Vadum, và Rob Natelson, bản dịch của Thanh Nhã về:

1.  Bản ý kiến tòa án bị tết lộ : Tối cao Pháp viện đã quyết định lật ngược án lệ Roe kiện Wade.

2. Tại sao bản dự thảo phán quyết của vụ Roe kiện Wade lại bị tiết lộ?

Xin mời Quý vị theo dõi, để giúp hiểu rõ những gì đang xảy ra, và tại sao Sleepy Joe cũng như bọn tay sai, các dân cử dân chủ thổ tả ở Hạ Viện & Thượng Viện, đang cuống cuồng tìm cách chống phá.- BMH  ///Washington, D.C 

Thẩm phán Tối cao Pháp viện Samuel Alito ở Hoa Thịnh Đốn

Bản ý kiến tòa án bị rò rỉ: 

Tối cao Pháp viện đã quyết định lật ngược án lệ Roe kiện Wade

Thanh Nhã biên dịch

Một tài liệu mà Politico mô tả là một “bản ý kiến đa số dự thảo ban đầu” do Thẩm phán Samuel Alito viết ngụ ý rằng Tối cao Pháp viện đã quyết định bãi bỏ phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, án lệ về sinh sản năm 1973 chống lại quy định cấm phá thai từ các tiểu bang và khiến thủ tục này trở thành hợp pháp trên khắp Hoa Kỳ. 

Bản ý kiến dài 67 trang cùng một phần phụ lục dài 31 trang được Politico đăng ngày 02/05.

Vụ Roe đã sai lầm nghiêm trọng ngay từ đầu,” ông Alito tuyên bố trong tài liệu.

Chúng tôi cho rằng vụ Roe và vụ Casey phải bị bác bỏ,” ông Alito viết trong tài liệu, có nhan đề “ý kiến của Pháp viện”. “Đã đến lúc phải lưu ý đến Hiến Pháp và trả lại vấn đề phá thai cho các đại diện được bầu của người dân.”

Bản dự thảo bắt đầu bằng: “Phá thai đặt ra một vấn đề đạo đức sâu sắc mà người Mỹ có quan điểm mâu thuẫn gay gắt. Một số người tin tưởng nhiệt thành rằng một con người được hình thành khi thụ thai và việc phá thai sẽ kết thúc một sinh mạng vô tội. Những người khác cảm thấy mạnh mẽ không kém rằng bất kỳ quy định phá thai nào cũng xâm phạm quyền của một người phụ nữ trong việc kiểm soát cơ thể của chính mình và ngăn cản phụ nữ đạt được sự bình đẳng trọn vẹn. Tuy nhiên những người khác trong một nhóm thứ ba cho rằng phá thai nên được cho phép trong một số trường hợp, nhưng không phải là tất cả các trường hợp, và những người trong nhóm này có nhiều quan điểm khác nhau về những hạn chế cụ thể cần được áp dụng.”

Politico cho biết tờ báo đã nhận được một bản sao của bản ý kiến dự thảo — cùng các chi tiết khác hỗ trợ cho tính xác thực của tài liệu này — từ một người quen thuộc với các quy trình của pháp viện trong một vụ kiện chống lại luật phá thai của Mississippi đang chờ xét xử. 

Tối cao Pháp viện sau đó đã xác nhận tính xác thực của tài liệu này nhưng nói rằng vụ rò rỉ là một sự phản bội và sẽ được điều tra. Pháp viện cũng cho biết bản dự thảo không đại diện cho một quyết định của tòa án “hoặc lập trường cuối cùng của bất kỳ thành viên nào về các vấn đề trong vụ án.”

Các thẩm phán thường thay đổi ý kiến một cách cẩn trọng khi họ cố gắng thuyết phục các thành viên khác của pháp viện theo quan điểm của họ.

Việc tài liệu này bị lưu hành là một vụ vi phạm chưa từng có đối với giao thức của Tối cao Pháp viện. 

Giáo sư danh dự của Trường Luật Harvard Alan Dershowitz, người cho biết ông phản đối vụ Roe bị lật lại, đã nói với Fox News rằng ông chưa bao giờ chứng kiến một bản ý kiến của Tối cao Pháp viện bị rò rỉ cho giới truyền thông như vậy. 

Ông Dershowitz nói, “Tôi có một giả định, và đó chỉ là một giả định. Tôi nghĩ ý kiến này đã bị rò rỉ qua một thư ký luật theo phái tự do [thiên tả] đang cố gắng thay đổi kết quả của vụ này, hoặc bằng cách gây áp lực lên một số thẩm phán khiến họ thay đổi quyết định, hoặc bằng cách khiến Quốc hội mở rộng tòa án ngay trước tháng Sáu, điều mà có rất ít khả năng xảy ra, hoặc khiến Quốc hội thông qua một luật quốc gia về quyền phá thai sẽ áp dụng ở tất cả các tiểu bang.” 

Trang web có ảnh hưởng SCOTUSblog nhấn mạnh trên Twitter, viết vào lúc 9 giờ 07 phút tối hôm 02/05: “Không thể nào cường điệu hơn nữa về trận động đất mà điều này sẽ gây ra bên trong Pháp viện, về mặt phá hủy niềm tin giữa các Thẩm phán và đội ngũ nhân viên. Sự rò rỉ này là tội lỗi trầm trọng nhất, không thể tha thứ nhất.” 

Bản ý kiến dự thảo là về vụ án Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, hồ sơ tòa án số 19-1392. Đây là một vụ kiện do phòng khám phá thai duy nhất được chính phủ cấp phép ở Mississippi đệ trình chống lại Đạo luật Tuổi Thai của tiểu bang, vốn chỉ cho phép các ca phá thai thực hiện sau 15 tuần tuổi thai đối với các trường hợp y tế khẩn cấp hoặc dị tật thai nhi nghiêm trọng. Viện dẫn án lệ Roe, các tòa án cấp thấp hơn cho rằng luật của tiểu bang là vi hiến.

Như The Epoch Times đã đưa tin cách đây năm tháng, trong các cuộc tranh luận bằng miệng hôm 01/12/2021, nhìn chung Tối cao Pháp viện có vẻ để ngỏ khả năng đáp lại lời kêu gọi bãi bỏ án lệ Roe kiện Wade của Mississippi. 

Roe kiện Wade là “một phán quyết rất sai lầm,” Tổng Biện lý Sự vụ của tiểu bang Mississippi, ông Scott Stewart, cho biết trong các cuộc tranh luận bằng miệng, dường như báo trước những lời của ông Alito trong tài liệu dự thảo. 

Vụ Roe kiện Wade và vụ Planned Parenthood kiện Casey ám ảnh đất nước chúng ta,” ông Stewart nói, khi nhắc đến phán quyết của vụ án đồng hành với vụ Roe từ năm 1992, theo đó các tiểu bang không thể áp đặt những hạn chế đáng kể đối với việc phá thai trước khi một thai nhi có thể sống được bên ngoài tử cung, khi được khoảng 24 tuần tuổi thai.

Các phán quyết này không có cơ sở trong Hiến Pháp. Chúng không có chỗ trong lịch sử hoặc truyền thống của chúng ta. Chúng đã làm hỏng quá trình dân chủ. Chúng đã phá hoại luật pháp. Chúng đã ngăn chặn sự nhượng bộ. Trong 50 năm qua, chúng đã giữ tòa án này ở tâm điểm của một trận chiến chính trị không bao giờ có thể giải quyết được. Và 50 năm sau, chúng vẫn còn đó. Ngoài pháp viện này ra, không nơi nào khác công nhận quyền kết thúc một nhân mạng.”

Vụ án Dobbs là thách thức trực tiếp đầu tiên đối với vụ Roe tại tòa án cấp cao kể từ khi Thẩm phán Amy Coney Barrett được bổ nhiệm vào ngày 26/10/2020, khiến phe bảo tồn truyền thống trên danh nghĩa của tòa án chiếm đa số 6–3. Một số nhà quan sát tòa án bảo tồn truyền thống này cho rằng sự phân chia giữa phe bảo tồn truyền thống và phe tự do giống như 5-4 hơn vì họ coi Chánh án John Roberts là người trung lập hoặc thậm chí là theo chủ nghĩa tự do vì ông thường đứng về phía các thẩm phán tự do khi tòa án dường như sắp lật ngược một án lệ mà những người bảo tồn truyền thống không thích. Bà Barrett thay thế vị Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg quá cố, đã qua đời vào ngày 18/09 trước đó.

Bà Ginsburg là người bảo vệ việc phá thai nhưng bà đã nói ra những vấn đề mà bà ấy thấy trong phán quyết của vụ Roe. Ví dụ, trong một lần xuất hiện vào ngày 11/05/2013 tại Trường Luật của Đại học Chicago, bà nói rằng “những lời chỉ trích của tôi đối với vụ Roe là nó dường như đã ngăn chặn động lực về phía sự thay đổi.” Sẽ tốt hơn nếu quyền phá thai được thực hiện từng bước hơn, tốt hơn là trong một quá trình bao gồm các cơ quan lập pháp và tòa án của tiểu bang, bà nói. “Vụ Roe thực sự không phải là về quyền lựa chọn của phụ nữ, phải không nào?” bà Ginsburg cho biết. “Đó là về quyền tự do hành nghề của bác sĩ… nó không tập trung vào phụ nữ, nó lấy bác sĩ làm trung tâm.”

Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.

Thanh Nhã biên dịch

*******************************************************************

Tại sao bản dự thảo phán quyết của vụ Roe kiện Wade lại bị tiết lộ?

Những người biểu tình Jonah Smith đến từ California (bên trái) và Robin G. đến từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đứng bên ngoài Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hôm 03/05/2022.

Thanh Nhã biên dịch

Việc rò rỉ một bản ý kiến dự thảo của Tối cao Pháp viện có khả năng bác bỏ án lệ Roe kiện Wade là điều chưa từng thấy. Để hiểu được các động cơ có thể có đằng sau vụ rò rỉ này, chúng ta hãy quay ngược dòng thời gian và địa điểm. Hãy kiên nhẫn với tôi khi tôi ôn lại một vụ tương tự (pdf) từ nửa thế kỷ trước. 

Đó là vào mùa hè năm 1972. Địa điểm là tiểu bang Montana. Người dân Montana vừa mới đi bầu trong một cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới của tiểu bang. 

Các kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vô cùng sát sao. Rõ ràng là có nhiều phiếu “thuận” hơn phiếu “chống”. Nhưng trừ những trường hợp mang tính cách mạng, thì bất kỳ một bản hiến pháp mới nào của tiểu bang đều phải được chấp thuận phù hợp với các luật của bản hiến pháp đã có trước đó của tiểu bang. Và bản hiến pháp trước đó của tiểu bang Montana (giống như các hiến pháp của các tiểu bang khác) nói rằng đạt được nhiều phiếu “thuận” hơn phiếu “chống” là chưa đủ. Đúng hơn là, các phiếu “thuận” phải đạt đến mức đa số người dân bầu cho tất cả các vấn đề trong cuộc bầu cử, chứ không chỉ bỏ phiếu cho bản hiến pháp. 

Tuy nhiên, các cử tri được nhắc nhiều lần rằng: Nếu quý vị bầu những vấn đề khác nhưng không bầu cho hiến pháp này, thì quý vị đang bỏ phiếu “chống”. 

Thế nhưng thống đốc tiểu bang Montana vẫn tuyên bố rằng một bản hiến pháp mới đã được thông qua. Một số công dân đã kiện và, không có một phiên tòa xét xử điều trần, vụ án được chuyển thẳng lên Tòa án Tối cao của tiểu bang. 

Trong cuộc thảo luận tại phòng họp, có năm thẩm phán chia thành tỷ lệ 3-2. Đa số thẩm phán quyết định các phiếu “thuận” là chưa đủ. Chánh án, thuộc phe đa số, bắt đầu viết một bản ý kiến của tòa án. 

Nhưng hầu hết những nhà chính trị Montana xuất chúng muốn bản hiến pháp mới được thông qua. Đó là bởi vì nó cho họ nhiều quyền lực hơn so với những gì họ đang có được thông qua bản hiến pháp hiện hành. Vì một lý do nào đó, có người đã xâm phạm tính bảo mật của tòa án bằng cách làm rò rỉ các kết quả của cuộc bỏ phiếu sơ bộ với tỷ lệ 3-2. Không giống vụ án hiện nay, vụ rò rỉ đó không tới được giới báo chí mà là tới tai của một hoặc nhiều chính trị gia nổi bật của Montana. 

Họ nhanh chóng xác định một trong ba vị quan tòa trong phe đa số là một mắt xích yếu. Họ bí mật gây áp lực lên ông ấy. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lee Metcalf (Dân Chủ-Montana) được cho là đã gọi điện thoại riêng cho vị thẩm phán dao động này và dọa nạt ông ấy. Họ thuyết phục ông ấy thay đổi lá phiếu của mình. Thế là thiểu số trở thành đa số và hiến pháp mới trở thành “luật”. 

Giáo sư Alan Dershowitz suy đoán rằng người đã làm rò rỉ bản ý kiến dự thảo trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson (pdf) có thể là một trong những thư ký của Tối cao Pháp viện. Tôi đồng quan điểm. Hầu hết các thư ký là những người vừa mới tốt nghiệp các trường luật tả khuynh. Những trường đó thường thu hút sự nhiệt tình của những sinh viên vốn dĩ đã nghiêng về phía cánh tả. Sự nhiệt tình như thế rất có thể khiến một thư ký không trung thực làm rò rỉ một bản ý kiến sơ bộ mà thư ký đó muốn đảo ngược. 

Nhưng tại sao? Kết thúc của cuộc chơi này là gì? Để khuyến khích Quốc hội bổ sung vụ Roe kiện Wade vào quy chế liên bang ư? Bất kỳ thư ký thủ đô nào cũng biết, ban lãnh đạo của Quốc hội không có các phiếu bầu để làm điều đó. Để khuyến khích Quốc hội mở rộng pháp viện ư? Như trên. Để huy động cơ sở chính trị của phe cánh tả trước cuộc bầu cử năm 2022 ư? Có thể. Nhưng điều đó có thể đạt được bằng cách đợi đến khi ý kiến cuối cùng được đưa ra vào tháng tới. 

Một khả năng khác là hoàn toàn là vì sự khó chịu. Tuy nhiên, một động cơ có khả năng hơn là tái hiện lại những gì đã xảy ra ở tiểu bang Montana vào năm 1972: để phơi bày một thẩm phán có khả năng dao động trước áp lực chính trị. Tất nhiên, vị thư ký đó sẽ không cần phải biết về trường hợp của tiểu bang Montana để nghĩ đến khả năng này.

Cũng giống như tỷ lệ phiếu bầu ban đầu trong vụ việc ở Montana là 3–2, tỷ lệ phiếu bầu cho việc lật ngược vụ Roe kiện Wade dường như là 5–4. Một trong số các thẩm phán, ông Stephen Breyer, bà Elena Kagan, hoặc bà Sonia Sotomayor có thể sẽ bỏ phiếu để sửa đổi vụ Roe, nhưng dường như không ai sẽ bỏ phiếu cho một sự đảo ngược rõ ràng. Nếu Chánh án John Roberts ủng hộ một sự đảo ngược rõ ràng, thì có lẽ ông sẽ tự thực hiện việc soạn thảo ý kiến. 

Tuy nhiên, rõ ràng là ông ấy không nằm trong phe đa số, vì vậy ông ấy đã chỉ định Thẩm phán Samuel Alito thực hiện việc này. Ông Alito có nhiều thâm niên hơn bất kỳ thẩm phán nào khác trong phe đa số ngoại trừ Thẩm phán Clarence Thomas, và ông Alito là một nhân vật trung lập hơn ông Thomas.

Nếu cuộc bỏ phiếu sơ bộ có tỷ lệ là 5–4, thì sự đổi ý dù chỉ của một thành viên pháp viện cũng sẽ ngăn chặn một sự đảo ngược [phán quyết] hoàn toàn.

Làm thế nào để thuyết phục một thẩm phán đổi ý? Và ai là mục tiêu?

Như vụ án Montana đã chỉ ra, áp lực chính trị có thể khiến một số thẩm phán thay đổi phiếu bầu của họ. Áp lực chính trị có thể diễn ra dưới nhiều hình thức: các cuộc tấn công về học thuật và truyền thông lên pháp viện, các mối lo ngại ngày càng tăng trong số các thành viên về “tính hợp pháp” của họ, các mối đe dọa về các cuộc tấn công trong tương lai của Quốc hội lên sự độc lập của pháp viện, và, tất nhiên là, cả tác động của đám đông. 

Dựa trên tiểu sử của các thẩm phán Thomas, Alito, và Gorsuch, không chắc là có bất kỳ thư ký Tối cao Pháp viện nào cho rằng các thẩm phán này sẽ nhượng bộ trước các chiến thuật nặng tay. Thẩm phán Amy Coney Barrett đã có mặt trong hội đồng thẩm phán một thời gian ngắn hơn, nhưng kinh nghiệm của bà cũng nói lên sự cứng rắn khiến bà không dễ trở thành nạn nhân. 

Vì vậy, tôi đoán rằng mục tiêu là Thẩm phán Brett Kavanaugh.

Lưu ý kỹ: Tôi không nói rằng trên thực tế ông Kavanaugh sẽ đầu hàng trước áp lực. Tôi chỉ đang nói rằng người làm rò rỉ có thể nghĩ rằng ông ấy có khả năng sẽ như vậy. Ông Kavanaugh đã gắn bó quá lâu với trung tâm quyền lực chính trị. Ông sinh ra ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn và đã trải qua sự nghiệp của mình ở đó. Những lời bôi nhọ tàn bạo lên nhân cách của ông trong các phiên điều trần xác nhận vị trí thẩm phán rõ ràng là đã tác động lên cảm xúc của ông ấy. 

Tất nhiên, những lời bôi nhọ đó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của bất kỳ ai. Nhưng ông ấy đã thể hiện nó ở một mức độ lớn hơn nhiều so với, ví dụ như, ông Thomas đã làm khi bị buộc tội theo cách tương tự.

Khi chúng ta chứng kiến sự kích động từ phía cánh tả ngày càng tăng, chúng ta hãy hy vọng toàn bộ năm vị thẩm phán ở phe đa số giữ vững lập trường. Không chỉ vì phán quyết của vụ Roe kiện Wade xứng đáng được lật ngược, mà còn vì sự chính trực của Tối cao Pháp viện với tư cách là một định chế.

Một điểm cuối cùng: Trong đại dịch COVID-19, đôi khi pháp viện hủy bỏ các quy định bắt buộc của liên bang nhưng các quy định bắt buộc của tiểu bang lại được duy trì một cách phổ biến. Trong một bài bình luận sau này, tôi sẽ giải thích lý do tại sao quá trình ra quyết định đó cho thấy tỷ lệ bỏ phiếu đa số 5-4 có thể tiên đoán cho việc đảo ngược phán quyết trong vụ Roe.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Tác giả Rob Natelson là chuyên gia cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập (Independence Institute) ở Denver, đồng thời là một cựu giáo sư về luật hiến pháp và là nhà sử học.

Thanh Nhã biên dịch

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.