Phụ nữ Mỹ mất “quyền phá thai”, rồi sao?

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 516 (Đời Nay ra ngày 8.7.2022) 

Sau khi bản dự thảo quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về vụ Roe chống Wade bị “rò rỉ” gây ồn ào dư luận vài tuần lễ trước đây, quyết định này đã trở thành chính thức vào ngày 24 tháng 6 vừa qua.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ với quyết định 6-3 đã hủy bỏ quyền phá thai của phụ nữ Mỹ, đảo ngược phán quyết năm 1973 về vụ Roe c. Wade và để cho các tiểu bang quyền tự giải quyết các vấn đề liên quan tới chuyện phá thai.

Tối Cao Pháp Viện đã chấp nhận một luật của Tiểu bang Mississippi cấm những vụ phá thai sau 15 tuần lễ, khoảng hai tháng mang bầu, sớm hơn thời hạn ấn định trong vụ kiện của Roe. Khi quyết định như vậy, khối đa số bảo thủ trong TCPV (trong đó có 3 người do ông Trump đã có công tiến cử trong bốn năm làm tổng thống) nói rằng phán quyết trong vụ Roe c. Wade 50 năm trước đã sai lầm một cách ngu xuẩn khi nhìn nhận phá thai là một quyền hiến định, một sai lầm đã tồn tại ở tòa này trong năm thập niên.

Thẩm phán Tối cao Samuel Alito viết trong bản quan điểm tại tòa trong vụ Dodds c. Tổ chức Y tế của Phụ nữ Jackson: “Hiến pháp không nói gì tới phá thai, và không có cái quyền như vậy được bảo vệ một cách tàng ẩn trong bất cứ điều nào của Hiến pháp. Đây là lúc để quan tâm tới Hiến pháp và trả vấn đề phá thai cho những người do dân bầu ra tại các tiểu bang.”

Các Thẩm phán Tối cao Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett đã đồng quan điểm với Thẩm phán Alito.


Erin Schaff/AFP Via Getty Images

Ba thẩm phán tối cao phe tả đã cho thấy sự bất đồng sâu xa, và cáo buộc phía đa số tại TCPV phá bỏ sự cân bằng đã có trước đây dung hòa giữa lợi ích của người phụ nữ và nhu cầu của tiểu bang trong sự bảo vệ đời sống của thai nhi.

Tổng thống Biden, nói từ Tòa Bạch Ốc rằng phán quyết của TCPV đã đánh dấu “một ngày buồn thảm cho tòa và cho đất nước. Quyết định này là một sự tích lũy của một cố gắng phá vỡ sự cân bằng của luật pháp chúng ta. Nó là thể hiện một ý thức hệ cực đoan và một sai lầm thê thảm của Tối Cao Pháp Viện.” Những lời ông Biden nói hôm nay trái ngược với những gì ông đã nói trước đây còn ghi lại trong một băng ghi âm, rằng phá thai là một thảm kịch và không bao giờ là một quyền.

Còn bà Phó Kamala Harris lại tuyên bố trên CNN rằng: “TCPV đã tước bỏ một quyền hiến định của phụ nữ Mỹ”. Miệng nhà quan có gang có thép?

Phán quyết ngày 24 tháng 6 vừa qua của TCPV đã đánh dấu một trường hợp hiếm có khi đã tự đảo ngược một quyết định của chính mình để hủy bỏ một quyền mà TCPV trước đây đã nhìn nhận trong vụ Roe c. Wade và một vụ vào năm 1992 tái xác nhận quyền phá thai của phụ nữ.

WASHINGTON, USA – JUNE 25: Pro-life-abortion and abortion rights demonstrators rally in front of the US Supreme Court in Washington, DC, on June 25, 2022, a day after the Supreme Court released a decision on Dobbs v Jackson Women’s Health Organization, striking down the right to abortion. (Photo by Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)

Hiện nay có khoảng phân nửa các tiểu bang đã có sẵn những luật về phá thai hay sẵn sàng để cắt giảm bớt, hoặc cấm hẳn những vụ phá thai.

Một bản kiểm điểm của Associated Press đã kê ra một danh sách 20 tiểu bang với những hạn chế hay cấm phá thai nay trở nên có hiệu lực phù hợp với sự đảo ngược của vụ Roe c. Wade.

South Dakota cấm phá thai sau 22 tuần lễ mang bầu. Tiểu bang này chỉ có một bệnh viện duy nhất thường xuyên thực hiện các vụ phá thai tại Sioux Falls. Thống đốc South Dakota, Kristi Noem, đảng Cộng Hòa, bênh vực cho sự hạn chế phá thai tại tiểu bang của bà trên chương trình “This Week” của ABC hôm chủ nhật 26 tháng 6: “Tôi không tin rằng phụ nữ nên bị truy tố. Tôi không tin những bà mẹ trong cảnh ngộ này nên bị truy tố. Nhưng các bác sĩ hay biết khi phạm pháp dứt khoát là nên bị truy tố.”

Một trong những bệnh viện phá thai đã ngưng hoạt động sau phán quyết của TCPV là Hope Medical Group for Women ở Louisiana, nằm gần biên giới với Texas và đã từng có một làn sóng khách hàng tràn sang từ bên kia biên giới vào năm ngoái sau khi Texas ban hành luật cấm những vụ phá thai sau sáu tuần lễ mang bầu.

Pennsylvania, Michigan, và Wisconsin có thể diễn ra những trận chiến sôi nổi trong những ngày sắp tới. Cả ba tiểu bang này đều có thống đốc đảng Dân Chủ cho tới nay đã ngăn chặn những luật chống phá thai do viện lập pháp tiểu bang với đảng Cộng Hòa kiểm soát đưa ra. Tình trạng này có thể thay đổi sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới.

Tại Virginia, trái lại, Thống đốc Cộng Hòa Glenn Youngkin và đảng của ông sẽ gặp khó khăn trong việc ban hành những hạn chế về phá thai với một thượng viện tiểu bang do đảng Dân Chủ kiểm soát với đa số mong manh. Cũng hy vọng đa số này sẽ đảo ngược sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 sắp tới.

Các tiểu bang được điều hành bởi những người cánh tả cho biết sẽ tiếp tục thực hành phá thai và mở rộng phục vụ cho những phụ nữ ngoài tiểu bang.

Thống đốc California Gavin Newsom loan báo cùng với Oregon và Washington đang phát triển một “cuộc tấn công của Bờ Biển phía Tây” để bảo vệ những người cung cấp dịch vụ phá thai và “fight like hell”.

Thống đốc tiểu bang Washington Jay Inslee nói trong một video được ông Newsom phổ biến qua Twitter: “Chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ phá thai cho những người có nhu cầu.”

Tổng Chưởng lý Wisconsin Josh Kaul, một người Dân Chủ, nói ông ta sẽ không điều tra hay truy tố bất cứ ai có một vụ phá thai, mặc dù một luật của tiểu bang năm 1849 đặt phá thai vào tội đại hình.

Hai tiểu bang láng giềng Illinois và Minnesota đã mở rộng quyền phá thai, và hai thống đốc Dân Chủ đã ra tuyên bố cam kết sẽ phá thai thêm nữa.

Thống đốc Minnesota Tim Walz ra quyết định cho biết tiểu bang của ông ta sẽ khước từ những yêu cầu trục xuất của các tiểu bang khác để thi hành các truy tố tội hình liên quan tới dịch vụ phá thai được coi là hợp pháp tại Minnesota.

Tại Michigan, tình trạng khá lôi thôi. Thống đốc Gretchen Whitmer, đảng Dân Chủ, đã yêu cầu TCPV tiểu bang “xác định hiến pháp của Michigan có bảo vệ quyền phá thai hay không”. Bà Whitmer cũng đã kiện viên công tố trưởng trong mỗi quận hạt của tiểu bang có một cơ sở phá thai đã ngưng hoạt động, trong lúc nghị viện tiểu bang với đa số Cộng Hòa muốn tôn trọng phán quyết của TCPV. Bà Whitmer đã hô hào ngay sau khi phán quyết của TCPV được công bố: “Đây là lúc để dùng tất cả dụng cụ trong thùng đồ nghề của chúng ta để bảo vệ phụ nữ và tiện nghi y tế về sinh sản. Tôi sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ quyền của mỗi người dân Michigan định đoạt về thân thể của chính họ.”

Những tiểu bang khác nơi mà các dịch vụ phá thai đã ngưng hoạt động sau phán quyết của TCPV là Alabama, Arizona, Arkansas, Kentucky, Missouri, South Dakota và West Virginia.

Mặc dù cá nhân những người cung cấp dịch vụ phá thai và các tiểu bang quyết định những bước kế tiếp của họ, những người Dân Chủ đang kêu gọi có một luật liên bang về quyền phá thai và tìm cách dùng phá thai là một vấn đề ưu tiên đối với cử tri trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới đây.

Nghị sĩ Elizabeth Warren, Dân Chủ – Massachusetts, nói rằng những chiến thắng của Dân Chủ tại Pennsylvania và Wisconsin trong cuộc tranh cử vào Thượng Viện trong tháng 11 sẽ giúp Quốc Hội “đổ xi-măng” quyền phá thai vào đẳng cấp liên bang. Đảng Dân Chủ hiện đang kiểm soát Hạ Viện, nhưng hai đảng chia đôi đồng đều 50-50 tại Thượng Viện sẽ làm cho những chính sách của phe Dân Chủ khó lòng được thông qua.

Nghị sĩ Lindsey Graham, Cộng Hòa – South Carolina, nói rằng ông không tin chuyện phá thai sẽ định đoạt sự cân bằng của quyền lực tại Quốc Hội, các thống đốc, và nghị viện các tiểu bang. Ông nói với Fox News hai ngày sau phán quyết của TCPV: “Nó sẽ không làm thay đổi kết quả các cuộc bầu cử năm 2022. Tôi thực sự tin rằng hầu hết người dân Mỹ thoải mái với các giới chức dân cử làm những quyết định về đời sống. Hãy để cho mỗi tiểu bang làm điều ấy theo cách họ muốn.”

Ông Graham nói giá xăng dầu, tỉ lệ tội ác và an ninh biên giới là những vấn đề mà ông trông đợi sẽ ảnh hưởng nặng trong những cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong khi đó, theo một phân tích vừa mới đây của Associated Press, hơn một triệu cử tri trên 43 tiểu bang nước Mỹ đã chuyển sang đảng Cộng Hòa trong năm vừa qua. Con số đã không được thông báo trước đây phản ảnh một hiện tượng đang diễn ra trong mỗi vùng của nước Mỹ – những tiểu bang Dân Chủ và Cộng Hòa cùng với các thành phố và các tỉnh nhỏ – trong thời kỳ từ khi Tổng thống Biden thay thế Tổng thống Trump.

Không đâu sự đổi chiều được loan báo nhiều và nguy hiểm cho phe Dân Chủ hơn là các vùng ngoại ô, nơi mà những cử tri có học không thuộc hẳn bên nào đã quay qua chống đảng Cộng Hòa của ông Trump trong mấy năm gần đây, bây giờ hiển nhiên đang quay trở lại. Trong suốt năm vừa qua, nhiều người đang quay trở lại với đảng Cộng Hòa trong những vùng ngoại ô của các thành phố Denver, Atllanta, Pittsburgh và Cleveland. Những đảng viên Cộng Hòa cũng đang củng cố vị trí tại những quận hạt chung quanh những thành phố cỡ trung như Harrisbugh, Pennsylvania, Raleigh, North Carolina, Augusta, Georgia, Des Moines…

Trở lại với phán quyết ngày 14 tháng 6 của TCPV, cần phải ca ngợi sự can đảm của các thẩm phán tối cao bảo thủ đã đưa ra quyết định dựa trên luật lý và lương tâm trong lúc chịu rất nhiều áp lực, kể cả nguy hiểm tới tính mạng, nhất là từ khi dự thảo phán quyết bị tiết lộ vào tháng 5.

Ngày 8 tháng 6 vừa qua, chỉ không đầy một tuần lễ trước ngày TCPV công bố phán quyết về vụ Roe c. Wade, Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông có vũ khí ở bên ngoài nhà của Thẩm phán Tối cao Brett Kavanaugh, cho biết y đã thú nhận là rất tức giận về việc tòa sắp ra phán quyết về vụ phá thai và định giết viên thẩm phán rồi tự sát. Người đàn ông này tên là Nicholas John Roske đã xuống xe taxi, đi bộ dọc theo đường và gọi số 911 tự báo cáo rằng đã từ Simi Valley, California, tới để giết một thẩm phán tối cao với một khẩu súng để trong va-li.

Nicholas Roske, right, pictured with his parents, Colleen and Vernon. – via Newyork Post

Cảnh sát đã tới bắt Roske, 26 tuổi, và đã tịch thu một khẩu súng lục Glock 17, một áo giáp, dao găm, đạn, bình xịt hơi cay… Theo hồ sơ tòa án, Roske khai với một thám tử tại Montgomery County, Maryland, rằng anh ta rất tức giận về sự tiết lộ mới đây dự thảo phán quyết của TCPV chứng tỏ các thẩm phán bảo thủ, trong đó có Kavanaugh, sẽ đảo ngược án lệ Roe c. Wade.

Roske đã bị truy tố về tội vi phạm một luật cấm mưu toan hay đe dọa bắt cóc hay giết một thẩm phán liên bang. Vụ mưu sát này đã gây sửng sốt cho giới chính trị tại Washington. Những người Cộng Hòa nói rằng những người Dân Chủ và các lực lượng chủ trương quyền phá thai phải chịu sự cáo buộc về việc đã nung nấu lên sự tức giận nhắm vào TCPV.

Thủ lãnh khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell nói: “Đây là đúng y như chuyện mà nhiều người lo ngại sẽ xảy ra do những phát ngôn bừa bãi, bất cẩn của vài người nổi tiếng mấy tháng trước và đặc biệt là vài tuần trước đây.

Ông McConnell không nói tên ai và chuyện gì, nhưng Nghị sĩ Ben Sasse, Cộng Hòa – Nebraska, đã chỉ tay vào Nghị sĩ Charles E. Schumer, Dân Chủ – New York, thủ lãnh khối đa số tại Thượng Viện. Hai năm trước, ông Schumer đã đứng trên bực cửa TCPV và cảnh cáo Thẩm phán Tối cao Kavanaugh và Gorsuch rằng những phán quyết của họ đã “gây ra dông gió, và các you sẽ trả giá.”

Ông Matthew Whitaker, cựu quyền bộ trưởng Tư Pháp, đã xác nhận chuyện này, và nói thêm rằng tuy nhiên, sau khi xảy ra vụ mưu sát Thẩm phán Tối cao Brett Kavanaugh, ngày 9 tháng 6 vừa qua Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã chặn đứng một dự luật nhằm tăng cường biện pháp an ninh cho các thẩm phán tối cao, cùng loại bảo vệ an ninh thường trực mà các thành viên cao cấp hàng đầu tại Quốc Hội và ngành hành pháp đang có.

Sau đó, bà Pelosi tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Không có ai ở trong tình trạng nguy hiểm cả”, để trả lời cho câu hỏi về an ninh của các thẩm phán tối cao.

Không có ai nguy hiểm?

House minority leader Nancy Pelosi, D-CA,  (Photo by MANDEL NGAN/AFP via Getty Images)

Cũng vì bà Pelosi nghĩ như vậy nên mới xảy ra vụ 6.1.2021 tại Điện Capitol, và bà mới có lý do lập ra Ủy ban 1-6 để đang diễn tuồng xử án kiểu Stalin.

Chánh thẩm Tối cao John J. Roberts Jr. không nghĩ như bà Pelosi nên cả tuần nay không ngày nào là không có hàng ngàn người với một rừng biểu ngữ của cả hai phe, thắng và thua, tập họp trước Tối Cao Pháp Viện tại Washington, mồm không ngớt hò la, cười hay khóc, giận dữ hay vui mừng, và sẵn sàng bùng nổ, nhưng không thể vượt qua rào sắt và hàng rào an ninh dày đặc chung quanh.

Và, rồi ngày mai sẽ ra sao?

Không ai có thể trả lời. 

Ký Thiệt

 

 

 

 

 

 

 

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.