
BÀ NGUYỄN THỊ BÉ BẢY TRẢ LỜI CUỘC PHỎNG VẤN NGÀY 3-3-2023 VỀ – Tối Cao Pháp Viện và kế hoạch xoá nợ cho sinh viên của Joe Biden – Kế hoạch tăng thuế của Joe Biden – Nguồn gốc con cúm Vũ Hán
Chương Trình “Những Điều Trông Thấy
với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy
Anh Huy và Dũng Nghiêm phụ trách
trên Đài Phát Thanh Sàigòn- Dallas, làn sóng 1160 AM
lúc 3:30pm – 4:00 pm (Giờ Miền Đông)
Friday Mar 3, 2023
– Tối Cao Pháp Viện và kế hoạch xoá nợ cho sinh viên của Joe Biden
– Kế hoạch tăng thuế của Joe Biden
– Nguồn gốc con cúm Vũ Hán
Tổng thống Joe Biden tiết lộ kế hoạch xóa nợ vay tiền cho sinh viên vào ngày 24 tháng 8 năm 2022, được phát sóng từ Nhà Trắng. (Ảnh chụp màn hình qua Courthouse News.) – President Joe Biden unveils his plan to forgive student loan borrowers in an August 24, 2022, broadcast from the White House. (Screenshot via Courthouse News.)
Câu hỏi 1. – Tối Cao Pháp Viện và kế hoạch xoá nợ cho sinh viên của Joe Biden
TT Biden công bố kế hoạch xóa nợ hồi tháng 08/2022 trong một hành động mà các nhà phê bình chỉ trích là một nỗ lực đáng ngờ về mặt Hiến Pháp nhằm trợ giúp Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 11/2022. Văn phòng Ngân Sách Quốc Hội cho biết kế hoạch này có thể tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD
Khoảng 26 triệu người được cho là đã nộp đơn theo chương trình này trước khi chương trình bị các tòa án chặn vào năm ngoái. Trong tổng số đó, 16 triệu người được cho là đã được phê chuẩn trước khi chính phủ ngừng nhận đơn.
Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ cho biết họ có thẩm quyền thúc đẩy đề nghị xóa nợ này, theo đó sẽ xóa nợ gốc lên tới 20,000 USD cho 40 triệu người mắc nợ.
Phe Dân Chủ nói chỉ là một sự sửa đổi thôi, thật ra , chính phủ Biden đang nói về nửa ngàn tỷ dollar và 43 triệu người Mỹ. Làm thế nào mà điều đó có thể phù hợp được với cách hiểu thông thường về sửa đổi?. Mời cô cho biết ý kiến?
Nguyễn Thị Bé Bảy
Vào ngày Thứ Ba 28/2, Tối Cao Pháp Viện bắt đầu nghe tranh luận về hai vụ kiện, 1 là 6 tiểu bang mà đứng đầu là Nebraska kiện Biden và 2 là Brown kiện Bộ Giáo Dục về chuơng trình xoá nợ cho sinh viên. Chương trình này cung cấp khoản cứu trợ 10.000 đô la cho hầu hết những người vay có lợi tức dưới 125.000 đô la một năm và 20.000 đô la cứu trợ cho những người vay đã nhận được Trợ Cấp Pell.
1. Trước hết, nói sơ qua về vụ kiện của tiểu bang Nebraska và 5 tiểu bang khác.
Nebraska và năm tiểu bang khác đã thách thức chương trình xoá nợ, cho rằng nó vi phạm sự phân chia quyền hạn và vi phạm Đạo Luật về Thủ Tục Hành Chánh. Tòa Án Sơ Thẩm đã bác bỏ thách thức, nhận thấy rằng các tiểu bang thiếu tư cách pháp lý để khởi kiện. Tòa Kháng Án Liên Bang Địa Hạt Thứ Tám phán quyết ngưng chương trình xoá nợ trong khi nguyên đơn kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện.
Câu hỏi đặt ra là
– Nebraska và các tiểu bang khác có tư cách pháp nhân để thách thức chương trình xoá nợ cho sinh viên hay không?
– Chương trình xóa nợ cho sinh viên có vượt quá thẩm quyền theo luật định của Bộ Trưởng Giáo Dục Hoa Kỳ hay có vi phạm Đạo Luật Thủ Tục Hành Chánh hay không?
2. Vụ kiện của Brown và Bộ Giáo Dục.
Chính quyền Biden công bố chương trình dựa trên Đạo Luật Cơ Hội Cứu Trợ Giáo Dục Đại Học dành cho Sinh Viên, Higher Education Relief Opportunities for Students (HEROES Act of 2003) cho phép Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ thay đổi cách điều hành tiền vay cho sinh viên để đối phó với các trường hợp khẩn cấp quốc gia. Chương trình của Biden có hiệu lực từ ngày 23 tháng 10 năm 2022.
Hai sinh viên vay tiền, Myra Brown và Alexander Taylor, cáo buộc rằng họ “đã bị từ chối cơ hội để bình luận về kế hoạch xoá nợ một cách không hợp lý và nếu Bộ Trưởng Giáo Dục ra thông báo và cho mọi người được góp ý rộng rãi, họ sẽ thúc giục ông ấy nới rộng tiêu chuẩn xoá nợ và cung cấp ngân khoản xóa nợ nhiều hơn nữa”.
Sau 2 ngày bàn thảo của Tối Cao Pháp Viện, nhà báo Lawrence Hurley của đài NBC có nhận xét như sau:
Các thẩm phán bảo thủ trên Tối Cao Pháp Viện tỏ ra hoài nghi về tính hợp pháp của kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng Thống Joe Biden, và tư cách pháp nhân của các người đứng đơn kiện.
Được biết, chương trình xóa nợ cho sinh viên lên tới 20.000 đô la đã bị chặn kể từ khi Tòa Kháng Án Địa Hạt Số 8 của Hoa Kỳ ban hành lệnh tạm ngưng vào tháng 10.
Những người thách thức lập luận rằng đề nghị xóa nợ của chính quyền là vi phạm Hiến Pháp và luật liên bang, vì nó qua mặt Quốc Hội, là cơ quan duy nhất có thẩm quyền làm ra các đạo luật liên quan đến tài chánh, mà việc xóa nợ cho sinh viên thuộc lãnh vực tài chánh.
Các thẩm phán bảo thủ cho biết họ có thể quyết định vụ này dựa trên lập luận được gọi là “học thuyết các câu hỏi chính”, nghĩa là tùy thuộc vào các câu hỏi chính đáng phù hợp với tình hình. Theo học thuyết này, các cơ quan chính phủ liên bang không thể khởi xướng các chính sách mới to lớn, có tác động kinh tế đáng kể mà không có sự cho phép rõ ràng của Quốc Hội.
Ông Chánh Thẩm TCPV John Roberts đưa ra ý kiến: “Chúng ta đang nói về nửa nghìn tỷ đô la và 43 triệu người Mỹ,” nhấn mạnh về tác động sâu rộng do kế hoạch xóa nợ của Biden gây ra.
“Học thuyết các câu hỏi chính” đã có tiền lệ. Hồi năm ngoái, đa số thẩm phán bảo thủ đã áp dụng học thuyết này để ngăn chặn việc bắt buộc xét nghiệm hoặc bắt buộc chủng ngừa Covid mà Biden áp đặt vào các doanh nghiệp lớn. Học thuyết cũng được áp dụng để TCPV giới hạn thẩm quyền của cơ quan Bảo Vệ Môi Trường trong vấn đề hạn chế lượng khí thải từ các nhà máy điện.
Một câu hỏi quan trọng là liệu có bất kỳ bên nguyên đơn nào có tư cách pháp nhân để khởi kiện ngay từ đầu hay không. Nhiều nhà quan sát cho rằng nếu TCPV với đa số bảo thủ 6-3, nhận thấy rằng những thành phần đứng đơn có tư cách pháp nhân để khởi kiện, thì gần như chắc chắn sẽ kết luận rằng kế hoạch xoá nợ của Biden là bất hợp pháp.
Trong số sáu thẩm phán bảo thủ, chỉ có bà Amy Coney Barrett là liên tục kiểm tra xem những người đứng đơn có tư cách pháp nhân hay không. 2 ông Roberts và Brett Kavanaugh, hai thẩm phán mà chính quyền Biden tin rằng là những lá phiếu tiềm năng chống lại kế hoạch xoá nợ, đã tập trung các câu hỏi của họ vào “học thuyết những câu hỏi chính”. Điều đó có thể cho thấy họ tin rằng những người đứng đơn đã đứng vững về tư cách pháp nhân.
Ông Roberts nói: “Giờ đây, chúng tôi rất coi trọng ý tưởng phân quyền và quyền lực nên được phân chia để ngăn chặn việc lạm dụng nó. Ông nói thêm rằng vụ này khiến ông nhớ đến quyết định của TCPV đã ngăn chặn chính quyền Trump đơn phương đình hoản chương trình cho trẻ em đến Hoa Kỳ một mình.
Ông nói thêm: “Vụ này cho thấy những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, và sự quan trọng về vai trò của Quốc Hội cũng như về vai trò của chúng tôi, là phải xem xét kỹ lưỡng những vấn đề đó ”.
Thẩm Phán Kavanaugh tỏ ra ủng hộ chính quyền khi đề cập đến đạo luật HEROES năm 2003, nhưng cũng lưu ý là đạo luật này bao gồm ngôn ngữ “rất bao la”.
Những người đứng đơn nói rằng ngôn ngữ trong Đạo luật HEROES không đủ cụ thể để thực hiện một kế hoạch to lớn như kế hoạch xóa nợ của Biden.
Một số thẩm phán bảo thủ, bao gồm Neil Gorsuch, cũng nêu vấn đề về tính công bằng của việc xóa nợ cho một số người này mà không phải là những người khác, bao gồm cả những người đã trả khoản vay của họ và những người không đủ điều kiện.“Nửa nghìn tỷ đô la đang được chuyển cho một nhóm người được ưu ái hơn những người khác,” Gorsuch nói. Chương trình sẽ ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người vay và tốn khoảng 400 tỷ đô la.
Các thẩm phán cấp tiến hầu hết tỏ ra ủng hộ các lập luận pháp lý của chính quyền Biden dựa vào đạo luật HEROES, trao quyền cho Bộ Trưởng Giáo Dục xoá nợ các sinh viên trong trường hợp khẩn cấp.
TCPV dự trù sẽ ra phán quyết về vụ này vào cuối tháng Sáu năm nay.
Câu hỏi 2. – Kế hoạch tăng thuế của Joe Biden
Tổng Thống Joe Biden cho biết sẽ tăng một số loại thuế trong đề xuất ngân sách trình Quốc Hội Mỹ, song khẳng định không vi phạm cam kết tăng thuế với người Mỹ thu nhập thấp. Tổng thống Mỹ cam kết đề xuất ngân sách của mình sẽ bao gồm kế hoạch cắt giảm thâm hụt 2 nghìn tỷ mỹ kim trong 10 năm tới. Trước đó, các đảng viên Cộng Hòa nói sẽ không ủng hộ việc tăng trần nợ của Mỹ trừ khi ông Biden giảm mạnh chi tiêu. cô nhận dịnh như thế nào về việc này? Có vẻ giống cách thức “lấy của người giàu, tăng cho người nghèo” kiểu xã hội chủ nghĩa?
Nguyễn Thị Bé Bảy
Vấn đề thuế vụ này lẽ ra phải mời một chuyên gia về thuế vụ, vì có những thuật ngữ chuyên môn mà 1 người bình thường không biết, cũng không hiểu được!
Tuy nhiên, có thể đặt một câu hỏi, có phải thuế cao hơn sẽ đi cùng với lạm phát hay không?
Câu trả lời của tạp chí Forbes, là chắc chắn như vậy.
Tạp chí Forbes, vào ngày 28/4/2022 cho biết, có 6 khoản tăng thuế mà Biden đã đề nghị.
1. Tăng thuế suất cao nhất cho cá nhân. Tỷ lệ cao nhất dành cho các cá nhân là 39,6% trong nhiều năm, cho đến khi Trump và Quốc Hội hợp tác hạ tỷ lệ này xuống 37% bắt đầu từ năm 2018. Nhưng Biden tăng tỷ lệ này lên, từ 37% lên 39,6%. Mức lãi suất thêm 2,6% sẽ ảnh hưởng đối với lợi tức $450,000 của những người nộp thuế chung và $400,000 đối với người nộp thuế một mình.
2. Tăng thuế lên tiền vốn làm ăn trên 1 triệu đô la.
3. Tăng thuế đánh trên tài sản thừa kế, nói nôm na là thuế tử vong.
4. Thuế tối thiểu 20% nếu có 100 triệu đô la.
5. Hủy bỏ đặc quyền lãi suất.
6. Bãi bỏ mục 1031 của mã số thuế.
Thực tế còn có nhiều đợt tăng thuế nữa trong ngân sách năm 2023, nhưng sáu đợt tăng thuế này là những đợt tăng thuế lớn.
Kiểm chứng theo điều trần của bà Bộ trưởng Tài Chánh Janet Yellen trước Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện và Ủy ban Tài Chánh Hạ Viện về tài khóa 2023 của chính quyền Biden, các đề nghị về thuế cũng tương tự:
– tăng tỷ lệ cao hơn đối với lợi tức cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và thu nhập lãi vốn;
– tăng tỷ lệ lên thuế đánh trên tài sản thừa kế, nói nôm na là đánh thuế trên cái chết
– mở rộng cơ sở của Thuế thu nhập đầu tư ròng (NIIT) để áp dụng cho thu nhập chuyển đổi chủ động và làm cho giới hạn tổn thất kinh doanh chuyển đổi chủ động trở thành vĩnh viễn;
– những thay đổi lớn đối với thuế quốc tế; và,
– một danh sách các loại thuế tối thiểu mới dành cho cá nhân, doanh nghiệp và tập đoàn quốc tế.
– Một yếu tố tăng thu khác bao gồm giá cả do chính phủ quy định đối với một số loại thuốc theo toa, được thực thi bằng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo nhận xét của các chuyên gia kinh tế, thì
a) – Chỉ riêng việc tăng thuế trong kế hoạch Build Back Better của Biden sẽ làm giảm GDP dài hạn 0,5% và việc tăng thuế trong ngân sách, bao gồm thuế suất doanh nghiệp là 28% , tăng lên từ 21% dưới thời ông Trump, và các thay đổi về thuế quốc tế, sẽ càng làm nản lòng các doanh nghiệp đầu tư trong nước và làm giảm năng lực sản xuất của Hoa Kỳ. Ví dụ, tăng thuế doanh nghiệp lên 28% sẽ làm giảm GDP dài hạn 0,7% và loại bỏ ít nhất là 138.000 việc làm.
b) – Mức độ tăng thuế là chưa từng có. Cơ quan thuế vụ ước tính kế hoạch Build Back Better sẽ tăng tổng thu 1,7 nghìn tỷ đô la trong thập niên tới, gồm có:
– 470 tỷ đô la từ những thay đổi về thuế doanh nghiệp và quốc tế;
– $516 tỷ từ những thay đổi về thuế cá nhân (không kể thuế của tiểu bang và địa phương);
– $517 tỷ từ các khoản tăng doanh thu khác; Và,
– 148 tỷ đô la từ việc tận thu với 87 ngàn đặc vụ thu thuế có võ trang.
c) – Ngân sách của Biden ước định rằng việc tăng thuế của kế hoạch Build Back Better khi có có hiệu lực sẽ thu thêm được 2,5 nghìn tỷ đô la , gồm có 1,6 nghìn tỷ từ các thay đổi về thuế doanh nghiệp và quốc tế, 780 tỷ từ các thay đổi về thuế cá nhân và 170 từ các khoản tăng thu khác.
Nhìn chung, ông Joe Biden đang đề nghị tăng tổng thu hơn 4 nghìn tỷ đô chủ yếu từ các loại thuế mới đối với các doanh nghiệp và cá nhân Hoa Kỳ, vượt quá mức tăng thuế mà ông đề nghị trong chiến dịch tranh cử năm 2020 là 3,7 nghìn tỷ đô la.
Tóm lại, trên giấy tờ, thì đúng là tăng thuế nhà giàu đấy, nhưng có tặng cho người nghèo được hay không thì phải xem kế hoạch tăng thuế sẽ đem lại kết quả như thế nào và có tác động gì thêm tới đời sống vốn đã khó khăn của những người nghèo như cô đây, với giá 1 vĩ trứng từ 99 cent lên tới 4 đô la đã thấy chới với, tiền thuế nhà từ 4 ngàn lên tới 6 ngàn cũng thấy khó thở, mà đây mới là thuế ở địa phương mà thôi!
Câu hỏi 3. –Nguồn gốc con cúm Vũ Hán
Mới đây, Bộ Năng Lượng Mỹ đã kết luận COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) có thể có nguồn gốc rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của Trung Cộng, nhưng Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã lên tiếng phủ nhận, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng nguồn gốc của COVID là một vấn đề khoa học và không nên bị chính trị hóa, đồng thời yêu cầu “các bên liên quan ngừng khuấy động cuộc tranh luận về ‘rò rỉ phòng thí nghiệm’”. Trung Cộng trong vấn đề này từ thời ông Trump tới giớ chưa bao giờ tỏ ra ngay thẳng và cung cấp tài liệu để truy ra nguyên nhân. Ông Trump tứ khi corona virus xuất hiện, trước sau như một, ông gọ nó là cúm Vũ Hán, còn đảng Dân Chủ thì nói rằng tuyên bố của ông Trump là kỳ thị, là tạo sư căng thẳng ngoại giao vơi Trung Cộng. Theo cô nhận xét những sự việc này rồi có đi tới đâu không? hay phải chờ đợi tới khi ông Biden không còn điều hành đất nước nữa mới tìm ra ánh sáng?
Nguyễn Thị Bé Bảy
Ngay từ đầu, không phải một mình ông Trump gọi con corona virus này là con cúm Vũ Hán, mà hầu hết các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cũng gọi là cúm Vũ Hán.
Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì, tất cả quay 180 độ, lên án ông Trump là kỳ thị, thậm chí vu khống rằng sở dĩ có phong trào kỳ thị dân gốc Á là do ông Trump gọi Covid là cúm Vũ Hán.
Bây giờ thì Bộ Năng Lượng cũng công nhận con virus cúm xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, ngay cả ông Giám Đốc FBI mới đây cũng nói như vậy.
Theo một bản tin của đài RFI vào ngày 17/5/2021
Dưới áp lực của vài chính phủ và tập thể các nhà khoa học, cơ quan Y Tế Thế Giới (WHO) rốt cuộc cũng có tổ chức một đoàn kiểm tra nhưng bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt mọi ý định điều tra về trách nhiệm của Viện Virus Học ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch, đều bị ngăn chận.
Nội dung của bản báo cáo về cuộc kiểm tra đã được thương lượng gắt gao với chính quyền Trung Quốc, cho rằng kịch bản virus truyền từ loài dơi sang người là khả tín nhất, còn vật trung gian thì chưa xác định được. Tuy nhiên không có dữ liệu nào chứng minh giả thuyết này, dù đã thực hiện mấy chục ngàn xét nghiệm. Ngược lại, giả thuyết một tai nạn từ phòng thí nghiệm bị bác bỏ hẳn, dù chỉ đơn thuần dựa trên sự khẳng định của chính quyền Bắc Kinh và giám đốc nghiên cứu trực tiếp liên quan là bà Zeng Li Shi.
Bản báo cáo rõ ràng là không khách quan mà ngay từ hôm công bố đã bị chính tổng giám đốc WHO chỉ trích (!), đã khởi đầu một sự thay đổi quan điểm trong giới khoa học. Cụ thể là một lá thư đăng trên tạp chí uy tín « Science » được 18 chuyên gia nổi tiếng nhất ký tên, trong đó có 13 giáo sư thuộc các trường đại học danh giá của Mỹ. Cho dù phải theo phong cách trung lập về chính trị trên các tạp chí khoa học (mỉa mai thay, Trung Quốc thì tha hồ phát tán thông tin), các tác giả xác quyết rằng giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm rất đáng tin cậy, cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Tiếp theo các lá thư ngỏ gởi đến WHO từ các tập thể khoa học ít nổi tiếng hơn, bài viết này đã phá vỡ « luật im lặng » do các nhóm gây áp lực thân Trung Quốc áp đặt, với sự thông đồng của các tạp chí y sinh học lớn. Các tờ này đã đăng những bài mỉa mai xu hướng nghi ngờ giả thuyết virus truyền qua loài vật, cáo buộc « thuyết âm mưu » và những bài viết trả lời đều bị kiểm duyệt chặn lại.
Vì sao nhiều nhà khoa học bênh vực Viện Virus Vũ Hán ?
Có nhiều lý do. Trong số những người bênh vực Viện Virus học Vũ Hán hăng hái nhất, có Peter Daszak, một nhân vật nhiều ảnh hưởng, đứng đầu tập đoàn Ecohealth Alliance vốn cùng nghiên cứu với ê-kíp Zeng Li Shi từ năm 2014. Điểm đáng chú ý : ông này là thành viên người Mỹ duy nhất trong phái đoàn Tổ chức Y tế Thế giới đến Trung Quốc ! Bên cạnh đó còn có giáo sư Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cơ quan đã tài trợ 3,7 triệu đô la cho Ecohealth Alliance.
Mới đây ông Fauci đã bị các thượng nghị sĩ Cộng Hòa chỉ trích dữ dội vì những tuyên bố dối trá một cách vụng về. Thực tế các tài trợ này được dùng để làm các thí nghiệm nhằm tạo ra các biến thể độc hại hơn virus corona tự nhiên để nghiên cứu sự nguy hiểm của chúng đối với con người. Việc tài trợ đã bị chính quyền Donald Trump chận đứng vào tháng 5/2020, trên cơ sở thông tin tình báo nhấn mạnh việc virus thoát khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán đã gây ra đại dịch.
Quyết định của ông Trump gây giận dữ cho nhiều nhà khoa học (trong đó có 77 giải Nobel). Rất có thể là vì họ ủng hộ đảng Dân Chủ (vốn có quan hệ làm việc với Trung Quốc vì Bắc Kinh tuyển mộ nhiều). Từ đó đến nay, Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn giữ quan điểm của mình về giả thuyết phòng thí nghiệm.