Chương Trình “Những Điều Trông Thấy” với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy vào chiều Thứ Sáu 23-6-2023

TIẾNG LÒNG NGƯỜI

Chương Trình “Những Điều Trông Thấy”
với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy

Anh Huy và Dũng Nghiêm phụ trách

trên Đài Phát Thanh Sàigòn- Dallas, làn sóng 1160 AM

lúc 3:30pm – 4:00 pm (Giờ Miền Đông)

Friday, June 23,  2023

– Hunter Biden nhận tội

– Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bộ Tứ Kim Cương

– Trung Cộng đặt căn cứ quân sự tại Cuba

Câu hỏi 1.

Khi tin tức lan truyền hôm 20/6 về thỏa thuận mặc cả nhận tội của Hunter Biden với các công tố viên liên bang, nhìn chung đa số các ứng viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự tức giận và thất vọng với hệ thống tư pháp Mỹ. Cựu Tổng thống Donald Trump viết trên Truth Social: “Wow! Bộ Tư pháp hủ bại của Biden vừa mới xóa sổ hàng trăm năm trách nhiệm hình sự bằng việc trao cho Hunter Biden chỉ một ‘vé thông hành’. Hệ thống của chúng ta đã bị PHÁ VỠ!”

Hunter Biden (nhận 2 tội danh) và Tổng chưởng lý Merrick Garland được nhìn thấy tại yến tiệc tiếp đãi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào thứ Năm, ngày 23 tháng 6 năm 2023.- Getty Images

Một số ứng viên tổng thống khác của Đảng Cộng Hòa như cựu Phó Tổng Thống Mike Pence, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie đã lựa chọn im lặng về thỏa thuận nhận tội của Hunter Biden.Cô nhận xét việc này ra sao?

Đáp:

Với những bằng chứng không thề chối cãi, nên Hunter Biden phải nhận tội để Bộ Tư Pháp của Biden dễ ăn nói với dư luận. Hunter nhận 2 tội danh trốn thuế trong 2 năm 2017, 2018 trong lúc Hunter có lợi tức là 1 triệu 500 ngàn mỗi năm và phải nộp thuế cho liên bang là 100 ngàn mỹ kim mỗi năm, đây chỉ là 2 tội tiểu hình, có thể bị tù 2 năm nhưng cũng có thể chỉ bị quản thúc (probation) Về tội sở hữu súng trong lúc nghiện ma túy là tội đại hình có thể bị tù đến 10 năm thì cũng có thể được giảm khinh sau khi điều đình. Tóm lại, đây là đòn giơ cao đánh khẻ đối với Hunter Biden.

Ông Tổng Trưởng Tư Pháp Garland rất khôn khéo đã tuyên bố là ông để cho Công Tố Viên David Weiss ở thế độc lập để điều tra Hunter Biden, được biết ông David Weiss là do TT Trump bổ nhiệm.

Cũng như đối với các vụ điều tra về cựu Tổng thống Donald Trump, Tổng  Trưởng Tư Pháp Garland cố tình tránh xa cuộc điều tra về Hunter Biden, và nói với Quốc Hội rằng ông ta chưa bao giờ thảo luận vấn đề này với Tổng Thống Biden.

Trong một lá thư gửi lên tòa án liên bang Delaware, văn phòng công tố viên David Weiss cho biết Hunter Biden đã thỏa thuận trước khi xét xử về tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp.Theo một thỏa thuận như vậy, các công tố viên thường bỏ qua cáo buộc nếu bị cáo tuân thủ các chương trình giáo dục hoặc điều trị sức khỏe tâm thần. Văn phòng công tố đồng ý đề nghị một bản án quản thúc probation  như một phần của thỏa thuận nhận tội. Một thẩm phán cuối cùng sẽ quyết định bản án như thế nào.

Thỏa thuận nhận tội của Hunter Biden được đưa ra sau khi Cố Vấn Đặc Biệt Jack Smith truy tố cựu Tổng thống Donald Trump, trong một bản cáo trạng gồm 37 tội danh, cáo buộc cựu tổng thống đã giữ và che giấu một cách bất hợp pháp các tài liệu mật của chính phủ, khiến một số chính trị gia đảng Cộng Hòa  cho rằng truy tố của Bộ Tư Pháp nhắm vào ông Trump là một bằng chứng của “hệ thống tư pháp hai tầng”.

Trong khi đó, các chính trị gia đảng Dân Chủ như Dân Biểu Chris Coons của Delaware cho rằng Hunter Biden, được một công tố viên do ông Trump bổ nhiệm thực hiện điều tra và truy tố, và sự độc lập của Bộ Tư Pháp,  FBI, trong vụ này cho thấy tính công minh và sự thượng tôn pháp luật!

Tuy nhiên, trong cuộc điều trần của ông John Durham tại Hạ Viện vào ngày 21/6, đã cho thấy điều ngược lại. Ông Durham trình bày rằng lẽ ra, FBI không cần phải mở cuộc điều tra về cái gọi là “thông đồng Nga -Trump” và sau vụ này, thì uy tín của FBI cần phải có thời gian để phục hồi.

Special Counsel John Durham speaking at a hearing of the House Judiciary Committee at the U.S. Capitol.ZUMAPRESS.com

Có thể, đảng Dân Chủ nhận ra là họ đã quá lộ liễu trên con đường vũ khí hoá và chính trị hoá Bộ Tư Pháp và FBI, nên nhân vụ Hunter Biden để chứng tỏ là họ không ngồi xổm lên hệ thống pháp luật 2 tầng do họ áp dụng.

Về thái độ im lặng của 2 ông Mike Pence và Chris Christie thì cũng dễ hiểu, những chính trị gia chuyên nghiệp một khi thấy có những điều không cần thiết phải lên tiếng thì họ giữ im lặng.

Câu hỏi 2.

Ngày 20/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước. Chuyến công du này được dự đoán là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia và giúp đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ.

Về cơ bản vẫn có sự khác biệt trong lập trường giữa Washington và New Delhi về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Ấn Độ đã không lên án Nga và kêu gọi cả hai bên giải quyết những khác biệt thông qua ngoại giao.

Ấn Độ vẫn phụ thuộc vào Moscow cho nhu cầu quốc phòng và thậm chí tăng mạnh nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga, khiến phương Tây thất vọng.

Cô nhận định làm sao về sự ảnh hưởng của Ấn Độ với Nga và Mỹ, và chuyến thăm này có đạt được mục đích nào của 2 bên không?

Đáp:

Theo nhận định riêng của cô, sự liên hệ giữa Ấn Độ và Nga không quan trọng bằng mối quan tâm của Ấn Độ đối với Trung Cộng. Trong những năm gấn đây, Ấn Độ và Trung Cộng đã có những xung đột về biên giới. 

Chúng ta cũng cần nhắc lại chuyến công du của TT Trump đến Ấn Độ vào tháng 2 năm 2020 đã được tiếp đón long trọng như thế nào.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫy tay chào sau sự kiện “Namaste Trump” tại Sân vận động Sardar Patel Gujarat, Thứ Hai, ngày 24 tháng 2 năm 2020, ở Ahmedabad, Ấn Độ. (Ảnh AP/Alex Brandon) – U.S. President Donald Trump and Indian Prime Minister Narendra Modi wave after a “Namaste Trump,” event at Sardar Patel Gujarat Stadium, Monday, Feb. 24, 2020, in Ahmedabad, India. (AP Photo/Alex Brandon)

TT Trump đã phục hồi sinh hoạt của Bộ Tứ Kim Cương gồm có Mỹ, Nhật, Ấn và Úc vốn được thành lập từ năm 2007, nhưng sau đó không còn nữa khi Úc rút lui cho tới khi ông Trump vào Bạch Ồc. Trọng tâm chuyến thăm viếng của Thủ Tướng Ấn Độ tại Bạch Ốc vừa qua chính là tiếp tục mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ trên phương diện thương mại và quốc phòng, với Ấn Độ thì là nhằm giảm áp lực của Trung Cộng, với Hoa Kỳ sẽ là giải quyết ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Cộng trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Chính quyền Biden cho biết các thỏa thuận sâu rộng sẽ được công bố về chất bán dẫn, khoáng sản thiết yếu, công nghệ, hợp tác không gian,  quốc phòng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong liên hệ giữa hai nước.

Một số thỏa thuận nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng. Hai nhà lãnh đạo sẽ ký kết thỏa thuận  cho phép hãng General Electric Co. sản xuất động cơ phản lực ở Ấn Độ để xử dụng cho máy bay quân sự của Ấn Độ.

Ngoài ra, các tàu của Hải Quân Hoa Kỳ trong khu vực sẽ có ghé vào các xưởng đóng tàu của Ấn Độ để sửa chữa theo thỏa thuận hàng hải đạt được giữa hai chính phủ.

Ấn Độ cũng mua máy bay không người lái vũ trang MQ-9B SeaGuardian do Hoa Kỳ sản xuất.

Các thỏa thuận cũng sẽ bao gồm kế hoạch trị giá 2,7 tỷ của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ Micron Technology, một công ty thử nghiệm và sản xuất chất bán dẫn mới, sẽ được xây dựng tại tiểu bang Gujarata, quê hương của ông Modi.

Kết hợp với các thỏa thuận về điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và nhiều thỏa thuận khác đã phát triển trong những tháng gần đây, chuyến thăm của ông Modi có thể khuyến khích nhiều công ty Hoa Kỳ đầu tư vào Ấn Độ.

Một điểm cần nói đến là các công ty nước ngoài đang chuyển các khoản đầu tư và các trụ sở chính của họ ra khỏi Hoa Lục khi niềm tin sụt giảm sau khi luật chống gián điệp của Trung Cộng được mở rộng và có thêm các thách thức khác từ  Bắc Kinh.,

Báo cáo của Phòng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu tại Hoa Lục cho biết  đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng bi quan đang gia tăng, bất chấp những nỗ lực của Đảng Cộng Sản cầm quyền nhằm khôi phục sự quan tâm đến nền kinh tế số 2 trên thế giới sau khi chấm dứt các biện pháp kiểm soát chống COVID.

Theo Phòng Thương Mại Châu Âu, các công ty không yên tâm về các biện pháp kiểm soát an ninh, sự bảo hộ của chính quyền Trung Cộng đối với các công ty Trung Quốc và thiếu hành động về lời hứa cải cách. Hơn nũa, kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và các chi phí gia tăng.

Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu, Jens Eskelund, nói rằng niềm tin kinh doanh ở Trung Quốc “gần như ở mức thấp nhất mà chúng tôi từng ghi nhận”. và không có kỳ vọng môi trường pháp lý sẽ thực sự được cải thiện trong vòng 5 năm tới,”

Trong tình trạng như thê, Ấn Độ sẽ là địa điểm lý tưởng để các công ty rời khỏi Hoa Lục nhắm tới!

Câu hỏi 3.

Chính phủ Hoa Kỳ, đang bày tỏ mối lo ngại của họ về các cơ sở quân sự mà Trung Cộng đề nghị ở Cuba sau khi hạ thấp sự tồn tại của các cơ sở đó trong những tuần gần đây.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ông đã nêu lên vấn đề này với giới lãnh đạo cộng sản Trung Cộng trong chuyến đi tới Bắc Kinh vào cuối tuần qua (ngày 18 và ngày 19/06).

Ông Blinken nói trong một cuộc họp báo hôm 20/06 ở London: “Đây là điều chúng tôi sẽ theo dõi rất, rất sát sao và chúng tôi đã rất rõ ràng về điều đó.”

Chúng tôi sẽ bảo vệ tổ quốc của mình. Chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình”.

Các bình luận nói trên của ông Blinken đề cập đến các bài báo cho biết Đảng Trung Cộng như một quốc gia độc đảng, đang nỗ lực phát triển một cơ sở gián điệp kiêm căn cứ huấn luyện quân sự ở Cuba, cách bờ biển Florida chỉ có  160 km.Chuyến công du hai ngày của ngoại trưởng này đến Trung Cộng đã không đạt được bước tiến quan trọng  nào, Xin mới cô cho biết ý kiến về những sự viẹc liên quan.

Đáp:

Thiết tưởng cần nhắc lại sự kiện lịch sử  khi Khrushchev đặt các giàn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử tại Cuba vào năm 1962, có khả năng tấn công  hầu hết các mục tiêu trên đất Hoa Kỳ. 

Theo tài liệu của Bách Khoa Toàn Thư tiếng Việt, sự việc này tiếng Anh gọi là Cuban Missile Crisis  là Khủng Hoảng tháng 10 tại Cuba, là cuộc đối đầu giữa Liên Xô – Cuba với Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1962 trong thời Chiến Tranh Lạnh. Vào tháng 9 năm 1962, Chính phủ Cuba và Liên Xô bắt đầu bí mật xây dựng các căn cứ trên đất Cuba để khai triển một số hoả tiễn đạn đạo hạt nhân tầm trung, có khả năng đánh trúng hầu hết các mục tiêu trên lục địa Hoa Kỳ. Hành động này xảy ra sau khi Hoa Kỳ đặt hỏa tiễn PGM-17 Thor trên đất Vương Quốc Anh vào năm 1958 và hoả tiễn Jupiter IRBM trên đất Ý và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1961; tổng cộng có hơn 100 hoả tiễn do Hoa Kỳ chế tạo có khả năng đánh trúng Mạc Tư Khoa bằng đầu đạn hạt nhân. Ngày 14 tháng 10 năm 1962, phi cơ do thám U-2 của Hoa Kỳ chụp những không ảnh cho thấy các căn cứ hoả tiễn của Liên Xô đang được xây dựng tại Cuba.

TT Kennedy sau khi họp với các cố vấn, đã phong toả chung quanh Cuba bằng các chiến hạm, đồng thời thông báo với Liên Xô rằng HKỳ sẽ không cho phép vũ khí tấn công được gửi đến Cuba và đòi hỏi Liên Xô phải tháo bỏ các căn cứ hoả tiễn đang được xây hay đã xây dựng xong tại Cuba và dẹp bỏ hết tất cả các loại vũ khí tấn công. Chính phủ của Tổng thống Kennedy không hy vọng  Điện Kremlin sẽ đồng ý với những đòi hỏi của họ và chờ đợi cuộc đối đầu quân sự. Về phía Liên Xô, Nikita Khrushchev viết một lá thư gửi cho Kennedy trong đó nói rằng việc Kennedy ra lệnh phong tỏa “giao thông trong vùng biển và không phận quốc tế là một hành động gây hấn đưa con người vào vực thẳm của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.” Fidel Castro khuyến khích Khrushchev mở một cuộc tấn công hạt nhân đánh  phủ đầu Hoa Kỳ.

Ngoài mặt, cả Xô Viết lẫn Hoa Kỳ đều tỏ ra không nhân nhượng trước những đòi hỏi công khai của nhau, nhưng tại các cuộc tiếp xúc bí mật sau hậu trường họ đưa ra một đề nghị giải quyết cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng kết thúc vào ngày 28 tháng 10 năm 1962 khi Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant đạt đến một thỏa thuận với Khrushchev là Liên Xô tháo bỏ các vũ khí tấn công và đưa chúng trở về nước dưới sự giám sát kiểm tra của Liên Hiệp Quốc để đổi lấy việc Hoa Kỳ đồng ý sẽ không bao giờ xâm chiếm Cuba và thỏa thuận sẽ rút các hoả tiễn Jupiter và Thor ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Anh Quốc. Cuộc khủng hoảng Cuba đã khai sinh ra đường dây nóng (hotline agreement) và đường dây nóng Moscow–Washington đã được thiết lập từ đó.

Qua sự kiện lịch sử này, bây giờ, không biết Trung Cộng sẽ đòi hỏi Hoa Kỳ phải nhượng bộ điều gì để đổi lấy việc rút khỏi Cuba?

Một dữ kiện mới xảy ra là ông Biden gọi Tập Cận Bình là độc tài và Trung Cộng yêu cầu ông Biden phải xin lỗi…!!!

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.