PHẦN 2 : TƯỞNG NHỚ “TRĂNG MỜ BÊN SUỐI” LÊ MỘNG NGUYÊN QUA CUỘC PHỎNG VẤN CỦA NHÀ VĂN HOÀNG LAN CHI

VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT

LTS: Ban Biên tập chúng tôi nhận được bài phỏng vấn của nhà văn Hoàng Lan Chi với nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đính kèm audio, mới biết được người nhạc sĩ tài danh Lê Mộng Nguyên đã có công đóng góp cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, vừa từ biệt cõi Ta Bà mộng huyển ra đi hơn 2 tuần qua.

Trong chúng ta những ai yêu nhạc mến thơ, có lẽ chẳng ai là không biết đến nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối, đúng hơn là một tuyệt tác phẩm, một tình khúc lãng mạng, nên thơ đã đi sâu vào lòng người.

Khi được hỏi về  nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối (TMBS) được xem như một dấu ấn cho âm nhạc Lê Mộng Nguyên, xin vui lòng cho biết nhạc phẩm này này đã ra đời vào hoàn cảnh nào? Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã trả lời Nhà văn Hòang Lan Chi : TMBS là một ca khúc viết ngày 13 tháng 11 năm 1949 tại Huế để đánh dấu một mối tình…”. Chính chất liệu yêu thương, đong đầy với bao kỷ niệm của một thời yêu người, đã tạo nên linh hồn tác phẩm trong từng cung bậc dòng nhạc Lê Mộng Nguyên, thấm sâu vào tâm hồn người nghe tưởng chừng như dòng tâm tư, hoài niệm của chính mình.

Bên cạnh Trăng Mờ Bên Suối, chúng ta còn được biết đến vô số những nhạc phẩm để đời khác nữa: Mừng Khánh Đản, Hướng Phật Đài, Giao Mùa, Cô Gái Huế, Chiều Vàng Bến Chợ, Bài Thơ Huế, Nhớ Huế, Yêu Anh Em Làm Thơ, Hồi Hướng,…

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên không chỉ phản ảnh giá trị trên lãnh vực văn học và nghệ thuật, mà còn cho người ta thấy trong ông có một tấm lòng yêu nước trung kiên với quốc gia dân tộc, qua lời khẳng định trong cuộc phỏng vấn với nhà văn Hoàng Lan Chi là ông chưa bao giờ về Việt Nam từ khi thể chế Cộng sản cầm quyền vào ngày 30-4-1975.

Để tưởng niệm người nhạc sĩ tài danh Lê Mộng Nguyên, chúng tôi xin chia làm 2 phần:

Phần 1: Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên Tiểu sử và Tác phẩm – (trích dẫn từ wikipedia)

Phần 2: Tưởng Nhớ “Trăng Mờ Bên Suối” Lê Mộng Nguyên Qua Cuộc Phỏng Vấn của Nhà văn Hoàng Lan Chi – (Chân thành cảm ơn nhà văn Hoàng Lan Chi đã cho độc giả Tiếng Lòng Ta nghe được tiếng nói của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên.

Xin đốt nén hương tưởng niệm Cố nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên.

NGUYỆN CẦU HỒNG ÂN CHƯ PHẬT THÙY TỪ GIA HỘ CHO HƯƠNG LINH NHẠC SĨ LÊ MỘNG NGUYÊN SỚM TIÊU DIÊU NƠI MIỀN LẠC CẢNH.

Hoàng Lan Chi viết: Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên thất lộc từ 19/5/2023 nhưng gia đình báo tin muộn. Xin được gửi lại bài HLC phỏng vấn Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên cho đài Việt Nam Hải Ngọai -DC vào khoảng 2008. Audio kỳ đó thu không hay vì thiếu mixer. (xin hoan hỉ bấm vào link dưới nghe trọn bộ cuộc phỏng vấn)

http://hoanglanchi.com/hoanglanchi/music/LeMongNguyen.mp3

 Hoàng Lan Chi: Kính thưa quý vị, chương trình Sáng Tác Mới kỳ này xin được dành để phỏng vấn Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. 

Hoàng Lan Chi: Xin mời Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên:  Xin chào quý thính giả của Đài phát thanh Việt Nam Hải Ngoại, chào chị Hoàng Lan Chi.

1) Hoàng Lan Chi:  Thưa Nhạc sĩ, được biết Nhạc sĩ đã trải qua nhiều thăng trầm… Vậy Nhạc sĩ có thể kể vắn tắt tình hình đất nước vào những năm Nhạc sĩ đủ lớn để chứng kiến và ghi nhớ ?
 
Nhạc Sĩ LMN Một cuộc đời giữa hai thế kỷ: tôi chỉ xin nhắc lại vài điểm ghi dấu trong kỷ niệm thiếu thời… là những ngày tôi còn ở nước nhà.  Lúc 14 tuổi, tôi đã chứng kiến cuộc đảo chánh của Nhật phát xít với mục đích loại trừ thực dân Pháp ra khỏi Đông dương, trong đêm 9 tháng 3-1945. Vua Bảo Đại lấy cơ hội này để chính thức cáo bãi hiệp ước bảo hộ 1884 và tuyên bố – với đồng ý của Nhật Bản – nước VN độc lập từ ngày 11 th. 3-1945 Sau khi  Nhật đầu hàng, chính phủ TTK vẫn tiếp tục đảm nhiệm thống trị quốc gia… nhưng phong trào cách mạng bùng nổ bởi các đảng phái từ nay được bỏ ẩn bí để tranh đấu giữa ban ngày cho độc lập  tự do nước nhà. Việt Minh đề khởi tổng khởi nghĩa  1945 và  ép uổng vua Bảo Đại phải thoái vị.  Ngày 25 th. 8-1945, tôi có mặt trước cửa Ngọ Môn (Huế), đặng chứng kiến nghi lễ  hoàng đế BĐ trao ấn kiếm nhà Nguyễn, cho hai đại diện của Hồ Chí Minh là Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đến từ Hà Nội. Lần đầu tiên tôi nghe giọng nói của vị vua An Nam cuối cùng… mà lòng buồn vô hạn. ..

2) Hoàng Lan Chi:  Thế vào những năm đó, âm nhạc VN đã trưởng thành bao lâu và những Nhạc sĩ nào vào thời gian đó có những sáng tác ảnh hưởng mạnh đến giới thanh niên ?
 
Nhạc sĩ LMN: Trong những năm 1939-1945, nền tân nhạc mới bắt đầu với những nhạc sĩ VN viết nhạc và lời bằng quốc ngữ (được báo Ngày Nay đăng tải) như Nguyễn Văn Tuyên,Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Thẩm Oánh… Sau đó, Thẩm Oánh đưa ra chủ trương nhạc VN thuần túy Á Đông và Dương Thiệu Tước chủ trương nhạc ảnh hưởng âm điệu Tây phương.

Trở lại những năm 1940-1945 tại VN (dưới chế độ Pétain), phong trào Phục Hưng được đề xướng với mục đích đào tạo thanh niên phải có một tinh thần mạnh mẽ trong một thân thể tráng cường  Việt Nam Bất Diệt  của Hoàng Gia Linh, Trên Sông Bạch Đằng của Hoàng Quí hay Tiếng Gọi Sinh Viên của Lưu Hữu Phước… LHP với Tổng Hội Sinh Viên (bài TGSV đổi thành Tiếng Gọi Thanh Niên và kết cục  là Tiếng Gọi Công Dân  được nhà cầm quyền miền Nam-Dân chủ Tự Do dùng làm quốc ca), đã làm nổi bật những trang sử oanh liệt nước nhà trong nhiều bài: Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Nam Tiến, Hát Giang Trường Hận… và những bài hùng mạnh đúng với tinh thần hướng đạo như: Lên Đường, Gọi Đoàn, Bạn Đường, Thiếu Sinh Hành Khúc, Thiếu Nữ VN, Khúc Khải Hoàn, vân vân.

Xin nhắc: bài Vó Ngựa Giang Hồ của Lê Mộng Nguyên viết năm 1948 và bài Mồng Tám Tháng Tư-Mừng Khánh Đản của LMN có thể xếp vào loại nhạc hùng đã  ảnh hưởng nhiều thanh thiếu niên nói chung và thanh thiếu niên Phật tử nói riêng…

3) Hoàng Lan Chi: Thưa Nhạc sĩ  học nhạc với ai và từ bao giờ ? Rồi nhạc phẩm đầu tay là gì, vào năm nào, xuất phát từ cảm hứng nào ?
 
Nhạc sĩ LMN: Tôi đến với âm nhạc qua sự nổi tiếng về thi văn từ thuở ấu thơ. Anh Trần Kim Ngọc, một người bạn  thấy tôi giỏi Việt văn, nhờ tôi viết lời cho những bản nhạc anh sáng tác. Tôi chưa biết đàn mà cũng không biết nhạc. Anh Ngọc dạy cho tôi đàn mandoline cùng vài sơ lược về solfège và bán rẻ cây đàn của anh. Từ đó, tôi hăng say viết nhạc lẫn lời qua cây đàn này và sau đó qua vĩ cầm và nhất là Tây Ban cầm. Tuy  chưa biết nhạc lý lúc đầu, nhưng cố gắng tự học qua những bản nhạc tiếng tăm của Lưu Hữu Phước, Văn Cao (về nhạc hùng) và Đặng Thế Phong, Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Giác… (về nhạc buồn, lãng mạn)…

Xuân Tươi  nhạc phẩm đầu tay của tôi được làm qua đàn mandoline lúc tôi chưa đầy 15 tuổi. Lúc tôi mới làm xong, có đàn ngay cho bạn Tôn Thất Niệm nghe. Bài này được đăng trên báo Quốc Gia  dưới biệt hiệu Lan Đào…

4) Hoàng Lan Chi:  Được biết Nhạc sĩ sang Pháp rất sớm, từ 1950. Lúc đó, tình hình VN ra sao thưa Nhạc sĩ, lý do nào Nhạc sĩ bỏ nước ra đi và sang Pháp với tính cách gì ?

Nhạc sĩ LMN:  Tôi từ giã Huế cuối tháng 9-1950 vào Saigon ở lại khoảng một tuần để gặp ca nhạc sĩ Thu Hồ và lên Đài PT Pháp Á (Radio France Asie) trình bày với anh Lê Mộng Hoàng : Hoàng Hoa Thôn, Trăng Mờ Bên Suối, Nhớ Huế, Bài Thơ Huế, rồi từ Sài Gòn lấy máy  bay qua Paris  (phi trường Orly) ngày 5 th.10-1950. Tôi qua Pháp với tính cách sinh viên du học…

5) Hoàng Lan Chi:  Nhạc phẩm Trăng Mờ Bên Suối coi như một dấu ấn cho âm nhạc Lê Mộng Nguyên, Nhạc sĩ vui lòng cho biết hoàn cảnh ra đời của bản nhạc này và vào năm nào, ai là người hát đầu tiên để đưa TMBS đến với đồng bào ?
 
Nhạc sĩ LMN: TMBS là một ca khúc viết ngày 13 tháng 11 năm 1949 tại Huế để đánh dấu một mối tình. Linh tính một sự đau khổ trong tương lai vì phải rời quê cha đất tổ qua năm sau cùng với óc tưởng tượng dồi dào của một người thi nhạc sĩ đã làm cho tôi biến hóa những cuộc gặp nhau.. thành một gặp gỡ cuối cùng bên bờ suối dưới ánh trăng mờ, mà ngay hoa lá cũng động lòng nức nở khóc nỗi chia ly: Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ. Viết xong, tôi quyết định gửi qua đường bưu điện cho danh ca Thu Hồ của Đài PT Pháp Á ở Sài Gòn, và người ca nhạc sĩ lẫy lừng hồi ấy  đã hát ngay một tuần sau trên Đài. Sau đó, tất cả nam hay nữ ca sĩ nổi tiếng ai cũng hát và cho vào đĩa ít nhất một lần bài TMBS

6) Hoàng Lan Chi:  Ý kiến của các Nhạc sĩ đàn anh về TMBS ra sao, thưa Nhạc sĩ ?
 
Nhạc sĩ LMN:  Rất khó trả lời câu hỏi này ! vì lúc TMBS được nổi tiếng thì tôi đã từ giã quê hương, du học và sinh sống ở Paris, không có dịp đọc báo bên nhà ; nhưng qua thư từ của gia đình, bạn hữu  và nhất là của ca nhạc sĩ Thu Hồ  tôi biết là ý kiến của các nhạc sĩ đàn anh hồi ấy đối với tôi nói chung và TMBS nói riêng, rất là tốt đẹp. Cách đây không lâu, trong Tuần Báo VN ngày 6 th. 8-2004, nhạc sĩ, văn sĩ Nguyễn Đình Toàn có viết về TMBS như sau: Một trong những bài hát có thể coi là điển hình một thời nhạc lãng mạn của chúng ta, được in trong ‘’Tuyển Tập 100 Ca Khúc Tiền Chiến’’ là bài TMBS của Lê Mộng Nguyên… Nhớ lại những ngày chiến tranh lan tràn, sắp tới lúc hiệp định Genève được ký kết, cả đất nước dường lênh đênh chưa biết rồi sẽ trôi giạt về đâu, cũng là lúc người ta được nghe trên khắp các đài phát thanh Hà Nội, Huế, Pháp Á, Sài Gòn… bài TMBS qua giọng hát hầu hết các danh ca của chúng ta thời bấy giờ: Tâm Vấn, Minh Đỗ, Ngọc Bảo, Minh Trang, Ngọc Hà, Minh Diệu, Mạnh Phát, Anh Ngọc v.v… Nhạc như một nỗi khát khao tìm về một nơi yên ấm mà thực tế lúc nào cũng như đe dọa lấy mất. Cái chốn hạnh phúc có thể nương náu ấy dường như chỉ còn là, chỉ tồn tại trong mơ ước.

7) Hoàng Lan Chi:  Sống ở Pháp, Nhạc sĩ lấy nguồn cảm hứng từ đâu để viết nhạc Việt vì thời xưa chưa hề có net để không gian hầu như không còn biên giới ?
 Nhạc Sĩ LMN:  Trong những năm đầu ở Paris, tôi luôn tưởng nhớ quê hương và vẫn sáng tác nhạc được. Tôi gửi về VN và các nam nữ danh ca tiếp tục trình bày nhạc của tôi

8) Hoàng Lan Chi:  Trước 1975, những nhạc phẩm viết từ Pháp của Nhạc sĩ, được những ai tiếp tay phổ biến trong nước ? Nếu phải nói lời cảm ơn, Nhạc sĩ muốn nhắc đến ai ?
 Nhạc Sĩ LMN Thu Hồ ! Cách đây 5 năm, được tin nhạc sĩ, thi sĩ và ca sĩ Thu Hồ vừa từ trần ngày 19 tháng 5-2000 tại Santa Ana  hưởng thọ 81 tuổi, tôi có viết một bài trên Nghệ Thuật số 76, th. 7-2000, có đoạn sau:… Từ lúc tôi từ giã quê hương và đặt chân trên đất Pháp ngày 5 th.10-1950, Thu Hồ tiếp tục trình bày những bài tôi gởi cho anh từ Paris vì suốt mấy năm sau (1951-1952) tôi vẫn sáng tác dồi dào lúc đầu ở kinh thành hoa lệ…: Xuân Tha Hương, Lá Thư Cho Mẹ, Bên Dòng Sông Seine, vân vân. Thu Hồ thương mến nhạc tôi, muốn biết ai là người đã làm cho tôi hứng cảm sáng tác những bài nhạc lãng mạn và nhung nhớ ?… Thu Hồ là người đại diện cho tôi với các nhà xuất bản như Ái Hoa, Tinh Hoa, Á Châu và An Phú… tại VN đã phát hành một phần lớn nhạc phẩm của tôi mà qua đài phát thanh và giọng hát truyền cảm của Thu Hồ, được lừng danh rất sớm vì đánh trúng con tim và tâm hồn lãng mạn của thanh thiếu niên (từ thế hệ này qua thế hệ khác)… Tôi với Thu Hồ thật là có duyên nợ trong cuộc đời này và những dòng chữ viết ra đây là để tặng hương hồn một người bạn, một người anh cả kính mến vừa vĩnh viễn ra đi…

9)) Hoàng Lan Chi:  Từ sau 1975, có lần nào Nhạc sĩ về Việt Nam, và cảm tưởng ra sao ?

 Nhạc Sĩ LMN:  Từ ngày 30 Tháng Tư 1975, không có lần nào tôi về thăm Việt Nam. Nhiều người hỏi tại sao ?  Để trả lời, tôi xin nhắc lại đây  – một lần nữa – câu tuyệt tác mà VICTOR HUGO đã nói  (năm 1859) đặng từ chối quyết định đại ân xá của bạo tàn Napoléon Đệ Tam: Trung thành với giao ước mà tôi đã ký kết với lương tâm, tôi sẽ chia xẻ đến tận cùng cái kiếp lưu vong của tự do. Ngày nào tự do được hồi phục, ngày ấy tôi sẽ trở lại cố hương. Nhà đại thi hào và chính khách Pháp thật là một gương mẫu vẹn toàn cho trí thức văn nghệ sĩ VN hải ngoại.

10) Hoàng Lan Chi:  Giai đoạn sáng tác hưng thịnh nhất của Nhạc sĩ là những năm nào ?

Nhạc Sĩ LMN:Từ 1948-1949 đến năm 1957 là giai đoạn hưng thịnh nhất trong việc sáng nhạc của tôi… nhất là trong năm 1950 !. Tổng số những sáng tác nhạc của LMN từ 1945 đến nay hơn một trăm bài.  Ngoài: Trường Ca Quân Tiến, Vó Ngựa Giang Hồ, Việt Nam Thắm Tươi…vân vân mà chúng ta có thể xếp vào hạng nhạc hùng, tất cả những bài khác đều thuộc về nhạc tình cảm, lãng mạn.

11) Hoàng Lan Chi:  Nếu có một lời chúc cho âm nhạc Việt Nam nói chung, hải ngoại nói riêng, Nhạc sĩ  sẽ có lời gì ?
 
Nhạc Sĩ LMN
: Ca khúc VN muốn đạt được tối đa của siêu quần, cần phải chứa đựng hồn thơ và ý nhạc, rung động quả tim của mỗi một người. Nhạc sĩ muốn phụng sự Âm Nhạc cần phải được tự do tư tưởng và tự do phát biểu…  Đó là một điều kiện tối thiểu cho những tâm hồn cao nhã, hứng cảm những bài hát để lại cho đời… Đó cũng là một lời chúc chân thành của tôi.

Hoàng Lan Chi cảm ơn và xin chúc Nhạc sĩ cùng quí quyến mọi sự an khang. Và cũng mong những lời chúc của Nhạc sĩ cho âm nhạc trong và ngoài nước và ước nguyện cho Việt Nam sẽ sớm thành sự thực.
 
Nhạc sĩ LMNXin cảm ơn Hoàng Lan Chi. Xin tạm biệt đồng bào thương quí, hẹn một ngày sau !

Hoàng Lan Chi: trước khi chúc sức khỏe và nói lời tạm biệt, HLC xin mời quý thính giả nghe một nhạc phẩm mới của NSLMN. Đo là bài Giam Mứa, phổ thơ PN.

PHẦN 1: https://tienglongta.com/2023/07/04/nhac-si-le-mong-nguyen-tieu-su-va-tac-pham/

One thought on “PHẦN 2 : TƯỞNG NHỚ “TRĂNG MỜ BÊN SUỐI” LÊ MỘNG NGUYÊN QUA CUỘC PHỎNG VẤN CỦA NHÀ VĂN HOÀNG LAN CHI

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.