
NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY: Chiến dịch phản công của Do Thái vào Gaza ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ?
Chương Trình “Những Điều Trông Thấy”
với cựu Đại Úy Nguyễn Thị Bé Bảy
Anh Huy phụ trách
trên Đài Phát Thanh Sàigòn- Dallas, làn sóng 1160 AM
lúc 3:30pm – 4:00 pm (Giờ Miền Đông)
Friday Oct 27, 2023
Câu hỏi: Chiến dịch phản công của Do Thái vào Gaza ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ?
Mối quan tâm ngày càng tăng về việc sở hữu súng của những người Mỹ gốc Do Thái đó mâu thuẫn với lập trường điển hình của cộng đồng này, một cộng đồng vốn xem việc sở hữu súng là điều cấm kỵ. Ông Hank Sheinkopf, một giáo sĩ Chính Thống Giáo, nói với NBC News, “Xét về mặt lịch sử, phần lớn người Do Thái trong nước đều theo chủ nghĩa tự do thiên tả, ủng hộ cải tổ về súng, ủng hộ kiểm soát súng, và phản đối việc sở hữu súng cá nhân.”
“Việc người Do Thái mang súng bên mình là một việc không bình thường,” ông nói. Nhưng giờ đây, quan điểm cho rằng Hoa Kỳ là “nơi duy nhất trên thế giới nơi người Do Thái được an toàn, sắp không còn đúng nữa.” Nhiều người Mỹ gốc Palestine đang phản đối chính phủ Mỹ ủng hộ Do Thái. Cô nhận xét cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ, hiện thời đã có quá nhiều xáo trộn rồi? Trong khi Tổng Thống Joe Biden lo ngại chiến dịch trên bộ vội vã của Israel ở Dải Gaza có thể làm thiệt mạng hàng chục nghìn người.
Đâp
Sự kiện nhiều người Palestine phản đối chính phủ Mỹ ủng hộ Do Thái là điều đương nhiên, họ phải làm như vậy. Nhưng điểm mấu chốt ở đây, là Do Thái bị Hamas tấn công trước và người Do Thái có quyền tự vệ. Còn tự vệ bằng cách nào thì chúng ta đang chứng kiến, là một cuộc phản công toàn diện nhắm vào dải Gaza.
Khi chiến tranh đã nổ ra rồi, thì sự thiệt hại nhân mạng là điều tất nhiên không tránh khỏi, cho dù ông TT Biden có lo ngại hay không thì bây giờ cũng đã muộn màng.
Nếu ông Biden không kích động chiến tranh bằng chính sách ngoại giao bãi bỏ cấm vận Iran, tháo khoán và tái viện trợ hàng trăm triệu mỹ kim cho chính quyền Palestine trong lúc Hamas là lực lượng đang điều hành chính phủ, số tiền viện trợ gọi là để lo các vấn đề nhân đạo cho người dân Palestine, nhưng ngay cả chính phủ Biden cũng không biết nó có đến tay của người dân Palestine hay không? hay là một khi đã vào tay của Hamas thì họ sẽ sử dụng cho mục đích tối hậu của họ là tiêu diệt Do Thái?
Khi khủng bố Hamas mở cuộc tấn công vào Do Thái, giết chết những người dân vô tội đang xem nhạc hội, chặt đầu trẻ con, hãm hiếp phụ nữ, bắt cóc nhiều người làm con tin, còn đe dọa sẽ xử tử các con tin trước ống kính truyền hình cho thế giới nhìn thấy, vậy thì họ có nghĩ đến hậu quả như bây giờ hay không?
Bây giờ, Do Thái bị đặt vào tình trạng bắt buộc phải tự vệ bằng mọi cách và bằng mọi giá, thì ông Biden còn làm được gì, ngoài lời kêu gọi Do Thái hãy hoãn lại việc phản công vào Gaza và đi nghỉ cuối tuần tại bãi biển Delaware?
Cũng cần nói thêm, là các căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Iraq và Syria đã bị 19 cuộc tấn công trong 10 ngày qua, nghĩa là trong khi vợ chồng ông Biden đi dạo trên bờ biển vào ngày Chủ Nhật 22 tháng 10, thì cac căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Trung Đông đang bị tấn công.
Về một khía cạnh khác, như Anh Huy vửa hỏi là cuộc chiến này có ảnh hưởng thế nào tới nước Mỹ trong khi nội tình Hoa Kỳ đã có nhiều xáo trộn?
Thì đây:
Thứ nhất, Hoa Kỳ tiếp tục bị xuất huyết về tài chánh, viện trợ Do Thái song song với viện trợ Ukraine. số tiền sẽ lên đến hàng chục tỷ mỹ kim.
Thứ hai, chưa nói đến Đài Loan, hiện nay Trung Cộng đang gây hấn với Phi Luật Tân tại Biển Nam Hải.
Vào ngày 22 tháng 10 khi Hải Quân Phi Luật Tân thực hiện chuyến tàu tiếp tế thường lệ tới Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa, nơi quân đội nước này đang đồn trú trong xác của một chiếc tàu mắc cạn dùng để xác minh chủ quyền lãnh hải, vì Bãi Cỏ Mây nằm trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân..
Phía Trung Cộng đã cử tàu hải cảnh và các tàu dân quân biển để ngăn chặn. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có Bãi Cỏ Mây; do vậy, đã liên tiếp ngăn cản các nỗ lực tiếp tế của Phi Luật Tân.
Tàu của 2 bên đã chạm trán với nhau, nhưng không gây thiệt hại.
Cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố có lời lẽ mạnh mẽ để chỉ trích đối phương và tung ra các đoạn phim để ủng hộ việc tố cáo của mình. Hôm 23/10, chính phủ Philippines đã gặp đại sứ Trung Cộng để bày tỏ quan điểm về bãi cạn san hô đang tranh chấp.
Bà Teresita Daza, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Philippines dùng tên Philippine để gọi bãi cạn này: “Bãi cạn Ayungin là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng tôi và chúng tôi có quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với bãi cạn đó”. Bà mô tả hành động của Tàu Tuần Duyên Trung Cộng là “bất hợp pháp, nguy hiểm, khiêu khích và đáng trách”.
Đáp lại, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã đưa ra một tuyên bố hôm 22/10, tố cáo các tàu Philippines xâm nhập vào vùng biển “Ren’ai Jiao”, tên Trung Quốc để gọi Bãi Cỏ Mây, và “đụng chạm nguy hiểm” với các tàu tuần duyên Trung Cộng tại hiện trường. Phát ngôn viên này kêu gọi Philippines xem xét nghiêm túc những lo ngại của Trung Quốc, “ngưng gây rắc rối và khiêu khích trên biển”.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng sự chạm trán mới nhất giữa Trung Cộng và Philippines, xảy ra sau một loạt các cuộc đối đầu giữa hai bên trong những tháng gần đây, phản ảnh mức độ gây hấn ngày càng tăng từ Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp vào thời điểm Hoa Kỳ đang chú tâm vào các cuộc chiến tranh tại Trung Đông và Ukraine.
Ông Collin Koh, một Học Giả Quốc Phòng tại Trường Nghiên Cứu Quốc Tế của Tân Gia Ba cho rằng: “ Trung Cộng đã nhìn thấy cơ hội để xem Hoa Kỳ có thể giúp Philippines đẩy lùi Trung Cộng tại Biển Đông ở mức độ nào, vào thời điểm Hoa Kỳ đang bận rộn và tốn phí rất nhiều vào cuộc xung đột ở Ukraine. và nay thì có thêm Trung Đông.
Chính quyền Biden trong những ngày sắp tới còn sẽ đương đầu với những chiêu đòn của Trung Cộng tại Đài Loan cũng như đã làm ở Biển Nam Hải.