EM BÉ CÚNG DÀNG NẮM CÁT ĐƯỢC PHẬT THỌ KÝ ĐỜI SAU LÀM VUA TÊN A DỤC

PHẬT PHÁP

A Dục Vương Đại đế  ( Ashoka Đại đế) –  via Wikipedia 

Toàn Không

MỤC 1: ĐỨC PHẬT THỌ KÝ:

Một lần Đức Phật trú tại vườn Ca lan Đà thuộc thành Vương Xá, nước Ma Kiêt Đà. Một hôm trong khi Ngài đi khất thực, có hai em bé đang bốc cát chơi đùa. Khi chúng trông thấy Đức Phật đi tới, một em cầm nắm cát và nghĩ thầm:

Mình đem cát này cúng dàng cho Sa-Môn”.

Nghĩ rồi em bé liền đem nắm cát ấy bỏ vào bình bát của Đức Phật và nói:

– Con muốn được làm vua!

Rồi em bé chạy đi, bấy giờ Đức Phật mỉm cười, Tôn giả A nan Đà thấy thế liền thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn, do nhân duyên gì mà tự nhiên Ngài mỉm cười, xin Ngài nói cho con hiểu.

Đức Phật bảo:

– Đúng thế, vừa rồi Ta mỉm cười là có nhân duyên: “Sau khi Ta diệt độ khoảng hơn một trăm năm sau, em bé vừa rồi cúng dàng nắm cát cho Ta, đời về sau sẽ làm vua tại thành Ba liên Phất, thống lãnh một phương rộng lớn. Vua ấy họ Khổng, tên A Dục, đem chính pháp cai trị giáo hóa nhân dân, lại còn cho xây tám vạn bốn nghìn Tháp Pháp Vương để phân bố rộng rãi Xá lợi của Ta và đem lại sự an vui cho vô lượng chúng sinh”. Này A Nan, thầy hãy đem cát cúng dàng trong bình bát này rải ra trên đường Ta kinh hành.

Tôn-giả A nan Đà vâng lời, liền mang cát trong bình bát của Phật rải trên đường đi để Phật đi qua.

Khoảng hơn một trăm năm sau, tại thành ấp xứ Maurya là Ba liên Phất, miền Bắc Ấn Độ, có Vua hiệu là Nguyệt Hồ, vị Vua ấy có con tên là Tần Đầu Ba La sau nối ngôi Vua, Vua sau có con tên là Tu sư Ma. Thời vua sau, nước Chiêm Bà có một thiếu nữ Bà la Môn rất xinh đẹp, nàng là trân bảo. Các nhà tướng số đều nói rằng: “Nàng sẽ là Vương Phi và sẽ có con thống lãnh thiên hạ”.

Bà la Môn cha của thiếu nữ, nghe các thầy tướng nói như vậy vui mừng, liền sắm sửa, trang điểm cho con gái, trông càng xinh đẹp hơn. Bà la Môn liền đưa con gái đến thành Ba liên Phất, tiến cử con gái vào cung Vua, các bà Phu nhân và Cung nữ thấy người con gái ấy liền nghĩ rằng: “Thiếu nữ này quá đẹp, đoan chính, đúng là trân bảo của đất nước, nếu nhà Vua say đắm nàng, nhà Vua sẽ thờ ơ với chúng ta” Nghĩ như vậy, nên họ đồng lòng ép thiếu nữ ấy học nghề thợ cạo, sau khi học xong nàng sẽ lo việc cắt tiả râu tóc cho Vua. Một hôm, đang cắt tiả râu tóc, Vua Tần Đầu Ba La hỏi cô gái:

– Cô ước mơ điều gì?

Thiếu nữ nói:

– Thiếp chỉ mong Đại Vương để tâm đến thiếp.

Lúc ấy Vua bảo:

– Ta là Vua dòng Sát Lợi, còn nàng là thợ cạo dòng hạ liệt, làm sao ta thương tưởng nàng được?

Thiếu nữ thưa:

– Thiếp chẳng phải là con dòng hạ tiện, thiếp sinh trưởng trong dòng Bà la Môn qúy tộc, các nhà tướng số nói với cha thiếp rằng: “Cô gái này nên gả cho Vua, vì thế nên thiếp mới đến đây”.

Vua lại hỏi:

– Nếu như thế, ai đã khiến nàng học nghề này?

Thiếu nữ nói:

– Các Phu nhân và Cung nữ bảo thiếp học nghề này.

Nhà Vua ra lệnh:

– Từ nay về sau, nàng chớ làm nghề này nữa.

Vua liền lập nàng làm đệ nhất Phu nhân, nhà Vua cùng nàng sống hạnh phúc. Một thời gian sau nàng mang thai, rồi sinh nở an ổn vui vẻ, không ưu phiền, nên qua bẩy ngày sau đặt tên là Asoka, nghĩa là Vô Ưu A Dục.

A Dục có thân hình thô kệch, mặt mũi đen xấu, Vua cha không muốn đến gần bồng bế; sau lại sinh thêm một trai nữa đặt tên là Ly Ưu. Nhiều lần nhà Vua tỏ ra không thương yêu A Dục, nên có lần A Dục than với mẹ rằng: “Vua cha chẳng nghĩ gì đến con, và cũng chẳng muốn nhìn thấy mặt con!”

Khi A Dục trưởng thành, nước Đức Xoa Thi La láng giềng làm phản, Vua Tần Đầu Ba La bảo A Dục:

– Con hãy đem binh đi bình phạt nước Đức Xoa Thi La đang làm phản, con phải ráng chu toàn nhiệm vụ do ta trao phó.

Khi A Dục khởi quân ra đi, Vua cho quân binh chẳng có bao nhiêu, những người đi theo thưa với A Dục:

– Ngày nay đi bình phạt nước kia, mà binh tốt quá ít làm sao dẹp yên được?

A Dục nói:

– Nếu chúng ta sẽ thắng trận, thì tự nhiên binh giáp đến phù trợ.

Ứng theo lời nói của A Dục, có nhiều nhóm từ người dân tổ chức đến xin nhập đoàn quân của Vương tử A Dục để đi đánh nước làm phản.

Bấy giờ A Dục dẫn đoàn quân đông đảo, hùng mạnh lên đường đi chinh phạt nước kia.

Khi gần tới nước kia, thanh thế Vương tử lớn mạnh như vũ bão, làm cho binh lính của nước kia sợ hãi mà chạy trốn hết, không phải đánh mà tự nhiên thắng.

Người dân nước kia nghe A Dục đến, liền dọn dẹp thành quách đón tiếp Vương tử và nói:

– Dân chúng tôi không phản lại Đại Vương và Vương tử, nhưng bọn quan lại làm hại chúng tôi, nên chúng tôi mới trái nghịch, mong Vương tử tha tội cho.

Sau khi bình định xong, Vương tử A Dục kéo quân chiến thắng trở về.

Một hôm Vương tử Tu sư Ma là con Phu nhân trước, lớn tuổi hơn A Dục, gặp một vị Đại thần, vị này không chào theo đúng lễ nghi.

Vương tử Tu sư Ma sai tùy tùng đánh đập, vị Đại thần ấy nghĩ:

Vương tử này hách dịch qúa mức, chưa được ngôi Vua mà cách xử sự như thế, nếu được làm Vua thì chịu sao nổi; lại nghe Vương tử A Dục được lòng thiên hạ, được lòng qúy mến của các Đại thần, họ sẽ cùng nhau lập A Dục lên làm Vua mà thôi”.

Mấy năm sau, nước Đức Xoa Thi La lại làm phản, các quan cùng nhau bàn luận và đề nghị Vương tử Tu sư Ma đi dẹp loạn. Tu sư Ma bằng lòng, liền đem quân đi đến nước kia, nhưng không hàng phục được, mà lại bị thua trận. Lúc ấy Vua Tần Đầu Ba La bệnh nặng, nên bảo các quan:

– Nay ta muốn lập Tu sư Ma làm Vua nối nghiệp, các quan nên sai A Dục đi đến nước kia thay cho Tu sư Ma trở về làm Vua.

Các quan Đại thần muốn lập A Dục làm Vua, nên tâu:

– Đại Vương nên lập A Dục làm Vua, vì nay đã cấp bách rồi, chúng hạ thần từ từ sẽ lập Tu sư Ma làm Vua sau.

Vua nghe những lời ấy không vui, và lo lắng buồn bực, im lặng không đáp. Lúc ấy A Dục suy nghĩ và nói thầm: “Nếu ta xứng đáng được ngôi Vua, Chư Thiên tự nhiên tưới nước cam lồ trên đầu ta, rải hoa trắng trên đầu ta”.

Ứng theo tiếng nói thầm của A Dục, tự nhiên có nước chảy và hoa rơi trên đầu A Dục. Vua cha trông thấy cảnh tượng ấy thì ngạc nhiên, liền từ trần.

MỤC 2: A DỤC LÊN NGÔI VUA:

A Dục lo việc tang lễ cho Vua cha theo đúng lễ nghi Vương triều, xong A Dục kế vị ngôi Vua, phong cho A Nâu Lâu Đà làm Tể tướng Đại Thần.

Vương tử Tu sư Ma nghe tin Vua cha qua đời, các quan đã lập A Dục làm Vua, sinh lòng bất bình, bèn kéo quân binh về đánh A Dục.

Hai cửa trong bốn cửa thành, Vua A Dục có đặt hai lực sĩ, cửa thứ ba đặt một Đại thần, tự mình giữ cửa Đông.

Đại Thần A Nậu Lâu Đà cho làm một con voi máy bằng gỗ, và cho đẽo tượng A Dục cưỡi voi máy đặt ngoài cửa Đông; lại cho làm hầm lửa không khói, lấy vật, đất phủ kín lên. Khi Tu sư Ma kéo quân đến gặp ngay cửa của Đại thần, nên A Nậu Lâu Đà nói:

– Vương tử muốn làm Vua, A Dục đang ở cửa Đông, Vương tử đến đó đánh thắng được ông ấy thì tự nhiên được làm Vua.

Nghe lời nói ấy, Tu sư Ma liền phóng ngựa kéo quân qua cửa Đông, vì không biết để đề phòng, nên cả người ngựa bị rớt xuống hầm lửa mà chết. Vua A Dục đem chính pháp trị dân, sau ít ngày một số quần thần cậy vào thế đã đưa A Dục lên ngôi Vua, nên tỏ vẻ khinh mạn, coi thường, không tuân theo lễ nghi vua tôi. Vua thấy một số các quan khinh lờn mình, bèn bảo những người quan ấy:

– Các ông hãy chặt cây hoa trái trồng cây gai góc.

Các quan ấy đáp:

– Chúng tôi chưa từng thấy nghe dẹp bỏ cây hoa trái và trồng cây có gai góc, mà chỉ nghe dẹp bỏ cây gai góc và trồng cây hoa trái mà thôi.

Vua ra lệnh ba lần như thế, những quan ấy vẫn không làm theo lệnh, bấy giờ Vua A Dục tức giận liền lấy gươm giết chết những người quan ấy.

Một bữa nọ, Vua cùng các cung tần mỹ nữ đến vườn Thượng uyển chơi đùa, Vua thấy cây Vô Ưu trổ đầy hoa, Vua nghĩ hoa này có tên cùng với mình, nên lấy làm vui thích ngắm nghía hồi lâu. Vì Vua có thân hình mặt mũi đen đủi xấu xí, da dẻ sần sùi, các cung tần mỹ nữ không yêu mến mà sợ hãi và chán ghét, nên dùng tay bẻ gãy nát cây Vô Ưu. Khi Vua ngủ trưa thức dậy thấy cây Vô Ưu trơ trụi, hoa lá cành nằm ngổn ngang trên mặt đất thì nổi giận, bắt cung tần mỹ nữ trói lại rồi đốt chết hết!

Vì Vua làm điều bạo ác, nên người đời gọi là Vua A Dục bạo ác, được ít ngày sau, Đại thần A Nậu Lâu Đà tâu:

– Vua không nên làm những điều đó, sao lại tự tay giết các quan và đốt các cung tần mỹ nữ như thế; Đại Vương nên lập ra một tên đao phủ, ai có tội đáng chết thì giao cho người ấy hành xử.

Nghe theo Đại thần, Vua liền tuyên bố lập người đao phủ. Bấy giờ trong nước có con người thợ dệt tên là Kỳ Lê có tiếng đồn là người hung dữ, giết người không gớm tay, Vua sai người đi đến tìm Kỳ Lê dẫn về gặp Vua. Sứ giả đến bảo hắn: “Vua cần ngươi làm đao phủ, ngươi có nhận làm không?”

Kỳ Lê hăng hái nhận lời làm đao phủ, sứ giả bảo hắn đi đến kinh thành gặp Vua, hắn nói:

– Ông hãy chờ tôi một chút.

Rồi Kỳ Lê đi gặp cha mẹ, nói đầy đủ sự việc là Vua cần người làm đao phủ và hắn muốn làm việc ấy, cha mẹ hắn khuyên can hắn không nên làm việc ấy, hắn nói rất thích làm việc ấy. Cha mẹ hắn khuyên ba lần như thế, hắn sinh tâm bất nhân giết chết cha mẹ mình.

Sau đó KỳLê gặp sứ giả để cùng đi gặp Vua, khi ấy sứ giả hỏi:

– Sao lâu thế, làm gì mà lâu thế?

Kỳ Lê thuật lại đầu đuôi sự việc giết cha mẹ hắn, sứ giả đem sự việc này tâu lại với Vua. Khi gặp mặt, Vua ra lệnh cho hắn rằng:

– Có tội phạm tội đáng chết ta giao cho, ngươi phải biết đấy.

Đao phủ Kỳ Lê tâu Vua:

– Xin Ngài cho người làm nhà cho tôi để có chỗ ở.

Vua chấp thuận xây cất nhà cửa phòng ốc cho Kỳ Lê rất rộng rãi, nhưng chỉ có một cửa, khi ấy Kỳ Lê tâu Vua:

– Bây giờ xin Vua một điều là nếu người nào vào nhà ấy rồi thì không được ra.

Vua trả lời:

– Ta chấp thuận lời xin của ngươi.

Một hôm, Kỳ Lê đi vào Chùa gần đó, hắn nghe các thầy Tỳ kheo nói về cảnh giới Địa ngục.

Kỳ Lê nghe nói tội nhân ở Địa ngục bị các cực hình tra tấn, hắn bèn lập chỗ ở của hắn bằng những cách trị tội cũng giống như vậy để hành quyết tội nhân mà Vua trao cho.

MỤC 3: NGƯỜI TU HÀNH DŨNG MÃNH ĐẠT CÔNG NĂNG SIÊU VIỆT:

Thời ấy có một cặp vợ chồng, có một đứa con tên là Hải, gia đình này sống trên biển hơn mười năm, tìm kiếm thu nhặt ngọc trai, rồi trở về quê hương, dọc đường họ bị giết chết và cướp hết của cải. Người con thoát khỏi, thấy cha mẹ bị giết chết, lại mất hết của cải nên sinh ra chán cái thế gian khổ sở, bèn xuất gia tu đạo, rồi trở về quê hương. Trên đường du hành về quê, qua nước Ba liên Phất, vào thành khất thực, rủi đi lầm vào nhà tên đao phủ!

Thầy Tỳ kheo tên Hải nhìn thấy trong nhà nào là lò than, vạc dầu, nào là dây xiềng xích, chầy cối lớn, giường đinh sắt v.v…, tất cả giống như dụng cụ được diễn tả trong Kinh để Qủy sứ hành hạ tội nhân nơi cõi Địa ngục. Thầy Tỳ kheo Hải sợ hãi, liền muốn quay ra, nhưng ngay lúc ấy đao phủ Kỳ Lê liền từ trong phóng tới nắm lấy mà nói rằng:

– Ai đã vào đây rồi sẽ không được ra, đó là lệnh của Vua, bây giờ ông phải chết ở đây thôi.

Khi hắn trông thấy nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt còn trẻ của thầy Tỳ kheo, thì hỏi:

– Tại sao ông lại khóc như trẻ con vậy, bộ ông sợ chết sao?

Thầy Tỳ kheo Hải đáp:

– Tôi chỉ vì mong cầu giải thoát chưa toại nguyện, mà được làm thân người khó lắm nên tôi tiếc mà khóc. Xin ông hãy cho tôi sống thêm thời gian ngắn là một tháng, để tôi cố tinh tấn tu hành, may ra giải thoát khỏi cảnh khổ trần gian.

Đao phủ Kỳ Lê không chấp thuận, cứ như thế số ngày xin trì hoãn bớt dần xuống còn có bảy ngày hắn mới bằng lòng. Thầy Tỳ kheo Hải biết sắp phải chết nên dũng mãnh tu hành, nhất tâm tọa thiền, nhưng gần hết bẩy ngày rồi mà đường đạo còn mờ mịt!

Đến ngày thứ bảy có Cung nữ phạm tội được dẫn tới, tên đao phủ đem cô gái trói lại rồi bỏ vào cối đá, dùng chầy giã nát thịt tan xương, cô gái chỉ thét lên được một tiếng. Thầy Tỳ kheo thấy việc khủng khiếp như thế nên chán nản vô cùng, cảm thấy ghét bỏ thân mình và than: “Ôi! khổ biết dường nào cho kiếp sống con người, ôi khổ thay! Chốc nữa đây ta cũng như vậy! Không bao lâu nữa ta cũng như vậy! Ôi bậc thầy đại Bi diễn nói đại chính pháp, thân này như bọt nước, sắc gái trẻ như măng non, đẹp như gấm vóc trước đây nay còn đâu nữa. Sinh tử rất đáng bỏ như chiếc áo rách, thân này đáng bỏ, chẳng phải của ta, chẳng có ta. v.v…”

Rồi thầy Tỳ kheo Hải lại dũng mãnh hành trì thiền định vào những giây phút chót của cuộc đời… Cho đến khi tên đao phủ tới nói với thầy Tỳ kheo:

– Kỳ hạn bảy ngày đã hết, ông nên biết bây giờ đến lượt ông phải chết.

Thầy Tỳ kheo Hải nói kệ đáp:

Tâm tôi được giải thoát,

Mặt trời tuệ đã hiện,

Nay thân hình ta đây,

Muốn làm gì mặc ý,

Lúc bấy giờ tên đao phủ bắt thầy Tỳ kheo trói chân tay gò tròn người lại, bỏ vào trong vạc dầu, đậy nắp vạc, rồi đốt củi phiá dưới cháy bùng dữ dội hồi lâu.

Bỗng nắp vạc tung ra, hắn thấy thầy Tỳ kheo ngồi trên hoa sen giữa vạc dầu đang sôi; vô cùng ngạc nhiên, lạ lùng, hắn vội vàng chạy đến tâu Vua sự việc xẩy ra.

MỤC 4: NHÂN DUYÊN CỦA VUA  A DỤC ĐỐI VỚI PHẬT PHÁP:

Sau khi được đao phủ Xà Lê trình sự việc, Vua A Dục vội cùng tùy tùng đến xem xét việc xẩy ra. Khi Vua vừa đến, thầy Tỳ kheo Hải liền từ giữa vạc dầu phóng thân lên lơ lửng trong không như nhạn chúa, phô bày các thứ biến hóa. Khi Vua trông thấy thầy Tỳ kheo biến hóa như thế, liền chắp tay vái thầy mà nói:

– Xin Ngài cho biết đã tu tập những gì mà được pháp thắng diệu như thế, nếu tôi hiểu được rồi, tôi sẽ xin làm đệ tử của Ngài và sẽ không hối tiếc.

Thầy Tỳ kheo Hải hướng về nhà Vua mà nói kệ:

Tôi là đệ tử Phật,

Trọn lià phúc ba cõi,

Trong chính pháp Như Lai,

Được lợi ích như thế.

Nói kệ xong, thầy Tỳ kheo bảo Vua:

– Phật đã xác nhận trước về Đại Vương là sau khi Phật diệt độ trên một trăm năm sau tại thành Ba liên Phất có Vua A Dục dùng chính pháp cai trị dân, lại xây tám vạn bốn nghìn Tháp Pháp Vương, và phân bố Xá Lợi Phật khắp Diêm phù Đề. Phật đã nói trước về Đại Vương như vậy, nhưng ngày nay Đại Vương lại tạo ra Địa ngục lớn này, giết hại vô số người. Bây giờ Đại Vương nên mở lòng thương xót chúng sinh, khiến mọi người được an ổn, Đại Vương nên như pháp mà tu hành như thế.

Lúc ấy vua A Dục vô cùng kính tin Phật, chắp tay làm lễ thầy Tỳ kheo Hải mà nói:

– Tôi phạm tội lớn! Nay đối trước Thầy, tôi xin sám hối, những việc làm của tôi thật không tha thứ được, nay xin được làm con Phật, xin Thầy hãy nhận sự sám hối của tôi, tôi là kẻ ngu si, nay tôi xin được quy y Phật, xin Thầy nhận cho, rồi Vua nói kệ:

Tôi nay quy y Phật,

Pháp thắng diệu vô thượng,

Chúng Tỳ kheo tôn kính,

Nay tôi xin quy mệnh.

Và tôi phải dũng mãnh,

Vâng lời Thế Tôn dạy,

Nơi Diêm phù Đề này,

Khắp dựng các Tháp Phật.

Thầy Tỳ kheo Hải độ vua A Dục xong, liền nương hư không mà hóa, biến mất. Nhà Vua thấy thế liền vái chỗ hư không ấy, rồi từ nhà ngục đi ra, đao phủ Kỳ Lê nói:

– Đại Vương chẳng được đi ra.

Vua ngạc nhiên hỏi:

– Nay ngươi muốn giết ta sao?

Đao phủ Kỳ Lê nói:

– Đúng vậy.

Vua lại hỏi:

– Ai là người đầu tiên vào ngục này?

Hắn trả lời:

– Chính tôi là người đầu tiên vào nhà ngục này.

Vua bảo hắn:

– Nếu thế thì chính ngươi phải chết trước.

Nói rồi Vua liền ra lệnh cho các người tùy tùng bắt giữ Kỳ Lê.

Vua sai phá bỏ nhà ngục, đem lại sự không sợ hãi cho mọi người, mọi người thấy thế đều vui mừng.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.