Toàn Không: Lục Tổ Huệ Năng giảng thiền – phần 2

PHẬT PHÁP

Image result for Luc Tổ Huệ Năng image

Toàn Không

Thuở ấy trước cửa Chùa Bảo Lâm có một cái đià (hồ, ao lớn), trong đó có một con Rồng thường trồi lên hụp (ngụp) xuống, làm nước chao động kinh hồn, cây rừng quanh đià xao xác nghiêng ngả; một hôm, Rồng hiện hình rất lớn, làm sóng nổi nước trào ầm ầm vang động, mây mù mờ mịt, giông gió vũ bão đùng đùng, mọi người đều sợ hãi. Lục Tổ thấy thế đến đứng trên bờ đià nạt rằng:

– Ngươi hiện hình lớn mà chẳng hiện được hình nhỏ, nếu ngươi là Thần Long thử biến hóa lớn ra nhỏ cho ta xem.

       Rồng ấy bèn hụp (lặn) xuống nước, giây lâu sau nhô lên thành hình nhỏ bay nhảy khỏi mặt đià, tung tăng qua lại.

       Thấy thế, Ngài lấy Bình bát mở ra và nói:

– Ngươi có dám chui vào Bình bát của ta không? Nếu ngươi dám thì chui vào đi.

       Rồng liền hăm hở bay nhảy tới trước mặt, Ngài liền thâu Rồng vào Bình bát, Rồng hết phương vùng vẫy mà phải nằm yên; bấy giờ sóng mới lặng, gió mới dừng; Ngài đem bình bát vào Chùa, thuyết pháp cho Rồng nghe, Rồng nghe thuyết pháp rồi cởi lốt mà đi mất. Bộ xương Rồng dài bẩy tấc đầu đuôi, sừng cẳng đều có đầy đủ, được Ngài cho lưu giữ tại Chùa Bảo Lâm; ngoài ra, Ngài còn cho lấy đá lấp cái đià ấy; sau này Chùa bị nạn binh hỏa, bộ xương Rồng thất lạc nơi nào không ai rõ. 

       Thuở ấy lúc Lục Tổ Huệ Năng hoằng pháp đốn ngộ tại Tào Khê, Hòa Thượng Thần Tú dạy đệ tử tiệm tu tại Kinh Nam ở miền Bắc, gọi là: “Nam Năng Bắc Tú, Nam Đốn Bắc Tiệm” hai Tông khác nhau.

       Huệ Năng Đại Sư bảo đại chúng rằng: “Pháp môn vốn một Tông, người có Nam Bắc, pháp chỉ có một thứ, nhưng sự thấy có nhanh chậm; pháp chẳng có đốn tiệm, theo căn tính con ngườI thì có lợi độn nên mới gọi đốn tiệm”.

       Bấy giờ tại miền Bắc vì không có duyên với ngài Huệ Năng, nên trước đã có nhiều người đuổi theo tranh giành Áo Bát, và thậm chí đốt rừng núi muốn giết Ngài. Nay mặc dù Ngài ở tại mãi miền Nam, nhưng họ vẫn còn tỏ ra khinh chê miệt thị Ngài là “người vô học chẳng biết một chữ thì có gì là hay đâu”; bởi vì đồ chúng toàn là phàm phu tục tử, cho dù họ có tu hành đi nữa, nhưng họ vẫn còn cái tâm phàm phu chủ động nên mới thốt ra những lời si mê đầy tà kiến như thế.

       Hòa Thượng Thần Tú là người biết mình biết người, nên thường nói với đại chúng: “Lục Tổ đắc Vô Sư Trí (tự có trí tuệ mà không cần thầy giảng dạy), triệt ngộ Pháp Tối Thượng Thừa, ta chẳng bằng được; vả lại được Thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền Áo Pháp, đâu phải khi không mà được; ta tiếc chẳng đi xa được để thân cận, uổng chịu Quốc ân (ơn Vua), các vị chớ nên kẹt ở nơi đây mà nên đi đến Tào Khê tham học”.

       Một hôm Hòa Thượng Thần Tú bảo môn đồ thân tín là Chí Thành: “Thầy thông minh có trí, hãy thay ta đến Tào Khê nghe Pháp, tận tâm ghi nhớ các điều thấy nghe, rồi về lập lại cho ta biết”..

       Vâng lời thầy, Chí Thành bèn đến Tào Khê, theo chúng tham học mà chẳng nói từ nơi nào đến. Một hôm Lục Tổ nói với đại chúng:

– Hiện nay có kẻ trộm Pháp đang ở trong hội này.

       Bấy giờ thầy Tăng Chí Thành bước ra lễ bái và trình nguyên do. Lục Tổ nói:

– Người của Chùa Ngọc Tuyền đến mà không nói trước tức là mật thám vậy.

– Thưa Hòa Thượng, chẳng phải vậy.

– Sao chẳng phải vậy?

– Lúc chưa nói ra là như thế, nói ra rồi chẳng phải vậy.

       Đại Sư hỏi:

– Thầy ông dạy chúng như thế nào?

– Thầy tôi thường dạy đại chúng “trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi chẳng nằm”.

       Ngài nói:

– Trụ tâm quán tịnh là bệnh chứ chẳng phải thiền, ngồi mãi là trói thân, với đạo lý có ích chi đâu, hãy nghe ta nói kệ: 

Lúc sống ngồi chẳng nằm,

Chết rồi nằm chẳng ngồi,

Thật đống xương thịt thối,

Đâu lập được công phu. 

       Thầy Chí Thành làm lễ mà thưa:

– Kẻ đệ tử này theo học với Tú Hòa Thượng, học đạo đã chín năm mà chẳng được sáng tỏ, nay nghe Hòa Thượng nói mới một lần liền tỏ sáng bản tâm; nay sự sống chết là việc lớn, con xin Hòa Thượng mở lòng từ bi chỉ dạy.

       Ngài Huệ Năng nói:

– Ta nghe thầy ông dạy người học Pháp Giới Định Huệ, chẳng hay thầy ông nói cái hạnh tướng của Giới Định Huệ như thế nào?

       Thầy Chí Thành thưa:

– Thần Tú Hòa Thượng nói: “Những điều ác chớ làm là Giới, ý căn tự trong sạch là Định, các điều lành vâng làm gọi là Huệ”, còn Hòa Thượng lấy Pháp gì dạy người?

– Nếu nói rằng có Pháp để dạy người đó là dối ông, ta chỉ tùy căn cơ để mở trói, phương tiện ấy giả gọi là “tam muội”; cứ như chỗ thầy ông nói về Giới Định Huệ thật không nghĩ bàn được, chỗ ta nói về Giới Định Huệ lại khác.

       Thầy Chí Thành thắc mắc hỏi:

– Giới Định Huệ chỉ có một sao lại có khác?

– Giới Định Huệ của thầy ông độ người Đại thừa, Giới Định Huệ của ta tiếp người Tối Thượng thừa, chỗ ngộ giải chẳng đồng, sự thấy có nhanh chậm. Ta thuyết pháp chẳng lià tự tính, lià tính mà thuyết pháp khiến cho tự tính thường mê, ấy là tướng thuyết. Nên biết tất cả các pháp đều từ tự tính khởi dụng, ấy là Chân pháp của Giới Định Huệ; hãy nghe ta nói kệ: 

Tâm địa chẳng quấy, tính mình Giới,

Tâm địa chẳng si, tính mình Huệ,

Tâm địa chẳng loạn, tính mình Định,

Không thêm không bớt, tính mình Kim cương,

Thân tới thân lui, vốn là tam muội.

       Chí Thành nghe rồi cảm tạ Ngài và trình kệ: 

Năm uẩn thân này huyển,

Huyển đâu có cứu cánh,

Trở về tính Chân như,

Chấp pháp vẫn chẳng tịnh.

       Ngài cho là phải, và bảo:

– Nếu ngộ được tự tính, chẳng lập Bồ đề, cũng chẳng lập giải thoát tri kiến, chẳng có một pháp để đắc, như thế mới được kiến lập vạn pháp. Người kiến tính lập cũng được mà chẳng lập cũng được, đi lại tự do, chẳng trệ (trì trệ) chẳng ngại (trở ngại), cần dùng liền làm, cần nói liền đáp, khắp hiện hóa thân, chẳng lià tự tính, tức được thần thông tự tại.

       Thầy Chí Thành sau khi nghe Ngài dạy, lễ bái và xin nguyện được làm thị giả theo hầu Ngài sớm chiều từ đấy.

Từ khi có hai Tông phái khác nhau, hai vị Tông chủ tuy không phân biệt chê bai, nhưng đồ chúng lại sinh lòng cạnh tranh ưa ghét; nhất là môn đồ Bắc Tông, họ đã tự lập Hòa Thượng Thần Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng lại sợ người đời biết được sự truyền Áo Bát của Ngũ Tổ, nên sai Hành Xương đi ám sát Lục Tổ Huệ Năng.

       Hành Xương là người Giang Tây, họ Trương, còn trẻ có tính thành thật và can đảm; Ngài Huệ Năng vì đã kiến tánh giác ngộ rồi nên có đủ sáu thứ thần thông, nên Ngài biết việc ấy, bèn lấy mười lạng vàng để sẵn nơi chỗ ngồi.

       Một hôm, đang lúc đêm khuya Hành Xương vào phòng của Ngài để mưu việc ám sát. Ngài ngồi yên lặng như đang thiền định, Hành Xương cầm kiếm sắc chém vào cổ Ngài ba lần, rõ ràng Hành Xương chém trúng cổ, mà sao đầu không rơi, tại sao như chém trong không khí? Hành Xương còn đang thắc mắc, đột nhiên Ngài cất tiếng ôn tồn bảo:

– Gươm chánh không dùng vào việc tà, gươm tà không dùng được vào việc chính; ta chỉ thiếu ngươi vàng chứ chẳng thiếu ngươi mạng.

       Hành Xương hoảng kinh, mất hết hồn viá, ngã lăn ra chết giấc, một hồi lâu mới tỉnh lại. Hành Xương vội quỳ gối dưới chân Ngài cầu khẩn ăn năn tội lỗi việc đã làm vì dại dột nghe theo người khác sai khiến, và xin được chấp thuận cho xuất gia theo Ngài. Ngài lấy vàng đưa cho và nói:

– Ngươi hãy đi đi, e đồ chúng hại ngươi, một ngày kia ngươi hãy đổi dạng rồi đến đây ta sẽ nhận lời và độ ngươi.

       Hành Xương vâng lời Ngài dạy, rồi trốn đi, sau Hành Xương xuất gia và tu hành rất tinh tấn; trải qua nhiều năm, Hành Xương nhớ tới lời Ngài dạy, từ phương xa đến làm lễ ra mắt Ngài, Ngài nói:

– Ta có lòng nhớ ngươi đã lâu, sao ngươi tới muộn thế?

       Thầy Hành Xương thưa:

– Ngày xưa nhờ ơn Hòa Thượng tha tội, nay tuy xuất gia tu khổ hạnh, nhưng sau này con khó trả được cái ân đức ấy, chỉ mong Tổ Sư truyền Pháp để độ chúng sinh mà thôi.

       Nhân trước đó thầy Hành Xương thường đọc tụng Kinh Niết Bàn mà không hiểu cái nghĩa vô thường và hữu thường trong Kinh, nay mang ra hỏi, Ngài giảng một hồi, Hành Xương hốt nhiên tỏ sáng, liền nói kệ trình Ngài: 

Người chấp vô thường tính,

Phật nói hữu thường tâm,

Chẳng dè phương tiện Pháp,

Như mò sỏi tưởng vàng.

Nay ta chẳng tác ý,

Phật tính hiện rõ ràng,

Chẳng nhờ sự chỉ giáo,

Không đắc đạo cao thâm.

         Lục Tổ nói:

– Nay ngươi đã thông triệt thấu suốt, nên ta đổi tên cho là Chí Triệt.

       Thầy Chí Triệt: lễ tạ ơn Tổ Sư, rồi lui ra trong lòng hoan hỷ.

       Về sau, tới đời Hoàng Đế Trung Tôn và Hoàng Thái Hậu Võ tắc Thiên của nhà Đường, có lời chiếu thỉnh An Quốc Sư và Thần Tú Đại Sư vào cung để cúng dàng nhân lúc rảnh rang quốc chính, và để nghiên cứu đạo Nhất Thừa (Phật-Đạo); nhưng hai vị dâng sớ tâu rằng: “Ở miền Nam có Huệ Năng Đại Sư được mật thọ Áo Pháp của Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn Đại Sư, ấy là người truyền tâm ấn của Phật; vậy nên thỉnh Đại Sư Huệ Năng mà hỏi Đạo thì có nhiều lợi ích hơn”.

       Vì lẽ đó, hai cung sai Nội Thị là Tiết Giản đem chiếu chỉ đến Tào Khê xin Lục Tổ niệm tình đến Kinh thành, Ngài dâng sớ cáo bệnh và già để khước từ, và nguyện trọn đời ở chốn rừng non. Thấy Ngài khước từ về Kinh, nên Tiết Giản thưa:

– Ở Kinh đô các vị Thiền đức đều nói rằng: “Muốn ngộ đại Đạo tất phải ngồi thiền nhập định, nếu chẳng nhờ thiền định mà được giải thoát, điều ấy chưa từng có”, chẳng biết chỗ Hoà Thượng nói pháp như thế nào?

       Ngài nói:

– Đạo do tâm mà ngộ tỏ sáng, đâu phải do ngồi, Kinh nói: “Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm ấy là tà đạo”, tại sao? Bởi vì Như Lai không có chỗ nào lại, mà cũng chẳng có chỗ nào đi, không sinh không diệt, ấy là tính Như Lai thanh tịnh thiền; các pháp đều vắng lặng trống không, ấy là Như Lai thanh tịnh tọa; đó là cứu cánh rốt ráo, không có gì là chứng đắc, cũng chẳng chấp chỗ chứng đắc hay không chứng đắc, huống chi là ngồi.

       Nội Thị Tiết Giản thưa:

– Đệ tử về Kinh, Chúa Thượng ắt hỏi, xin Tổ Sư từ bi dạy chỗ yếu chỉ về tâm tính, đặng truyền tấu lại hai Cung cùng các vị học đạo trong Kinh đô. Tỉ như một ngọn đèn châm qua trăm ngọn đèn, các chỗ tối đều sáng, sáng sáng không cùng.

       Lục Tổ nói:

– Cái Đạo không sáng tối, sáng tối là cái nghĩa đối đãi nhau mà lập tên, sáng sáng không cùng cũng là có cùng, cho nên Kinh Tịnh Danh nói: “Cái Pháp không có chi tỉ dụ, cũng không có gì so sánh được”.

       Tiết Giản lại thưa:

– Sáng tỉ như trí tuệ, tối tỉ như phiền não, người tu hành nếu không lấy trí tuệ mà chiếu soi phiền não, thì nhờ đâu mà ra khỏi chỗ vô thỉ sinh tử?

– Phiền não tức Bồ đề, chẳng phải hai chẳng phải khác; lấy trí tuệ mà chiếu phá phiền não là chỗ hiểu và làm của hàng Nhị thừa, là cái căn cơ của bậc Thanh văn Duyên giác, bậc đại trí thượng căn chẳng phải như vậy.

– Thế nào là chỗ hiểu và làm của bậc Đại thừa?

– Sáng với chẳng sáng, phàm phu thấy có hai, người trí liễu đạt, tính ấy không hai, tính không hai tức là Thật tính. Thật tính ở nơi phàm không bớt, ở nơi thánh không thêm, trụ nơi phiền não mà chẳng loạn, ngay nơi thiền  định mà chẳng tịch lặng, không đoạn chẳng thường, không đi chẳng đến, không sinh chẳng diệt, Tánh Tướng như như thường trụ chẳng biến đổi, ấy gọi là Đạo.

       Tiết Giản hỏi:

– Hoà Thượng nói không sinh chẳng diệt, vậy đâu có khác ngoại đạo?

       Ngài giảng rằng:

– Ngoại đạo nói không sinh chẳng diệt là dùng diệt để dẹp sinh, dùng sinh để tỏ diệt, nhưng sinh mà nói không sinh và diệt mà cũng như chẳng diệt; còn ta nói không sinh chẳng diệt nghĩa là cái tính bản lai xưa vốn không sinh nay cũng chẳng diệt. Nếu ông muốn biết chỗ yếu chỉ của tâm thì đừng nên suy tính nghĩ tưởng đến hết thẩy các điều thiện ác, như thế tự nhiên được vào cái TÂM THỂ trong sạch, phẳng bằng vắng lặng, linh diệu vô cùng.

       Tiết Giản nhờ sự chỉ dạy, tâm tính hoát nhiên rất tỏ sáng, bèn làm lễ Lục Tổ rồi từ giã về Kinh đô dâng biểu tấu lời Ngài giảng.

       Cùng năm ấy có chiếu của Vua dụ rằng:

– Đại Sư đã cáo từ bởi già bệnh, vậy hãy vì Trẫm hành đạo độ thoát chúng sanh; Đại Sư cũng như ngài Duy ma Cật, mặc dù bệnh ở tại Tì da Li siển dương Đại thừa, truyền tâm ấn của chư Phật và nói Pháp chẳng hai. Tiết Giản có truyền lại chỗ Đại Sư chỉ dạy về Tri kiến Phật. Cũng là do Trẫm tích tụ phúc đức, kiếp trước đã gieo trồng thiện căn nên mới được gặp Đại Sư ra đời cùng thời mà được tỏ rõ Pháp Tối Thượng Thừa đốn ngộ; Trẫm ra lệnh cho quan Thứ Sử Triều Châu sửa lại Chùa tự và sắc phong Chùa cũ của Đại Sư, hiệu là Quốc Ân Tự.

Leave a Reply

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.